Jane-Jacques Rousseau (1712-1778)
Jane-Jacques Rousseau (1712-1778)
Rousseau có câu nói nổi tiếng: "Con người ta sinh ra trong tự do, nhưng đâu đâu cũng là xiềng xích". Tư tưởng của ông đấu tranh  cho sự tự do và bình đẳng của tầng lớp nghèo khổ. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Luận về bất bình đẳng" và "Khế ước xã hội". Tác phẩm đầu tiên là một nỗ lực khảo sát xem xem nguồn gốc của bất bình đẳng là do tự nhiên đã thế hay là một sản phẩm của con người tạo ra. Tác phẩm thứ hai đưa ra giải pháp giúp xh hướng tới sự bình đẳng thông qua khế ước xã hội.
Trước hết hãy đến với quan điểm về luật tự nhiên. Ông cũng đồng ý rằng có 1 thứ luật bất biến đã tồn tại trước khi con người và xã hội xuất hiện. Tuy nhiên khác với Locke, ông lý giải luật tự nhiên bằng cách quan sát, phỏng đoán cuộc sống của con người. Vậy con người theo Rousseau là một sản phẩm của tự nhiên, chứ không phải do thượng đế tạo ra. Ông hình dung luật tự nhiên như là "quy luật", "quy luật tự nhiên". Đây là nền tảng lý luận của ông, để từ đó lý luận các quy luật khác, hay biện giải thế nào là đúng là sai. Khác với Hobbes, bắt đầu ông lý luận quyền tự nhiên là điều hiển nhiên, từ đó biện minh luật tự nhiên là hợp lý để bảo vệ quyền tự nhiên. Hay Locke, bắt đầu với việc biện minh luật tự nhiên là chân lý do thượng đế viết, từ luật đó nghiệm ra quyền tự nhiên của con người.
Một điều khác nữa là Hobbes và Locke coi bản chất con người là bất biến. Con người có những quyền lực tự nhiên bất biến. Họ đồng ý rằng những quyền này có thể bị xâm phạm, cần được bảo vệ nên pháp luật và chính quyền sinh ra để duy trì những luật tự nhiên đó trong xã hội dân sự Rousseau không tôn vinh các quyền tự nhiên, ông cho rằng bản chất con người có thể thay đổi. Con người sẽ tha hóa, trở nên quá ích kỷ. Vậy nên ông không cho rằng việc có những quyền cá nhân bất biến sẽ hữu ích để bảo vệ sự bình đẳng và tự do của tất cả. Thay vào đó, ông muốn cải tạo luật pháp văn hóa nhằm điều chỉnh hành vi con người hướng tới lợi ích của cộng đồng. Ông muốn thông qua khế ước xã hội để xây dựng một chính quyền mà ông coi là tốt để thực hiện điều này.
Trạng thái tự nhiên: 
Hãy xem quan điểm của ông về trạng thái tự nhiên. Ở đây Rousseau có những cái nhìn rất khác biệt so với hai học giả trước. Với Hobbes ông con trạng thái tự nhiên là một nơi hỗn loạn nguy hiểm. Với Locke, con người không hẳn mất trí không phải không thể tư duy nhưng mà nhìn chung vẫn là một nơi hỗn loạn. Còn Rousseau, cuộc sống con người trong thời kỳ này màu hồng hơn nhiều. Ông tưởng tượng trạng thái tự nhiên là một nơi con người sống quanh thú vật quanh thiên nhiên thời nguyên thủy, con người thời kỳ này có bản chất cô độc, rảnh rỗi và bản năng:
+ Cô độc: trong trạng thái tự nhiên con người không sống theo bầy đàn, cộng đồng. Họ sống một mình, ăn một mình, ngủ một mình sinh hoạt một mình. Ông không coi sự cô độc này là cái gì đó không tốt hay đáng thương gì cả, mà ngược lại ở một mình thì không bị ảnh hưởng bởi ý chí của người khác. Chỉ đơn giản là thế. Cô độc là một tính chất giúp cuộc sống con người trong thời kỳ này có sự tự do to lớn.
+ Nhàn rỗi: trong trạng thái tự nhiên, con người ở một mình nên không có trách nhiệm với ai cả. Không xã hội, không bạn bè, không gia đình. Vì vậy ít thứ phải lo, ít thứ phải làm hơn con người trong xã hội. Thêm một điều kiện cho sự tự do to lớn của con người.
+ Bản năng: bản năng là khuynh hướng tự nhiên của những hành vi của con người, có tính chất bẩm sinh, không bị ảnh hưởng bởi lý trí. Trong trạng thái tự nhiên xã hội còn sơ khai cuộc sống còn đơn giản. Con người cũng suy nghĩ đơn giản, nên hành vi của con người chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi lý trí. Trong trạng thái tự nhiên cuộc sống con người có những áp lực lớn về sinh tồn như kiếm ăn, tránh thiên tai, thú vật. Cuộc sống khắc nghiệt nên bản năng của con người rất mạnh mẽ.
Amour De Soi là một bản chất quan trọng của con người. Nó có thể hiểu là sự tự "yêu" bản thân. Các hành vi của con người sẽ có xu hướng là có lợi cho bản thân. Nhưng khác với các mô tả của Hobbes, theo Rousseau Amour De Soi thúc đẩy con người thỏa mãn các nhu cầu cơ bản thiết yếu như ăn uống, quần may áo mặc, giải trí, tình dục,... Nói chung là những thứ con người thật sự cần. Tuy nhiên theo Rousseau, còn có một loại tự yêu bản thân khác đó là Amour-Propre. Rousseau cho rằng sự tự yêu này xảy ra khi con người so sánh lẫn nhau; khiến họ ghen ghét nhau, ganh đua nhau. Từ đó phát sinh những hành động vì muốn có lợi cho bản thân mình cốt chỉ để hơn thua người khác. Ông coi đây là thứ phù phiếm, cội nguồn của mọi đau khổ. Điều này chỉ xuất hiện khi xã hội xuất hiện.
Sự tự hoàn thiện là một bản chất đáng chú ý. Hoặc hiểu đơn giản là con người có ý chí tự do. Con người biết hợp tác với nhau, chia đều chiến lợi phẩm chứ không bị cơn đói làm mờ mắt mà lao vào cắn xé. Con người biết chế tạo vũ khí, công cụ để việc săn dễ dàng. Họ không bị kiểm soát hoàn toàn bởi bản năng như thú vật mà có thể tư duy để có những ngành động khôn ngoan hơn. 
Một bản chất nữa của con người cũng rất đặc trưng, đó là lòng trắc ẩn. Con người thấy đồng loại bị thương, đau ốm đói khổ, họ cảm thương với đồng loại. Khác hoàn toàn với Hobbes ở điểm này. Trong trạng thái tự nhiên của Rousseau, các mối liên hệ của con người là quá ít để xảy ra trạng thái đối đầu, thù địch thường xuyên. Thậm chí còn hơn thế, ông coi trạng thái tự nhiên thế giới còn quá rộng lớn, tài nguyên còn nhiều lại ít liên hệ với nhau vì thế ít đụng chạm lợi ích lẫn nhau, vì thế không hề có xung đột (hoặc rất ít). Sự vị tha của con người thể hiện mạnh mẽ ở thời kỳ này. Đây là quan điểm rất táo bạo, mới mẻ và rất gây tranh cãi của ông. Sự tự hoàn thiện và lòng trắc ẩn là các đặc điểm khiến con người khác thú vật chỉ hành động theo bản năng.
Với Rousseau có hai loại tự do. Một là tự do tự nhiên. Cũng giống với Hobbes và Locke, Rousseau cho rằng sự tự do trong trạng thái tự nhiên rất lớn, ý chí của cá nhân không thể bị kiểm soát bởi người khác hoặc bất kỳ luật lệ nào, thích làm gì thì làm. Thứ hai là sự tự do dân sự, sự tự do của con người ở trạng thái dân sự khi họ từ bỏ một phần tự do của bản thân để thành lập khế ước xã hội.
Tự do là bản chất con người mà có luật đầu tiên tự do là mỗi người phải được chăm lo sự tồn tại của mình những điều quan tâm đầu tiên là quan tâm đến bản thân ở tuổi lý trí con người phải tự định đoán các tiên sinh tồn của mình là do đó làm chủ lấy mình."
[1-58]
Họ được sống và làm theo bản năng của mình, không bị cản trở bởi bất kỳ luật lệ nào. Trong trạng thái đó, con người đối với mình, anh ta giống như một sự thống nhất số học, là một số nguyên tuyệt đối không bị ràng buộc bởi bất kỳ luật tự nhiên nào
[2]
Chúng ta thấy Rousseau công nhận bản chất con người là tự do. Sự tự do tự nhiên là một sự tự do rất to lớn, con người thời kỳ này hoàn toàn làm chủ bản thân. Tuy nhiên dường như ông không coi sự tự do này là tuyệt đối. Điều này khác với Locke. Hãy xem xem hai góc nhìn về sự tự do này khác nhau như thế nào.
Tôi sẽ tiếp cận bằng cách xem xét các giới hạn của sự tự do. Locke lo sợ rằng sự tự do của các cá nhân sẽ bị xâm phạm sự tự do quá lớn của các cá nhân khác và từ chính quyền. Đó có thể là hành vi cá nhân, luật pháp, định kiến, thiết chế, văn hóa, niềm tin,...nhìn chung là từ ý chí của cá nhân hay một tập thể. Còn với Rousseau, những giới hạn của sự tự do là không chỉ gồm những ý trên. Quan điểm của ông coi tất cả những thứ những việc gây cản trở, làm bất lợi đến ý chí của cá nhân là sự cản trở sự tự do bất kể là điều này xuất phát từ đâu. Hoặc sự thiếu phương tiện cho ý chí đó cũng được coi là sự kém tự do. Ví dụ như hòn đá cản đường bạn đi là hòn đá khiến bạn ít tự do hơn. Hay việc bạn kia có cái xe đạp để đi, bạn đi bộ, bạn kia có thể đi xa hơn nhanh hơn bạn, vậy là bạn kém tự do hơn. 
 Điều này có nghĩa là gì. Với tự do theo kiểu Locke, muốn bảo vệ sự tự do của mỗi người, vậy ủng hộ xu hướng tránh sự can thiệp của các ý chí khác vào cái tự do của mỗi cá nhân. Còn với quan điểm của Rousseau, việc các cá nhân đơn lẻ bị hạn chế về năng lực, thì sức mạnh cộng đồng đem đến cho họ một không gian to lớn hơn cho sự tự do. Liệu có thể kết luận, sự tự do do tập thể mang lại lớn hơn phần tự do cá nhân hy sinh để đổi lấy sức mạnh tập thể không? Khó để nói. Nhưng kiểu lập luận này có thể bị lợi dụng lấy lý do là vì một thứ tự do "lớn hơn", "đáng giá hơn", nên việc xâm phạm sự tự do cá nhân là chính đáng.
Về sự bình đẳng trong trạng thái tự nhiên. Rousseau cho rằng có sự bất bình đẳng về thể chất. Điều này là do tự nhiên. Còn lại không có các loại bất bình đẳng nào khác. Trời sinh ai  khỏe hơn thì nhiều lợi thế hơn, chứ trời không hề bảo ai cao quý, quyền lực hơn ai.
Rousseau gọi con người trong TTTN là những người "hoang dã cao quý". Bởi, ông hình dung con người trong TTTN hoang sơ nhưng bình dị, đầy lòng trắc ẩn. Còn cuộc sống trong TTTN ta thấy sự yên bình.
Xã hội sơ khởi.
Rousseau cho rằng không phải trong TTTN không có sự hợp tác. Ví dụ như 2 người hoang dã ra dấu cho nhau cùng đi săn con nai, việc 1 người không thể hoàn thành được. 2 người đang áp sát con nai thì 1 con thỏ đi ngang qua. 1 người bỏ con nai theo con thỏ. Ý ông muốn nói, các mối quan hệ trong TTTN rất ngắn ngủi, manh mún, không phải các mối quan hệ lâu dài.
Tuy nhiên sẽ đến lúc con người phải thay đổi điều đó:
Tôi giả định rằng có một lúc nào đó các trở lực gây hại cho sự sinh tồn của con người có thể lấn át sự kháng cự của từng cá nhân, lúc đó tình trạng nguyên thủy sẽ không còn nữa là người sẽ bị tiêu diệt nếu họ không thay đổi cách sống.
Những con người không thể tạo ra lực mới, mà chỉ có thể kết hợp và điều khiển những lực sẵn có; cho nên phương pháp duy nhất để con người tự bảo vệ là không phải kết hợp lại với nhau thành một lực lượng chung, điều khiển bằng một động cơ chung, khiến cho mọi người đều hành động một cách hài hòa."
[1-71]
Khi con người phải đối đầu những khó khăn hơn như thiên tai, lũ lụt; con người có nhu cầu hợp tác lớn hơn để đắp đê hay giúp đỡ lẫn nhau. Con người có nhu cầu săn bắt hiệu quả hơn vì vậy họ hợp tác với nhau. Có người này biết cách chế bẫy hay người kia biết tạo vũ khí, họ chỉ cho nhau và cùng đi săn. Họ nghĩ ra ngôn ngữ chung khiến việc giao tiếp trở nên dễ dàng. Sự hợp tác của họ dần bền vững hơn trước. Sự liên hệ thường xuyên và chặt chẽ hơn khiến bản chất cô độc của họ bị xói mòn. Họ bắt đầu sống với nhau thành gia đình. Kiếm ăn cùng nhau, nuôi con cùng nhau, sinh hoạt cùng nhau. Dần dần thành nhóm người, bộ lạc. Họ phát triển những tình cảm mới như vợ chồng, con cái, làng xóm. Họ biết nếu không kiếm ăn đủ, gia đình họ sẽ bị đói. Họ biết nếu không bảo vệ bộ lạc, tất cả họ đều không được an toàn. Họ dần dần có những suy nghĩ phức tạp hơn. Họ thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Trách nhiệm khiến sự nhàn rỗi của họ giảm đi. Ở với nhau họ dần dần biết cách cư xử, biết phân biệt phải trái. Họ thấy ăn trộm là việc xấu, giúp đỡ người khác là tốt. Những công việc, nhiệm vụ phức tạp và mới xuất hiện. Đạo đức và phong tục tập quán khiến họ xói mòn lối sống bản năng. Sống cùng nhau làm xói mòn sự tự do của con người trong trạng thái tự nhiên. 
Con người sống với nhau, dần dần họ bắt đầu so sánh lẫn nhau. Người này hơn tôi, người kia kém tôi, người kia giống tôi, người này khác. Tôi sống độc lập thì không có so sánh. Nhưng đã sống cùng nhau thì nó xuất hiện. Càng ngày con người càng xuất hiện những cảm xúc mới như hổ thẹn nhục nhã hai các ý niệm như về danh dự. Đây là Amour-Propre. Loại tự yêu bản thân này làm con người xa rời bản năng họ hành động không chỉ vì những thứ không cần mà vì cái cảm xúc đố kỵ kia. Phần nào đấy Rousseau vẫn coi xã hội sơ khởi là tốt đẹp vì sự tự do và bình đẳng vẫn còn nhiều.
Xã hội văn minh.
Với sự phát triển của nông nghiệp, luyện kim; con người sản xuất được nhiều lương thực hơn, kinh tế phát triển hơn, kèm theo đó là xã hội phức tạp hơn. Từ đó Amour-Propre càng phát triển mạnh. Dần dần xã hội xuất hiện tư hữu. Ông coi đây là nguồn gốc của sự bất bình đẳng. Ai có đất đai của cả nhiều hơn thì cao quý hơn, quyền lực hơn. Xã hội phân chia trên dưới theo tiêu chuẩn vật chất, điều này dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội.
Rousseau cho rằng, những kẻ mạnh này sẽ không thể mạnh được mãi nên họ chuyển sức mạnh thành quyền cho bản thân và bổn phận cho kẻ khác để kéo dài vị thế của mình. Lực của A lớn hơn lực của B. A mạnh nên sẽ lên nắm "quyền". B ở dưới phải tôn trọng quyền này và phục tùng ý chí của hắn. A có thể biện minh cho quyền lực của mình. Tuy nhiên nếu lực của B lớn hơn lực của A, anh ta không còn sợ bị trừng phạt, B sẽ xâm phạm quyền của A. Rousseau lập luận con người hành động theo "lực" chứ không phải theo "quyền", thứ "quyền" là chân lý mà con người luôn phải tuân theo. Những lời biện minh như kiểu tao là con trời, ý chúa, đều là lừa dối để cản trở sự phản kháng của tầng lớp bị trị. Điều này càng hiệu quả hơn khi quyền lực đảm bảo bởi pháp luật và thể chế, tạo ra một ma trận khó phá giải.
Ban đầu vì sự cần thiết của một chính phủ và luật pháp để một xã hội vận hành, cùng với việc bất bình đẳng lúc đấy còn chưa quá lớn nên mọi người chấp nhận thành lập khế ước xã hội. Dần dần con người tha hóa, vì sự ích kỷ của bản thân nên sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Người giàu càng giàu người nghèo càng nghèo, bị bần cùng hóa trở thành nô lệ cho tầng lớp trên. Người nghèo lại bị tước mất quyền lực không thể phản kháng. Bất bình đẳng càng gia tăng. Bản chất tự do của con người ngày càng bị xói mòn. Giờ thì đi đâu cũng là xiềng xích. Rousseau kết luận rằng sự bất bình đẳng này không thể là đến từ sự bất bình đẳng về thể chất tự nhiên, mà chính là do con người tạo ra. Ông chỉ trích việc thành lập xã hội đã khiến con người đánh mất cuộc sống tốt đẹp của trạng thái tự nhiên. Nhưng mọi chuyện đã rồi. Nhân loại đã quá lún sâu vào xã hội, không thể trở về được như trước nữa. Vì thế, giải pháp đưa ra là cải tạo chính quyền thành một chính quyền đủ tốt - có một thể chế hoàn hảo khiến họ không bị tha hóa và hoạt động hiệu quả; để thực hiện được nhiệm vụ đưa xã hội dân sự có những tính chất tốt đẹp của cuộc sống trong trạng thái tự nhiên thuở ban bầu.
Nguồn tham khảo:
[1] Khế ước xã hội - J.Rousseau - Hoàng Thanh Đạm dịch.
[2] Nguyễn Thị Thanh Huyền (2014), “Tư tưởng của J.J Rousseau về quyền con người”, Tạp chí Triết học, 6 (277), 85
https://plato.stanford.edu/entries/rousseau/#ConjHistMoraPsyc
https://tuannyriver.com/2023/06/09/rousseau-va-ly-thuyet-loai-nguoi-trong-luan-ve-bat-binh-dang/
luatkhoa.org/2018/03/doc-rousseau-con-nguoi-sinh-ra-tu-nhung-dau-dau-ho-cung-song-trong-xieng-xich/