Về Việc Viết
Có một sự thật hiển nhiên với những người viết ở đây đó là không có bất kỳ ai yêu cầu chúng ta viết cả. Điều đó có...
Có một sự thật hiển nhiên với những người viết ở đây đó là không có bất kỳ ai yêu cầu chúng ta viết cả. Điều đó có nghĩa là hàng nghìn bài viết có trên diễn đàn này, hoặc là trên các trang mạng xã hội, trang blog, chúng tồn tại là vì người viết muốn chúng tồn tại, không phải để đáp ứng một nhu cầu của cha mẹ họ, hay bạn bè họ, hay người yêu họ. Mà là để đáp ứng duy nhất một thứ: đó là khiến bản thân họ cảm thấy thỏa mãn.
Đây là một điều đơn giản, nhưng mà nó quá hiển nhiên đến mức chúng ta quên đi sự tồn tại của chúng, như chúng ta đôi lúc quên mất rằng có không khí bao quanh mình. Khi chúng ta viết, điều trước hết là chúng ta viết để cho chúng ta đọc, và để khiến chúng ta thấy thích thú. Khi chúng ta viết, chúng ta nên tự hỏi rằng: tại sao bài viết của mình lại tồn tại?
Viết là một cách để khám phá tâm hồn, tâm trí của chúng ta. Chúng ta thích đi khám phá thế giới bên ngoài, khám phá một đất nước bí hiểm bằng máy bay, xe hơi, xe máy, xe đạp. Chúng ta coi phim khoa học viễn tưởng để thỏa mãn tâm trí, để thấy được những thứ đẹp đẽ không có thực trong cuộc sống. Nhưng làm sao để khám phá được chính chúng ta nếu không phải là qua cách viết. Chúng ta đọc sách người khác viết và thấy mình trong đó, nhưng chẳng phải những trang sách đó ra đời là vì người cha người mẹ của nó đã dành rất nhiều thời gian khám phá từng ngóc ngách trong chính tâm hồn họ.
Chúng ta hay có quan niệm rằng viết là kết quả cuối cùng của những suy nghĩ đã được đúc kết, cô đọng lại, nhưng điều đó là không đúng nếu chúng ta viết cho chính chúng ta. Khi chúng ta viết cho chính chúng ta, những dòng chữ được tuôn ra chính là từng lớp tâm hồn, từng lớp suy nghĩ đang được tách khỏi những lớp vỏ xơ cứng phủ bên ngoài. Những cảm xúc, suy nghĩ của chúng ta luôn là sự trộn lẫn của nhiều sợi tơ rung động khác nhau, và chúng ta gỡ từng sợi tơ ấy, giống như những người nhạc sĩ, khi nghe các giai điệu và hòa âm có thể tìm ra từng âm, viết lại được từng mẫu tự. Đó là cách mà tâm trí và con tim hòa hợp. Ví dụ hãy bắt đầu với "đẹp", một từ quá đơn giản dùng để chỉ một khái niệm quá lớn về bề sâu và chiều rộng. Chúng ta bóc tách ra thành những thứ rõ ràng hơn: đẹp dịu dàng, đẹp sắc sảo, đẹp yêu kiều, đẹp duyên dáng, đáng yêu, quý phái. Khi mà ngôn từ vẫn không đủ sức đi vào chi tiết bề sâu của cái đẹp, chúng ta bắt đầu tả kỹ lưỡng hơn từng nét nhỏ trong vẻ đẹp ấy. Chúng ta bắt đầu đặt cảm xúc ấy vào trong bối cảnh rộng lớn hơn để làm nổi bật nó:
Đầu lòng hai ả tố nga, Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân. Mai cốt cách, tuyết tinh thần, Một người một vẻ, mười phân vẹn mười. Vân xem trang trọng khác vời, Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Kiều càng sắc sảo, mặn mà, So bề tài, sắc, lại là phần hơn. Làn thu thủy, nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Một, hai nghiêng nước nghiêng thành, Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
(Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh)
Con tim và lý trí chúng ta đi theo các hướng khác nhau là vì chúng sinh ra là đã như thế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không thể hòa hợp. Nếu con tim có thể cảm nhận được cái đẹp của logic như toán học, vật lý, các đồ thị kinh tế, và lý trí có thể rung động trước những sắc màu thanh âm mà chỉ con tim có thể cảm nhận được, thì chúng sẽ tạo nên một sự liên kết chặt chẽ mà từ đó một sự yên bình lan tỏa khắp từng ngóc ngách trong cơ thể.
Sự yên bình đó có được là vì chúng ta đã thành thật với bản thân mình. Khi chúng ta chấp nhận những nỗi đau và sự giằng xé, thay vì cố gắng chôn vùi và gạt nó đi, chúng ta đang cố gắng thành thật với chính bản thân chúng ta. Chúng ta nếu có học về triết học và các bài giảng về đạo đức thì sẽ hay nghe đến những cuộc bàn luận về sự nói dối, rằng nói dối có tốt hay không. Trong bất kỳ cuộc tranh luận nào về chủ đề này, câu trả lời sẽ luôn nằm một trong ba đáp án: nói dối là xấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nói dối là chấp nhận được tùy thuộc vào hoàn cảnh, nói dối là một điều tự nhiên bình thường. Dù có trả lời với những lý lẽ vững chắc ra sao thì chúng ta vẫn sẽ nói dối, lời nói dối sẽ xuất phát từ các cảm xúc mà con tim cảm nhận được, và trí não chúng ta sẽ tìm lý do để biện hộ cho nó. Nhưng điều quan trọng nhất đó là chúng ta không được phép nói dối chính bản thân mình, bởi vì nếu chúng ta không thành thật với bản thân thì tức là chúng ta đang ép trí não phải đối đầu với con tim, tư duy đối đầu với cảm xúc. Và như bao cuộc đối đầu khác, sẽ luôn có một bên chiến thắng. Về lâu dài điều đó sẽ khiến chúng ta nếu không phải là một người lạnh lùng và làm nhiều điều sai trái để rồi hối hận, thì chúng ta cũng sẽ trở thành những kẻ mất lý trí sống trong những niềm vui hão huyền mà cảm xúc mang lại.
"Anh bước xuống, có gắng không liếc nhìn cô quá lâu, cứ như cô ấy là mặt trời, ấy vậy mà anh vẫn thấy cô như là anh thấy mặt trời, dù anh không ngước nhìn." (Leo Tolstoy, Anna Karenina)
Sự hòa hợp đó, sự thật lòng với bản thân ấy, làm sao có thể đạt được nếu chúng ta không biết được con tim và tâm trí chúng ta như thế nào? Khi chúng ta viết, con tim nói và trí não lắng nghe. Chúng ta viết về chúng ta: liệu tôi có phải là một người tử tế, liệu tôi có phải là một người yếu đuối, liệu tôi có đủ mạnh mẽ để vượt qua thử thách sắp tới. Rồi chúng ta bắt đầu viết về việc người khác cảm nhận về chúng ta, về những điều cay độc họ đã thốt ra, hay là về những lời yêu thương họ dùng để bao phủ mình. Chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có đáng yêu như chúng ta nghĩ, rằng chúng ta có phải là một kẻ đê tiện. Chúng ta nhìn lại những sự ngu ngốc mình đã phạm phải, hay là những thành tựu mà chính mình không ngờ tới mình đạt được. Chúng ta dành nhiều thời gian để nói nhiều về người khác, nhưng khi ta viết là lúc ta dành thời gian để nói về bản thân mình.
"Khi lục lọi tâm hồn của mình, chúng ta tìm thấy những thứ đáng lẽ nên để yên không được đụng tới." (Leo Tolstoy, Anna Karenina)
Tôi nghĩ rằng đó là sự khởi đầu của rất nhiều nhà văn, của những người đam mê viết, khi họ viết là lúc họ bắt đầu viết về bản thân họ. Có thể đó chỉ là một quyển nhật ký, có thể đó là một truyện ngắn mà nhân vật chính phản ánh con người họ. Và khi những dòng chữ đầu tiên về bản thân mình được viết ra, chúng ta thấy chúng ta là một người đơn giản, để rồi chúng ta tiếp tục đào và bóc tách các sợi cảm xúc, ta cảm thấy hoang mang. Sự hoang mang đó giống như của một người sinh viên năm hai đi học chuyên ngành. Khi anh ta học đại cương về kinh tế học hay xác suất thống kê, anh ta dễ dàng nắm các khái niệm đơn giản. Nhưng khi anh ta tiến vô sâu hơn các lớp nâng cao, anh ta bị ngợp, lo sợ, và những con số đối với anh ấy là vô nghĩa, anh ta không biết nó có ích gì trong cuộc sống. Nếu anh ta bỏ cuộc lúc ấy thì mãi mãi những con số ấy là những thứ trống rỗng, những phát minh của những kẻ thiên tài sống ngoài vũ trụ. Nhưng nếu anh ta tiếp tục và tiếp tục và tiếp tục, anh ta sẽ chợt nhận ra rằng định lý Bayes, một thứ toán học cao cấp, lại là một thứ vô cùng đơn giản và chợt nhận ra rằng anh ta không thể không thấy định lý Bayes này khi ra ngoài đường nữa.
Con người chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta từ bỏ tìm hiểu về bản thân, và từ bỏ lắng nghe những sự đau buồn, chôn giấu đi những ký ức tồi tệ, thì mãi mãi chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời mình chẳng đi về đâu.
"Đôi lúc cô ấy không biết cô ấy sợ gì, cô ấy khao khát điều gì: liệu có phải cô áy đang sợ hoặc khao khát một thứ đáng lẽ nên xảy ra hay sắp xảy ra, và chính xác hơn cô ấy đang khao khát điều gì thì cô không biết." (Leo Tolstoy, Anna Karenina)
Nhưng nếu chúng ta tiếp tục chấp nhận bản thân và tiếp tục hành trình khám phá con người chúng ta bằng cách để con tim và trí não nói chuyện, bằng cách dùng con tim cảm thấu các rung động, bằng cách kiên trì dùng logic để đọc hành vi bản thân, chúng ta sẽ đi đến cuối con đường mà chúng ta mong muốn.
Có lẽ một trong những vấn đề cốt lõi khiến cho chúng ta cảm thấy bế tắc trong việc giáo dục văn học hiện nay đó là vì chúng ta không khuyến khích những đứa trẻ viết ra một cách thành thật những gì chúng nghĩ, mà chúng ta tự đặt ra một tiêu chuẩn ngẫu nhiên lạc hậu, nghĩ rằng đó là kinh thánh trong văn học và tin rằng những đứa trẻ phải đạt được các tiêu chuẩn cảm xúc đó. Chúng phải tự tưởng tượng ra những gì chúng không cảm thấy, và rồi chúng múa chữ hơn là thực sự viết. Nếu một ai lấy ngẫu nhiên một đề văn nghị luận và đọc, người đó sẽ dễ dàng đoán được bài viết của người học sẽ đi theo hướng nào. Nhưng rốt cuộc người học sinh thực sự nghĩ gì, có ai biết được không?
Khi viết là viết ra những gì thực sự nghĩ, và thực sự nghĩ. Người viết phơi bày hết ra, như là để lộ cảm xúc của mình cho thiên hạ nhìn, hoặc ít nhất là cho chính chúng ta nhìn. Rất nhiều người không hiểu được điều đó, và vì họ luôn viết để làm hài lòng người khác và cho phù hợp với suy nghĩ của người khác, nên họ luôn tin rằng có cái gì đó ẩn ý sau từng con chữ của người viết. Nên họ cứ cố gắng tìm một thứ không tồn tại, họ nghĩ cái gì cũng có hàm ý, ẩn dụ, cái gì cũng có một ý nghĩa khác sâu xa hơn. Trong khi thực chất tác giả chỉ muốn làm mọi thứ càng rõ ràng càng tốt, và nếu có các biểu tượng hay ẩn dụ, chúng chỉ là vật trang trí thêm cho đẹp.
"Thật là nản lòng khi nghĩ đến số người bị sốc vì sự chân thực nhiều ra sao và số người sốc vì sự lừa lọc ít như thế nào." (Noël Coward, Tâm hồn thanh thản)
Khi chúng ta hiểu được mình là người như thế nào, khi đó chúng ta mới mang đến được sự yên bình cho người khác, và khi đó trí não và con tim của chúng ta không chỉ hòa hợp với nhau mà nó còn hòa hợp với của người khác, qua những cái nắm tay. Tôi nghĩ rằng nắm tay là điều quan trọng nhất, người ta sẽ mệt mỏi vì làm tình, người ta cũng sẽ không thể ôm chặt nhau mãi và những nụ hôn chỉ đẹp trong những khoảnh khắc ngắn ngủi. Nhưng nắm tay, nó là thứ chúng ta có thể làm ở mọi nơi, và bao lâu cũng được. Mùi hương của người yêu là thứ chúng ta sẽ quên nhanh nhất, giọng nói cũng nhạt nhòa thành những ký tự không rõ nghĩa, nhưng cái cảm giác ta nắm tay người ta yêu, nó sẽ vẫn ở đó.
"Cô Morstan và tôi đứng với nhau, và tay cô ấy nắm chặt tay tôi. Một cảm giác tinh tế tuyệt diệu gọi là tình yêu bao phủ chúng tôi, vì ngay lúc đó chúng tôi là hai người chưa nhìn thấy nhau một lần cho đến ngày hôm đó, là hai người mà chưa một câu từ hay một cái nhìn trìu mến nào được trao cho nhau, ấy vậy mà chỉ trong một khoảnh khắc khó khăn, đôi tay chúng tôi theo bản năng đã tìm đến nhau. Tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên sung sướng từ khoảnh khắc ấy cho đến giờ, nhưng ngay thời điểm đó hành động mà tôi vươn tay ra nắm lấy tay cô dường như là một điều tự nhiên nhất có thể, và, như sau này cô hay kể lại, trong thâm tâm cô ấy cũng có một sự thôi thúc khiến cô ấy tìm đến tôi để cảm thấy thoải mái và sự che chở. Và do đó chúng tôi đứng đó năm tay nhau như hai đứa trẻ, và đã có sự bình yên bao phủ con tim chúng tôi bất chấp màn đêm đang bao quanh mình." (Arthur Conan Doyle, Sherlock Holmes)
"Tôi đã học được một điều rằng không có gì khiến bạn cảm thấy đang tồn tại như là việc nắm tay. Khi đó quá khứ không còn liên quan, còn tương lai thì không cần thiết." (Catherine Lowell, Người Đàn Bà Điên Trên Lầu)
Khi tâm trí và con tim của chúng ta hòa hợp với của người khác, chúng ta viết cho người ấy vì nỗi buồn của chúng ta là sự đau đớn của họ, vì niềm vui của bản thân là nụ cười trên môi của người khác. Khi màn đêm bao phủ từng ngóc ngách, và sự yên lặng tràn ngập mọi nơi đến mức chúng ta không dám thở mạnh vì sợ nó sẽ khiến bản thân giật mình, khi chúng ta không dám nghĩ vì sợ nó sẽ quá ồn ào. Khi đó, chúng ta ngồi và chúng ta viết, như một cách để dòng lũ suy tư trong tâm trí ùa ra mà không phá vỡ sự tĩnh mịch chung quanh.
Con người thì đâu có biết giới hạn là gì. Bao nhiêu lần chúng ta đặt ra giới hạn cho bản thân để rồi nhận ra đó chỉ là trí tưởng tượng trong đầu: chỉ cần cô ấy yêu thương mình là đủ, chỉ cần đậu đại học là được, chỉ cần được làm ngành mình thích là sẽ ổn. Chúng ta cảm thấy không đủ khi chỉ hiểu bản thân, mà còn muốn hiểu cả những gì xảy ra chung quanh mình, chúng ta mang họ vào câu chuyện của mình. Những gì chúng ta viết vượt ra ngoài khuôn khổ của cảm nhận hằng ngày, của tình yêu giữa hai người, mà có thêm gia đình, có thêm hàng xóm, có thêm cây xanh. Chúng ta muốn thấy được những điều lớn lao ngoài xã hội kia và muốn bóc tách cảm nhận của hàng triệu người ngoài kia như là bóc tách cảm nhận của chính bản thân.
Khi đó chúng ta bắt đầu viết về những thứ to lớn hơn, về nhiều người hơn, dù cho những người đó chúng ta không quen biết. Chúng ta viết vì chúng ta muốn tạo ra thêm ý nghĩa cho cuộc sống, có thể là thông qua những cảm nhận tinh tế của bản thân mà ta tin rằng người khác không có được:
"Bởi vì con người có thể nhắm mắt trước những điều kì vĩ, những sự kinh hoàng, những vẻ đẹp, hay bịt tai trước những giai điệu và những lời lừa lọc. Nhưng họ không thể thoát được mùi hương. Bởi vì mùi hương là người anh của hơi thở. Cùng với hơi thở nó xâm nhập vào con người, những người không thể phòng ngự trước nó, nếu họ còn muốn sống. Và mùi hương thâm nhập vào những ngóc ngách sâu thẳm, đi thẳng vào con tim, tạo nên hàng rào ngăn cách giữa lòng thương và sự thù hận, khinh bỉ và đam mê, tình yêu và căm ghét. Cái người mà thống trị mùi hương thì thống trị con tim của nhân loại." (Patrick Süskind, Mùi hương: Câu chuyện về một kẻ sát nhân)
Bởi vì cuộc sống chẳng phải là quá đơn điệu sao và tất cả những gì chúng ta muốn làm là gạt đi sự đơn điệu ấy bằng những cảm nhận của giác quan: những pha trình diễn nghệ thuật đẹp mắt thỏa mãn thính giác, những bữa ăn ngon thỏa mãn vị giác và thính giác. Nhưng có thứ gì giúp tâm hồn đi qua những vùng trời mà đôi mắt không thể thấy, xuyên ngược thời gian bất chấp các định luật vật lý, cảm thấy được những nỗi đau từ những con người lạ mặt, hay là cùng cười với họ và nghe họ hát dù họ chỉ là một mảnh vụn tưởng tượng, có thứ gì ngoài những con chữ?
Có những đoạn văn sẽ hằn sâu trong tâm trí suốt nhiều năm, và mỗi khi đọc lại chúng ta vẫn suýt xoa như thuở ban đầu:
"Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất, đó là thời kì của sự thông thái, đó là thời kì của sự ngu xuẩn, đó là kỷ nguyên của niềm tin, đó là kỷ nguyên của sự lừa lọc, đó là mùa của Ánh Sáng, đó là mùa của Đêm Đen, đó là mùa xuân của hy vọng, đó là mùa đông của tuyệt vọng, chúng ta có tất cả mọi thứ trước mặt, chúng ta chẳng có gì trước mặt, tất cả chúng ta đều đang đi thẳng đến Thiên Đường, tất cả chúng ta đều đang đi hướng ngược lại - nói ngắn gọn, khoảng thời gian đó giống như khoảng thời gian hiện tại, đến mức một vài nhà cầm quyền to tiếng nhất nhấn mạnh đến việc, vì những lý do đen tối hay tốt đẹp, nó chỉ được nhắc đến bằng những so sánh nhất ở hai cực thôi." (Charles Dickens, A tale of Two Cities)
Đôi khi vì chúng ta choáng ngợp trước những đoạn văn đẹp như vậy, chúng ta cố gắng bắt chước một cách vụng về, để viết ra những bài viết hào nhoáng đầy những từ ngữ đanh thép nhưng bên trong trống rỗng. Nó trống rỗng vì nó không thật, vì nó không được viết ra bởi những sự chân thành. Nó được viết ra không phải để cho bản thân người viết đọc và thấy thỏa mãn, mà nó viết ra là để cố gắng tạo ấn tượng lên người khác, để cố gắng lấy những từ ngữ sâu sắc gây ấn tượng mạnh một cách nhất thời lên người đọc. Những câu từ được tuôn ra không phải để nhắm đến những điều tốt đẹp, nó không phải là những viên đá quý lấp lánh hiện ra sau khi cát đã được sàng kỹ, mà như những bụi bẩn đá trộn lẫn trong đó, không được tách bóc kỹ càng và bị vứt vào người khác.
Những bài viết như vậy không chân thật và vì thế nó không được gọi là một bài viết đẹp. Bởi vì nếu một nhà văn không đạt được sự chân thành với những cảm xúc của mình, và từ đó rèn luyện được khả năng cảm nhận những rung cảm của người khác, thì làm sao có thể viết ra được những dòng như vậy:
"Một người họa sĩ có thể nhìn vào một cô gái đẹp và thấy hình ảnh cụ già mà cô gái ấy sẽ trở thành. Một họa sĩ tài giỏi hơn có thể nhìn vào một người phụ nữ già và thấy được hình bóng cô gái trẻ trước đây của bà cụ ấy. Nhưng một họa sĩ tài ba - một bậc thầy - và đó là thứ mà Auguste Rodin đã trở thành - có thể nhìn vào một người phụ nữ già, và vẽ chính xác dung mạo người phụ nữ ấy...và đồng thời ép người xem thấy được cô gái trẻ trước đây trong người đàn bà đó...và hơn thế nữa, ông có thể khiến bất kỳ ai có sự nhạy cảm tinh tế của một con tatu có thể thấy được là cô gái trẻ ấy vẫn đang sống, không có gì là già hay xấu xí cả, mà chỉ là đang bị giam cầm trong một cơ thể lụi tàn. Ông có thể khiến bạn cảm nhận được sự yên tĩnh, những bi kịch không bao giờ hết đến với một cô gái mà khi sinh ra chưa bao giờ lớn quá tuổi 18 trong con tim cô...mặc cho bao nhiêu giây phút tàn bạo đã xảy ra trong cuộc đời cô." (Robert Heilien, Người lạ ở vùng đất lạ)
Khi những dòng chữ viết ra từ những cảm xúc chân thành, dù nó đơn giản thì nó vẫn đẹp kì lạ:
"Tôi nghĩ số nguyên tố giống cuộc sống. Chúng có logic rất chặt chẽ nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra được các quy luật, cho dù bạn dành tất cả thời gian để suy nghĩ về chúng." (Mark Hadon, Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm)
Viết cho người khác đọc, tức là chấp nhận sự thờ ơ lãnh cảm dành cho những cảm xúc suy nghĩ của mình. Bởi vì thực sự đâu có ai yêu cầu mình viết. Do đó nếu muốn người đó dừng lại, dù chỉ là vài phút ngắn ngủi để đắm chìm trong những dòng chữ được viết ra, thì ngoài những cảm xúc chân thật thì người viết còn cần một sự kiên trì rèn luyện kỹ thuật viết. Kỹ thuật viết là công cụ tạo ra các cung bậc cảm xúc mới. Con người có thể khác nhau nhưng các sợi dây cảm xúc cơ bản tạo nên họ thì giống như, giống như mọi bản giao hưởng cũng chỉ ra đời từ bảy nốt nhạc.
Viết cho người khác là biết tái hợp lại các cung bậc cảm xúc, các nhánh tư duy khác nhau, đó để tạo ra các rung động mới, các góc nhìn tư duy mới. Điều đó đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong việc đọc, học, nghiền ngẫm, và nuôi dưỡng đam mê viết của mình.
Tôi nghĩ rằng khi chúng ta viết bằng sự chân thành, và với khao khát rằng mình có thể mang đến những vẻ đẹp cho những người khác, thì dù bài viết ấy có buồn và có tràn ngập nỗi đau ra sao, thì độc giả cũng cảm thấy vui mừng vì họ có thể cảm nhận được những cung bậc cảm xúc ấy. Và khi ấy chúng ta giúp họ nhìn vào bản thân họ, và thôi thúc họ bắt đầu chuyến hành trình vào sâu thẳm bên trong tâm hồn của họ.
Và nếu độc giả không cảm nhận được những điều đó và bỏ mặc nó, khi người ta yêu từ bỏ chúng ta và khiến con tim lẫn tâm trí hai người chấm dứt sự hòa hợp, thì ít nhất chúng ta có thể tự an ủi rằng, khi ta thành thật với bản thân, ít nhất ta biết rằng trên thế gian này có một người chân thành với ta.
"Tôi nghĩ rằng...nếu điều đó đúng tức là có nhiều tâm trí như là số lượng đầu người, thì sẽ có nhiều kiểu tình yêu khác nhau như là số lượng trái tim tồn tại trên thế giới này." (Leo Tolstoy, Anna Karenina)
Sài Gòn, 21.08.2019
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất