John Locke (1632-1704)
John Locke (1632-1704)
Tiếp theo hãy đến với John Locke. Ông là một học giả quan trọng của châu âu thời kỳ khai sáng. Là 1 học giả tiêu biểu về khế ước xã hội. Đặc biệt, ông được coi là người khai sinh ra chủ nghĩa tự do. Những nghiên cứu của ông ảnh hưởng lớn tới sự hình thành nước Mỹ.
Ông cũng đồng ý với những quan điểm về TTTN, sự tự do và bình đẳng của nó. Hobbes thừa nhận quyền tự nhiên để rút ra luật tự nhiên. Locke làm ngược lại. Ông thừa nhận luật tự nhiên để rút ra quyền tự nhiên. Vậy ta hãy bắt đầu với luật tự nhiên trước. Theo Locke, luật tự nhiên có các đặc điểm sau:
+ Không mang tính mô tả. Luật tự nhiên khá chung chung. Không thực sự có 1 điều luật nào chỉ ra rằng chúng ta thực sự phải làm gì. Nhưng nó là thứ luật đạo đức mang tính quy phạm - luật khuyên con người nên làm gì.
+ Không phụ thuộc vào luật dân sự (luật do nhà nước ban hành) hay khế ước xã hội.
+ Con người có thể hiểu được bằng cách sử dụng lý tính (suy luận).
+ Phản ánh ý chí của Thượng Đế - chúng được tiết lộ thông qua kinh thánh cũng như ý chí của con người.
+ Mang tính phổ quát - chúng áp dụng cho mọi người, mọi thời đại.
Sự biện minh cho sự tồn tại của luật tự nhiên là do Thượng Đế viết ra. Ông thừa nhận để nó tồn tại. Tiếp, Locke cho rằng con người là là tạo vật của Thượng Đế, nên con người có thể tồn tại bao lâu ngài muốn (người ta muốn diễn giải bao lâu chả được <(") ). Đây tiếp tục là một yêu sách thần học do Locke tạo ra, nó rất quan trọng trong lý luận của ông. Mục đích để diễn giải một điều luật của luật tự nhiên, gọi là luật nền tảng:
"...theo luật nền tảng của tự nhiên, con người phải được bảo vệ tới mức tối đa có thể… 
...luật tự nhiên nền tảng thứ nhất, luật sẽ chi phối việc lập pháp, là bảo tồn xã hội, và mọi thành viên của nó”.
Như vậy luật nền tảng này là căn bản nhất, để tiếp tục diễn giải các điều luật khác của luật tự nhiên. Ví dụ như con người cần phải được bảo vệ tối đa (cộng với việc con người cần một số thứ để sinh tồn), dẫn tới con người có quyền tự nhiên để tiếp cận những thứ cần thiết cho sự sống của mình. Đó là lý luận biện minh cho quyền tự nhiên. Hay một cái khác, vì luật quy định con người phải được bảo vệ, vì thế con người không có quyền tự làm tổn thương mình, đã không có thì không thể trao quyền này cho một cá nhân hay chính quyền nào khác.
Tôi cảm thấy được, có một hình ảnh chúa trời hiện lên không giống như những gì tôi từng tưởng tượng. Không phải 1 đấng toàn năng. Không phải 1 đấng thánh thiện, thương người vô hạn, đến cái mức có những lúc người ta phải tự hỏi: "khi…thì chúa ở đâu". Đơn giản đó là một lý do để xây đang tính chính đáng cho những điều lẽ phải. 1 Thượng Đế gần gũi nhưng không hề mất đi tính thiêng liêng.
Túm lại, tôi sẽ giải thích lại luật tự nhiên theo Locke 1 cách dễ hiểu hơn. Luật tự nhiên tồn tại, ngay cả khi không có ai miêu tả, quy định nó. Nó luôn tồn tại. Và nó luôn đúng. Nó là hiện thân, là kim chỉ nam cho lẽ phải. Con người phải tìm ra nó. Ví dụ 2 người cùng bỏ ra X công để làm một việc. Cưa đôi tiền thưởng là công bằng. Việc cưa đôi này chính là theo luật tự nhiên. Vì sao điều này là luật tự nhiên. Vì nó là giải pháp "có vẻ" công bằng nhất, nó rất dễ hiểu, dễ thừa nhận. Và giả sử chưa có luật nào mô tả cùng bỏ ra số công bằng nhau thì tiền thưởng bằng nhau cả, thì giải pháp này vẫn tồn tại. Chỉ là chưa ai nhận ra giải pháp này.
Như đã thấy, luật tự nhiên ban cho con người một số quyền. Tuy nhiên, đi kèm với đó là các bổn phận. Locke không coi con người là sinh vật vị kỷ luôn chỉ nghĩ đến bản thân như Hobbes. Locke tin rằng trong TTTN con người vẫn có đạo đức. Con người có thể tự mình có những hành vi tốt hướng tới cộng đồng hay cá nhân khác mà không cần phải có ai đó ép buộc (có thể có, dù không phải lúc nào cũng thế). Thế nên, con người theo Locke vẫn có thể nhận thức và thực hiện cái bổn phận kia(với logic của Hobbes thì ko).
Các quyền và bổn phận sinh ra từ luật tự nhiên, vì vậy nó có trước khi hình thành xã hội dân sự hay nhà nước. Và sự tồn tại của nó cũng không phụ thuộc và những thứ này. Về các quyền, tất cả đều không thể sửa đổi; không thể bị tước bỏ bởi ai khác, trừ khi chính chủ tự trao cho người khác (trừ quyền tự nhiên). Quyền tự nhiên là quyền cơ bản, thiêng liêng nhất, gắn liền với mỗi cá nhân nên nó không thể tách rời với cá nhân đó.
Các quyền này không giống với quyền tự nhiên của Hobbes. Các quyền sinh ra từ luật tự nhiên có nhiều, quyền tự nhiên chỉ là 1 phần trong đó, không phải tất cả đều là quyền tự nhiên. Các quyền này không hề không có giới hạn như của Hobbes. Vì các quyền được lấy từ luật tự nhiên, nên nó không thể vi phạm luật tự nhiên. Mà luật tự nhiên đảm bảo cho quyền tự nhiên của mọi người. Vậy giới hạn ở đây là làm gì thì làm không được đụng chạm đến quyền tự nhiên của người khác. Nói cách khác, vì trong TTTN con người bình đẳng nên mỗi người có bổn phận tôn trọng quyền tự nhiên của người khác. Với Locke cái thứ thích làm gì cũng được trong TTTN chỉ là sự tự do tự nhiên, không phải là quyền. Vậy nên nói luật tự nhiên bảo vệ quyền tự nhiên là hoàn toàn hợp logic, nó bảo vệ quyền tự nhiên của tất cả mà không bị mâu thuẫn.
Về quyền tự nhiên, ông mô tả nó gồm 3 thứ:
+ Quyền được sống: mọi người có quyền được sống, bảo vệ sinh mạng của bản thân.
+ Quyền tự do: mọi người có quyền làm những gì mình muốn. 
+ Quyền sở hữu "tài sản": vì con người cần những thứ để sinh tồn, nên cần phải được sở hữu nó. 
Và như đã nói, các quyền này có giới hạn, không được vi phạm đến quyền tự nhiên của người khác.
Như đã nói thứ thích làm gì tùy thích được gọi là sự tự do tự nhiên, chứ không phải quyền tự do. Locke cho rằng, con người càng tự do bao nhiêu thì càng đau khổ bấy nhiêu. Vì giới hạn của sự tự do càng lớn, nó sẽ thúc đẩy cá nhân này tiêu diệt tự do của cá nhân khác.
Bàn rõ hơn về quyền sở hữu tài sản. Tài sản ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp và rộng. Nghĩa hẹp là những thứ cần thiết để con người sống. Nghĩa rộng của nó là thêm cả sự sống và quyền tự nhiên. Đây có thể coi là tài sản đầu tiên của mỗi người. 
Cá nhân có thể sử dụng sức lao động để tạo ra tài sản. Bạn có quyền sở hữu với những tài sản mà mình bỏ ra sức lao động. Đây là cách xác định quyền sở hữu, nó khá công bằng nên dễ để thừa nhận. Tuy nhiên tài sản không phải vĩnh cửu, nó có thể bị hỏng. Vì thế, con người có thể muốn trao đổi những tài sản mình có nhưng không cần đến đổi lấy tài sản khác của người có nhu cầu trước khi nó hỏng. Không phải tài sản nào cũng xẻ ra được. Vì thế con người phát minh ra 1 phương tiện trung gian khó hỏng hóc, bền gọi là tiền.
Con người có quyền sở hữu tài sản, và vừa đủ để không lấy hết của người khác. Hãy lấy 1 ví dụ thế này. 1 người cần thức ăn để sống, vậy cần cả đất để trồng trọt lấy thức ăn. Nhưng 1 người thuê 1 người khác làm cho mình và trả tiền cho anh ta. Anh ta có thể dùng tiền mua thức ăn. Người làm thuê không cần đất mà vẫn có thể sống. Vậy nếu người chủ sở hữu đất của người làm thuê, điều này vượt quá những gì anh ta cần và xâm phạm vào lượng đất mà người làm thuê cần. Tuy nhiên người chủ vẫn trả tiền cho người làm thuê để anh ta sống. Vậy người chủ không hề xâm phạm quyền tự nhiên của anh kia. Dẫn tới, con người có thể sở hữu tài sản vô hạn mà không vi phạm luật tự nhiên.
Với sự xuất hiện của tiền, sự tương tác của con người nhiều hơn, nhiều hình thức lao động hơn xuất hiện, việc xác định đâu là công bằng, hợp lý trở nên khó xác định. Điều này khiến người ta có thể lợi dụng diễn giải sự công bằng nhưng thực chất là có lợi cho bản thân mình. Vậy nên Locke cho rằng việc sử dụng tiền là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng của con người.
** Tôi cho rằng việc tiền hay nhu cầu trao đổi của con người xuất hiện không chỉ là do sự hỏng hóc của tài sản. Sự tương tác với nhau của con người để thực hiện những mục đích phức tạp. Ví dụ: anh A có thức ăn, muốn đổi cái củi của anh B. Anh B không muốn vì có đủ thức ăn rồi. Đổi thêm ăn không hết phải bỏ đi. Anh B không có áo muốn cái áo thì đổi. Có anh C thiếu thức ăn muốn đổi thức ăn nhưng lại không có thứ anh A hay anh B cần. Vậy giải pháp là nên có một thứ gì đấy ai cũng muốn. Từ đó việc trao đổi dễ dàng hơn. Dẫn tới việc xuất hiện của 1 phương tiện trao đổi trung gian là tiền. Tôi nghĩ nó cũng là 1 nguyên nhân dẫn tới tiền xuất hiện. Tiền xuất hiện lại thúc đẩy trao đổi mạnh hơn, từ đó lại hình thành những tương tác phức tạp hơn. Là mối quan hệ 2 chiều chứ không hẳn chỉ là tiền dẫn tới mọi thứ phức tạp lên.****
Vậy, để ngăn chặn việc vi phạm luật tự nhiên, luật tự nhiên cung cấp cho con người có quyền trừng phạt. Những kẻ vi phạm có thể bị trừng phạt bởi người khác. Nhưng không được quá mức, chỉ được phù hợp so với những gì anh ta gây ra. Người trừng phạt trong trường hợp này có thể xâm phạm đến tính mạng, sự tự do hoặc tài sản của người bị trừng phạt, tuy nhiên nó là hợp lý theo luật tự nhiên nếu trừng phạt đúng mức. Vì những hành động này sinh ra nhằm ngăn chặn những hành động vi phạm luật tự nhiên, và để đòi bồi thường cho những người bị xâm phạm. Mục đích cuối cùng là để bảo về con người.
Hobbes không phân biệt trạng thái chiến tranh với TTTN. Ông coi chiến tranh là tính chất của TTTN. Locke phân biệt 2 trạng thái này. Ông nói TTCT xảy ra khi 1 người xâm phạm quyền tự nhiên của người khác. Điều này kích hoạt quyền trừng phạt của người kia. Người bị xâm phạm trừng phạt người xâm phạm. Trừng phạt đủ thì TTCT kết thúc. Cách kết thúc khác là bên bị hại tự tuyên bố kết thúc. Nếu người kia bị trừng phạt đủ xong, có cay cú trả đũa thì đấy là anh ta bắt đầu 1 TTCT tiếp theo chứ ko phải là TTCT từ trước đang tiếp diễn. Trường hợp người bị hại trừng phạt người gây hại quá mức, thì người bị hại sẽ thành người gây hại và người gây hại sẽ thành người bị hại. Anh ta đã mở một TTCT mới. Trong thực tế khi 1 người bị xâm phạm quyền tự nhiên, anh ta có thể không phản kháng. Chiến tranh thực sự không nổ ra. Nhưng rõ ràng là anh ta chịu bất công. Anh ta có động cơ và thẩm quyền để phát động 1 cuộc trả thù tại 1 thời điểm nào đó trong tương lai nên cứ coi nó là TTCT.
Trong trạng thái tự nhiên, con người vừa là thẩm phán xem xét việc làm của cá nhân khác vi phạm quyền tự nhiên của mình như thế nào, vừa là một người thực thi hành động trừng phạt kẻ đó. Tuy nhiên, luật tự nhiên ko hề có một sự chỉ dẫn rõ ràng nào, nó chỉ những quy phạm đạo đức. Người ta tự diễn giải luật tự nhiên vào các trường hợp cụ thể trong thực tế, vì vậy điều này dễ bị lợi dụng. Không phải ai cũng đủ trình độ để hiểu được vấn đề và đưa ra giải pháp. Không phải ai cũng đủ khách quan để là 1 thẩm phán vô tư không thiên vị cho bản thân. Không phải ai cũng có sức mạnh lớn hơn kẻ thù để thực hiện trừng phạt. Vì vậy Locke cho rằng trong tuy TTTN vốn là trạng thái tự do và bình đẳng nhưng nó được đặc trưng bởi sự mất tự do và bất bình đẳng, bởi những cá nhân bị xâm phạm quyền tự nhiên bởi người khác, phải phục tùng ý chí bị áp đặt. TTCT sẽ luôn xảy ra. Trong TTTN con người với các quyền trừng phạt là không đủ để ngăn chặn điều này. Vì vậy, Locke chỉ ra rằng mục đích vĩ đại mà con người tự rời bỏ trạng thái tự nhiên để tiến vào trạng thái dân sự dưới sự cai trị của 1 chính quyền để con người tránh được TTCT từ đó bảo vệ quyền tự nhiên của con người.
Nguồn tham khảo:
https://courses.lumenlearning.com/suny-hccc-worldhistory2/chapter/natural-rights/#:~:text=social contract theory.-,Thomas Hobbes' conception of natural rights extended from his conception,Hobbes sharply distinguished this natural “
http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/07/locke-tu-do-nhu-mot-quyen-tu-nhien.html?m=1
https://luatminhkhue.vn/tim-hieu-ve-tu-tuong-chinh-tri-cua-john-locke.aspx#22-trang-thai-tu-nhien