Về bệnh tự yêu Narcissism
Trong thần thoại Hy Lạp, Narcissus là một chàng trai với vẻ đẹp tuyệt mỹ. Trong một lần đi săn, chàng gặp một nữ thần rừng nymph tên...
Trong thần thoại Hy Lạp, Narcissus là một chàng trai với vẻ đẹp tuyệt mỹ. Trong một lần đi săn, chàng gặp một nữ thần rừng nymph tên là Echo. Echo vốn được lệnh của thần Zeus theo hầu vợ ngài là nữ thần Hera. Nữ hoàng ghen tuông nghi ngờ Echo là nhân tình mới của thần Zeus chồng mình nên đã nguyền rủa nàng không thể nói chuyện bình thường được mà chỉ có thể lặp lại những từ cuối câu mà người khác nói với mình rồi đuổi nàng đi. Khi nhìn thấy Narcissus, Echo đã ngay lập tức đem lòng yêu chàng trai xinh đẹp này. Nàng tiến đến Narcissus nhưng lại không thể nào bày tỏ được tình yêu của mình bằng lời. Khi chàng nói với nàng, nàng chỉ có thể nhại lại những từ cuối câu của chàng. Bối rối và bực tức, Narcissus phũ phàng bỏ đi. Echo xấu hổ vì bị cự tuyệt đã trốn vào hang đá, ở đó nàng tiều tụy vì nhớ nhung Narcissus cho đến khi thân thể tiêu tan đi chỉ còn lại tiếng vọng. Nữ thần báo thù Nemesis nhìn thấy tất cả những việc này. Bà nguyền rủa Narcissus vì đã từ chối tình yêu của Echo, rằng chàng sẽ yêu nhưng sẽ chẳng bao giờ chạm tới được tình yêu của mình.
Một ngày Narcissus đi ngang một con suối trong veo. Chàng chợt dừng bước và nhìn xuống suối. Dưới làm nước trong là hình ảnh một người con trai tuyệt đẹp, chẳng phải ai khác mà chính là cái bóng phản chiếu của Narcissus. Chàng ngồi xuống say sưa ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình, chàng yêu say đắm người con trai dưới suối nhưng mỗi lần chàng đưa tay xuống làn nước để chạm vào người mình yêu thì bóng hình kia lại tan biến. Chàng cứ ở đó, bên dòng suối, bên hình ảnh của chính mình mà chàng mê mẩn, cho đến chi Narcissus chịu chung số phận với Echo, tiều tụy héo mòn đến chết.
Câu chuyện này là nguồn gốc của thuật ngữ chỉ một chứng rối loạn nhân cách gọi là Narcissist Personality Disorder (NPD), về những người có hội chứng NPD và những người sống chung với anh ta.
Trong tâm lý học, từ Narcissist không phải để chỉ việc người ta yêu bản thân mà để nói đến những người bị ám ảnh bởi hình ảnh bị phóng đại, bị lý tưởng hóa của chính mình. Ngoài đường, tại nơi làm việc, thậm chí ở nhà, khá dễ dàng nhận thấy một số người, mà qua lời nói hoặc hành động, ta thấy rằng hẳn anh ta nghĩ mình ưa nhìn hơn, thông minh hơn, quan trọng hơn những người khác. Họ cho rằng bản thân phải được đối xử đặc biệt. Các Narcissus hiện đại thường hướng ngoại, thích thị uy và hay tìm kiếm sự chú ý. Vì thể hiển nhiên anh chàng/cô nàng này thích theo đuổi các vị trí có quyền lực giống như CEO, người nổi tiếng, chính trị gia, dẫn dắt trào lưu văn hóa… Không phải nhà lãnh đạo nào cũng mắc chứng NPD, nhiều người theo đuổi vị trí lãnh đạo vì những động cơ tích cực như để phát huy hết tiềm năng hay để làm cuộc sống của mọi người tốt lên. Tuy nhiên các Narcissus thì muốn quyền lực vì địa vị và sự chú ý của đám đông vì họ luôn luôn khao khát được ngợi ca và ngưỡng mộ. Những trường hợp cực đoan nhất sống trong thế giới giả tưởng của riêng anh ta, với ảo giác về thành công, vinh quang, quyền lực vô hạn, tình yêu mỹ mãn. Hiện thực mâu thuẫn với ảo mộng của anh luôn bị lờ đi, tìm cách phá vỡ bong bóng ảo tưởng sẽ bị đáp trả bằng sự bảo thủ, hung hãn, giận dữ hoặc thái độ lạnh nhạt đáng sợ.
Loại rối loạn nhân cách này thường đi kèm tính ngạo mạn, ích kỷ, thích thao túng, hay đòi hỏi, điều này làm cho cuộc sống với người có NPDer tương đối khó nhọc, khi người đó lại là sếp hay đồng nghiệp, là bạn bè, cha, mẹ, anh chị em hay vợ hoặc chồng. Rối loại nhân cách này không cho phép người ta phát triển khả năng cảm nhận cảm xúc, hay đặt mình vào vị trí của người khác khiến NPD không có sự cảm thông. Họ có thể dễ dàng bóc lột, dọa dẫm, hạ nhục người khác vì ảo mộng vĩ đại của bản thân mà không hề cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi. Narcissus là những kẻ bắt nạt. Những người quanh anh ta, giống như nàng Echo tội nghiệp, chỉ là tiếng vọng. Tưởng tượng thay vì quan tâm đến vợ/chồng và các con cái thì NPDer coi họ như nguồn cung cấp cho anh ta sự chú ý, ca ngợi, ngưỡng mộ. Hoặc thay vì tìm kiếm đóng góp có tính xây dựng về chất lượng công việc của mình thì anh ta lên án những người đang cố giúp anh ta rằng họ sai, họ đang đố kỵ vì anh ta tốt hơn.
Một dạng biểu hiện khác cũng được xem là cùng một loại rối loạn với NPD đó là dạng biểu hiện dễ bị tổn thương. Những người này có biểu hiện điển hình là coi bản thân yếu đuối, dễ bị làm tổn hại, cần được đối xử đặc biệt. Cô ta thường đổ lỗi cho người khác về các trục trặc trong cuộc sống, trong quan hệ, trong công việc và luôn luôn tự sắm vai nạn nhân. Hiển nhiên, hành vi này kéo theo chiến thuật tâm lý mà các NPDer dạng này hay sử dụng đó là làm người khác cảm thấy tội lỗi để đạt được điều mình muốn (hay còn gọi là “guilt tripping”).
Các NPDer cực kỳ nhạy cảm với chỉ trích hay ý kiến bất đồng dù là rất nhẹ, họ xem đó như sự công kích tới hình ảnh cá nhân. Cái khó là anh/cô ta hầu như miễn nhiễm với sự tự nhìn nhận và thay đổi hành vi bản thân. Do đó việc thuyết phục một Narcissus rằng anh/cô ấy có vấn đề và cần được giúp đỡ để điều trị là việc gần như không tưởng, đôi khi còn nguy hiểm. Do bản chất của rối loạn này, việc người ta chủ động thừa nhận và đi tìm cách điều trị cũng khó có thể xảy ra. Chưa nói đến việc quy trình điều trị cũng không ít khó khăn, thuốc men tốn kém, liệu pháp tâm lý dài ngày, hiệu quả khó đánh giá. Tuy nhiên không phải không có cách để đối phó hay chung sống.
Văn hóa Tây phương và đặc biệt là văn hóa Mỹ cổ động sự bày tỏ cái tôi của bản thân vô giới hạn. Điều này mang lại cho chúng ta sự cởi mở, năng động, tự do nhưng đồng thời cũng nuôi dưỡng những căn bệnh tinh thần. Khoa học công nghệ mang lại nhiều phương tiện để thể hiện mình mà thậm chí không cần phải mặt đối mặt. Mọi người thể hiện cảm xúc, bày tỏ quan điểm qua Zalo, Facebook, Instagram, tô vẽ hình ảnh cá nhân bằng Photoshop, Camera 360... Các nền tảng mạng xã hội này cho luôn họ công cụ để đong tính mức độ thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của người khác bằng những cái like, share, follow – thứ năng lượng mà NPDer hiện đại luôn thèm muốn. Mặt gương chống xước của điện thoại thông mình giờ phải chăng đã trở thành mặt nước trong của con suối nơi mà Narcissus gục xuống? Thiết nghĩ giờ là lúc để bàn về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là ở nước ta khi sức khỏe tinh thần vẫn ít nhận được sự quan tâm, hiểu biết cộng đồng về các chứng bệnh không phải ở thể xác vẫn còn khá hạn chế.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất