Xin chào các độc giả,
Bài hôm nay, tôi muốn gửi đến mọi người về cảm nghĩ của tôi về một chương trình rất đặc biệt mà nhiều người chúng ta vừa xem: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (ATVNCG).
Tôi không dám nhận mình là một fan cuồng của show, vì thực tế nhà tôi cũng chỉ theo dõi được các diễn biến chính trên Youtube sau khi con ngủ mỗi tối thứ 7. Tôi cũng chưa phát cuồng đi share bài viết bài gì về show, dù mỗi tuần tôi đều đọc nhiều bài phân tích từng performance và bài nhạc trên mạng xã hội. Playlist của tôi cũng mới chỉ add thêm 1-2 bài của chương trình, thay vì cả gần 50 bài hát trong suốt mấy tháng qua. Tôi cũng không phải là mẫu gào thét, xé quần áo khi thấy các anh trai lộng lẫy, cơ bắp biểu diễn trên sân khấu, hay thổn thức hú hét khi nhìn thấy các idol...
Tuy nhiên, sau khi chương trình kết thúc, tôi đã hoàn toàn hiểu mình vừa chứng kiến một show truyền hình lịch sử của nước nhà và thời đại, với nhiều những trải nghiệm đẹp đẽ, tròn trịa chưa từng có, cùng cảm xúc mà show mang lại cho khán giả. Tôi tự nhận mình là người có trái tim nóng, nhưng nó được bọc trong một cái đầu đầy hoài nghi và phán xét, như để bảo vệ cho tôi khỏi những giả tạo, kệch cỡm, tráo trở của cuộc đời.
ATVNCG không hẳn đã chinh phục tôi bằng những yếu tố hào nhoáng, bay bổng, "đỉnh nóc" của truyền thông, mà thực sự từng bước đi vào trái tim tôi theo một cách nhẹ nhàng, tình cảm, chân thật và tử tế.
Bài viết là cảm nhận của cá nhân tôi, và do tôi cũng có ít thời gian nên có thể không hóng kỹ như các fan ruột của show, nên có gì chưa đúng thì các bạn comment "nhẹ nhàng" với tôi nhé.

Những cái đẹp mà mọi người ai cũng đều dễ thấy

Sẽ là không khó để giải thích vì sao mạng xã hội chúng ta nhiều người "phát cuồng" lên vì cái show này. Chưa bao giờ, tự dưng truyền hình xuất hiện tận hai shows giống nhau về format, "nhốt" hơn 30 nam nghệ sĩ lên một "hoang đảo" để thi đấu theo thể thức "sinh tồn", và thành lập những ban nhạc của những kẻ xuất sắc nhất. Chỉ riêng những so sánh, lùm xùm giữa hai shows thôi đã đủ để biến cộng đồng fan Việt hai bên trở thành những khán giả bất đắc dĩ, tò mò muốn "hóng" xem điều gì đang xảy ra rồi.

Âm nhạc "đỉnh nóc"

Nói gì thì nói, đây là một show về âm nhạc. Và dù ATVNCG có thể không phải có những nghệ sĩ đỉnh nhất Việt Nam (vì chữ nhất luôn là một chữ gây tranh cãi), thì chương trình chắc chắn đã mang đến những thứ âm nhạc chất lượng hàng đầu. Cá nhân tôi đánh giá, chương trình này là chương trình âm nhạc thành công nhất từ trước tới nay của Việt Nam, hơn cả hai chương trình thực tế tuyệt hay tôi từng chứng kiến là Vietnam Idol mùa 3 (năm có Uyên Linh và Văn Mai Hương), và Rap Việt mùa một.
Âm nhạc trong chương trình là sự kết hợp những bài hát sẵn có, nhạc cùng rap, và những lời hát hoàn toàn mới, đề cao không chỉ giọng hát, giọng rap, mà còn có cả tính trình diễn sân khấu. Chưa kể, với 33 nghệ sĩ mỗi người có một điểm mạnh riêng, cùng dàn ekip hỗ trợ chuyên nghiệp từ sân khấu, ánh sáng, âm thanh,... khiến cho mỗi bài biểu diễn còn hơn cả một mv mới. Các nghệ sĩ được khuyếch đại tối đa khả năng của họ, thậm chí còn khuyến khích thử những thứ điên rồ, ra khỏi vùng "an toàn" mà mình chưa bao giờ thử.
Kết quả là chúng ta có no nê các tiết mục biểu diễn trong suốt cả ba tháng, với ngày càng nhiều những tác phẩm ngày một chỉn chu và lên tay khi ekip càng lúc càng ăn ý. Những bài hát xưa được hát lại với một câu chuyện mới, thần thái mới, kết hợp trong những beat nhạc lạ tai, rũ bỏ hoàn toàn lớp vỏ cũ và tái sinh lại dưới một lớp áo tân thời. Những nghệ sĩ mới và cũ đều được hỗ trợ để trở thành những ngôi sao ca nhạc, và với đẳng cấp sẵn có, họ đều toả ra một thứ ánh sáng lộng lẫy nhất mà sự nghiệp cá nhân của họ (phần lớn) chưa chắc đã bao giờ đạt đến.
Chúng ta được Bay lên với Những Kẻ Mộng Mơ, Lặng người Chợt Nghe Bước Em Về, Rơi vào Trống Vắng với Dạ Cổ Hoài Lang, Buông mình Tỉnh Thức Sau Giấc Ngủ Đông,.. Tiếng Trống Cơm cất điệu đàn bầu nghe thật Giàu Sang. Dẫu Có Lỗi Lầm được làm mới Khiến Nó Ngầu, và dẫu có cả Triệu Lý Do thì khán giả cũng vẫn Thuận Nước Đẩy Thuyền.
Biết bao xúc cảm, năng lượng đã được trao đi, để rồi khi Dòng Thời Gian dừng lại, khán giả từ những Người Lạ Ơi giờ tha hồ thổn thức GIÁ NHƯ và IF, vẫy Chiếc Khăn Piêu gào khóc thảm thiết trong những tiếng Gọi Anh.
Một chương trình Quá là Trôi, một trải nghiệm cực Nét, thơm phức mùi Nước Hoa và các anh cùng toàn ekip đều là những Superstars.
Chúng ta quá dễ để nhận ra những điều này, ngay từ khi ca khúc đầu Hoả Ca được cất lên. Dù tôi cũng khá thích Rap Việt mùa 1, nhưng mà với tôi Hoả Ca hoàn toàn đủ sức đốt cháy và thổi bay Đây Là Rap Việt ra chuồng gà. Và đây là bài hát đầu tiên khi mà ekip còn chưa nóng máy.

Tài năng "kịch trần"

Khác với các chương trình truyền hình thực tế khác, nơi ươm mầm những người chưa ai biết thành ngôi sao, thì chương trình này hội tụ cả một bầy "tinh tú". Nhiều ngôi sao đã quá thành danh và đỉnh cao như Bằng Kiều, Tự Long, Tuấn Hưng,... lẫn cả những người đang đạt độ chín như BinZ, Rhymastic,.. Ngoài ra là một loạt những nghệ sĩ tưởng như đã rửa tay gác kiếm (Tiến Đạt, Phạm Khánh Hưng), được kết hợp với những gương mặt trẻ triển vọng như Soobin, Kay Trần,... Những cố máy nhảy như Strong (Trọng Hiếu), Cường Seven,.. được hội tụ với những người chưa bao giờ ca hát (Hồng Sơn, Kiên Ứng, Duy Nhất,...). Và thậm chí cả giới diễn viên cũng tham gia, với Duy Khánh, Tiến Luật và Trương Thế Vinh (riêng anh cũng là ca sĩ nữa,...).
Vậy là ta có một tập hợp những anh tài, mỗi người một thế mạnh, một tài năng khác nhau, cùng thi đấu với nhau để trình diễn. Chương trình đã làm quá tốt khâu thiết kế sân khấu, và tạo sân chơi để rồi sau đó cả 33 anh tài đều có cơ hội thể hiện tốt nhất hơn tất cả những gì mình có. Sau ba tháng, chúng ta quên mất luôn ai đã từng nổi tiếng với quá khứ thế nào, và chìm đắm vào quá trình chiêm ngưỡng tài năng và sự cố gắng của họ.
Nói đến 33 Anh Tài, là nói đến những câu chuyện, hình ảnh trước và sau sân khấu của họ, đều được ghi chép tỉ mỉ, chân thực, chỉn chu và thấu đáo. Họ là những nhân vật chính trong một show truyền hình mà gần như không có nhân vật phụ nào bị lu mờ.
Và thay vì "sinh tồn" đấu đá, họ đoàn kết, cười đùa, hợp tác đẩy nhau đến giới hạn, trong một thứ vẻ đẹp đồng đội hiếm có của người Việt mà tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau.
Ngoài 33 anh tài, thì những ekip đằng sau chương trình cũng thực sự là những tinh hoa. Giám đốc Âm nhạc SlimV cùng anh em đội ngũ Space Speakers, Giám đốc sân Khấu Uyên Thư, rồi đội ngũ hỗ trợ, vũ công, diễn viên làm việc vô cùng nghiêm túc, ... MC Anh Tuấn và cả Quỳnh Lương và Khánh Vy nữa cũng đều thể hiện những vai trò và năng lực của họ trong chương trình. Phải nói là show được chọn mặt gửi vàng, và bộ phận sản xuất lẫn edit đều đã thể hiện đẳng cấp và sự đoàn kết của họ trong suốt toàn bộ những tuần lễ với nhiều chông gai trong truyền thông. Họ xử lý khủng hoảng truyền thông giỏi đến mức chúng ta thậm chí đã quên mất tình thế hiểm nghèo thế nào khi đã có những nghệ sĩ hoàn toàn có thể đánh mất toàn bộ sự nghiệp của mình nếu không ekip không cẩn thận và chỉn chu.
Đây là show diễn thực sự đẳng cấp, tinh hoa hội tụ của cả những người phía trước và phía sau chương trình, và họ đã vừa nâng chuẩn về thẩm mỹ cho tất cả nền giải trí chúng ta.
Hãy xem một video phân tích dưới đây để thấy là trong một tiết mục có được đầu tư rất kỹ từ trang phục, ca từ, concept, sân khấu, dàn dựng,... Đây là tài năng của tinh hoa và sự đoàn kết, team work của cả ekip chương trình lẫn các nghệ sĩ Việt.

Format Nội dung "bay phấp phới"

Vâng, chương trình được mua lại từ Trung Quốc, với những format sinh tồn độc đáo, hấp dẫn, vốn như nhiều chương trình khác chúng ta đã từng làm trước đây.
Nhưng không đơn giản như vậy, ekip của chương trình đã tận dụng sức mạnh của thời đại số để đẩy sức nóng và tầm ảnh hưởng của chương trình vượt xa các show từng có.
Sân khấu từng vòng được thiết kế hoành tráng, phát hai bản khác nhau kết hợp truyền hình vtv lẫn youtube. Các mv riêng, cam focus được release dần dần sau đó. Rồi tiếp đến là các chương trình phỏng vấn, clip ngắn sau hậu trường được chia sẻ và edit khéo léo, release liên tục trong tuần. Chưa bao giờ khán giả được tiếp xúc với quá nhiều món ngon đến vậy (như Rap Việt tôi cũng không nghĩ là có clip hậu trường), đều đặn từng ngày. Các performance đều có list nhạc kịp thời update trên Spotify, với âm thanh chất lượng, chỉn chu.
Ấy thế mà mọi thông tin quan trọng hầu như đều được giữ bí mật, chỉ tung ra đúng thời điểm nó cần tung ra. Show bị gián đoạn do nhiều sự kiện không lường trước (ví dụ như sự ra đi của cố Tổng Bí Thư), nhưng BTC cũng đều đối phó mượt mà.
Và các nghệ sĩ tận dụng luôn tính năng của mạng xã hội, mỗi người ra kênh Broadcast riêng, từng screenshot được các gai con chụp lại share điên đảo. Sau mỗi tập chính được công bố, là muôn vàn câu chuyện đằng sau được chính nghệ sĩ lẫn các độc giả chia sẻ khắp mạng xã hội. Lyrics lẫn tứ thơ trong từng bài hát được truyền tay nhau và có nhiều bài giải thích chu đáo, để người xem hiểu được ý nghĩa trong từng lời ca, ý nhạc.
Trong suốt các đêm diễn, các nhà được chia đội nhóm, thay đổi chủ đề liên tục, các liên minh được tạo ra, với bảy sắc cầu vồng những nền văn hoá và cá tính vô cùng độc đáo, thú vị. Nổi bật nhất theo tôi là ba nhà: Nhà Tinh Hoa (core Sao Sáng) đến từ Soobin, Cường 7 và chú Tự Long, cùng nhà Thiếu Nhi (Core Tái Sinh) (Rhymastic, Tiến Đạt, Tiến Luật,...) với thái độ , là hai đội đã đi đến tận chung kết. Nhà còn lại đấy chính là Chín Muồi, với một sự trẻ trung, năng lượng, vui vẻ và hiện đại dưới sự dìu dắt của thủ lĩnh ST Sơn Thạch và các thành viên hợp guu nhau đến lạ là BB Trần, Neko Le, Kay Trần, Bùi Công Nam,...
Sau những trải nghiệm đến vậy, show mở concert với quy mô 20,000 người, và sẽ tiếp tục có concert ở Hà Nội.
Quả thật họ đã có một kế hoạch quá chu đáo, và xứng đáng với những gì mình làm được.
Bản thân từ đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới cũng đến từ show.
Mọi thứ hợp lý đến kinh ngạc, cứ như có ekip nào đó vừa bước lên khỏi phi thuyền đi về quá khứ, để mang đến hiện tại một món quà đến từ tương lai.

Những cái đẹp mà khó thấy hơn

...thực ra là những cái mọi người xem đều cảm được, nhưng sẽ khó để nói ra hơn.
Show diễn có những câu chuyện và bài học rất nhân văn, và họ thể hiện điều đó một cách nhẹ nhàng, chân thành và tử tế, không hề gồng. Điểm này trong tiếng Anh gọi là nghệ thuật "Show not tell", còn ekip chương trình thì làm tốt cả hai.
Show diễn mời một MC Anh Tuấn chỉn chu, tiết chế, thậm chí rất kiệm lời, nhưng khán giả và nghệ sĩ cứ thế mà bò ra khóc, cười, và đồng điệu bên nhau trong muôn vàn cung bậc (nếu là những MC khác có tuyến lệ không ổn định, đây chắc chắn là một cuộc tra tấn 😭). Sau mỗi một tiết mục đỉnh của một nhóm nhạc, là một tiết mục khác cũng đẹp không kém. Phiếu bầu chọn của số đông 350 khán giả, nói thật, cũng chỉ là một sự công tâm tương đối. Format bắt phải chọn người thắng, kẻ thua, nhưng thực chất, toàn bộ người tham gia lẫn khán giả đều đã thắng đậm.
Tôi sẽ phân tích một số câu chuyện và bài học ấn tượng mà show diễn đã kể cho tất cả, không thua gì những bộ phim ngoài kia. Thậm chí, chúng còn hấp dẫn hơn, vì chúng là những câu chuyện thật của nhiều cuộc đời nghệ sĩ. Các nghệ sĩ được thể hiện hết các tố chất và tài năng của họ, phá bỏ mọi định kiến, và đưa những cái đẹp đến với khán giả và bài học cuộc sống cho tất cả chúng ta.

Khi tài năng không bằng thái độ

Chúng ta đều đã từng nghe mọi người gắn từ "ngôi sao" và "nghệ sĩ" với những tính từ tích cực lẫn tiêu cực. Bệnh nghệ sĩ, bệnh ngôi sao,... là những từ được các "sếp" hay "dân thường" khác ví von khi ai đó có tài năng nhưng lại có thái độ chảnh chó, kiêu ngạo. Giờ 33 nghệ sĩ kết hợp với nhau, sống cùng nhau,... liệu họ sẽ ứng xử như thế nào?
Khi xem những chương trình truyền hình trước, nghệ sĩ nào cũng sẽ có vai vế riêng của họ. Ngay cả khi công tác, thì các sếp lớn cũng tránh ở cùng phòng với nhân viên. Những Gen Z cá tính trong công sở cũng ngại phải giao tiếp và trình bày với những sếp già khó tính, hay dỗi và bắt bẻ. Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã chọn một tổ hợp các nghệ sĩ của nhiều thế hệ khác nhau, có những vấn đề khác nhau, và nhét họ sống chung như là các sinh viên trong nhà trọ. Ngay từ tập đầu tiên, tôi đã khá ấn tượng vì ngay cả đến đi công tác, các công ty tôi từng làm cũng không bắt mọi người ở với nhau sâu như thế. Đấy là còn chưa kể các nghệ sĩ trải dài khắp Bắc, Trung, Nam, thuộc nhiều nền văn hoá, mà như chúng ta thấy ngoài kia chỉ riêng một vài tỉnh lị với nhau thiên hạ đã phân biệt vùng miền với nhau rồi.
Và thế là cách làm này đã mang lại kết quả không ngờ, khi mà khoảng cách giữa các nghệ sĩ với nhau dần dần được xoá bỏ, khi tất cả sinh hoạt cùng nhau. Từ những nghệ sĩ nhân dân, danh ca, cựu danh thủ,.. đến những rapper cool ngầu, giám khảo, diễn viên,... họ đều dẹp bỏ những cái tôi khổng lồ mà thiên hạ ao ước được có, quay trở lại làm những đứa trẻ chưa bao giờ lớn. Những gã đàn ông lần lượt tháo bỏ những hào quang, mặt nạ sân khấu, ... để tinh nghịch pha trò, khoác chung những chiếc áo của chương trình, và say sưa tận hưởng trải nghiệm như một trại hè du lịch,..
Hãy nhìn nghệ sĩ nhân dân Tự Long - một người nghệ sĩ đã đạt đến vinh quang của nghề từ rất sớm so với nhiều nghệ sĩ khác (nghệ sĩ nhân dân, đại tá quân đội, phó giám đốc nhà hát chèo,..). Ngay từ đầu chú Long đã nhận được sự tôn trọng của tất cả mọi nghệ sĩ trong chương trình khi vừa lớn tuổi nhất, lại vừa có chức tước,... Vậy mà trong suốt chương trình, ta thấy nghệ sĩ vô cùng giản dị, dân dã, đáng yêu,... liên tiếp pha trò trêu ghẹo mọi người, và chưa lần nào dùng vai vế tuổi tác để đàn áp lớp trẻ.
Thậm chí, chú gọi luôn trưởng nhóm là "thầy" (Cường Seven, Rhymastic), luôn nhiệt tình học hỏi, vượt qua chính mình thể hiện xuất sắc cá tính và tài năng.
Trước chương trình, tôi cứ nghĩ chú chỉ hát hay trong tập thể Táo Quân vốn đề cao trình diễn hơn.
Nhưng sau chương trình, thì chú đã thể hiện tài năng của mình ở cả những phần hoàn toàn không phải điểm mạnh (nhảy, hát rap,...).
Hình ảnh chú đánh trống phất cờ trong Trống Cơm, rap chèo trong Chợt Nghe Bước Em Về, hay hát bội trong Có Không Giữ Mất Đừng Tìm,.. là những dấu ấn riêng mà dường như chỉ có chú mới có thể làm được.
Nếu đấy là bệnh nghệ sĩ, tôi mong tất cả những sếp lớn, người cao tuổi ngoài kia sớm lây được, để cho các nhân viên bớt khổ, các gen Z dễ học được cách tôn trọng tiền bối.
Hãy nhìn cách mà các nghệ sĩ trẻ trong chương trình kính nghiệp, kính trọng nhau ra sao. Một Soobin đầy tâm huyết, tài năng nhưng vô cùng lễ phép khi mời chú Tự Long vào đội, bất chấp cạ cứng Bằng Kiều cũng đang vẫy gọi. Một Rhymastic tưng tửng, rất dễ chịu khi làm việc, sẵn sàng đứng sau cho mọi người toả sáng. Một Kay Trần nhìn thì gai góc nhưng tính cách cực dễ thương, gặp ai cũng chào hỏi, thậm chí cúi rạp đầu xuống đầy tôn trọng,...
Nếu đây là bệnh ngôi sao, tôi mong tất cả thế hệ trẻ đều mắc phải, để đưa đất nước mình cùng đi lên.
Rất nhiều người tôi gặp đã từng nói ngại làm việc với người có tính “nghệ sĩ”, vì họ là những người quá cảm xúc thật thường, nay thế này mai thế kia, cùng cái tôi quá lớn. Chương trình đã cho thấy vẻ đẹp của tinh thần nghệ sĩ đích thực - nó không khác gì tinh thần của những chiến binh.
Ở quá nhiều những tình huống mà xã hội ngoài kia người ta sẽ bàn lùi, nghệ sĩ sẽ nghĩ cách tiến để làm sao ai cũng có thể dung hoà và toả sáng. Thời gian gấp gấp, quá nhiều thứ phải học, người có tuổi, người đau khớp,... tất cả đều không thành vấn đề. Người mạnh điểm này tư vấn để hỗ trợ điểm yếu của người kia. Tất cả nhường nhau để toả sáng, nhưng luôn sẵn sàng gánh vác khi tập thể cần. Vòng này người này được chiếm sân khấu chính thì vòng kia sẽ đẩy người khác lên. Không một ai bị bỏ lại đằng sau, và ai có nhu cầu gì thì đều được đáp ứng.
Rồi lại còn câu chuyện của chuyên môn lẫn đa ngành. Chúng ta thấy ở sân chơi mới này, việc biết nhiều mỗi thứ nó có rất nhiều điểm lợi, và có cả những người như Rhymastic, ST Sơn Thạch, Bùi Công Nam hay Soobin cái gì cũng giỏi, team nào cũng cần. Không có ai bị đóng khung trong một vai trò vì xã hội bảo thế, tất cả mọi xiềng xích, vỏ hộp bị phá vỡ, sân khấu biến thành không gian an toàn để tôn vinh tài năng và sự học hỏi, thử nghiệm của các nghệ sĩ.
Đằng sau những màn trình diễn đỉnh cao, luôn là một tinh thần teamwork tuyệt vời. Từ nhà tinh hoa với điều phối việc có trăm hoa đua nở, đến nhà thiếu nhi với thái độ vui chơi có thưởng, tận hưởng hành trình,.. đều là những phong cách trong công việc rất cơ bản mà bạn có thể nhìn thấy ở ngoài kia khi có một team cần phối hợp với nhau. Ngay cả nhà bị loại là nhà Chín Muồi (theo mình là do Đen Thôi, Đỏ Quên Đi), cũng có một phong cách riêng: mỗi người một việc, cứ hài hước và là chính mình,... rất đậm nét.
Khi mà tất cả đều tôn trọng tài năng của nhau, và có những người lãnh đạo biết tổ chức và phối hợp, những tài năng được cộng hưởng và phát sáng hơn cả tổng năng lực của mỗi thành viên. Nếu bạn từng nghĩ người Việt không có khả năng teamwork, vậy hãy xem chương trình để biết mình đã sai như thế nào.
Một chương trình gồm những nghệ sĩ lớn hàng đầu thể hiện được thái độ đó, là chưa từng có trong lịch sử.

Truyền thống và hiện đại có thể tôn vinh nhau

ATVNCG là chương trình có nhiều tiểu phẩm đậm truyền thống và văn hoá. Đưa yếu tố này lên sân khấu, làm mới những gì đã cũ theo một câu chuyện khác, là điều không dễ dàng.
Văn hoá Việt là một khái niệm trừu tượng, chúng ta dùng là một quốc gia có diện tích nhỏ so với thế giới, nhưng lại có đến 54 dân tộc anh em, và ba miền có đa dạng văn hoá và lịch sử. Làm văn hoá mà không khéo, rất dễ gây hiệu ứng ngược, nếu không thành trò cười cho thiên hạ, thì cũng có thể tạo tiếng xấu là thiếu kiến thức và tôn trọng tiền nhân.
Vậy mà khi chúng ta có tiếng đàn bầu cất lên cùng nền nhạc hiện đại, đàn nguyệt đánh trên nền bài hát về tình yêu, rồi các anh trai mang cả chèo, hò, hát bội, cải lương,... lên sân khấu, rồi được cả ngàn người hát theo.
Tôi sẽ mượn lời chia sẻ của Touliver trên Thread.
Văn hoá là đất nước, là cội nguồn là dân tộc. Chương trình đã làm được điều tưởng như không thể, không phải một mà nhiều lần, khi thách thức các tài năng của các anh tài vào những điều có ý nghĩa lịch sử.

Khi sự tử tế lên ngôi, tất cả ai cũng được chữa lành

Nói về tài năng, chúng ta đã nói quá nhiều. Nhưng điểm đẹp và khó nhất ở chương trình, đấy là sự tử tế.
Những anh tài đã có cơ hội được bộc lộ bản thân qua những câu chuyện riêng của họ.
Chúng ta được biết đến Tiến Đạt vì anh là một nghệ sĩ hát hay, nhảy đẹp, có tấm lòng chân ái, hiền lành, có sự điềm đạm và từng trải, chứ không phải kẻ thua cuộc người bị người yêu bỏ sau nhiều năm để lấy người khác.
Chúng ta biết được đến Lặng của Rhymastic, bài hát tuyệt vời mà anh đã phải bán đi thời xưa do nghèo khó, để rồi khi anh có cơ hội hát nó lên, khán giả phải thổn thức nghe trong yên lặng. Anh không chỉ còn là một rapper, anh là Thiện toàn diện, cân từ sáng tác đến làm nhạc và sân khấu. Anh đã có cơ hội hát lại hit này do chính anh sáng tác, vào 19/10, trước 20,000 khán giả hát theo. Là một nghệ sĩ, còn hạnh phúc nào hơn thế?
Chúng ta biết đến Quốc Thiên với giọng ca cao vút, quán quân Việt Nam Idol nhưng sự nghiệp có phần lận đận, chìm trong nhiều hit khác của thị trường. Có ai ngờ anh bên ngoài vô cùng nghịch ngợm, thích pha trò, nhí nhảnh,.. khác hẳn tính cách trên sân khấu. Và anh đã có live show riêng sau nhiều năm ca hát, bán hết vé nhanh không ngờ.
Và Thanh Duy với nguồn năng lượng vô tận, bị nhiều người chỉ trích trước đây,... nay được ghi nhận như một ca sỹ có thực lực tuyệt vời, xử lý toàn bộ các nốt cao một cách đẹp như tiếng chim.
Rồi Hoàng Hiệp, anh bị nhóm nhạc lâu năm cho... đăng xuất khỏi nhóm qua mạng trong thời gian chương trình, rồi sau đó lết từng bước vào vòng cuối cùng. Có thể anh không phải người đẹp trai nhất, nhưng chắc chắn là người có chất giọng đẹp hiếm có, xứng đáng được biết đến nhiều hơn. Tôi nhận thấy sự khác biệt rõ ràng về chất giọng của anh trong tác phẩm cuối "Quá là Trôi", các bạn có thể nghe thử nhé.
và hơn 30 câu chuyện khác…
Mỗi anh tài đều có câu chuyện chữa lành riêng, trong tổng thể một câu chuyện chữa lành chính.
Hãy quay về team Chín Muồi, khi mà họ dù đứng nhất nhiều vòng, nhưng phải chia team do sự khắc nghiệt của cuộc chơi. Tác phẩm "Let me feel your love tonight" của họ là tác phẩm khiến cho tôi cùng vợ phải suýt xoa, và nhận ra performance có một vẻ đẹp thực sự khác biệt so với vocal. Và khi thấy ST Sơn Thạch bật khóc, khi phải chứng kiến các đội xâu xé thành viên của mình sau đó, tôi cũng ứa lệ vì hiểu cảm xúc đó của anh.
Nhiều khi trong cuộc sống, các luật chơi cũng như nhận thức số đông là không đủ để đánh giá năng lực của bạn. ST và Chín Muồi, họ lâm vào tình huống là họ đã làm rất tốt, nhưng cuộc đời dán họ vào ô rất tiếc. Sau nhiều cố gắng, họ phải trải nghiệm vị đắng của thất bại, trong khi đáng lẽ họ hoàn toàn xứng đáng với những lời khen. Những con người đã bỏ ra quá nhiều, ở vị trí lead, họ chắc chắn nhận lỗi về mình, dù thực ra họ không hề có lỗi.
Ở những lúc như thế, là những lúc mà bạn thật cô đơn. Bạn thực sự muốn nói ra tất cả, nhưng không biết nói gì với ai. Đây là lúc bạn cần những cái ôm của những người đồng đội, của những người hiểu bạn và sẵn sàng chia sẻ với bạn.
Bạn bè là những người ở lại khi tất cả rời đi. Và ở show này, cứ mỗi người rời đi đều nằm trong vòng tay của tất cả những người ở lại. Người ở lại đều không quá vui mừng, vì họ đều cảm thấy đau khi đồng đội của họ, lẫn đối thủ phải nói lời từ biệt.
"Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" - chúng ta nhìn thấy được điều đó, trong truyền hình thực tế chứ không phải sân khấu, và chúng ta có niềm tin vào điều đó.
Điều đó là có thể, dù ngoài kia, cuộc sống không đẹp như thế.
Cái tâm của ban tổ chức được đặt vào từng chi tiết nhỏ nhất. Trước khi công bố ba người cuối cùng rời đi, họ cho tất cả biết rằng đêm nay là đêm cuối cùng của tất cả. Còn gì hạnh phúc hơn, là được tận hưởng những giây phút cuối cùng ấy trước khi tất cả kết thúc, cùng nhau.
Trong bài Dòng thời gian cuối cùng, toàn bộ ekip sân khấu được các nghệ sĩ vinh danh trong từng phần hát mới. Trong bài Mẹ yêu con, toàn bộ nghệ sĩ được để tên theo tên thật của họ, không phải nghệ danh.
Để có tầm, bạn cần nhìn vào bức tranh lớn. Còn để đánh giá người có tâm, bạn cần để ý vào từng chi tiết nhỏ.

Vĩ thanh

Một show diễn có sức hút đã là quá thành công. Nhưng show này còn hơn thế, nó có cả sự tử tế.
Khi bạn nhìn thấy những gã đàn ông cùng rơi nước mắt hát trong hạnh phúc, bạn hiểu rằng bạn đang trải nghiệm những điều tuyệt đẹp không dễ có trong đời.
Hãy tận hưởng nó như một món quà, vì ngay cả khi mùa 2 diễn ra, thì quy luật kinh tế tự nhiên đấy là càng sau hạnh phúc sẽ càng giảm dần. Không ai muốn đi nghe cover cả, khi mà bản nhạc chính đã được làm quá tốt.
Tôi cảm thấy tự hào vì đã chứng kiến bước tiến lớn của các nghệ sĩ và nghệ thuật nước nhà. Đừng mất thời gian khi có người khác chê và so sánh chương trình này với show khác, vì vé ở Hà Nội chỉ có 30,000 chỗ mà thôi 🤣😉.
Hy vọng tôi và vợ sẽ may mắn gặp các bạn trong trải nghiệm concert đầu tiên trong đời ở Việt Nam, với các nghệ sỹ Việt Nam trong một chương trình của những tài năng và sự tử tế.
Nếu bạn yêu thích và đồng cảm với tôi, hãy chia sẻ bài viết cho những ai cần đọc nó và comment cho tôi biết nhé 😉. Các đồng gai con 🫂!
Đừng quên theo dõi blog của tôi để không bỏ lỡ các bài viết tương tự