Những tranh luận về một dòng sách, mà xã hội hay gọi là Self-help thật ra chỉ bắt nguồn từ việc xã hộichưa thống nhất được mình cần tôn vinh những phẩm chất nào, dẫn đến việc một số quyển sách ngầm cổ xúy cho việc kiếm tiền nhanh, gây sức ảnh hưởng với người khác cách nhanh chóng.
Về tên gọi self-help, một số người dịch ra là "Phát triển bản thân", nhưng định nghĩa này gây nhiều tranh cãi, "Sách nào mà không phát triển bản thân ta theo một khía cạnh nào đó?". Chẳng có sách nào ta đọc mà lại không phát triển bản thân được. Sai lầm từ định nghĩa tên gọi, dẫn ta đến việc tranh luận vô ích, chỉ vì ta không thống nhất được định nghĩa ngay từ đầu. Những quyển sách ta đang tranh cãi, có lẽ vì nội dung của nó hướng chúng ta đến những nỗ lực cá nhân để kiếm tiền bạc, sự công nhận của người khác thì đúng hơn, tạm gọi là sách "Nỗ lực".
Phát triển bản thân chẳng có gì sai, nhưng sách "Nỗ lực" gây ra cho người ta một ảo vọng rằng để đạt được những thành tựu cá nhân được xã hội cho là đáng thèm muốn (ở đây là của cải, và danh vọng, xã hội hiện tại cho rằng hai thứ này xứng đáng theo đuổi, không bàn tới chủ đề này ở đây).
Sách nỗ lực bỏ qua những yếu tố "phát triển bản thân khác" như khả năng thấu hiểu bản thân có thể trở nên vĩ đại nhất theo khía cạnh nào, và đồng thời quan trọng không kém, là không thể vĩ đại nhất theo khía cạnh nào.
Các dòng sách nỗ lực gây phẫn nộ, vì ẩn trong việc kêu gọi hãy sử dụng những thủ thuật tâm lý (Như "Tự kỷ ám thị"), nó ngầm cho rằng chỉ cần bạn kiếm thật nhiều tiền và được xã hội trọng vọng, tức là bạn đang trên đà thành công và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.
Làm gì có chuyện đấy? "Ta là cây hường, thì ta hạnh phúc khi sống đời cây hường. Ta là cây huệ, thì ta hạnh phúc khi sống đời cây huệ". Bởi vì cái "Phẩm" (nền tảng, xuất phát điểm, môi trường giáo dục, xã hội) của mỗi người khác nhau, nên thật sai lầm khi cào bằng tất cả các khía cạnh của một lối sống tốt đẹp (Như tài năng cá nhân trong các mảng văn học nghệ thuật), mà quy đổi hết lại cho tiền bạc, và danh vọng, là thứ hữu hình, có thể phân biệt được ngay "Ai có nhiều, và ai có ít".
Để thành công (mà đến cả định nghĩa thành công cũng đang bị tranh luận gay gắt, thế nào là thành công cách khách quan?), không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân, mà còn phải dựa vào những lợi thế tích lũy, và may mắn, là thứ mà ta không thể tự kể công (để làm rõ cho luận điểm này, mời đọc quyển "Những kẻ xuất chúng" của Malcolm Gladwell và "Học thuyết công lý" của John Rawls).
Vậy, để làm rõ một quyển sách có đúng là dòng sách "Nỗ lực" độc hại không, ta phải trả lời được câu hỏi sau:
"Quyển sách này nói về vấn đề gì, và bạn rút ra được gì khi đọc nó? Có đúng là chỉ một mình nỗ lực cá nhân giúp ta trên con đường thành công và hạnh phúc? "
Môt suy tưởng nhỏ để mọi người cùng ngẫm.