Mỗi khi một người nào đó biết mình đang theo học tiếng Nhật, họ thường hỏi liệu mình có dự định đi Nhật, hay liệu mình đang chuẩn bị du học Nhật Bản. Ban đầu mình đã rất ngạc nhiên, và sau đó càng ngạc nhiên hơn vì không ai có vẻ thực sự tin khi mình khẳng định: mình quyết định học chỉ vì mình muốn tìm hiểu về nó.

Nó ở đây, hẳn nhiên là tiếng Nhật, đồng thời cũng là nền văn hoá Nhật Bản.

Ngôn ngữ chính là linh hồn của một nền văn hoá. Giống như những di tích và cổ vật được khai quật, ngôn ngữ cũng từng tồn tại cùng với một dân tộc từ những ngày tháng đầu tiên nhất. Nhưng hơn cả thế, với lợi thế là một người bạn vô hình không chịu tác động từ thay đổi vật lý và dễ dàng đem theo, ngôn ngữ không bị bỏ lại phía sau và vùi mình trong lớp lớp cát bụi, mà dai dẳng đeo bám, rồi được truyền thụ lại qua từng thế hệ cho đến tận hiện tại hôm nay. Trên hành trình của mình, ngôn ngữ tiếp thu mọi cái thay đổi của thế giới vạn vật xung quanh, và cái thay đổi trong nội tại tính cách, hành vi, ứng xử của dân tộc của mình. Và vì thế, tuy không hiện hình tường minh thành từng trang sử kể và tả, ngôn ngữ của một dân tộc lại mang trong mình khắc hoạ sinh động về cả một hành trình quá khứ của dân tộc mình. Nếu văn hoá là những gì còn lại sau khi mọi thứ đã mất đi, thì ngôn ngữ chính là phần xương cốt tinh hoa, đã được thời gian cô đọng lại, của chính cái thứ còn lại gì đấy.

Muốn hiểu biết thấu tường về một nền văn hoá, vì thế, cần phải hiểu được ngôn ngữ của nó. Hiểu được ở đây, chính là có khả năng chắp nối và hình dung được những thay đổi mà ngôn ngữ đã kinh qua, cùng những liên hệ giữa nó với cái biểu hiện của văn hoá ở bên ngoài, chứ không chỉ đơn thuần là đọc được, viết được. Nói cho đơn giản, nếu Văn Hoá là một cô gái vận một vẻ ngoài độc đáo, thì Ngôn Ngữ là phần nhân cách, phần độc đáo nhất của cô. Ngôn Ngữ là cách cô nói, bước đi, chào hỏi, và mỉm cười. Và thông qua việc nhìn thấu Ngôn Ngữ, anh sẽ hiểu rõ Văn Hoá thực sự là người như thế nào.

Song. Ngôn ngữ, cũng giống như là nét đẹp nhân cách ẩn giấu trong tâm hồn một cô gái, thường ít được quan tâm hoặc được quan tâm không đúng mực. Cũng giống như cách người ta nghĩ rằng hành vi đoan trang hay thái độ phẫn nộ của một cô gái chỉ là những biểu hiện bình thường của cô, hay là công cụ để họ gián tiếp thực hiện một điều gì; ngôn ngữ cũng thường chịu sự đối đãi dành cho một công cụ hay một thứ gì đó hiển nhiên. Ngôn ngữ mang trong mình những chắt chiu tinh hoa của nhiều ngàn năm, có nhiều khi lại chỉ là phương tiện để một ai đó đoạt được điều gì. Cái tinh hoa không được khám phá cũng như vẻ đẹp không được nhìn nhận, dần trở nên mờ nhạt và rơi vào lãng quên.

Mình học ngôn ngữ chỉ là để hiểu tường tận ngôn ngữ. Và sau đó là hiểu tường tận cô gái văn hoá của nó. Hiểu cô gái văn hoá của xứ khác, mình cũng đồng thời thấu hiểu hơn cô gái văn hoá của xứ mình. Dẫu biết rằng xét cho tận cho cùng, cái ngôn ngữ vẫn trước tiên là một công cụ, nhưng riêng đối với mình, hãy để nó là chiếc bình tinh hoa mà mình trân trọng khám phá.

14.02.2017