"Đây là một tựa game phiêu lưu góc nhìn thứ nhất. Bạn sẽ chơi như Stanley, và bạn sẽ không chơi như Stanley. Bạn sẽ theo cốt truyện, bạn sẽ không theo cốt truyện. Bạn sẽ có quyền lựa chọn, bạn sẽ không có quyền lựa chọn nào cả. Trò chơi sẽ kết thúc, trò chơi sẽ không kết thúc" - Đó chính là phần giới thiệu chung cho tựa game The Stanley Parable.
Cách đây 9 năm, chính xác là vào tháng 7 năm 2011, nhà phát triển game người Mỹ Davey Wreden đã phát triển một bản mod cho Half Life 2. Hai năm sau đó vào ngày 31 tháng 7 năm 2013, ông cùng với William Pugh đã cho ra đời đứa con tinh thần của mình mang tên The Stanley Parable. Mặc dù không phải là một bước ngoặt quyết định, hay một bước tiến lớn của ngành công nghiệp game, nhưng trải nghiệm tuyệt vời song song với lối dẫn truyện cuốn hút đã giúp game có một chỗ đứng nhất định mỗi khi có ai nhắc về nó.
Văn phòng bí ẩn nơi bắt đầu

Cái nhìn tổng quát

Nếu bạn đang tìm kiếm một tựa game hành động với nhịp độ nhanh, combat máu lửa thì chắc chắn The Stanley Parable không phải là câu trả lời của bạn. Mang trong mình hướng đi của walking simulation nên tựa game có lối chơi "chẳng giống ai" nhưng lại cực cuốn hút hứa hẹn sẽ khiến bạn có những trận cười nắc nẻ.

Người chơi sẽ trải nghiệm tựa game dưới góc nhìn của Stanley - một nhân viên văn phòng làm công việc bấm các nút trên bàn phím theo hướng dẫn từ màn hình máy tính. Cho đến một ngày Stanley chẳng nhận được chỉ thị nào cả, anh bước ra khỏi phòng và dấn thân vào cuộc hành trình tìm hiểu mọi chuyện xung quanh dưới sự dẫn dắt của giọng nói trong đầu anh tự xưng là the narrator. Tại sao mọi người lại biến mất? Điều gì chờ đợi anh sau mỗi cánh cửa? Bí mật đen tối của công ty là gì? Stanley thực chất là ai? Tại sao tôi lại mua full giá game này trong khi hôm sau là nó sale? Well, ai biết đâu? Chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn nào.

Đồ họa và những thứ khác

Nhìn vào những gameplay từ 6 năm về trước, đồ họa của The Stanley Parabel tuy không phải là đẹp xuất sắc, cũng không phải là quá tệ, cảm giác thực sự không quá khác so với các game cùng thời điểm. Tuy nhiên những chi tiết nhỏ nhặt của game thực sự rất đáng để tâm, những nhánh cây hay những tập tài liệu mang lại cho tôi cảm giác khá thật và hài lòng. Một điểm cộng khác cho game chính là sự linh hoạt trong việc sử dụng độ sáng và gam màu, một vài phân đoạn lấy màu đen làm chủ đạo cùng với những ánh đèn lờ mờ nhằm gợi sự tò mò của người chơi, một số phân đoạn khác lại sử dụng màu đỏ là biểu tượng của cảm xúc tiêu cực và nguy hiểm.
Wreden đã có nhận xét "half the reason this game has been successful"  chính là linh hồn của game, thứ đã và đang tạo nên sự thành công của The Stanley Parabel, không gì khác ngoài chất giọng Anh đầy truyền cảm của Kevan Brighting a.k.a the narrator, đã tạo nên một liên kết vô hình với người chơi. Chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được sợi dây liên kết này bởi những câu thoại cực vui nhộn trong suốt quá trình trải nghiệm tựa game độc nhất này.

Nét duyên của The Stanley Parable
Có bao giờ bạn để ý rằng, dù là ở dạng chỉ huy một nhiệm vụ tuyệt mật chống khủng bố, hoặc là người vẽ đường giải cứu thế giới khỏi diệt vong, cũng có thể là kẻ cầm đầu một băng cướp khét tiếng,... sẽ luôn luôn có giọng nói vô hình bắt người chơi phải là việc này việc kia và như một lẽ tất nhiên ta sẽ làm theo sự chỉ dẫn đó trong vô thức. Dấu hỏi ở đây là nếu người chơi làm trái lại giọng nói đó thì chuyện gì sẽ xảy ra? Câu trả lời chính là The Stanley Parable, the narrator bảo tôi đi về bên trái? Tôi đi bên phải; the narrator bảo tôi đi xuống? Tôi đi lên; the narrator bảo tôi đi thẳng? Tôi không thèm đi nữa và tự giam mình trong cái tủ chứa đầy giẻ lau.
Bạn có quyền lựa chọn... hoặc không
Điều tuyệt vời là game lập trình rất nhiều hành động dở dở ương ương của tôi, the narrator sẽ kêu ca khi tôi làm trái lại mệnh lệnh của hắn và khái niệm về "bức tường thứ tư" không tồn tại trong tựa game này. Sẽ có những bình luận trực tiếp vào bản thân người chơi khiến ta phải ngạc nhiên vì độ tương tác cực cao kèm theo những câu đùa vô cùng hài hước. Quả thật, Davey Wreden đã biết cách tạo nên bất ngờ này nối tiếp bất ngờ khác khiến cho thời gian chơi game mang đầy tính giải trí và rất nhiều niềm vui. Bên cạnh đó, do có tính chất đặt nặng về lựa chọn nên The Stanley Parable có 16 ending khác nhau tùy thuộc vào con đường của người chơi sẽ đi qua, một số ending thật sự rất đáng để tâm đến do tính triết lí và truyền tải được thông điệp chính của game "Hãy ra ngoài tận hưởng cuộc sống".
 Bản đồ của game

Mặt hạn chế

Tuy nhiên, có khen thì cũng có chê, The Stanley Parable cũng có kha khá những thiếu sót. Tiêu biểu nhất phải kể đến khu vực thiết kế quá dài dòng, cốt là để the narrator hoàn thành câu nói của gã, nhưng vô tình tạo ra sự nhàm chán và làm giảm giá trị chơi lại khiến game chỉ thực sự hứng thú trong vài giờ đầu. Và công sức người chơi bỏ ra để mở khóa tất cả 16 ending thực sự không xứng đáng, với lượng thời gian khổng lồ để hoàn thành 100%, người chơi hoàn toàn có thể tìm đến một tựa game khác ít tốn thời gian hơn. Các mini game tuy mang yếu tố bất ngờ nhưng lại thiếu đầu tư, thực sự chẳng ai muốn bấm một cái nút liên tục trong 4 tiếng đồng hồ cả. Những điểm trừ chủ yếu là việc tốn thời gian nhưng nhìn chung giá trị của game vẫn không bị ảnh hưởng mấy.

Dòng cuối

Với số điểm 88/100 trên Metacritic, 9/10 trên GameSpot, 90/100 trên PC Gamer (UK) cùng rất nhiều những đánh giá tích cực khác, The Stanley Parable thực sự là tựa game nên để tâm đến, không chỉ có giá thành rất rẻ (20k khi sale) mà chất lượng game mang đến rất cao khiến game có thể dễ dàng chiếm được cảm tình của phần đông người chơi. Đây sẽ là câu trả lời hoàn hảo cho thời gian rảnh cuối tuần sau những ngày làm việc và học tập miệt mài. Cảm xúc của tôi khi trải nghiệm tựa game này như một ly bạc xỉu, đầy sự bất ngờ, ngọt ngào, tuy có chút vị đắng nhè nhẹ, rất đáng để thử qua.