La Vang 1972
La Vang 1972
Một câu chuyện bịa về một nơi chẳng có bao giờ. Tất cả đến từ một ý tưởng từ những năm đầu sinh viên của tôi khi tôi nghe nhạc Phạm Duy. Vì vài lý do mà tôi đã xóa bài đăng này trước đó, giờ đăng lại để lâu lâu có thể vào đọc và cũng như có cái để lưu lại.
Đò quê
Dưới ánh trăng, chiếc đồng hồ khẽ đưa từng nhịp đến con số bốn, chiếc đò máy vẫn đang lướt đi trong đêm trên dòng sông thanh vắng. Hai bên bờ là những bến nước, những vườn cây, những ngôi nhà, những rặng dừa nước và vài chiếc xuồng con neo đậu. Trăng khuya cũng sắp tàn. Trong cái mờ tỏ đó, Kiên ngồi lặng yên bên cửa sổ đò. Tiếng ngáy ngủ trên từng chiếc võng, tiếng cọ mình vẫn vang lên từng hồi. Kiên khẽ nhắm mắt và hít hà từng đợt khi anh đưa mũi xuống chiếc cổ áo mình. Kiên đã làm đi làm lại việc này không biết bao nhiêu bận từ lúc xuống đò ở Hưng Đô đến tận bây giờ. Mùi vải trên bộ quân phục sao mà sạch sẽ và thơm tho đến vậy. Đã mấy tháng nay, Kiên vẫn hay mơ về tiếng ghe đò rẽ sóng, tiếng bìm bịp kêu chiều và cả những tiếng ngáy ngủ trên đò khuya. Dẫu rằng trong những giấc mơ đó luôn bị đánh thức bởi tiếng bom đạn, súng nổ. Kiên vẫn còn nhớ trong một giấc mơ, anh mơ thấy sân giáo đường cũ, anh mơ thấy những ngày ê a những lời kinh, câu hát, anh mơ thấy bóng cha bổn sở hiền từ luôn xoa đầu anh. Để rồi tiếng nổ tung trời phát lên đưa Kiên trở lại thực tại nơi đại dương xanh thẳm mênh mông. Giữa cái sóng nước đó, lửa đang cháy khắp nơi kéo theo từng cột khói cao ngút trong đêm. Tiếng súng đạn vang lên không ngớt, từng tiếng la hét, thúc nhau ầm ĩ. Rồi tiếng từng chiếc phi cơ của quân thù réo gọi trên cao cho đến tiếng những chiếc phi cơ trên chiến hạm cũng đang lần lượt cất cánh bay lên. Đêm hôm đó đã có nhiều người mãi mãi nằm lại... Thế mà anh vẫn sống với từng ấy vết thương trên người. Anh tỉnh dậy sau cơm mê ngủ dài, anh thấy mình đã về được Hưng Đô. Anh chẳng nhớ gì. Chỉ được nghe rằng trong cái đêm lửa và nước xoáy vào nhau đó, anh đã liều thân để cứu vị chỉ huy trong gang tấc để rồi hôn mê đến giờ. Lúc đó anh nheo mày mà nghĩ "Là mình sao? Là mình sao?". Anh tự hỏi mình cứu người đó bởi vì mình muốn cứu ông ta hay bởi vì mình muốn lao vào những đường đạn kia để kết thúc cái cuộc đời chán ngán này? Trong lúc Kiên vẫn còn trôi dạt trong những dòng ký ức lộn xộn và đan xen thì anh được kéo về bởi một tiếng gọi từ phía sau.
- Ông thiếu tá ơi, ông về bến ông biện Hùng đúng hôn?
Kiên như được kéo ra khỏi những bến bờ mộng mị, suy tưởng, anh đáp lại:
- Dạ phải rồi bác, chừng nào tới bến ông biện Hùng bác tấp vô giúp con
Đợi chừng mười phút, đò ghé vô bến nước nhà ông biện Hùng. Ông biện Hùng thì đã hóa ra người thiên cổ từ ngày Kiên còn bé tí, nhưng vì đò hay ghé bến nhà ông nên cái tên ông biện đến giờ vẫn còn ở trên môi của tất thảy người dân xứ này. Bước lên bến sông, Kiên bắt đầu đưa từng bước chân đi trên con đường mà anh đã trải qua không biết bao nhiêu cảm xúc trong đời. Đó là những ngày xa quê để đi thi, đi học trên tỉnh. Để rồi có những ngày anh trông ngóng cũng như chán chường khi tiếng gọi "Có ai tấp vô bến ông biện Hùng không?" cất lên. Rồi những ngày tòng quân ra trận, Kiên đi biền biệt chỉ về quê đúng một lần sau khi tốt nghiệp khóa tân binh, đeo lon chuẩn úy về trình diện bà con thân tộc. Để rồi Kiên đi biền biệt mãi đến bây giờ. Đang đi trên con đường cặp mé sông thì Kiên thấy có ánh đuốc ai đó đang đi trong đêm. Kiên thầm nghĩ chắc là một ai đó đang đi lễ sáng ở nhà thờ lớn. Kiên bất giác nhớ về Trung, đứa em trai mà anh thương yêu vô cùng. Trong lúc những ký ức về Trung đang chực chờ cuống lấy tâm trí Kiên thì một tiếng gọi từ phía sau ngọn đuốc đã kéo Kiên trở lại:
- Trời đất ơi, thầy hai, phải thầy hai Kiên không? Thánh thần thiên địa ơi, thầy hai đi lính mà đi biền biệt mấy năm rồi.
Kiên nheo mắt lại nhìn qua ngọn đuốc, miệng anh mấp máy như chụp chờ nói lên một cái tên nào đó, một cái tên anh biết mình nhớ, rất nhớ nhưng chỉ là chưa thể nói ra ngay. Người ở phía sau ngọn đuốc cười mà nói với Kiên rằng:
- Tui Năm Nghĩa nè, thầy hai nhớ tui không? - A đúng rồi, chú Năm Nghĩa. - Kiên hô lên - Sao mà quên được, hồi nhỏ chú dắt anh em con đi vô vườn măng cụt với chôm chôm suốt. - Dạ, hồi đó tui đi ở bên nhà ông Cả Vĩnh nên được dịp mà gần gũi với hai thầy. - Thôi, thôi mà - Kiên xua tay - Thầy biện gì chú Năm Nghĩa ơi, chú cứ kêu con là thằng Kiên hoặc là cậu Kiên cũng được. - Dạ, vậy thôi tui gọi thầy là cậu Kiên nha. Để tui đưa cậu Kiên về nhà. Đợt này cây cầu lớn bị lở nên phải đi đường khác. - Đường tắt ngang nhà của mấy dì phải không chú? - Dạ đúng đó cậu.
Kiên đi từng bước theo ông Năm Nghĩa để về nhà. Trời lúc này đã dần sáng hơn, ông Năm Nghĩa cùng dụi đi ánh đuốc. Cả hai người sải bước trên con đường lát đá ở bên cạnh những song sắt nơi hàng rào nhà thờ lớn. Đây là ngôi nhà thờ mà Kiên và Trung đã được Rửa Tội, được lãnh nhận Thánh Thể lần đầu tiên và đương nhiên là được Thêm Sức. Kiên cũng nhớ về những ngày đông rét căm như hôm nay, bốn giờ sáng khi anh vẫn còn ngủ thì Trung đã được cha anh gọi dậy với tiếng gọi:
- Dậy đi Trung, dậy đi con, Dì Sáu tới gọi kìa, kêu anh con thức dậy nửa.
Kiên nhớ rằng Trung luôn tỉnh táo trong những ngày đó, dẫu đó có là buổi sáng sớm lạnh căm hay là đêm trước nó đã thức đến tận một hai giờ sáng để học bài. Còn về phần Kiên, anh luôn cố gắng bám víu lấy giấc ngủ mặc cho những lời khuyên lơn của Dì Sáu như "Đi đi con, đi hầu đèn là được gần Chúa hơn đó con". Nhưng Kiên biếng lười, anh chỉ muốn ngủ cho đến khi anh thấy bờ mông mình đau rát sau một tiếng vụt khô khóc từ ông Cả Vĩnh kèm những tiếng dọa nạt như "Mày hư lắm, mày dám để Dì Sáu vào gọi đến như vậy mà mày thì nằm ngủ ê a" hay "Mày ăn chung bữa, học chung thầy, ở chung nhà mà sao không học được em mày chút nào vậy? Mày thấy em mày nó tốt lành sáng láng mà sao mày u mê quá vậy?". Để rồi sau mỗi lần như thế hai anh em đều bước theo chân Dì Sáu trong ánh đuốc giữa đêm và cái lạnh thấu xương như đêm nay. Kiên vẫn nhớ, có những lần anh ê a chậm trễ bị cha phạt không cho mặc áo ấm, anh vừa đi vừa rét run cầm cập. Những lúc như thế Trung đều ngoáy lại mà nói:
- Anh hai mặc áo của em đi, em không có lạnh.
Kiên dù lạnh thấu xương và biết em trai thương mình nhưng vì cái tự tôn của một thằng anh, anh chẳng bao giờ chịu mặc lấy tấm áo ấm kia. Trở lại với hiện tại, Kiên và chú Năm Nghĩa dừng lại một tí trước cổng sau nhà thờ, giờ này cũng đã có nhiều người đi lễ. Những tiếng kinh cầu râm rang phát ra làm Kiên có chút bồi hồi.
Thứ nhất, lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai, mở dạy kẻ mê muội. Thứ ba, yên ủi kẻ âu lo. Thứ bốn, răn bảo kẻ có tội. Thứ năm, tha kẻ dể ta. Thứ sáu, nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Kiên nhớ về cha bổn sở. Những năm đó dù trong lòng có bực tức sự hà khắc của ông Cả Vĩnh thì khi đến nhà thờ, lòng Kiên luôn tràn đầy sự khoan khoái, nhất là khi anh được gặp cha sở, người mà anh kính trọng và thương yêu vô cùng. Nghĩ đến đó Kiên chợt cất giọng:
- Cha sở về với Chúa được mấy mùa Giáng Sinh rồi chú Năm? - Dạ, Cha Giuse tạ thế cũng được hơn hai năm rồi. Lần đó lễ tang cha lớn lắm, ai cũng khóc thương. - Năm đó, binh lửa ác liệt quá. Con đi theo quân đánh tới tận xứ người, gian khổ trăm bề. Tới khi được điều về lại Bắc Đô, nhận được thư báo từ gia đình thì cũng đã muộn. Lòng con đến giờ vẫn còn áy náy. - Dạ, cậu hai chớ mà áy náy. Đương thời binh lửa gian nguy, cậu còn tại thế để ấy nấy thì đã quý báu lắm rồi.
Nghĩ ngợi một hồi thì Kiên nói:
- Thôi, chú Năm đưa con tới đây là được rồi, chú vào đi lễ kìa.
Ông Năm Nghĩa lắc đầu xua tay:
- Thôi, sáng chút tui đi lễ với con út cũng được. Để tui đi với cậu hai thêm một đoạn.
Kiên cũng đành gập đầu đồng ý. Trời đêm tháng mười hai rét căm căm, sau khi băng qua khu vườn trái cây đã khô trái mùa đông thì cả hai cũng đến nhà Kiên. Đó là một căn nhà tường lớn với cổng vào là những song sắt tua tủa. Trước nhà là tượng Đức Mẹ Maria trên một hòn non bộ, nơi mà mỗi sáng anh em Kiên đều ra lần hạt mân côi. Khi nghe hơi người, tiếng chó sủa rền vang từ trong nhà. Thấy vậy ông Năm Nghĩa rầy mấy con chó:
- Sủa bậy sủa bạ, tụi bây biết đây là cậu hai Kiên không? - Nói đoạn ông quay sang Kiên - Để tôi gọi bà Bảy, thấy cậu về chắc bả mừng lắm. - Má Bảy ơi, má Bảy! Má ra coi ai về đây nè.
Trong nhà có một ánh đèn dầu thắp lên và tiến dần ra đầu cổng. Một giọng nói trầm ấm của một bà già hơn bảy mươi cất lên:
- Mày đó hả Năm Nghĩa. Có ai tới mà mày mới sáng sớm đã kêu tao vậy.
Ông Năm Nghĩa cười hề hề mà nói:
- Thì má coi thử đi rồi biết này.
Má Bảy soi dần ánh đèn lên trước mặt Kiên và bà thốt lên:
- Chúa ơi! Cậu... cậu hai Kiên. Trời đất ơi, cậu về sao mà cậu không báo. Biết bao nhiêu năm nay cậu đi đánh giặc biền biệt không thấy về. Ở nhà ai cũng mong tin cậu hết. - Má Bảy như chực khóc nhưng rồi cố trấn tĩnh lại và nói - Thôi, có gì từ từ tính. Cậu hai vô nhà đi cậu.
Kiên bất ngờ và quá xúc động nên chỉ biết "Dạ" lý nhí vài tiếng rồi đi theo má Bảy bước vào cổng. Hình ảnh vị thiếu tá lục quân cương nghị nơi chiến trường cùng bộ quân phục chai sạn như được rũ bỏ bên ngoài. Kiên giờ thấy anh trở lại là đứa trẻ con năm nào ríu rít dưới chân má Bảy lúc ở nhà, khi trên trường và những ngày đi lễ Chúa Nhật. Khi vừa bước qua cánh cửa, Kiên quay lại nhìn ông Năm Nghĩa mà nói:
- Chú Năm vô nhà uống nước xíu rồi về.
Ông Năm Nghĩa cười hiền đáp:
- Thôi khỏi cậu hai. Cậu mới về cậu nghỉ ngơi trước đi. Chuyện nước nôi thì để ít bữa nữa tôi ghé qua thăm cậu sau cũng được. - Vậy cũng được. Con cảm ơn chú Năm Nghĩa nhiều lắm nha. - Thôi mà cậu, ơn nghĩa gì. Cả nhà tôi mang ơn ông Cả Vĩnh không biết sao trả được. Nhiêu đây mà nhằm nhò gì.
Nói đoạn Kiên đi vào nhà cũng má Bảy. Má Bảy sờ nắm đôi bàn tay của Kiên, rồi đến khuôn mặt của anh. Bà nói:
- Sao cậu hai đi lâu vậy mà vắng thư từ quá vậy. Chuyện binh lửa giờ càng lúc cấp bách. Ngày nào đi chợ tôi cũng nghe người ta nói rằng quân mình thua lớn bên xứ này, xứ kia. Quân ngoại quốc sắp đánh vào nước mình. Rồi phi cơ của giặc thả bom đến tận Đế Đô. Ở nhà ai cũng lo cho cậu hết. - Dạ, con cũng muốn nhưng mà hành quân liên miên. Vả lại quân đoàn của con toàn đánh trên đất giặc nên cũng khó mà thư từ được. - Mà cậu hai về sao không báo trước. Ông Cả đi thăm ông Biện trên Hưng Đô chắc hơn tuần nữa mới về. Mà đợt này cậu hai về lâu không?- Dạ con về được ba bữa đó má Bảy.
Bà Bảy đưa ngón tay lên nhẩm tính, rồi bà nói:
- Hôm này là hai mươi mốt, vậy cậu hai đi trước Giáng Sinh rồi. Có cách nào ở lại ăn Giáng Sinh được không cậu? - Dạ. Chuyện quân đội không dời được đâu má Bảy. Sáng hai mươi bốn là con đi rồi. Nhưng chắc cũng hít thở được chút không khí Giáng Sinh quê mình.
Bà Bảy cười hài lòng rồi nói:
- Cậu hai giờ khác quá. Cậu người lớn hơn hẳn hồi còn ở đây. Ý chết, cái tật hay hỏi của tôi. Nãy giờ chưa hỏi cậu hai cơm nước gì chưa? Hay để tôi đi làm cơm cho cậu hai.
Kiên xua tay nói:
- Con ăn trên đò ở xứ Vĩnh rồi má Bảy. Má Bảy cứ để đó. Để con đi thay đồ rồi nghỉ chút là được. Để con đi ra bàn thờ chút. - Dạ, cậu - Bà Bảy chợt có chút đau buồn nơi khuôn mặt.
Cả hai người đi ra gian thờ trước, nơi trên bàn thờ là tượng của Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giuse. Bên dưới là di ảnh của bà Cả Vĩnh, má Kiên. Bà mất trong một vụ chìm đò vào năm mà Kiên mới lên bốn và Trung thì chỉ vừa lên ba. Từ đó mà ông Cả Vĩnh một mình gà trống nuôi con đến tận bây giờ. Kế bên người mẹ hiền của Kiên là di ảnh của Trung, đứa em ngoan ngoãn, sáng láng của anh. Trung chết trân nơi xứ người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mọi thứ báo về chỉ là tin về việc chiếc chiến đấu cơ của Trung bị bắn hạ trong một chiến dịch phía tây. Ít ỏi, khô khốc đến rợn người trong cái thời chiến loạn này. Cứ thế mà Kiên mất đi hai người anh yêu thương, một trên một chiếc đò và một trên một chiếc phi cơ. Cách mấy tháng trước, anh cũng suýt mất mạng trên một chiếc hàng hàng không mẫu hạm ở giữa đại dương bởi những làn đạn từ phi cơ kẻ thù. Thật mai mỉa.
Ngày đầu tiên
Sau vài giờ ngủ vội, Kiên thức dậy vào lúc bảy giờ sáng hơn. Từng ánh nắng khẽ xuyên qua tấm màn che, tiếng chim kêu ríu rít khắp vườn và đâu đó là tiếng cười của lũ trẻ con trên đường đi lễ nhì. Anh thèm giấc ngủ này vô cùng, anh muốn níu kéo cái giây phút này dài đến mãi vô tận. Nhưng Kiên cũng biết rằng những cái mãi mãi nơi thế trần này thì cũng là những điều hữu hạn nơi cõi tạm. Những ngày phép của anh cũng chẳng nằm ngoài những quy luật kia. Thế nên Kiên ngồi dậy để bắt đầu ngày phép đầu tiên của mình. Như những ngày còn bé nhỏ, Kiên bước ra tượng Đức Mẹ để lần hạt mân côi. Trên tay anh là vòng mân côi của má, một trong những di vật mà anh trân quý nhất. Chiếc vòng mân côi này đã đi cùng anh từ trại huấn luyện, đến những ngày đông Bắc Đô, rồi những cuộc viễn chinh phía bắc, phía tây. Không ít lần trong cơn hung hiểm, anh lúc thì khóc, lúc thì giận dữ hoặc cũng có khi anh buông xuôi. Những lúc đó, chuỗi mân côi kia nhưng mà vật trói buộc tâm hồn Kiên vào sự tỉnh táo. Có lẻ nhờ thế mà sau bao cơn nguy khó, cậu chuẩn úy năm nào giờ đã là ông thiếu tá dù tuổi chưa đến ba mươi. Đọc kinh xong thì Kiên gặp má Bảy trong ở trong gian bếp. Bà hỏi anh:
- Cậu hai ăn chưa? Để tôi dọn ra. Hôm nay tôi nấu hủ tíu giò heo, món mà cậu hai thích. - Dạ, má Bảy dọn ra dùm con. Rồi má Bảy ăn chung với con cho vui. Mấy năm rồi con không được ăn chung với người nhà.
Bà Bảy định từ chối nhưng rồi câu nói sau của Kiên làm bà chạnh lòng và thương cảm. Vốn từ lâu ngoài nghĩ chủ tớ thì bà Bảy đã luôn xem anh em Kiên như hai đứa cháu ruột. Cả hai sớm thiếu vắng tình thương của người mẹ, ông Cả Vĩnh thì bận bịu chuyện làm ăn, chuyện làng xã đến cả chuyện họ đạo. Nên từ nhỏ hai cậu bé đã quấn lấy bà Bảy như bóng với hình. Ngày nhận tin báo tử của Trung, bà Bảy thấy như lòng mình đã chết đi đôi phần. Nay giữa khi cơn binh lửa đang đến hồi cam go, nhìn Kiên lành lặn trở về, bà Bảy cảm thấy vui mừng hết sức. Cứ vậy mà hai bà cháu ngồi ăn cùng nhau. Kiên nhìn tô hủ tíu mà lòng anh dâng lên một nỗi hạnh phúc khó tả. Sợi hủ tíu mềm dẻo xứ mình, chút thịt bằm, vài lát thịt heo, một miếng huyết nhỏ, một cục xương mềm, kế bên là đĩa giá và chanh, ớt. Những ngày còn nhỏ, Kiên và Trung đều mê món hủ tíu của má Bảy làm. Trung là đứa gọn gàng, nó ăn gì dẫu ngon đến mấy cũng nhẹ nhàng, từ tốn. Nhưng chỉ riêng hủ tíu của má Bảy là nó ăn một cách ngon lành không giấu diếm. Kiên nhớ lần nào ăn Trung cũng đòi ăn cái cạnh đuôi heo, nó cầm lên mà cạp đầy thích thú... Trong dòng suy nghĩ đó thì tiếng bà Bảy cất lên:
- Cậu hai nhớ cậu ba phải không?
Kiên im lặng chưa vội trả lời, anh cũng đang bần thần vì với anh em mình vẫn ở đây, nơi căn nhà này, chiếc bàn ăn này và trong cả từng gấp hủ tíu ngon lành kia. Bà Bảy nói tiếp:
- Hồi sáng này, lúc nấu nồi hủ tíu rồi cho ra tô. Thú thiệt lòng tôi cũng nhớ cậu ba dữ thần lắm. Tin cậu ba về với Chúa tới ngay sau lễ tang cha sở có hai tháng. Đợt đó cũng gần Giáng Sinh. Trời cũng lạnh căm như vầy. Hồi đó, ai cũng tới viếng cậu ba. Cậu ba tốt tánh, hiền lành, giữ đạo kỹ. Xứ này ai cũng thương cậu ba hết...
Những giọt nước mắt bắt đầu rơi trên khóe mắt của bà quản gia già. Nhưng sau những giây yếu lòng đó, bà Bảy ngay lập tức trấn tỉnh mà lấy chiếc khăn rằn chùi những giọt nước mắt trên mặt mà nói:
- Trời đất, bậy quá. Cậu hai mới về mà tôi như vậy. Quấy quá quá. - Không sao đâu mà má Bảy. Con biết má thương anh em con như con cháu ruột trong nhà mà. - Kiên cười an ủi - Thôi, chắc giờ con đi lên lòng vòng xứ mình một chút. - Dạ, vậy cậu hai đi. Có gì trưa cậu hai về ăn cơm, nay tôi có làm cái lòng tong kho tiêu với canh chua tôm cho cậu. - Dạ, vậy trưa con về ăn cơm với má Bảy.
Kiên trở về phòng để chuẩn bị đi ra ngoài, anh không biết sẽ phải bắt đầu đi đâu và đến đâu. Kiên phân vân giữa những nơi xa và gần trong ký ức. Nên đến những nơi xa xăm trong ký ức như ngôi trường cũ, khu vườn cây ngày nhỏ mà hai anh em hay la cà. Hay là lại đi ra bến đò nơi mà ngày xưa má Bảy tiễn anh ra đi. "Không" - Kiên thầm nghĩ. Đó là nơi mà anh không muôn bén mảng đến lúc này. Sau vài cơn nghĩ ngợi anh quyết định đi thăm chú Năm Nghĩa, phần vì cảm ơn chú đã dắt anh về lúc sáng, phần vì anh cũng muốn nghe chuyện xứ mình mấy năm nay. Thế là Kiên chào má Bảy và bước ra ngoài trong chiếc áo sơ-mi và quần tây. Anh đi men qua khu vườn cũ, nơi mà những ngày nhỏ anh và Trung đã chạy đùa, rong ruổi. Rồi đến khu nhà của các sơ nơi mà ngày nhỏ sau khi mẹ mất, ông Cả Vĩnh vẫn thường gửi hai đứa con cho các sơ coi sóc. Lúc Kiên đến nhà thờ thì lễ vừa tan, đám con nít ríu rít ra về như ông vỡ tổ. Nhớ lại ngày nhỏ, mỗi lần tan lễ nhì là anh và Trung đều chạy qua bên nữ để gặp Ly... Kiên chợt buông ra tiếng thở dài, hình bóng của Trung quả thật vẫn luôn hiện hữu ở đâu đó nơi đây, trên từng con đường, bến sông, khu vườn và cả dưới bóng giáo đường kìa. Đang suy nghĩ thì một tiếng gọi cất lên:
- Cậu hai đi thăm ai trên đây vậy - Ông Năm Nghĩa cười mà hỏi Kiên. - Dạ, con tính đi thăm chú Năm nè - Kiên cũng cười mà đáp lại - Lâu rồi mới về, tính đi qua thăm chú sẵn nghe chú kể chuyện xứ mình mấy năm nay. - Trời đất ơi, được hầu chuyện thầy hai là may quá cho tôi rồi - Ông Năm Nghĩa cười rồi ông quay lại vẫy vẫy tay - Ê con út, ra đây thưa thầy hai nè.
Từ phía xa, một con bé chừng hơn mười tuổi, mặc áo sơ-mi, cổ đeo khăn quàng thiếu nhi đang chạy ra. Con bé chạy nhanh một mạch nhưng khi đến gần Kiên thì có vẻ rụt rè. Trước cái rụt rè đó, ông Năm Nghĩa nhắc:
- Thưa thầy hai đi con. - Dạ, thưa thầy hai. - Con bé hơi rụt rè. - Ngoan - Kiên xoa đầu con bé rồi hỏi - Tên thánh của con là gì, con Thêm Sức chưa? - Dạ, thưa thầy, tên thánh của con là Têrêsa. Năm nay con đang học thêm sức với cô Hiên. - Giỏi, tên thánh của chú là Augustino Phaolô.
Sau đó, Kiên và hai cha con ông Năm Nghĩa cùng nhau đi về phía nhà ông Năm. Vừa đi ông Năm Nghĩa và chỉ cho Kiên cái này cái kia ở hai bên đường. Khi là "Cậu hai có nhớ cái bến sông đó không?", "Cái mé cua này hồi nhỏ cậu hai chạy xe đạp bị té né, thiệt hôm đó tôi lo hết sức", "Cái nhà lá của bà Ba Chúc hồi xưa giờ bả bán đất, chủ mới đốt xong xây cái nhà tường bên kia đó cậu"... Cuối cùng rồi cũng đến nhà ông Năm Nghĩa. Đó là một ngôi nhà gỗ không quá to, đồ đạc đơn sơ nhưng ngăn nắp, trong nhà để nhiều tranh và ảnh của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh. Từ nhỏ đến giờ Kiên chỉ đến đây đúng một lần vào một dịp mà anh cũng không nhớ rõ, anh chỉ nhớ là anh đi một mình... Khi nhớ rằng anh đi đến đây một mình, anh chợt nhớ ra rõ ràng rằng anh đến nhà chú Năm để làm gì. Nhưng lúc này anh muốn giấu giếm đi cái ký ức đó ở sâu trong tận lòng mình. Ông Năm Nghĩa đon đả mời Kiên ngồi:
- Dạ, mời cậu hai ngồi, nhà cửa bê bối quá - Ông gãi gãi đầu rồi gọi với vào trong - Má tụi nhỏ ơi, kêu tụi nhỏ ra đây chào khách quý.
Từ phía sau nhà, bà Năm Nghĩa bước ra cùng hai hai thằng con trai, một đứa hơn mười lăm tuổi, đứa còn lại độ chừng mười tám. Mới thấy Kiên bà Năm Nghĩa đã cười mừng rỡ:
- Trời, mèn đét ơi. Thầy hai Kiên. Hồi sáng chồng tôi nói là thầy về thăm. Ổng nói thầy hứa hôm nào qua thăm làm tôi đang tính xem nấu gì mời thầy mà thầy tới vầy nhà chưa có gì hết. Thiệt mắc cỡ quá chừng. Để tôi kêu sấp nhỏ nó làm vịt nấu cháo mời thầy. Đợt này thầy về lâu không? Thầy có đi nửa không?
Ông Năm Nghĩa thấy vợ hỏi nhiều quá thì gắt nhẹ vợ:
- Cái bà này, thầy hai mới tới mà bà hỏi như hỏi cung vậy. Còn chưa thưa thầy lấy câu nào. Thằng tư, thằng năm nửa, cúi đầu thưa thầy hai Kiên đi kìa. - Ý tôi bậy quá, tại lâu quá không gặp thầy hai nên tôi đâm ra lôi thôi. - Bà Năm Nghĩa cười đáp. - Thím Năm bao năm vẫn hồn hậu như vậy. - Kiên cười - Chuyện ăn uống chắc tôi xin kiếu, tại vì trưa nay tôi có hứa về ăn cơm với má Bảy rồi. - Dạ, cậu hai nói phải. Má Bảy chắc nhớ cậu hai lung lắm. Thôi về ăn với bả cho nó vui.
Kiên nhìn qua nhìn lại nhà một chút rồi hỏi vợ chồng ông Năm Nghĩa:
- Thằng Lượm với con Lặt đâu còn hả chú thím?
Bà Năm Nghĩa trả lời:
- Con Lặt thì vợ chồng tôi gả nó hồi hai năm trước rồi. Gả cho nhà kia bên họ Cây Chanh. Chèo xuồng qua đó chắc cỡ hai tiếng là tới. Còn thằng Lượm nó ở ngoài vườn, chút nó vô á.
Đang nói thì có tiếng ai đó đi vào. Lượm hiện lên trước mắt Kiên đầy sững sờ. Thằng nhỏ ngày nào sún răng, vui cười tíu tít nay nhìn nó dạn dày sương gió với đầy những vết sẹo. Lượm đi lại khập khiễng trên chiếc chân bị tật, một bàn tay có lẻ đã chỉ còn bốn ngón. Vừa thấy Kiên, Lượm mấp máy định hỏi thì bà Năm Nghĩa đã nói:
- Thầy thiếu tá Kiên, con ông Cả Vĩnh đó mày. Không mau chào thầy hai đi mà còn lập cà lập cập cái gì nửa.
Lượm sau khi định thần thì anh ta cố sức đứng thẳng trên đôi chân tật nguyền, ánh mắt cương nghị và chào nhà binh bằng bàn tay phải chỉ còn có bốn ngón:
- Thượng sĩ Lê Văn Lượm, thuộc tiểu đội 10, quân đoàn Trấn Tây Biên xin trình diện thượng tá!
Kiên hơi bất ngờ, anh định xua tay nói Lượm không cần thiết phải quá nghiêm trang, vì cậu ta cũng đã giải ngũ và Kiên cũng đang về phép. Nhưng có Kiên cũng hiểu cái lòng, cái dạ của người quân nhân. Nên anh cũng đứng nghiêm trang mà chào Lượm:
- Thượng tá Lâm Văn Kiên, quân đoàn hộ vệ Bắc Đô xin chào thượng sĩ.
Giữa những ngày binh lửa nơi phía bắc cũng như những chiến dịch ở Trấn Thượng Ninh, Kiên có khi phải chào không biết bao nhiêu lần một ngày. Nhưng nó là những cái chào cấp thiết, nặng nề, đôi khi là chán ngán. Đã lâu lắm rồi anh mới có được một cái chào nhà binh kèm tên đơn vị một cách trang nghiêm như thế này. Thật mai mỉa khi mà điều đó thực hiện bởi hai quân nhân, một đã giải ngũ vì thương tật và một kẻ đang về phép với không một tí quân phục hay cấp bậc trên người. Sau cái giây phút đó, mọi thử trở lại bình thường. Một bình trà, ít bánh trái được dọn lên, Kiên, ông Năm Nghĩa và Lượm vừa ngồi vừa nói chuyện. Lượm kể khá nhiều về những ngày ở quân đoàn Trấn Tây Biên. Đó là những câu chuyện đen tối, chua chát và toàn mùi bơm đạn, máu me trong tiếng phi cơ ù ù trên không gian, tiếng pháo kích quắn đặc và những tiếng đạn lốp cốp vô tình. Ông Năm Nghĩa có vẻ hiểu rằng đây là những ngày xa rời chiến sự quý báu của Kiên nên đã khéo léo kêu Lượm đi làm chút công việc ngoài vườn. Cả hai lại chào nhau lần nửa. Để rồi chỉ còn hai chú cháu trên chiếc bàn trà. Ông Năm Nghĩa# và Kiên nói đủ thứ chuyện từ xưa đến nay. Ông khuyên anh nên đi thăm nhà thờ, đi một vòng chợ rồi đi thăm vài người giáo viên cũ. Ông nghĩ rằng những điều đó là cần cho anh lúc này. Sau vài hồi chuyện vãn thì Kiên quyết định từ giã ông Năm Nghĩa để ra về. Khi đi đến ngõ ông Năm hỏi:
- Khi nào cậu hai đi? - Sáng hai bốn tôi đi. - Kiên đáp. - Tiếc quá, không ăn Giáng Sinh họ đạo mình được. - Con đi thì con cũng sẽ lại về thôi mà chú. - Kiên khẽ mỉm cười.
Ông Năm Nghĩa liền vỗ vai Kiên, vừa cười vừa nói:
- Chúa phù hộ cậu hai. Dân mình ai mà chẳng đi xa rồi chẳng lại về. Từ vua đến dân đều vậy. Hôm trước, tôi nghe cha sở giảng cái này hay lắm. Chúa luôn có cách an bài cho mọi sự trong ngoài bất kể nơi nào và khi nào. Trong muôn vàn đất nước, thế mà Chúa chọn chúng ta. Có đi thì cũng sẽ có về thôi vì số phận của chúng ta là thế. Chúng ta có hai vị quân vương tiên khởi đều là những người phải đi xa, rời quê, rời nước. Để rồi vị đầu tiên trở lại mang lại thái bình nơi cõi trần cho tất cả dân chúng. Đến vị thứ hai thì đem lại thái bình nơi tâm hồn thông qua việc ngài chọn làm Chiên Thiên Chúa, đem đạo Chúa đến với dân mình. - Trời đất - Kiên bật cười - Chú Năm Nghĩa giờ giảng hay hệt như cha. - Dạ đâu có dám cậu - Ông Năm Nghĩa xua xua tay. - Tại cha giảng hay quá nên tôi nhớ lâu đó chứ. À hay cậu hai đi thăm cha sở đi. Cha Antôn ngày xưa giờ đã là cha sở mới rồi. - À, là cha Antôn ngày xưa dạy giáo lý đúng không chú? - Đúng rồi đó cậu hai - Ông Năm Nghĩa đáp - Ổng giảng hay quá chừng.
Kiên gật gù đồng ý rồi anh cũng chào từ biệt ông Năm Nghĩa mà ra về. "Chiến tranh càng lúc càng cam go, quân thù đến từ mọi nơi, mọi hướng, quân trang, lương thực đều thiếu thốn" - Kiên thầm nghĩ. Anh chẳng biết rằng cái lời hứa tôi đi rồi tôi sẽ về của anh có thể thực hiện được hay không. Bởi có khi chỉ trong ngày đầu trở lại chiến trường phía bắc, Kiên có thể từ giã cõi tạm này bằng đủ thứ cách khác nhau, một viên đạn xuyên tim, một quả pháo làm anh tan xác, một cú đâm lê chí tử hoặc là một loạt đạn từ phi cơ giặc. Nếu có ân huệ nào, Kiên chỉ mong rằng cái chết đến thật nhanh lẹ, ngọt ngào dẫu đớn đau. Anh sợ hãi cảnh lê đôi chân đứt lìa trên từng chiến hào, sợ bị thiết giáp của giặc cán qua tay hoặc chân, sợ cảnh chết dần trong quân y viện giữa muôn ngàn người lính thoi thóp. Kiên khẽ rùng mình trước nghĩ suy nghĩ kia. Anh không hề sợ hãi cái chết cũng như những điều khủng khiếp diễn ra trước cái chết. Nhưng Kiên sợ hãi cái cách anh dửng dưng trước sự chết. Anh xem sự chết như một lẽ tất yếu, một điều sẽ đến như thể cái áo, đôi giày và nơi chiến địa là một cái chợ lớn. Ở đó Kiên mong chờ sẽ được lựa chọn, được tìm thấy món hàng mà mình ưng ý. Chính những nghĩ suy sâu thẳm đó làm Kiên thấy sợ hãi. Kiên hiểu và hiểu rất rõ rằng tất thảy con người ở nơi trần thế này suy cho cùng cũng chỉ là những lữ khách lãng du nơi cõi tạm, thứ chúng ta hướng về vẫn là quê hương trên trời. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải mong ngóng cái chết. Dẫu trong suy nghĩ thôi, đó cũng là tội lỗi, tội tự sát. Kiên nghĩ về những khóa học tân binh ngày anh còn ở trại huấn luyện cao nguyên. Ở đó những người lính giống Kiên đều được phát một cuốn sổ tóm lược vài ý chính trong cuốn sách đầu tiên trong cuốn Thành Trì Của Chúa của thánh Augustino. Đó là những dòng chữ nói về tự sát như một tội lỗi đáng nguyền rủa nhất. Thế mà giờ đây anh lại nghĩ suy những điều đi ngược lại với vị thánh bổn mạng của mình. Lòng Kiên có chút rối bời, có lẽ những dòng sông, bến nước, con đường nơi cố xứ đã làm lòng anh đỡ phần chai sạn hơn những vùng đất xa lạ phương bắc. Trong lúc đầu óc Kiên vẫn còn miên man trong những viên đạn, quả pháo, mũi lê cùng bao trang sách ngày cũ thì một mùi hương đã lẫn vào mũi anh. Mùi bông bưởi. Kiên nhận ra mình đã quay về đến vườn nhà mình ngay chỗ giáp ranh với nhà của các sơ. Hoa bưởi vườn nhà lúc nào cũng thơm ngát. Kiên nhớ lại mình đã yêu quý mảnh vườn này như thế nào, Trung cũng thế, ông Cả Vĩnh lại càng yêu hơn. Bởi vì ngày còn tại thế, má Kiên thích nhất là mùi hoa bưởi. Kiên vẫn nhớ những ngày mới lên ba... Trong cái ký ức mờ tỏ đó, chiều chiều anh được ông cả dắt đi vào vườn bưởi này. Bên cạnh là má anh đang ẵm bồng đứa em mới vừa sinh gần giáp năm. Kiên cũng nhớ Ly. Ly rất thích mùi hoa bưởi ở vườn này. Thời đó, có những năm hai anh em học trái buổi. Sáng Kiên đi học, chiều thì tới Trung đi học. Có những hôm tan học sớm, anh vẫn hay bắt gặp Ly và Trung cười nói với nhau trong khu vườn này. Lúc nhỏ thì anh hay sà vào mà cười nói với cả hai. Để khi lớn lên một chút, anh thường lựa cho mình một lối đi khác, một lối chỉ có riêng anh. Hôm nay cũng thế, một mình Kiên đi về giữa vườn bưởi với những bông hoa trắng và mùi thơm ngọt ngào.
Đến trước cửa nhà, những con chó vẫn sủa vang lên, có lẽ chúng vẫn chưa quen hơi với chủ mình. Bà Bảy từ trong nhà đi ra rầy mấy con chó rồi nói:
- Cậu hai về sớm vậy. Nhưng cũng vừa hay cơm nước mới xong xuôi hết. Cậu hai ăn luôn chưa để tôi dọn lên cho. - Chắc con tắm rửa xong rồi ăn cơm luôn. Có gì má Bảy dọn cơm rồi chút ngồi ăn chung với con cho vui nha. - Dạ chắc không được rồi cậu hai. Chút nửa tôi phải đi ra vườn coi mấy người thợ họ làm việc. Hồi ông chủ đi có dặn tôi chăm sóc mấy cây mai của ông. Hôm nay là ngày thợ làm nên tôi phải ra để ý. - Dạ, vậy Bảy cứ làm việc của Bảy đi. Có gì dọn cơm để đó chút rồi con ăn. - Kiên cười với bà Bảy.
Kiên bước ra bến nước mà tắm rửa. Anh vẫn nhớ cái bến nước này, nơi ngày nhỏ được má tắm cho, đế khi má Kiên mất rồi thì thì được má Bảy tắm. Cho đến khi anh được độ sáu bảy tuổi, anh em Kiên được chú Năm Nghĩa với ông Cả Vĩnh dạy bơi. Anh vẫn nhớ những buổi chiều, nước lên cao, tiếng bìm bịp kêu buồn đến nao lòng. Kiên và Trung cùng bơi đua với nhau, cả hai đắm mình trong dòng nước của con sông đến lúc má Bảy kêu đến bốn năm bận thì mới chịu lên bờ. Kiên vẫn nhớ có những hôm hai đứa vừa trèo lên thì đã thấy ông Cả Vĩnh đứng nghiêm nghị cùng cây roi trên tay. Những lần như thế thì ông luôn kêu Trung vào nhà thay đồ và chuẩn bị ăn cơm. Riêng Kiên thì lúc nào cũng bị ông Cả Vĩnh vụt cho vài roi kèm theo lời chửi "Mày làm anh mà sao không biết bảo ban em mày?". Có lần Trung thấy thế thì khóc lóc mà cản ông Cả Vĩnh, ông Cả Vĩnh liền kêu bà Bảy kéo cậu ra rồi ông lại tiếp tục vụt vào lưng Kiên. Sau mỗi cú vụt ông Cả Vĩnh đều nói "Em mày còn nhỏ, nó không hiểu chuyện nhưng mà lớn, mày phải biết cái gì đúng, cái gì sai chứ!". Kiên vẫn nhớ sau những lần như thế, đêm nào Trung cũng vừa xin lỗi anh vừa khóc, dù cho anh không hề giận em mình. Trở lại với hiện tại, lúc này Kiên đã thay xong áo, anh ngồi vào mâm cơm mà bà Bảy đã để sẵn cho anh. Canh chua tôm với bạc hà, giá và cà. Cá lòng tong kho tiêu, nhiều ớt. Kế bên là hai trái chuối kèm đĩa nước mắm mặn. Kiên khẽ mỉm cười vì má Bảy vẫn luôn nhớ rất rõ anh thích ăn gì, thích làm gì. Ngồi giữa chiếc bàn chỉ có một mình, Kiên kính cẩn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Rồi một cách á đông, anh khấn má và Trung về ăn cùng mình bữa cơm này. Khi ăn từng con tôm, con cá, Kiên chợt cảm thấy buồn cười. Nếu con nhà nghèo thì những lúc này sẽ nhớ về những ngày nhỏ, anh em nhường nhịn nhau từng miếng ăn. Nhưng mà anh em Kiên lớn lên trong sự giàu có của ông Cả Vĩnh. Dù rằng ông là người cần kiệm và coi trọng cái lòng khó nghèo, nhưng hai anh em chưa từng thiếu thốn bất kì món vật chất nào. Nghĩ ngợi đến đó mắt Kiên chợt đượm buồn để rồi anh nhìn ra vườn bưởi mà buông ra một nụ cười mai mỉa kèm suy nghĩ "Nếu nhường thì chắc chỉ nhường được những điều mà cả hai anh em không thể cùng có được thôi...". Cơm nước xong xuôi, Kiên thấy mình cần một giấc ngủ dài. Tính ra thì từ cả đêm qua Kiên gần như không ngủ được chút nào trên đò, vừa về nhà thì anh cũng chỉ chợp mắt được hơn một giờ đồng hồ. Kiên đưa mình trên chiếc võng ở sau nhà. Trong những ngày bắc tiến, anh vẫn luôn kìm nén việc mơ tưởng về cố xứ. Nhưng trong những giấc ngủ vội, những cơn sốt mê man vì nhiễm trùng hay những lần mơ màng trong thiết vận xa giữa những cơn mưa tầm tã, hình ảnh cái võng đong đưa hay len vào trong những giấc mộng của Kiên. Trong những cơn mộng mị đó có khi anh thức dậy mà thấy mình hụt hẫng, tiếc rẻ. Có khi anh thức dậy mà giận lòng vì sự yếu lòng nơi chiến địa. Hoặc cũng có khi anh lén lút mà quệt đi đôi hàng nước mắt, dẫu chỉ có đôi lần thôi. Để hôm nay, anh đong đưa trên chiếc võng ngày xưa. Anh rất thích nơi này. Bởi vì có thể nhìn thấy con sông rộng lớn quê mình, bờ bên kia là những rặng dừa nước, những khu vườn hoa trái bát ngát xứ đạo. Quay mặt qua đây thì thấy được vườn bưởi thanh bình và sân nhà. Trời hôm nay đầu đông, gió mát và nắng dìu dịu. Kiên nằm võng mà nhìn từng tia nắng xuyên qua từng tán lá trong vườn. Kiên chợt có suy nghĩ rằng anh ước sao có thể nắm lấy được những tia nắng đầu đông này. Khi đó anh sẽ cất giữ trong túi mà đem theo bên mình. Mỗi khi tuyệt vọng, anh chỉ sẽ mở một tí ra, một tí thôi để lòng anh được ấm hơn. Kiên tự thấy rằng suy nghĩ đó thật rất chi là buồn cười, buồn cười vô cùng. Anh giờ đã là ông thiếu tá rồi chứ chẳng phải đứa con nít năm nào. Trong cái nắng chiều này, Kiên mặc cho những dòng suy nghĩ của mình trôi theo tiếng nước sông, tiếng chim muông và tán lá.
Khi Kiên thức giấc thì trời đã mờ tối, có vẻ anh đã ngủ một giấc rất dài, một giấc ngủ thẳng băng không mộng mị. Má Bảy là người gọi anh dậy:
- Tại tôi thấy cậu hai ngủ ngon quá, tôi không dám gọi dậy. Nhưng mà thấy trời sắp tối. Tôi sợ cậu hai có ý đi đâu đó mà ngủ quên thì trễ nãi công chuyện của cậu nên tôi mới gọi cậu dậy. - Dạ, không sao đâu má Bảy. Tối nay chắc má Bảy ăn cơm cùng con được phải không? Nay con tính ăn sớm rồi qua thăm nhà thầy Sáu Kiến. - Dạ, vậy tôi dọn cơm lên cho cậu hai ăn.
Trong buổi cơm hôm đó, Kiên được nghe bà Bảy kể về chuyện nhà thầy Sáu Kiến. Con trai lớn của thầy, Tuyền - bạn học của Trung cũng đã hy sinh ở chiến trường. Cậu ấy hy sinh trong một đợt pháo kích ở Sa Thập Sơn. Trước khi mất thầy Sáu chỉ nhận được một lá thư trong đó viết rằng Tuyền đã nhìn thấy những cánh rừng bạc ngàn, những ngọn núi nhọn tua tủa cắm lên bầu trời và những bờ biển xanh ngát. Để rồi lá thư thứ hai ông nhận được lại là tờ giấy báo tử cùng tấm huân chương của Tuyền. Kiên không có nhiều ký ức về Tuyền, Trung cũng chẳng mấy khi nói về cậu ấy với anh. Tuyền sống chung với bà Sáu Kiến. Gia đình thầy không được hạnh phúc nên cả hai vợ chồng gần như không sống cùng nhau, họ ở hai nhà khác nhau, chỉ thi thoảng mới qua lại, chủ yếu vì con cái. Kiên không nghĩ ngợi gì nhiều. Có thể là có chút lòng thương tiếc nhưng cũng chẳng quá nhiều. Một người trai chết vì binh lửa lúc này chẳng phải việc gì hiếm lạ. Ăn cơm xong, Kiên sửa soạn để đi thăm thầy Sáu Kiến. Bà Bảy cũng đưa cho Kiên chiếc đèn pin để có thể đi về trong đêm dẫu hôm đó là ngày mười một ta. Đường đến nhà thầy phải đi dọc theo triền đê. Kiên nhớ hồi nhỏ chưa có bờ đê này, năm nào nước cũng lên cao và làm ngập vườn tược, làng xóm. Những lần đó, anh em Kiên đi học đều phải xắn ống quần lên để khỏi ướt. Những ngày mưa gió thì cả hai luôn đem theo dù, mỗi người một cây. Có những hôm, hai anh em thích tắm mưa quá nên gửi lại cặp sách ở trường rồi chạy đuổi nhau trong cơn mưa tầm tã và con đường mà nước đã ngập đến đầu gối. Những lần như vậy, Kiên luôn bị ông Cả Vĩnh vụt không biết bao nhiêu là roi vì tội để em dầm mưa. Đường đêm hôm nay ánh trăng tuy mờ nhưng vẫn đủ sáng để Kiên bước đi, nên anh bật đèn pin mà cứ thế đi trong đêm. Đi một lúc thì cũng đến nhà của thầy Sáu Kiến. Ngôi nhà vẫn như xưa, nằm ẩn mình dưới hai cây vú sữa và hàng rào gỗ. Thấy nhà sáng đèn, Kiên đến trước nhà và gọi:
- Thầy Sáu có nhà không thầy Sáu?
Kiên nghe thấy trong nhà có tiếng người chạy ra. Bước ra là một dáng người nhỏ bé, mảnh khảnh của một cô gái. Cô gái nhìn Kiên rồi hỏi:
- Anh tới đây kiếm cha em hả? Anh là thầy giáo dạy cùng trường với cha em hay sao? - Không, tôi là Kiên, con ông Cả Vĩnh. Hôm nay tôi được về phép nên qua đây thăm thầy. - Ô, anh Kiên - Cô gái ngạc nhiên - À không, thầy hai Kiên chứ. Thầy về khi nào? Thầy khỏe không? Thầy về được mấy hôm? Thầy có ở lại ăn Giáng Sinh không?
Sao một tràng những câu hỏi, cô gái chợt nhận thấy sự vồ vã của mình nên đỏ mặt mà líu ríu:
- Ý, em bậy quá tự nhiên hỏi thầy quá chừng.
Kiên mỉm cười, vốn anh đã quen với những câu hỏi vồ vập từ khi anh trở về đây. Sau vài giây ngờ ngợ anh nói với cô gái:
- Em đừng gọi anh là thầy này thầy nọ, gọi anh là anh Kiên hay anh hai là được rồi. Em là Hiên đúng không? - Dạ, thầy à anh Kiên vẫn còn nhớ em hả? - Trời đất, tôi đi mới có sáu năm thôi chứ có phải sáu mươi năm đâu - Kiên lại cười - Mà nếu đi sáu mươi năm thiệt thì chắc gì tôi đã quên cô Hiên và những người dân xứ mình.
Kiên thấy cô gái thoáng bối rối, anh nói tiếp:
- Vậy không có thầy ở nhà thì cô Hiên cho phép tôi vào thắp nén nhang cho cậu Tuyền. Nay tôi mới nghe má Bảy kể chuyện của cậu ấy. Sẵn tôi cũng xin chia buồn với nhà cô Hiên. - Dạ, vậy em mời anh Kiên vào nhà.
Kiên bước vào nhà, ngôi nhà vẫn giống ngày nào với những chồng sách đủ loại đông tây kim cổ của thầy Sáu Kiến. Kiên vẫn nhớ lúc nhỏ hay chở Trung qua nhà thầy mượn mấy cuốn truyện Pháp văn về để đọc, mỗi lần vậy anh đều được thầy Sáu cho ăn vú sữa. Hiên hồi đó còn bé tí, chắc nhỏ hơn Kiên bốn năm tuổi, cô bé cứ ríu rít bên thầy. Sau khi khấn nguyện vài câu trước di ảnh của Tuyền, Kiên hỏi chuyện Hiên vài câu qua loa rồi xin phép ra về vì ở lâu cũng không tiện. Hiên xin tiễn anh một đoạn. Trên đoạn đường đê hai người đi cùng với nhau dưới ánh trăng mờ tỏ. Hiên hỏi thăm Kiên vài chuyện chiến trường, hỏi Kiên sau này hết chiến chinh rồi có trở về không. Kiên trả lời rằng anh không biết được mình có về không và về như thế nào. Lúc đó, Hiên có vẻ buồn, cô bảo anh đừng nên nói những điều xui rủi, Chúa sẽ luôn bảo vệ chúng ta. Trong giây phút đó một suy nghĩ thầm kín len vào trong lòng Kiên, thứ suy nghĩ anh cho là tội lỗi. Anh đã thầm chấp vấn về đức tin của như sự thưởng phạt khi mà Trung là đứa tốt lành biết bao, thế mà đứa em anh yêu thương nhất đã ra đi mãi mãi ở nơi chiến địa phía tây. Anh tự do rằng mình có tội, rất nhiều tội. Nhưng có vẻ là sự ương bướng ngày nhỏ vẫn còn trong anh, nên Kiên hỏi lại Hiên:
- Người tội lỗi như tôi mà cũng được Chúa thương xót hay sao cô Hiên?
Hiên có chút ngạc nhiên, có lẻ cô ngạc nhiên vì cô thấy lại được phần nào hình ảnh ngày nhỏ của Kiên. Một cậu công tử hiền lành, tốt tính nhưng đôi lúc cũng thốt ra những lời cay nghiệt, nặng nề. Những lời mà cô từng nghe từ Kiên, những lời mà chắc chính anh cũng chẳng còn nhớ. Cô dừng lại, nhìn thẳng vào Kiên và nói một cách nghiêm túc:
- Chúa yêu thương loài người vô cùng. Thầy Kiên hiểu hơn em mà. Em từng giận Chúa, từng buồn Ngài khi anh Tuyền mất. Nhưng em cũng hiểu tất cả đều là sự quan phòng của Thiên Chúa. Em vẫn buồn, vẫn thương anh hai. Nhưng em chẳng thể cho mình buông mất đức tin của em được.
Kiên hơi sững sờ khi nghe những lời đó, trong ký ức của Kiên, Hiên chỉ là một cô bé ngây ngơ, hay đùa nghịch và hay cười với anh mỗi khi anh đến nhà. Kiên thầm nghĩ rằng chiến tranh, sự chết cũng bao nỗi mất mát nơi thời cuộc thật đáng sợ. Chúng lấy mất của cô bé sự hồn nhiên, lấy đi phần nào nơi anh sự tin kính... Anh trả lời cô:
- Tôi xin lỗi. Nhưng sự thật tôi là một kẻ đầy tội lỗi nơi thể xác lẫn tâm hồn. - Vậy anh Kiên đi xưng tội đi.
Hiên lại quay trở lại vui vẻ. Cô lại cười, ánh mắt lại ánh lên vẻ tinh nghịch hồn nhiên dưới ánh trăng mờ tỏ. Kiên cũng cười, rồi anh nói:
- Mai cha có ngồi tòa xưng tội không vậy cô Hiên? - Có đó anh. Anh Kiên đến sau lễ nhì hoặc trước lễ chiều là đều có cha ngồi tòa xưng tội hết. - Vậy có gì mai tôi đi xem lễ rồi xưng tội luôn. Mà cô Hiên tiễn tôi đến đây được rồi, trời cũng tối rồi. Cô Hiên về sớm đi. - Vậy thôi em về trước. Anh Kiên về cẩn thận nha.
Sau đó, cả hai cùng quay lưng về hai hướng. Nhưng khi nghĩ tới nhà thờ, Kiên chợt nhớ ra điều gì đó. Anh quay lại gọi với theo:
- À cô Hiên ơi, cho tôi hỏi cái này với. Cô Hiên dạy giáo lý thiếu nhi ở trên nhà thờ phải không? - Dạ, đúng rồi anh. Mà sao anh Kiên biết? - Hiên trả lời. - À, hồi sáng tôi nghe con bé út, con chú Năm Nghĩa nói nó học giáo lý với cô Hiên. Tôi ngờ ngợ nên hỏi thôi. - Dạ, em đang dạy Thêm Sức cho mấy bé thiếu nhi ở họ đạo mình.
Kiên mĩm cười với Hiên rồi cả hai lại từ giã nhau ra về. Ánh trăng vẫn mờ tỏ cho đường anh về, anh thong dong bước đi mà chẳng cần phải bật sáng ngọn đèn.
Ngày thứ hai
Sau một buổi chiều được ngủ thẳng giấc thì đêm qua Kiên lại trải qua một đêm đầy mộng mị. Kiên mơ thấy những ngày xưa, sân giáo đường, trường học và cả vườn bưởi. Kiên mơ thấy nụ cười, mơ thấy nước mắt nơi khuôn mặt quen thuộc. Kiên chạy thật nhanh khỏi gương mặt và ánh mắt kia, anh sợ những lời nói và những giọt nước mắt đó hơn cả bom đạn nơi quân thù. Anh thức dậy lúc bốn giờ sáng hơn, trời vẫn lạnh buốc. Anh đi ra ngoài thì thấy bà Bảy đã vận chiếc áo dài trắng để đi lễ buổi sáng. Gặp anh bà hỏi:
- Sao cậu hai không ngủ thêm chút nửa. Hay cậu hai muốn đi lễ nhất? - Không, má Bảy - Kiên khẽ lắc đầu - Má Bảy cứ đi lễ đi. Nay con đi lễ nhì. - À, vậy thì chắc để tôi ở nhà chuẩn bị cơm nước cho cậu hai. Chiều tôi đi lễ cũng được. - Thôi, khỏi má Bảy - Kiên xua tay - Má Bảy cứ đi lễ đi. Sáng con đi ra chợ ăn cũng được. Lâu rồi con cũng muốn ra chợ ăn gì đó.
Bà Bảy mĩm cười nói:
- Vậy tôi đi lễ nha. Cậu hai ra chợ ăn hoành thánh dì Cù đi. Bả nghỉ rồi, giờ thằng Thành, con trai bả bán nhưng mà vẫn ngon. Tôi nhớ cậu hai mê nhất cái món đó. - Dạ, vậy để sáng con ra chợ ăn thử, lâu lắm rồi con chưa được ăn hoành thánh dì Cù.
Bà Bảy mỉm cười rồi đi ra cổng. Kiên lại đi ra phía cái võng mà nằm đong đưa. Lần này anh không muốn nghĩ ngợi gì, anh chẳng muốn trốn chạy gì nữa. Thoáng chốc trong lòng anh dâng lên một suy nghĩ rằng Kiên chẳng có gì phải trốn chạy, giờ chẳng còn điều gì ngăn bước anh. Nhưng suy nghĩ đó làm lòng anh đau đớn, nỗi đau như bóp nghẹt trái tim anh. Kèm theo đó là những ý nghĩ xấu hổ cũng như tội lỗi. Anh biết rõ rằng điều anh làm sẽ chẳng có gì sai. Nhưng làm sao lòng anh có thể chấp nhận được điều này. Kiên lại nghĩ đến Trung, đến vườn bưởi và con sông, để những ngày xưa cũ.
Khi trời hừng sáng, Kiên bước đi ra chợ. Ngôi chợ quê vẫn nhộn nhịp như ngày nào. Anh vẫn nhớ về những sạp trái cây, những quầy bán bánh kẹo, quần áo, chiếu thảm. Anh dừng lại trước tiệm tạp hóa của ông chủ người Hoa. Kiên ngó lên dòng chử trên bảng hiệu của tiệm Duyên Quý Nhân. Kiên nhớ hồi má còn tại thế, anh luôn được má dắt đến tiệm này để mua bánh kẹo. Đến khi lớn lên, Kiên cũng tập thay má dắt Trung đến tiệm này để mua kẹo. Kiên nhớ Trung rất thích ăn bánh quế ở đây. Lần nào tới tiệm này Trung cũng chọn mua bánh đó khi mà Kiên hỏi Trung thích ăn gì. Đến khi lớn hơn một chút, Trung không cần Kiên mua bánh cho nửa. Lúc này cậu cũng đã tự biết đi chợ mua quà vặt cho mình. Lúc này thì Trung không ăn bánh quế nửa, Trung hay mua mứt me. Kiên nhớ có lần anh định hỏi em mình sao lại không thèm bánh quế nửa. Nhưng rồi anh thôi không hỏi. Vì Kiên chợt nhớ ra Ly thích ăn mứt me... Thế là từ hôm đó, Kiên chỉ toàn mua bánh quế. Lần nào mua anh cũng chia cho em mình một nửa. Trung mà không chịu ăn thì anh nói lỡ mua nhiều, giờ mà bỏ đi thì sợ ông Cả Vĩnh đánh. Đang nhìn ngó thì tiếng ông chủ cất lên:
- Thầy thiếu tá Kiên con ông Cả Vĩnh đây mà. Lâu lắm rồi ngọ mới gặp lại thầy hai. Nay thầy hai muốn mua gì nè? Trời ơi, mừng quá xá mừng. - Dạ, con cảm ơn ông. - Kiên mỉm cười. - Tiệm bán vẫn ổn chứ ông? - Cũng kiếm đồng ra, đồng vô thôi thầy hai ơi. Giờ này cái gì cũng lên, người ta có cơm có thịt là vui rồi, ai mà màng gì tới bánh kẹo. Chắc ở chỗ thầy người ta đánh ác lắm hả thầy? - Dạ, cũng gian khổ lắm bác. Con cũng mong sớm qua đợt này. Bác lấy cho con nửa ký bánh ống mè nha. - Dạ, quý quá, quý quá, nay được thầy thượng tá mở hàng. Để ngọ lấy liền cho nha.
Ông chủ lại mở cái nắp keo đựng bánh ra. Hồi nhỏ Kiên mê nhất là cái lúc này. Trả tiền xong, Kiên chúc ông chủ mua may bán đắt, ông cũng chúc anh bình an vô sự. Kiên cầm theo túi bánh mà đi thẳng về sạp dì Cù. Đến nơi anh gọi chủ tiệm từ khuya sau:
- Con dì Cù ơi, cho tao xin tô hoành thánh coi.
Ông chủ tiệm nghe xong quay lại, sững sờ nhìn Kiên rồi chạy tới ôm anh và la lên:
- Trời đất ơi, thằng quỷ! Tao cứ tưởng mày chết mất xác rồi. Sáu năm rồi đó, mày đi lính sao không gửi thư từ gì hết vậy, chỉ toàn thấy tin vinh thăng từ hoàng gia gửi về cho ông Cả? - Tao cũng tính gửi thư về, mà bên Trấn Thượng Ninh mấy năm đó di chuyển liên miên. Vùng chiếm được càng lúc càng nhiều. - Chợt Kiên dừng lại nhìn quanh rồi nói nhỏ - Rồi đến khi bị thua liền vài trận lớn, rút quân cũng đột ngột nên đâu có thư từ gì được.
Thành vỗ vỗ hai vai Kiên mà nói:
- Mặc kệ, mày còn ngon lành vậy là ổn rồi. Mừng hết sức. - Thành quay vào bếp nói - Má thằng Thạo tiếp dùm tôi cái bếp nha, tôi tiếp ông thiếu tá chút. - Mày cưới vợ rồi hả? - Kiên hỏi - Mà sao mày về được đây? - Thì đây nè - Thành chỉ vào vai mình - Tao có miếng đạn trong đây, giờ đông tới là cầm súng hết nổi, chính phủ cho tao về. Tính ra tao phải cảm ơn thằng giặc nào đó bên Trấn Tây Biên. Về xong là tao cưới con bồ tao liền. Giờ đẻ ra thằng Thành con, tao đặt luôn là Thạo, thành ra hai cha con tao ghép lại là thành thạo, hế hế, nghe là khoái liền.
Thành ngưng lại vài giây rồi hỏi Kiên:
- Mày ăn gì chưa? Ăn hoành thánh nha. Tao biết mày ghiền nhất cái món đó. Tao được chân truyền của bà già, đảm bảo làm ngon số dách. Ngồi đó đi, tao bưng ra liền.
Kiên gập đầu. Lát sau, tô hoành thánh nóng hổi đã được Thành bưng ra. Anh ta vỗ vai Kiên:
- Ăn đi ông thượng tá. Tao cá là mấy cái sơn hào hải vị của tụi sĩ quan bọn mày không có vé so với cái tô hoành thánh này. Thiếu thì hú. Tao đãi mày ăn bửa tới bến luôn.
Kiên cười và gật đầu. Thành quay lại vào bếp để phụ vợ buôn bán. Kiên nhìn tô hoành thánh với một niềm hân hoan vô hạn. Tô hoành thánh nước trong, có xíu bóng dầu, những viên hoành thánh được vo săn chắc, vàng ươm. Trong tô có giá, cải ngọt, tôm, mực khô, trứng cút và xá xíu xắt mỏng. Điểm tô là hành lá và hành phi. Kiên lại làm dấu một cách đầy kính cẩn. Sau đó anh bắt đầu ăn. Kiên ăn một cách hạnh phúc vô ngần. Hoành thánh dẻo dai, thịt chắc, thơm và ngọt. Nước dùng thanh pha chút mặn, thịt xá xíu mềm, cải ngọt và giá tụng sơ vẫn còn chút giòn. Kết hợp thêm vài lát ớt cay xè. Lòng Kiên hạnh phúc quá đỗi. Anh nhớ về những ngày còn thơ bé khi anh ăn ở đây với ông Cả Vĩnh sau khi mẹ anh qua đời. Thú thật, anh nghĩ rằng đây là một trong những món ăn làm xoa dịu đi nỗi đau năm đó trong anh. Kiên cũng nhớ về Thành, lúc đó nó béo ú, lắc đầu không ngớt mỗi khi dì Cù cho nó ăn hoành thánh. Những lần thế nó đều kêu lên "Thôi mà má, ngán quá, hoành thánh gì mà hoành thánh hoài". Tự nhiên, lúc đó Kiên có suy nghĩ ngô nghê rằng mình muốn được như Thành, muốn có má, muốn được ăn hoành thánh mỗi ngày... Sau khi húp cạn nước tô hoành thánh, anh từ biệt Thành để đi nhà thờ, đương nhiên Thành không lấy tiền, anh ta nói rằng Kiên phải sống để quay về làm cha đỡ đầu thêm sức thằng Thạo. Kiên vui vẻ nhận lời và hứa sẽ cố sống đến ngày đó.
Từ chợ đáng lẻ Kiên có thể đi thẳng để nhà thờ. Nhưng do cầu bị hư nên anh phải đi vòng về nhà mình. Thế là anh lại trở về nhà, đi qua vườn bưởi để rồi men theo lối đó mà đến nhà thờ. Hôm nay lễ nhì có nhiều thiếu nhi, chúng chạy đùa với nhau đông khắp cả sân nhà thờ. Anh bước đến sân nhà thờ và chọn cho mình một băng ghế đá riêng để có thể nhìn bao quát toàn bộ khu nhà thờ. Kiên nhìn quanh như thể đang chờ đợi và kiếm tìm ai đó, anh không rõ là mình mong hay không mong gặp người đó. Giữa một nơi mà anh nghĩ rằng khi ghé thăm sẽ khơi lên không biết bao nhiêu ký ức thì thật không ngờ là lòng anh lúc này lại đang trống rỗng. Kiên chẳng buồn nghĩ ngợi gì. Có lẻ nơi này chỉ nên dành cho những nghĩ suy về Thiên Chúa, đấng mà anh đã xa cách quá lâu. Cũng trong lúc nhìn những đứa trẻ kia, Kiên chợt thấy một lòng mong ngóng mới mẻ nổi lên trong tâm tư này, một cảm xúc chớp nở mà anh vẫn chưa biết đó là gì. Đúng lúc này thì tiếng chuông vào lễ ngân vang lên. Kiên cũng chọn cho mình một góc nhỏ ở cuối nhà thờ. Phía trên cha đang giảng từng lời dâng bằng tiếng Latin. Kiên vẫn vô thức khẽ nhìn qua, nhìn lại để tìm kiếm. Lễ xong. Lòng anh có phần thanh thản. Dù Kiên biết mình sắp phải đối diện với tòa giải tội, nơi mà anh có phần sợ hãi. Càng về cuối lễ, nỗi sợ hãi càng tăng lên. Kiên đang nhẫm tính lại những điều mình đã làm, trong đó có những điều máu me, độc ác, có cả những điều đáng xấu hổ. Kiên phạm nhiều điều lỗi đạo Chúa lẫn lỗi đạo làm người. Nhưng rồi trong cái mớ tội lỗi đó, Kiên cũng cố bào chữa cho mình rằng việc này không phải tội, chuyện kia chưa phải là lỗi. Nhưng rồi mọi thứ dần rối trí hơn trong anh. Anh dường như đã chọn tiếp tục cho qua và trốn chạy. Khi anh đến cửa nhà thờ thì có điều gì đó trong tầm mắt đã ngăn anh lạ. Kiên khẽ hít thật sâu và bước vào hàng người đang chờ xưng tội. Vừa đi lòng Kiên vừa đọc đi đọc lại trong đầu cái câu mà anh đã học ngày xưa "Lạy Chúa, con là kẻ có tội. Xin Chúa ban bí tích giải tội cho con". Mỗi lần một người làm dấu và quỳ xuống cũng như cúi đầu và đi ra, lòng Kiên càng thêm nặng nề. Những vũng máu, gương mặt hãi hùng, tiếng than khóc, rủa xả càng lúc càng lớn hơn trong đầu Kiên. Kiên lại muốn trốn chạy, Kiên sợ hãi sự phán xét hơn cả cái chết. Nghĩ tới cái chết trong anh lại dâng thêm một tội trọng nửa, Kiên đã ham muốn tự sát dù chỉ là trong ý thức. Mọi thứ càng lúc càng bức bách hơn, Kiên cảm thấy như mình không thở được khi phía trước chỉ còn có một người đang xưng tội và anh hiểu rằng mình đã gần với tòa giải tội lắm rồi. Cha, Con và Thánh Thần, Kiên khẽ làm dấu và bước thật chậm đến tòa xưng tội, anh khẽ ngoảnh đầu lại và thấy rằng mình là người cuối cùng. Kiên quỳ xuống, nói khẽ:
- Thưa cha, con xưng tội... sáu năm.
Kiên im lặng vài giây sau đó. Cha vẫn lặng im một cách kiên nhẫn. Kiên nặng nề tiếp tục.
- Thưa cha con đã bỏ lễ sáu năm nay, con bỏ luôn việc ăn chay, con bỏ mọi lễ trọng.
Anh lại lặng yên. Cha cũng lặng yên, có lẻ cha hiểu rằng sẽ thật nhiều điều để một người tự thú sau hơn nửa thập niên vắng xa nhà Chúa. Kiên tiếp tục, giọng có phần run rẩy:
- Dạ, con đã gian dối, con đã che giấu lòng mình, con đã dửng dưng... Con chưa tự sát nhưng con đã mang trong lòng ý muốn hướng về sự chết. Con đã có lòng trách cứ, oán giận người sinh ra con. Con đã yếu lòng, con đã nghi ngờ Chúa là Chúa của con.
Kiên lúc này có phần mất bình tĩnh. Bởi anh hiểu cơn ác mộng thật sự vẫn chưa đến. Kiên hiểu rằng dù đau khổ nhưng đâu sẽ phải là hố sâu mà anh phải bước qua.
- Thưa cha... Con... Con đã giết người. Con đã giết rất nhiều người. Con giết người nhiều nơi, nhiều lúc, bất kể lương giáo. Con đã nghe thấy tiếng kêu cứu, tiếng van xin trên mỗi nẻo đường con đi, mỗi làng mạc con bước qua. Con đã nhìn thấy cảnh lửa cháy, bom rơi. Con đã thấy từng ngôi chùa sụp đổ và cháy rụi sau những hồi đạn bắn. Con thấy những người khác nhìn con sợ hãi. Cũng có người nhìn con đầy oán thù. Rồi cũng có những người nhìn con trong tiếng van xin một lòng xót thương...
Kiên bắt đầu rơi những giọt nước mắt đầu tiên
- Nhưng con... con dửng dưng. Con bước đi và chẳng hề quan tâm những điều có thể xảy đến với họ. Đối với đồng đội, con cũng là kẻ giết người. Đã có lúc con chọn mệnh lệnh mà từ chối làm việc nên làm, trong khi người con có thể cứu là người ăn cùng con, ngủ cùng con và đôi khi là cầu nguyện cùng con, nhắc nhở con vẫn còn Chúa là Chúa của con.
Lúc này Kiên gần như gục hẳn đầu xuống bàn xưng tội:
- Nhưng con mặc kệ...
Kiên lặng im như thế trong vài phút. Để rồi anh chùi nước mắt, ngẩng đầu lên. Kiên rung rung:
- Thưa cha, con đã xưng xong.
Phía bên kia tấm màn, vị linh mục cũng im lặng trong vài phút. Sau đó ông nói:
- Trong thời binh lửa này, những người phải làm điều mình không mong muốn như con không phải là ít. Cha từng ngồi tòa cho cả một tiểu đội sau cuộc tháo chạy. Đó là những điều tồi tệ nơi dương trần này. Nhưng cha mừng vì con vẫn còn biết Chúa, biết đến quê hương trên trời mà hoán cải. Những ngày tới, cha không mong mỏi gì nhiều ở những người trận mạc như con. Cha chỉ mong con giữ vững đức tin và trí óc. Hãy làm những điều hợp với ý Chúa và tránh đi sai đường Ngài. Giờ hãy cúi đầu xuống để cha ban phép giải tội cho con.
Kiên như trút được phần nào đó gánh nặng. Anh cúi đầu xuống nghe cha tuyên lời giải tội với phần kinh phải đọc là một vòng mân côi. Kiên khẽ bước ra và tìm đến núi Đức Mẹ. Lúc này sân nhà thờ đã vắng lặng, thiếu nhi đã về hết sau khi sinh hoạt. Anh khẽ ngồi xuống và đọc từng bài kinh trên chiếc mân côi của mẹ. Mỗi lần một tiếng Amen cất lên, anh như tháo gỡ được phần nào những nút thắt trong lòng mình. Cứ thế mà anh đọc hết từng hồi kinh một. Khi mọi thứ đã xong, anh ngồi lặng yên thêm một lúc rồi mới khẽ quay lại. Lúc này, một gương mặt đang ngồi phía sau anh làm Kiên có phần sững sờ:
- Anh Kiên thấy đỡ hơn chưa?
Hiên mỉm cười, cô đã ngồi đây tự bao giờ. Thấy cô, Kiên hỏi:
- Cô Hiên ngồi đây từ bao giờ vậy? Sao cô biết tôi ở đây? - Thì hôm qua anh Kiên đã hứa là sẽ đi xưng tội mà. Mà anh đã hứa thì em chờ, vậy thôi. - Hiên lại mĩm cười. - Cô tin tôi đến vậy sao cô Hiên? - Kiên hỏi - Dạ, em tin chứ. Thấy anh đọc kinh xong thì giờ em cũng xin về trước.
Hiên cười xong thì quay đầu bước đi. Kiên nhìn theo Hiên rồi bất giác anh gọi với theo.
- À, cô Hiên - Có gì không anh Kiên - Hiên quay lại hỏi. - Hôm nay thầy có nhà không cô? Tôi muốn qua nhà thăm thầy. - À, có, cha em mới về sáng nay. Vậy giờ anh Kiên đi luôn hay khi nào? - Chắc giờ tôi đi luôn - Kiên cười đáp.
Cứ thế mà Hiên và Kiên đi cùng nhau trên những con đường quê từ giáo đường về nhà thầy Sáu Kiến. Hôm nay, Kiên có dịp nhìn kỹ Hiên hơn. Cô bé không giống lúc nhỏ tí nào. Trong ký ức của Kiên, Hiên là một cô bé mũm mĩm nhưng nhút nhát. Giờ đây thì Hiên mảnh khảnh, hoạt bát. Chỉ có điều không thay đổi là Hiên hay cười với Kiên. Trong lúc Kiên đang suy nghĩ thì Hiên chợt nói:
- Lúc sáng này cha em cũng có nhắc về anh. Cha cũng muốn qua thăm anh nhưng sợ anh bận quá lại làm tốn thời giờ của anh. - Thầy lại thế - Kiên cười - Tôi dù là gì đi nửa thì vẫn là học trò của thầy mà. Trò nào mà lại dám coi việc hầu chuyện thầy mình là chuyện tốn thời giờ.
Nói xong, Kiên đứng lại chìa túi bánh gói kín ra cho Hiên và nói:
- À cô Hiên, tôi có gói bánh này. Tôi mua để biếu thầy vào cô nè.
Kiên lúc này tự dưng có chút mắc cỡ trong lòng. Anh vừa nói dối, rõ ràng anh biết anh mua bánh chỉ vì muốn mở hàng cho ông chủ tiệm Duyên Quý Nhân. Thế mà không hiểu sao anh lại nói dối thành mua để tặng thầy. Hiên nghe thế thì cầm lấy gói bánh mà cười nói:
- Em cảm ơn anh Kiên. Để em đoán xem nè. Bánh ống mè đúng không?
Câu trả là của Hiên làm Kiên có chút bất ngờ. Làm sao Hiên biết được. Kiên thoáng nghĩ rằng có khi nào cô bé cũng đã ở sau lưng mình lúc mình đi mua bánh, giống hệt như cái lúc anh ngồi đọc kinh ở núi Đức Mẹ. Kiên liền hỏi lại:
- Sao cô Hiên biết đó là bánh ống mè? - Thì em đoán thôi - Hiên tủm tỉm cười, mắt cô tinh nghịch - Vì anh Kiên thích ăn bánh ống mè mà.
Kiên lại một lần nữa bất ngờ. Chuyện anh thích ăn bánh ống mè anh nghĩ chỉ có mình anh biết thôi. Bởi lẻ từ nhỏ đến giờ ai cũng đinh ninh là Kiên thích ăn bánh quế, để cả Trung và ông Cả Vĩnh lẫn má Bảy đều thế. Anh hỏi lại Hiên:
- Sao cô Hiên biết tôi thích ăn bánh ống mè. - Tại hồi nhỏ, mỗi lần ông Cả sang nhà chơi. Khi mà cha em mời bánh, em thấy lúc nào anh Kiên cũng ăn bánh ống mè rất ngon lành. Vậy thôi nên em đoán thế.
Thấy Kiên không nói gì, Hiên hỏi:
- Vậy em đoán đúng không hả anh Kiên? - Ừ thì đúng - Kiên khẽ cúi đầu cúi rồi mỉm cười.
Một cánh tay của anh khẽ đưa nhẹ ra vài phân nhưng kịp rút lại. Suýt chút nửa anh đã bất giác xoa đầu Hiên. Trong một phút giây anh đã quên rằng Hiên giờ đã không còn là cô bé bé bỏng ngày xưa, giờ cô đã là một cô giáo dạy giáo lý nghiêm nghị và chững chạc. Cầm gói bánh trên tay Hiên tiếp tục bước đi, vừa đi cô vừa nói:
- Thế mà từ nhỏ tới giờ, em nói với cha là anh Kiên thích ăn bánh ống mè mà cha em không tin. Mỗi lần cha em mua bánh biếu ông Cả, em đều nói cha mua bánh ống mè. Vậy mà cha toàn mua bánh quế. - Thì tôi cũng thích ăn bánh quế mà - Kiên lại cười mà trả lời.
Cả hai cứ vậy mà vừa đi vừa nói trên con đường đê về nhà thầy Sáu Kiến. Đến nơi thì Kiên thấy thầy Sáu đang ngồi đọc sách. Nhìn thầy sương gió hơn xưa rất nhiều. Kiên cúi đầu chào thầy như đứa học trò nhỏ ngày nào. Hiên thì bước vào nhà sau để làm việc nhà và để cho hai thầy trò có thể nói chuyện với nhau. Thầy nhìn Kiên thật lâu, thật kỹ, có lẻ trong mắt thầy Sáu Kiến, Kiên vẫn luôn là đứa học trò nhỏ ngày nào vẫn thường sang đây mượn sách Pháp văn. Cả hai ngồi nhâm nhi ấm trà, nhìn ra bãi bờ bên kia sông mà nói rất nhiều chuyện. Trong đó có những chuyện vui ngày xưa và những chuyện thương tiếc ngày nay. Thầy kể về Tuyền, đứa con thích đi đây, đi đó cũng thầy. Cậu ta từng đọc mới cuối sách nói về Nam Đảo, từ đó Tuyền mong một ngày được đặt chân đến vùng đất đó. Những ngày hành quân đầu tiên Tuyền đã hân hoan viết một lá thư dài gửi về cho thầy Sáu Kiến, trong đó anh ta kể về cảnh vậy, cây cối, sông ngòi nơi miền miên viễn của nước mình. Để rồi chỉ hai tháng sau, tin báo tử được đưa về. Thầy Sáu Kiến kéo nhẹ điếu thuốc rê rồi cười buồn, ông nói ít ra vẫn còn có thể nhận lại hài cốt của Tuyền dù chẳng còn vẹn nguyên. Kiên cũng cười buồn. Anh nghĩ về Trung, anh không biết giờ thân xác của đứa em yêu quý đang ở đâu. Trên bầu trời đêm hôm đó, một ánh sao có lẻ đã xẹt ngang vùng chiến địa. Kiên chưa bao giờ thoát khỏi được câu hỏi chiếc phi cơ của Trung đã sa xuống nơi nào. Đó phải chăng là một cánh đồng hoang vu tít tấp, một khu rừng rậm rạp đầy những thân cây sạm đen vì bom đạn. Hoặc có thể là những bản làng heo hút nơi có những người khổ ải lầm than. Cũng có thể là những vùng đất thánh ở bên kia biên giới, nơi mà đỉnh những ngôi chùa uốn cong chỉa lên bầu trời như những ngọn nến lập lòe nơi thế trần vô minh. Trong cái sự lặng yên buồn bã đó, thầy Sáu Kiến cất tiếng hỏi như để phá tan đi cái sắc u buồn:
- Con nhỏ út nhà tôi có phiền cậu hai lắm không?
Kiên khẽ cười và lắc đầu:
- Dạ không, cô Hiên dễ mến lắm.
Thầy Sáu Kiến nói tiếp:
- Con út nó coi vậy mà cứng đầu, cứng cổ lắm. Tôi biểu nó lấy chồng sớm đi, có mấy đám tới hỏi rồi đó cậu. Thế mà nó cứ nói là thằng Tuyền chết rồi, sợ không ai lo cho tôi. Nên nó đòi ở vậy nuôi tôi. Tôi nói đâu có được, đời thuở nhà ai mà để như vậy được. Mà nói hoài nó có nghe đâu. Tôi cũng thây kệ, nó muốn làm gì nó làm.
Kiên chỉ cười mà không nói gì, anh thầm nghĩ giữa cái thời loạn ly này, đôi khi một mình cũng không phải quá tệ. Chuyện trò thêm đôi câu chuyện vãn nửa, Kiên cáo biệt thầy Sáu Kiến để ra về. Thầy Sáu Kiến và cô Hiên có ý giữ Kiên lại ăn cơm trưa. Nhưng anh xin từ chối vì giờ đã quá trưa và anh đi thăm thầy mà không báo cho má Bảy biết. Anh sợ má Bảy ở nhà đợt cơm mình. Nghe vậy thì thầy Sáu Kiến cũng cảm thông rằng cậu học trò của mình thật sự không có nhiều thời giờ. Ông chỉ bảo con gái tiễn Kiên một đoạn. Vậy là Hiên lại cùng Kiên đi trên con đường đê, chỉ là lần này cả hai lặng yên. Có lẻ cả hai đều không biết nói gì, cả hai tự biết rằng đây có thể là lần tiễn biệt sau hết. Trong cái thời loạn ly này, đâu hiếm những lần đưa tiễn một người về nhà họ để rồi đó là lần cuối cùng thấy mặt nhau nơi dương trần. Được một đoạn thì Kiên quay lại nói với Hiên:
- Cô Hiên tiễn tôi đến đây là được rồi. Ít bữa nữa tôi lại đi rồi...
Kiên hít thật sâu rồi thở một hơi ra. Anh cười mà nói với Hiên:
- Tôi nhất định sẽ quay lại để ăn cơm với thầy và cô Hiên. - Nếu anh Kiên hứa thì em tin vậy. Hy vọng Chúa luôn dõi theo anh. - Chúa dõi thôi tất thảy mọi người mà - Kiên mỉm cười và quay đi.
Lòng anh thấy nhẹ đi đôi phần.
Khi Kiên về đến nhà thì đã quá trưa. Anh bước vào nhà và thấy má Bảy đang chuẩn bị cơm nước. Trưa hôm đó cả hai ăn cơm cùng nhau. Cơm nước xong xuôi, má Bảy ngập ngừng hỏi:
- Hôm nay cậu hai sao đi về trễ vậy? - Dạ, con đi qua thăm thầy Sáu Kiến, hôm qua thầy không có nhà. - À - Bà Bảy khẽ gật gật đầu - Vậy mà tôi tưởng... - Má Bảy tưởng gì? - Tôi tưởng cậu gặp dì Ly nên về trễ. Mà cậu hai đã gặp dì Ly chưa?
"Dì Ly" một từ lạ lẫm vang lên bên tai Kiên. Tại sao không phải là cô Ly, con Ly hay bất cứ từ nào khác? Kiên như lờ mờ nhận ra điều gì đó nhưng anh vẫn muốn níu kéo hy vọng. Kiên hỏi lại má Bảy:
- Dì Ly, dì Ly nào vậy má bảy? - Thì dì Ly con ông biện Ngọc đó.
Kiên thoáng sửng sốt, anh không ngờ Ly đã chọn con đường tu hành. Anh hỏi tiếp:
- Ly đi tu lúc nào vậy bá Bảy?
Mặt bà Bảy thoáng nét buồn bã. Bà đáp:- Dì Ly chọn việc học tu sau khi cậu ba mất hơn nửa năm. Lúc đó, ông biện Ngọc cũng có cản con gái vì sợ cô Ly vì quá đau buồn mà sinh ra nông nổi. Nhưng rồi sau đó thấy cô Ly quyết tâm quá nên ông biện cũng xuôi theo. Cô Ly ở trong nhà dòng cũng được hai năm rồi.- Nhà dòng? Nhà dòng kế vườn bưởi phải không má Bảy? - Đúng rồi đó cậu hai.
Kiên chỉ khẽ gật gù, anh vẫn còn quá bàng hoàng. Kiên định bước ra vườn bưởi nhưng lại thôi. Lúc này Kiên thấy mình cần chút an tĩnh, chút bình tâm và tí lặng yên để có thể soi chiếu lòng mình. Anh lại bước ra chổ chiếc võng và thả mình xuống mà đong đưa. Kiên lúc này không biết nên vui hay nên buồn, nên nhẹ nhõm hay nên day dứt. Ly luôn là một điều lạ kỳ, một niềm vui xen lẫn nỗi buồn trong đời của Kiên. Kiên bồi hồi nhớ lại lần đầu tiên anh em Kiên gặp Ly. Lúc đó má Kiên vừa xong đám tang ít ngày, chiều chiều mọi người đều có mặt để đọc kinh cầu lễ. Ông biện Ngọc luôn là người bắt kinh trong những buổi cầu lễ đó. Có một lần má Bảy vì lo công việc nên không có ở nhà lúc cầu lễ. Hôm đó, Kiên phải trông em vì Trung không chịu ở gần ai trừ má Bảy. Trung khi đó mới hơn ba tuổi, nó cứ khóc vì nhớ má. Kiên cũng muốn khóc, Kiên cũng nhớ má, Kiên cứ mơ thấy má về bên anh mỗi đêm, má vuốt mái đầu Kiên, má dặn Kiên phải thương yêu, nhường nhịn em. Nên Kiên thôi không khóc nửa. Nhưng anh còn nhỏ, anh không biết phải làm gì khi Trung mếu máo gọi má. Ông Cả Vĩnh lúc đó như người mất hồn, mắt ông buồn vô định, môi ông mấp mấy những tiếng kinh cầu mơ hồ trong buổi lễ. Giữa lúc đó, Ly khi đó cũng còn bé xíu, cô bé chạy đến lau nước mắt trên má Trung. Ly cười kêu Trung nín đi, nín đi rồi mình đi chơi. Kiên không hiểu sao lúc đó Trung không khóc nửa, nó thing lặng, tròn xoe mắt mà nhìn vào Ly như nhìn vào một nơi chốn quen thuộc. Để rồi từ đó, Trung, Ly và Kiên lớn lên cùng nhau. Ly và Trung bằng tuổi nhau nên cả hai luôn học chung với nhau từ nhỏ đến tận khi Trung lên tỉnh để học tiếp. Trong những ngày tháng đó, Kiên luôn tìm thấy nơi Ly một sự an ủi, một niềm cảm thông mà anh thiếu vắng. Nhưng rồi anh cũng hiểu rằng không phải chỉ có anh là nhận được những tia nắng ấm áp kia ở nơi Ly...
Kiên nhớ những năm giữa đệ nhất cấp, Kiên lúc đó vẫn hay bị ông Cả Vĩnh la rầy. Có nhiều hôm ấm ức đến muốn phát khóc. Kiên đi ra bờ đê ngồi khóc một mình. Trong một lần như thế anh bị Ly bắt gặp. Ly hỏi:
- Sao anh Kiên khóc vậy? - Kệ tôi - Kiên gắt.
Ly yên lặng. Cô ngồi xuống bờ cỏ kể bên Kiên và không nói gì. Kiên lại gắt:
- Sao Ly ngồi đây vậy? - Thì em thích ngồi thôi - Ly đáp.- Vậy tôi đi!
Kiên quay lưng bỏ đi. Ly cũng đi lẽo đẽo theo anh. Kiên bực tức hỏi:
- Sao Ly lại đi theo tôi? - Em có đi theo anh đâu, bờ đê này đâu phải của anh, em muốn đi đâu cũng được. - Ly lì quá đó nha! - Kiên nhăn mặt. - Em lì nhỏ giờ mà. Cha em đánh em suốt. - Ly cười. - Ly xạo. Tôi chẳng bao giờ thấy thầy Ngọc đánh Ly cả. - Anh Kiên có ở chung nhà với em bao giờ đâu mà anh Kiên biết!
Ly cất cao giọng lên nhưng rồi sao đó cô chợt nhẹ giọng, mặt cô thoáng tí ửng hồng. Kiên nhẹ giọng hỏi:
- Vậy những lúc bị đánh, bị la xong thì Ly làm gì? - Em khóc. - Ly cười nhẹ nhàng - Khóc rồi thôi. - Ừ - Kiên thả ra tiếng ừ lơ đãng.
Rồi Kiên nói:
- Thôi, tôi về. - Ừ
Ly cũng ừ nhưng mà tiếng phát ra chắc nịch, cô cười tươi rồi quay bước ra về. Lúc Kiên về đến nhà thì Trung cũng vừa về. Thấy em có vẻ không vui, Kiên hỏi:
- Nay em tập hát với ca đoàn sao mà mặt bí xị thế. - Không có gì đâu. - Trung đáp. - Sao mà không có nè. Có gì buồn nói anh hai nghe đi. - Kiên tiếp tục gặng hỏi. - Không có gì đâu anh hai. - Trung gượng cười - Tại nay... Ly tự nhiên không đi tập nên em hơi lo thôi.
Trong thoáng chốc, Kiên chợt cảm thấy những khó xử đầu đời len vào cõi lòng anh. Kiên lúc này cũng chỉ biết ừ một tiếng nhẹ. Anh hy vọng chuyện này sẽ chóng qua, mà không Kiên phải mong nó đừng đến mới phải. Trong những ngày tháng kế tiếp, Kiên bắt đầu hành trình trốn chạy vô lối của mình. Anh chạy trốn khỏi Ly và cũng chạy trốn khỏi chính anh. Anh sợ những lần Ly chuyện trò cùng anh ở bất kỳ đâu dù là trên đường quê, nhà thờ hoặc là chỉ dăm câu ở chợ. Kiên cũng chạy trốn khỏi chính anh. Kiên sợ những lần anh trót mĩm cười lại với Ly. Hay những lần Kiên xao xuyến khi nhìn Ly quẫy gọi anh trong tà áo dài thướt tha những hôm xem lễ Chúa Nhật. Rồi đến những lúc lòng anh bồi hồi khi gặp Ly trước cửa tiệm Duyên Quý Nhân, cô cong môi đùa với Kiên rằng "Anh Kiên mua mứt me cho em đi". Đến cả trong nhà Chúa, Kiên đã có lần bắt gặp ánh mắt Ly nhìn anh khi anh mặc bộ đồ hầu đèn và đi hứng Thánh Thể. Ánh mắt Ly nhìn Kiên lúc đó trong sáng và lấp lánh vô cùng. Đến giờ này, đôi lần ánh mắt đó vẫn lởn vởn trong từng cơn mơ của Kiên. Anh nhớ rằng hôm đó anh đã thấy lòng lâng lâng hạnh phúc kèm theo một chút tự hào của một thằng con trai mới lớn. Nhưng rồi như tất cả những cảm xúc khác mà Kiên tìm thấy nơi Ly, anh chọn cho mình con đường trốn chạy. Anh không cho phép mình mang theo những tình cảm đó. Bởi anh biết rằng Trung cũng yêu thương Ly rất nhiều, nhiều chẳng kém gì anh. Nhưng anh vốn là đứa đã quen với chuyện chịu đựng những nỗi đau từ thể xác đến cả tâm hồn, thêm một chút này thì có là bao đâu. Để rồi chứ thế những năm đệ nhất cấp của anh là những cuộc trốn chạy triền miên nơi đôi bờ thể xác lẫn tâm hồn. Khi quá mệt mỏi trước cuộc trốn chạy, hết năm đệ nhất cuối cùng, Kiên nói với ông Cả Vĩnh chuyện anh muốn theo đời binh nghiệp. Ông Cả Vĩnh lúc đó cũng có ngăn cản nhưng thấy Kiên đã quyết nên ông cũng chấp thuận cho anh thi vào một trường võ bị ở Đế Đô. Những ngày trước khi từ giã, Ly có đến gặp Kiên một lần. Lần đó Ly đã buồn bã hỏi Kiên rằng việc anh đăng lính có phải là vì cô không. Kiên nói rằng không phải, Ly không tin, Kiên cũng không giải thích. Cả hai chỉ đứng lặng yên nhìn hoàng hôn trên bờ đê vắng.
Cứ thế mà Kiên giã từ quê hương để đến với Đế Đô và bắt đầu những ngày quân ngũ của mình. Trong những năm đầu, anh vẫn luôn giữ thư từ với gia đình. Trung kể Kiên nghe đủ thứ chuyện khi cậu học tú tài ở Hưng Đô. Trung cũng kể nhiều về Ly. Trung nói nó cũng quyết định tòng quân giống Kiên, nó sẽ thi vào trường đào tạo các phi công. Trung kể rằng nó thích được bay lượn trên bầu trời một cách tự do, bay xong vài năm thỏa thích rồi thì nó sẽ giải ngũ về quê để hỏi cưới Ly. Nhưng rồi đáng buồn thay giấc mơ đó chỉ thành được phân nửa. Chiến chinh nổ ra, binh lửa tràn lan trên mọi miền đất nước. Bao lớp trai được gọi ra tiền tuyến. Kiên chỉ về nhà được đúng một lần sau khi anh tốt nghiệp chuẩn úy. Lần đó anh còn chẳng được gặp Trung khi cậu đang đi học ở Trấn Thượng Ninh. Ngay sau đó, Kiên cũng được điều ra quân đoàn hộ vệ Bắc Đô. Cứ thế mà Kiên đi biền biệt sáu năm trời.
Đêm hôm đó, Kiên ăn cơm với má Bảy xong, anh không muốn nghĩ ngợi gì nhiều. Anh thấy có lẻ giờ mình cũng đã có thể buông bỏ thật sự. Mọi thứ như đã an bài, sẽ chẳng còn gì để níu kéo và nghĩ suy. Anh lặng lẽ ra bến nước ngồi mà ngắm bờ sông. Đêm nay trăng sáng cả một con sông, những tiếng chim chóc và côn trùng kêu vẫn văng vẳng bên tai. Trong lúc Kiên đang ngồi lặng thinh thì có tiếng má Bảy cất lên.
- Cậu hai có muốn tôi nhắn gì với ông Cả không? - Dạ, chắc khỏi má Bảy - Kiên khẽ lắc đầu.
Bà Bảy thoáng chút ngập ngừng. Bà ngồi kế bên Kiên rồi chậm chậm nói:
- Cậu hai ơi. Chắc tôi phải nói cái này với cậu. Tôi không dám nói gỡ nhưng mà loạn lạc vầy có nhiều cái không nên giấu diếm... - Có gì má Bảy cứ nói đi - Kiên quay sang nói, anh có vẻ ngạc nhiên. - Dạ. Cậu hai biết tại sao ông Cả từ xưa giờ luôn nghiêm khắc với cậu hai không? - Dạ, chắc tại con không ngoan, không giỏi phải không má Bảy - Kiên khẽ cười buồn. - Hổng có phải đâu - Bà Bảy lắc đầu - Để tôi kể câu hai nghe.
Bà Bảy nhìn ra bầu trời sáng trăng và bắt đầu kể. Theo lời kể của bà Bảy thì ngày xưa gia đình ông Cả sống ở Trấn Tây Biên. Bà Bảy lớn hơn ông cả vài tuổi, tuy là người ở nhưng được gia đình ông Cả đối xử rất tốt. Ông Cả Vĩnh cũng coi bà Bảy như một người chị trong nhà. Hồi trước trong nhà đều kêu ông Cả Vĩnh là cậu Hai Vĩnh, dưới ông thì có một người em là cậu Út Ngoan. Hai anh em sớm mồ côi nên được dòng tộc nuôi nấng, đùm bọc. Ông Hai Vĩnh ngày đó hiền lành, học giỏi, đạo đức ai cũng quý. Còn cậu Út Ngoan thì ăn chơi, lười biếng, đàn đúm. Ông Hai Vĩnh là anh nhưng vì tính cách mềm mỏng, hiền lành nên không răn dạy được em. Gia đình gửi câu Út Ngoan vào học riêng với các thầy, các cha để răn dạy. Cậu Út không những không hoán cải, mà còn sinh lòng thù hận sâu nặng với cái thầy, các cha. Năm đó, quận vương Trấn Tây Biên lầm lạc, bỏ đạo Chúa đi theo đạo ngoại đã nổi loạn để lập ra nước riêng. Trong cơn lửa binh đó, các linh mục bị truy lùng gắt gao. Cậu Út Ngoan vì tư thù mà đã chỉ điểm cho quân nổi loạn đến bắt bớ và sát hại các linh mục. Loạn xảy ra được hai tháng thì quân hoàng gia đến đánh dẹp và khôi phục mọi thứ trở lại. Riêng cậu Út Ngoan thì bị xử tử ngay sau đó. Sau chuyện lần đó, ông Hai Vĩnh buồn và hối hận lắm. Ông nghĩ rằng mình sai khi quá yếu mềm và không bảo ban, răn dạy được em út. Ông Hai Vĩnh cảm thấy không thể ở lại Trấn Tây Biên được nửa, phần vì đau buồn, phần vì phải hứng chịu những lời chê bai từ thân tộc cũng như họ hàng. Ông Hai Vĩnh cùng với bà Bảy mới bỏ đi, tìm đến xứ này để sinh sống. Từ đó, ông giỏi giang nên xây dựng được cơ nghiệp như ngày hôm nay. Ông Hai Vĩnh cũng bỏ luôn cái tên Hai Vĩnh mà thay vào đó là Cả Vĩnh như hiện tại. Kể xong xuôi, bà Bảy yên lặng đôi chút rồi bà nói tiếp:
- Có lẽ ông Cả sợ rằng chuyện cũ của ông rồi sẽ lặp lại ở chỗ anh em cậu. Nên từ nhỏ ông Cả đã luôn nghiêm khắc với cậu hai. Chắc ông mong cậu hai phải thiệt rắn rỏi, để có thể dạy dỗ, làm gương cho cậu ba... Có mấy đêm ông Cả đánh cậu hai xong rồi ông ra ngồi buồn buồn hiu trước mộ bà chủ... Tôi kể ra chuyện này mong cậu hai hiểu dùm cho ông Cả. Ông cũng thương cậu hai lắm, ông có phần khắc khe cũng vì lo cho anh em cậu thôi.
Kiên yên lặng, anh không biết phải nghĩ gì. Có lẽ anh cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong lòng. Anh thở ra một tiếng thở phào rồi nói:
- Dạ, con hiểu rồi má Bảy. - Dạ, cậu hai hiểu rồi thì tốt. Thôi, tôi đi vào nhà lo chút công chuyện. Mai câu hai có tính đi đâu không? - Con chưa biết nửa má Bảy, chắc con chỉ đi lòng vòng xứ mình thôi.
Bà Bảy gật đầu rồi rời đi. Để Kiên một mình với bầu trời và con sông đêm đã nhuốm màu ánh trăng.
Ngày thứ ba
Hôm nay đã là ngày cuối mà Kiên có thể lưu lại quê hương trọn vẹn trong kỳ phép. Sáng sớm mai, trong cái ban mai của ngày Giáng Sinh, anh sẽ phải lên đò để trở lại Hưng Đô. Kế đó sẽ là một hành trình dài và khổ ải đang chờ đợi Kiên. Kiên thức dậy mà lòng anh vẫn còn chìm trong những điều rối rắm. Anh có lẽ đã trách mình trong việc sắp xếp những điều cần làm khi về quê. Để đến hôm nay thì còn quá nhiều điều cần phải làm mà Kiên vẫn chưa làm hoặc chưa biết nên hay không nên làm và nếu làm thì phải bắt đầu từ đâu. Câu chuyện mà má Bảy kể cho Kiên nghe đêm qua đã làm anh suy nghĩ khá nhiều. Nó như tháo gỡ nơi anh nhiều hơn một nút thắt. Kiên quyết định đi ra chợ để ăn sáng và mua vài món đồ. Lần ra chợ này, Kiên chỉ ăn một tô cháo cùng với bún, món ăn mà với Kiên chắc chỉ có mỗi xứ này là ăn theo cái lối đó. Anh đi một vòng chợ và chọn mua cho mình một tấm ảnh mùa đông của hoàng gia. Vào mùa Giáng Sinh năm nào thì các tấm ảnh thẻ này cũng đều được bán ở chợ. Ở nhà Kiên có không thiếu một tấm nào những tấm ảnh Giáng Sinh và Tết của gia đình hoàng gia. Kể cả khi anh và trung có đi thì má Bảy và ông Cả Vĩnh vẫn mua không thiếu một tấm nào. Kiên mua một tấm rồi anh khẽ ngồi lên một băng ghế đá ở bờ sông mà ngắm nhìn. Thời chiến nên hoàng đế mặc một bộ quân phục, hoàng hậu mặc chiếc áo dài màu vàng nhạt, hai hoàng tử mặc hai bộ đồ tây, đi những đôi giày đen bóng. Sau lưng cả gia đình là hai ngôi tháp cao vun vút của nhà thờ chánh tòa Đế Đô. Kiên nhớ lại ba năm trước, Trung cũng gửi cho anh một lá thưa kèm theo tấm ảnh gia đình hoàng gia của mùa Giáng Sinh năm đó. Kiên vẫn nhớ trong tấm ảnh đó hoàng đế cũng mặc một bộ quân phục, chân đi bốt da, bên hông đeo thanh kiếm từ thời hoàng đế lập quốc, hoàng hậu mặc đầm tây phương, tay vẫn còn đang ẵm bồng vương tử mới sinh. Sở dĩ Kiên nhớ rõ về mùa Giáng Sinh năm đó bởi vì đó là mùa Giáng Sinh buồn nhất. Năm đó ở Trấn Thượng Ninh, anh ngồi một góc trong phòng của mình, mắt anh sưng húp lên vì khóc. Tin báo tử của Trung vừa đến với anh vài tuần trước. Đó là những ngày đen tối, buồn bã và thảm thương. Những ngày tồi tệ mà với Kiên không có câu từ nào anh có thể diễn tả lại. Trong những ngày đó thì lá thư cùng tấm thiệp của Trung được gửi đến tay Kiên. Nhìn lá thư tay và tấm thiệp, Kiên như càng suy sụp hơn. Nhưng anh cố gượng dậy để đọc những lời trong lá thư cuối đó. Trong những dòng viết tay đó, Kiên tìm được một sự an ủi từ chính đứa em mà mình đang khóc thương. Đến giờ cùng với chuỗi mân côi má để lại thì lá thư năm đó luôn là vật Kiên mang theo bên mình. Cầm trên tay tấm ảnh Giáng Sinh, Kiên bước trở lại về nhà. Anh đi qua vườn bưởi thơm ngát, Kiên dừng lại một lúc và nhìn quanh, anh chợt nhận ra là chiều hôm trước mình vẫn còn e ngại nơi này. Chợt Kiên thấy trong lòng mình nhiều nút thắc được tháo mở ra. Kiên tự hỏi phải chăng một lần trong đời anh nên nghĩ cho lòng mình? Kiên đưa mắt nhìn về phía nhà dòng. Anh lại tự thấy rằng mình lại sắp mang thêm những tội lỗi vào trong suy nghĩ. Anh cảm thấy thế trần đôi lúc thật hà khắc, tội lỗi luôn lởn vởn khắp nơi quanh con người. Dù thời gian không còn nhiều, Kiên vẫn quyết định cho mình thêm vài giờ suy xét. Bởi những điều có thể sắp đến là sức rối bờ với anh. Kiên vào nhà. Anh đặt tấm ảnh lên bàn và ngồi vào cái bàn học ngày nhỏ của mình. Anh bắt đầu viết. Từng con chữ dần chạy trên trang giấy có phần úa vàng. Kiên quyết định sẽ để lại cho cha mình vài dòng nhắn gửi từ anh. Viết xong, anh để tấm ảnh đè lên và bước ra khỏi phòng. Anh lại thấy lòng mình nhẹ thêm đôi chút.
Sau vài giờ ngồi lặng yên trên võng thì Kiên quyết định sẽ đối mặt với điều mình luôn trốn tránh dù có ra sao đi nữa, đâu ai biết anh đi lần này có về được không. Cứ thế mà Kiên đi một mạch qua khỏi vườn bưởi với những bông hoa trắng muốt. Kiên đi vội vàng và vườn bưởi không quá lớn nhưng anh vẫn cảm nhận rằng mình đang chạy trên một con đường dài. Trong cái dài đằng đẵng đó anh thấy lại đủ thứ điều, Kiên thấy Trung từ lúc còn bé tí trên tay má đến lúc trưởng thành, anh cũng thấy Ly từ lúc cô dỗ dành Trung đến khi từng ánh mắt, cử chỉ của Ly đã có thể chạm sâu vào trái tim Kiên. Rồi cuối cùng thì anh cũng ra khỏi được khu vườn, Kiên đi chầm chậm men theo hàng rào để đến với cổng tu viện, đồng thời cũng là nhà trẻ lúc nhỏ của hai anh em Kiên. Nếu khi nãy Kiên đi vội vã và quyết liệt thì giờ đây anh lại sợ sệt và e ngại trước cánh cổng sắt này. Nhưng rồi Kiên cũng quyết định bước vào. Khung cảnh nhà nguyện này vẫn như lúc xưa khi anh ra đi. Trung tâm của khu nhà nguyện là khoảng sân nhỏ với đầy những cây cảnh, hai bên là hai dãy nhà màu vàng nhạt, ở trung tâm là nhà nguyện màu xám với những bức tượng thiên thần hai bên. Kiên khẽ ngập ngừng bước vào nhà mục vụ, anh gặp một sơ trẻ đang ngồi đó. Kiên ngập ngừng hỏi:
- Mấy dì cho con hỏi có... dì Ly ở nhà không. Con là người quen có chuyện cần gặp. - Hiện dì Ly không có ở đây. Dì Ly đi qua qua chỗ mai chú Tư Sông để lấy mấy món đồ trang trí Giáng Sinh rồi. Có gì thì anh đây có thể ở đây đợi cũng được. - Chắc là thôi, có gì dịp khác con ghé, cảm ơn mấy dì nhiều - Kiên đáp.
Trả lời xong Kiên lập tức rời khỏi nhà dòng. Anh vội vàng thế bởi vì nhiều lẽ. Thứ nhất, Kiên khó chịu vì anh lại đang nói dối, anh nói dối một cách không suy tính ngay trong nhà Chúa. Thứ nhì, Kiên biết anh không còn nhiều thời giờ để ngóng đợi, anh phải đi nhanh và đi gấp. Trong lúc chạy vội về phía xưởng ông Tư Sông, những cảm xúc đan xen dần dâng lên nhiều hơn trong Kiên. Đó là cả một dòng sông tội lỗi với anh. Anh có tội gì? Không phải những tội vặt vãnh nãy giờ như dối trá. Thay vào đó là những tội lớn hơn rất nhiều. Anh thấy đang phản bội là đứa em của mình khi Trung đã nằm xuống. Anh chẳng phải đã quyết tâm chôn kín những tâm tư kia từ lâu rồi sao, nhưng sao giờ chính Kiên lại dựng những tình cảm đó dậy. Mà kể cả khi em trai của Kiên đã không còn, việc anh đang xuôi theo lại là một chuyện đáng nguyền rủa vô cùng. Anh đang hy vọng về việc lôi kéo một tâm hồn đã nguyện hiến dâng đời mình cho Chúa đi theo con đường bội ước như anh. Anh có tội và tội của anh có thể kéo theo một người khác cũng sa chân vào tội lỗi. Nhưng giữa dòng sông đó, trong Kiên như đang có một con thuyền chênh vênh, nơi anh đang nương mình. Giữa những tháng ngày vô lối và ảm đạm nơi chiến trường, Kiên thật sự mong mỏi một chút nắng ấm đến bên đời mình. Giữa cái lúc sống chết này, tự dưng một niềm khát khao hạnh phúc dù ngắn ngủi dâng lên trong anh. Anh đâu còn nhiều thời gian, anh cũng chẳng cướp đi thứ gì từ ai. Kể cả với Thiên Chúa, anh cũng không tin việc mình muốn làm sẽ là một hành vi trộm cướp. Cứ thế mà trên con đường đó, Kiên liên tục tự tuyên án rồi tự bào chữa cho chính mình. Đôi lúc anh cũng bào chữa cho Ly dù anh còn chẳng biết trong lòng cô giờ ra sao. Đã sáu năm trôi qua, anh và Ly đều đã khác. Nhưng kể cả thế, tất cả hy vọng trong anh vẫn cố sức nhe nhóm lên. Có lẻ những năm tháng tử sinh nơi chiến địa đã dạy cho Kiên rằng trong lúc cận kề cái hiểm nguy thì lòng hy vọng và sự mong mỏi sẽ lớn lao đến nhường nào. Khi chỉ còn nửa ngày nửa là anh sẽ phải ra đi, anh đâu có gì để mất mát. Một câu hỏi và một lời đáp, anh chỉ mong vậy thôi. Chẳng mấy nhiều thời giờ, Kiên cũng đã đến được ngõ nhà ông Tư Sông. Ngồi nhà của ông nhìn từ bên ngoài vẫn như ngày xưa với ngổn ngang những thanh gỗ cũng như những sản phẩm lỗi bị ông ta ném lăn lóc ngoài sân. Đến dưới cái cổng gỗ nhà ông Tư, Kiên dần cảm thấy những bước chân mình trở nên nặng nề hơn. Nếu lúc nãy anh đi vội vã bao nhiêu thì lúc này anh lại chần chừ bấy nhiêu. Kiên thầm cảm thấy buồn cười cho cái sự bất nhất bên trong con người mình. Tình cảm thật lạ lùng, sự lúng túng luôn đeo bám Kiên từ những ngày đầu đến tận cái giây phút bức bách này. Kiên khẽ bước từng bước chậm rãi vào sân nhà ông Tư Sông. Vừa đi, Kiên vừa đưa mắt khẽ nhìn khắp nơi với hy vọng sẽ tìm được một hình ảnh thân quen nào đó. Sau vài bước chân thì Kiên đứng lại, mắt anh hướng về một bóng dáng quen thuộc. Một người con gái đang mặc chiếc áo sơ mi loại của mà các sơ trẻ hay mặc khi đi ra ngoài. Mái tóc Ly giờ không còn dài như ngày xưa, thay vào đó là một mái tóc ngắn ngang vai. Ly đang ngồi chơi đùa với một đứa nhóc có vẻ là cháu của ông Tư Sông. Trong ký ức của Kiên thì ông Tư Sông chỉ có một người con gái, hình như cô bé đó bằng tuổi Ly. Dù khó khăn nhưng Kiên quyết định bước thật nhanh tới. Khi đến gần thì Kiên khẽ cất tiếng gọi:
- Ly...
Cô khẽ giật mình như thể nghe được một tiếng gọi từ một người mà cô đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn được nghe nửa. Ly ngẩng đầu lên và nhìn vào Kiên. Mắt cô ngạc nhiên, môi cô mấp máy nhưng không thành tiếng. Trong cái phút giây bối rối ngắn ngủi đó, Kiên bối rối nói:
- Tôi, tôi mới về. Tôi nghe mấy dì nói Ly đang ở đây nên...
Kiên bối rối quá chỉ biết nói nhiêu đó. Anh cảm nhận được một điều gì đó rối bời đan xen trong mắt của Ly. Có một chút mừng rỡ, hờn giận và cả xót xa. Giữa cái lúc bối rối đó thì tiếng đứa bé cất lên:
- Dì Ly ơi, chú này là ai vậy? - À, à - Ly bối rối. - Trời đất ơi!
Tiếng ông Tư Sông từ trong nhà vang lên. Ông chạy bước nhanh ra cửa:
- Thầy hai Kiên đây mà. Thầy về hồi nào đây. Trời đất ơi, quá trời lâu rồi tôi mới gặp thầy.
Sự xuất hiện của ông Tư Sông như một chiếc búa tảng phá tan lớp băng giá vô hình giữa Kiên và Ly. Ông Tư Sông hồ hởi đến hỏi chuyện Kiên, anh cũng lễ phép đáp lại. Thỉnh thoảng Kiên vẫn ghé mắt nhìn Ly và luôn bắt gặp ánh mắt cô nhìn anh. Kiên hỏi con gái ông Tư Sông đâu. Mặt ông buồn rười rượi, mắt ông mang theo một nỗi buồn man mác, đôi mắt già cõi ấy như thể đã khóc nhiều đến mức chẳng còn giọt nước mắt nào. Ông buồn bã kể rằng con gái ông lúc trước có cưới được một anh chồng, cả hai vợ chồng yêu thương nhau nhiều lắm. Cưới được một năm thì đứa cháu gái ra đời. Những tưởng mọi thứ sẽ hạnh phúc nhưng rồi chiến tranh tới. Anh chồng phải tòng quân ra trận, cậu ta gia nhập đơn vị viễn chinh xứ Nam Đảo cùng với Tuyền con thầy Sáu Kiến. Anh đi vừa được ba tháng thì tin báo tử được gửi về. Con gái ông Tư Sông đau khổ đến chết đi sống lại. Để rồi hai tháng sau đó, mọi người phát hiện cô chết đuối ở con kênh sau nhà. Không ai biết cô quá buồn nên đã quyên sinh hay là vì quá buồn bã mà vô ý rơi xuống sông. Chỉ trong chưa được nửa năm, ông Tư Sông từ người nghĩ mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian trở thành người đau khổ nhất. Ông mất cả con gái lẫn con rể, chỉ còn mình ông ở lại với đứa cháu gái thơ dại chưa đầy hai tuổi. Ông Tư Sông kể lại mà giọng ông buồn như thể đất trời đều đổ sập. Kế lại ông rít điếu thuốc rê rồi thở ra hai câu thơ:
Năm năm rồi trở lại Một màu tang ngút trời Thương người em năm cũ Đêm góa phụ bên song.
Sau khi trút cạn nỗi lòng thì chợt ông Tư Sông như trở về thực tại. Ông rối rít xin lỗi Ly và Kiên vì ông đã làm phiền thời giờ của cả hai. Cả Ly và Kiên đều nói rằng không có việc gì phải phiền hà cả. Kiên cũng nói rằng anh rất chia buồn với ông Tư Sông, anh cũng an ủi ông rằng nên cố gắng sống khỏe để nuôi cháu ngoại. Kiên cũng nói rằng anh luôn nhớ về những món đồ chơi mà lúc nhỏ được ông Tư Sông làm. Đến khi từ biệt ra về, Kiên dặn ông Tư rằng nếu có gì khó khăn cứ đến tìm ông Cả Vĩnh, gia đình anh luôn rộng tay giúp đỡ những người khó khăn trong giáo xứ. Lúc này chỉ còn có Ly và Kiên trên đường về nhà dòng. Cả hai vẫn đang lặng im. Đi được vài bước thì Kiên khẽ cất tiếng:
- Ly đưa túi đồ tôi cầm cho.
Ly tiếp tục im lặng trong khi cô vẫn bước đi. Sau vài phút, Ly dừng lại và cất tiếng:
- Khi nào anh Kiên đi? - Mai tôi đi - Kiên đáp. - Anh về khi nào? - Ly lại hỏi. - Tôi về được hai hôm rồi.- Sao... bây giờ anh mới tìm em? - Ly ngập ngừng hỏi, giọng nhẹ nhàng.
Kiên sững sờ trước câu hỏi của Ly. Điều anh lo sợ và mong ngóng khi bắt đầu rời khỏi nhà rồi cũng tới. Dù câu hỏi của Ly có nhẹ nhàng đến đâu thì điều đó cũng thật nặng nề với Kiên. Anh không muốn nói rằng anh sợ gặp cô, dù anh muốn gặp cô. Hai ngày đó là hai ngày Kiên tự vấn chính mình trước hàng vạn câu hỏi trong thâm tâm anh. Nhưng ngay lúc này, một vực sâu hun hút lại tiếp tục hiện ra trước mắt Kiên và cản bước anh trả lời. Anh lờ mờ nhận ra nổi sợ mới này là gì, dù chỉ lờ mờ thôi nhưng cũng đủ để khiến Kiên dập tắt hết những lời anh định thốt ra. Kiên chỉ có thể trả lời một cách ngập ngừng rằng:
- Tại... tôi bận làm vài chuyện nên giờ mới tới thăm Ly được. - Em vẫn khỏe - Ly trả lời.
Sau đó Ly tiếp tục bước đi từng bước một trước mắt Kiên. Anh đi theo cô như một cổ máy đã được lắp đặt sẵn, như thể một sợi dây mảnh vô hình đang trói buộc cả hai. Cả hai tiếp tục đi, Ly đi trước, Kiên lặng lẽ đi theo Ly cách độ hơn năm bước chân. Nghĩ về câu trả lời của mình, Kiên chợt cảm thấy ngượng ngùng khi mình dùng từ "tới thăm". Sự thăm viếng dành cho Ly nghe thật buồn biết bao. Chuyện thăm viếng thường chỉ dành cho những người, những nơi và những điều đã qua, đã cũ. Những điều mà chẳng bao giờ tìm lại được. Và một chuyến thăm viếng chỉ mang ý nghĩa là một cuộc kiếm tìm những hoài niệm xưa cũ. Hoặc theo một cách dùng khác, tới thăm nhau là khi một người gặp phải một sự không may, một sự thương tổn nào đó nơi thể xác hoặc linh hồn. Khi đó chuyến thăm viếng trở thành một chuyến ủi an những điều không may đã và đang xảy ra. Đôi lúc đó còn là một lời khích lệ, một lời hứa, một món quà sẽ đến khi sự xui rủi kia qua đi. Kiên không biết rằng Ly sẽ hiểu sự thăm viếng mà Kiên đã lỡ lời là sự thăm viếng nào. Nếu là ý đầu tiên thì thật đau buồn, điều đó như thể một cánh cửa đã đóng kín cho mọi điều. Thứ mà cả hai có thể dành cho nhau chỉ là những hoài niệm và tiếc nuối. Còn nếu là nghĩa thứ hai thì điều đó có gì tốt hơn chăng? Ly đang gặp phải chuyện buồn gì hiện tại? Cô đang phụng vụ trong nhà Chúa, Kiên cảm thấy mình thật tội lỗi nếu dám có ý nghĩ rằng việc tu hành là một nỗi đọa đày. Nhưng rồi Kiên cũng tự hỏi rằng nếu như Ly vẫn là Ly, một người con gái chưa mang theo mình lời khấn hứa nào thì anh sẽ làm gì? Kiên quay trở lại nỗi trăn trở hằn sâu bên trong mình hai ngày qua. Anh sẽ cho Ly được điều gì? Sẽ là một niềm vui hay lại là một sự khổ đau mà anh có thể đoán định trước. Nếu Kiên đã đoán định được trước những điều buồn khổ sẽ đến thì cớ gì anh lại cố chấp? Kiên cứ thế mà lạc trong những câu hỏi trong khi anh và Ly vẫn đang bước đi cùng nhau, một người đi trước và một người đi sau, giữa cơn mưa mùa đông lất phất và sự lặng im. Khi vừa bước vào vườn bưởi, Kiên cất tiếng hỏi như muốn phá tan sự lặng yên cũng như muốn níu giữ đoạn đường này lại:
- Ly có thường ghé qua khu vườn này không?
Ly dừng lại, cô lặng yên nhìn một vòng những cây bưởi với những bông hoa trắng mướt trong khu vườn. Ly nhìn Kiên rồi nói nhẹ nhàng:
- Em vẫn thường nhìn về khu vườn này... Đôi lần em cũng hay mơ, em mơ thấy mình còn nhỏ. Những ngày đó, em thấy anh Kiên vẫn hay đi tha thẫn dưới những tán cây.
Những giấc mơ của Ly sao mà làm lòng Kiên bối rối quá. Anh thấy ở nơi Ly một cánh cửa đang hé mở, một vườn địa đàng mà sâu thẳm trong tim anh vẫn luôn mơ về. Nhưng Kiên cũng biết rằng cái hình ảnh địa đàng kia từ lâu cũng là thứ gắn liền với tội lỗi khủng khiếp nhất mà con người từng phạm. Kiên rõ ràng thấy được cái lằn ranh mỏng manh giữa đôi bờ tối sáng kia. Nhưng lúc này, anh vẫn chưa biết phải làm gì, anh vơ lấy đại một câu hỏi như để xin thêm chút thời giờ.
- Sao Ly lại chọn đi tu vậy?
Ly có vẻ không bất ngờ lắm với câu hỏi nơi Kiên. Có lẻ trong những năm tháng qua, đã không ít lần Ly được hỏi câu hỏi này, hoặc thậm chí chính cô cũng không ít lần tự vấn mình điều đó. Ly nhìn thẳng vào mắt Kiên và nói với cái giọng có phần buồn buồn:
- Vì em nghĩ chẳng còn ai và chẳng còn gì ở nơi đời sống bên ngoài nhà dòng đợi chờ em. Mà như thế thì em giữ mình ở lại nơi đời sống thế tục kia để làm gì? Anh Kiên thấy có đúng không?
Kiên hơi bối rối trước câu hỏi của Ly. Rõ ràng anh định dùng câu hỏi bâng quơ kia như một cách câu kéo thời gian trước sự khó nghĩ trong lòng. Thế mà giờ anh lại gặp phải một điều khó nghĩ hơn, thẳng thừng hơn và trực diện hơn dành cho anh, dù rằng Ly đã khéo léo che giấu đi. Lúc này chính Kiên lại phải tự vấn chính mình, anh có phải là vườn địa đàng của Ly không? Liệu Kiên có muốn và có thể trở thành nơi mà Ly sẽ thuộc về khi cô rời bỏ những lời khấn hứa kia để trở lại đời sống thế tục? Ở nơi ngã rẻ kia cả Kiên và Ly sẽ có gì, được gì và mất gì? Có đáng chăng và có nên chăng? Giữa muôn ngàn câu hỏi, Kiên quyết định trốn chạy lần nửa như cái cách anh vẫn trốn chạy:
- Tôi cũng không biết nửa. Tôi cũng muốn biết để trả lời Ly nhưng tôi thật lòng không biết.
Ánh mắt Ly thoáng vẻ buồn rầu. Cô nói với Kiên:
- Anh Kiên tiễn em tới đây là được rồi. Hôm nay được nhìn thấy anh Kiên vẫn bình an em vui lắm.
Nói xong cô quay vội đi để Kiên ở lại với sự lặng im và bối rối. Đi được vài bước, Ly lại dừng lại và ngoái lại hỏi:
- Anh Kiên đi chuyến này có định về nửa không?
Một câu hỏi thật lạ kỳ. Nhưng Kiên cũng bất giác trả lời
- Tôi cũng không biết.
Ly nở một nụ cười buồn và lặng lẽ bước đi về phía nhà dòng. Kiên đứng đó, lặng im. Anh có lẽ muốn làm gì đó, nhưng có lẽ vì trong anh có quá nhiều niềm mong muốn nên tất thảy chúng đan xen vào nhau để rồi kìm giữ nhau, để cuối cùng chính Kiên phải giam mình ở giữa vườn bưởi. Anh lặng lẽ nhìn theo Ly, lặng im và không nói một lời nào. Một niềm cay đắng dâng lên trong cõi lòng Kiên. Niềm cay đắng đó như xé toạc những vết thương nơi cõi lòng anh. Kiên thẫn thờ và vô vọng. Cứ thế mà cả ngày hôm đó cũng như lúc tối muộn, anh làm mọi việc một cách hờ hững và buông xuôi...
Sáng cuối cùng
Giáng Sinh cũng đã đến với xứ đạo quê Kiên. Chỉ đêm nay thôi, dù giữa muôn trùng bi đát giữa cảnh chiến chinh thì Kiên biết rằng những bài thánh ca sẽ vẫn vang lên khắp lối nơi này. Còn với Kiên thì hôm nay sẽ là ngày anh ra đi, trở lại nơi cần có anh, một nơi chẳng phút nào an yên. Đêm qua Kiên chẳng mơ mộng bất cứ điều gì. Tất cả những điều đeo bám Kiên chỉ là những câu hỏi và bao sự giả định. Kiên tự hỏi mình có chết nơi chiến trường không? Chết sớm hay chết muộn. Nếu chết sớm thì sao, chết muộn thì thế nào. Mà nếu anh còn sống thì sao? Hoặc sống mà mang theo một vết thương tật đáng nguyền rũa nào đó thì liệu có tốt hơn là một cái chết mau lẹ chăng? Kiên tự hiểu rằng đây là những câu hỏi mà anh sẽ luôn mang theo trong tâm trí cho đến ngày câu trả lời tìm đến anh. Nhưng ai mà biết lúc đó là lúc nào chứ... Kiên lại nghĩ về Ly, về cái hành trình lặng im hôm qua giữa những cơn gió mùa đông, về câu nói mà Ly đã hỏi anh "Anh Kiên đi chuyến này có định về nửa không?". Tại sao Ly lại hỏi điều đó? Về là về như thế nào? Là một con người trở về với trọn vẹn thân xác lẫn linh hồn như bao con người khác? Hay là Ly sợ rằng lần tới Kiên có về, về vẹn nguyên không một vết xước nhưng mà anh vẫn sẽ lặng im với cô. Thế thì vậy có khác gì anh vẫn đi biền biệt đâu. Nhưng mà những điều đó chẳng có nghĩa lý gì, Kiên vẫn luôn như vậy trước Ly, anh luôn do dự và lo sợ. Ngày nhỏ anh sợ Trung buồn nên anh chọn tránh xa Ly. Đến khi Trung không còn nửa thì anh vẫn sợ Trung buồn. Rồi đến khi anh vượt qua được nỗi sợ kia thì anh vẫn tiếp tục sợ. Anh sợ mình không về thì mình mang tội đủ đường, tội với Ly và nhất là tội với Chúa. Nhưng mà Kiên vẫn không thôi bâng khuâng. Liệu thứ anh dành cho Ly lúc này là gì. Đó vẫn là tình cảm ngày xưa vẹn nguyên hay là một sự ích kỷ nơi anh. Khi mà sau những năm tháng sinh tử nơi chiến trường, Kiên cảm thấy mình cần lấy lại những điều đáng lẽ mình nên có. Kiên tự thấy mình như một kẻ đang bước đi trong đêm giữa vườn dạ lý thơm ngát. Một kẻ sợ hãi rằng ánh ban mai sẽ cướp đi hương hoa đó, nên kẻ tham lam kia đưa tay và bứt trọn những cánh hoa để đem theo bên mình. Thật ích kỷ - Kiên thầm nghĩ. Kiên dù không muốn nhưng đầu óc của anh vẫn rẽ về lối cũ, nơi mà hai bên đường đều là những hố sâu và mộ địa. Nếu anh ra đi giữa làn đạn hoặc một đường lê, Ly sẽ ra sao đây? Hình ảnh "góa phụ bên song" mà ngày nhỏ Kiên vẫn thường nghe qua những bài nhạc và mới chiều qua chính ông Tư Sông cũng đau xót ngâm lên giờ đây lại tìm đến Kiên như một sự ám ảnh. Nhưng rồi chính anh cũng tự cười nhạo mình. Bởi lẻ chẳng phải chính anh cũng đã một tay đưa Ly đi đến bước đường "góa phụ bên song" khi mà chính Trung cũng đã ra đi đó thôi. Kiên sợ hãi những suy nghĩ đó, anh không cho phép mình đưa người em yêu thương của mình vào bất cứ lập luận nào. Anh chẳng muốn nghĩ suy gì nữa, nhưng những suy nghĩ có lẽ vẫn chưa buông tha cho Kiên. Chúng bắt anh phải đưa ra một câu trả lời rằng anh có bước qua khe vực trong lòng hay không. Dù có lúc anh đã né tránh với lý do là thời giờ hiện tại đã chẳng còn đầy đủ cho bất cứ chọn lựa nào. Nhưng rồi ngay lập tức một ý nghĩ lại vang lên rằng chỉ cần anh nói một lời, Ly rồi sẽ đợi anh. Lại một lần nữa, Kiên lại thấy điều đó độc ác và đáng nguyền rủa vô cùng. Rồi Kiên lại tự vấn lòng mình thêm một lần nữa. Phải chăng anh nghĩ về Ly chẳng phải vì những tình cảm vẫn còn vương vấn mà vì anh thấy mình có lỗi, một cảm giác tội lỗi đơn thuần vì chính Kiên đã phần nào xây lên con đường mà Ly đang đi. Kiên nghĩ đến những lời dạy cho thánh Augustino, không ai được phép gây ra tội lỗi này với lý do là để cản ngăn tội lỗi khác. Nếu thật thế thì có lẽ Kiên nên dừng mọi thứ lại. Nhưng ngay lúc đó cũng chính là khi những suy nghĩ bất tuân nổi dậy. Những lập luận rằng Kiên xứng đáng cho đến Ly xứng đáng lần lượt trỗi dậy. Lúc rối bời này, Kiên khẽ nguyện cầu mong Chúa sẽ cho anh lời giải mà anh đang kiếm tìm. Nhưng rồi Chúa cũng lặng im, Kiên chẳng thế nghe được điều gì cả. Kiên muốn bật khóc trong bất lực trước sự lặng im đó. Anh thầm trách cứ mọi thứ trên đời này. Kiên căm hận con đò ngày mai sẽ đưa anh trở lại mặt trận, anh thù ghét con đò ngày xưa đã cướp mất má Kiên khỏi ba cha con anh. Nếu không có cơn sóng quái ác năm đó, Ly đã chẳng bước đến bên Trung. Và thế thì cũng sẽ không có cơn buồn bã về sự hà khắc của ông Cả Vĩnh, điều mà đưa Ly bước vào đời Kiên. Để rồi từ đó Ly bước đi trên sợi dây mỏng manh căng giữa Kiên và Trung. Kiên cũng hận thù chiến tranh, anh nguyền rũa những viên đạn oan nghiệt đã cướp đi người em anh yêu thương nhất. Kiên trút bao nỗi thù ghét lên sự chết, thứ quái ác đã xâm nhập vào thế gian này bởi tội lỗi. Nhưng má và Trung có tội lỗi gì? Sự chết vẫn đến với họ và riêng với kẻ tội lỗi như Kiên thì sự chết lại ngó lơ như một sự đọa đày. Chính lúc căm tức này, Kiên buông xuôi tất cả mà bật khóc nức nở. Kiên chẳng còn muốn che giấu hay đè nén điều gì cả. Anh để yên cho từng giọt nước mắt của mình cứ thế tuôn rơi trên gò má. Cứ thế đến khi từng giọt nước mắt bắt đầu khô trên đôi mắt bắt đầu sưng húp thì Kiên mới dần bình tĩnh lại. Trời vẫn sáng trăng, gió đêm nhè nhẹ và anh thấy lòng mình bớt đau khổ hơn một chút. Những câu hỏi lại tiếp tục tìm đến với Kiên. Nhưng lúc này có lẻ chúng đã nhẫn nhịn hơn và không hề có ý dồn ép anh như lúc nãy. Kiên chậm rãi nhìn thẳng vào nơi sâu thẳm trong lòng mình. Anh muốn gì, cần gì và nên làm gì? Kiên vẫn mịt mù. Anh chỉ có thể thú nhận rằng anh điều anh muốn có lẻ là một mái ấm gia đình. Điều mà bao lâu qua anh chạy trốn. Anh tự thấy bản thân mình thật buồn cười bởi lẻ trong từng ấy năm anh vừa trốn chạy vừa tìm kiếm cái sự yên bình kia. Anh mong một mái ấm vô cùng nhưng đồng thời anh cũng vô cùng sợ mất đi nó. Có lẻ những sự mất mát mà Kiên đã trãi qua từ nhỏ đến giờ đã lớn lên trong anh như những bụi gai nhọt mịt mù. Kiên nhớ về dụ ngôn về người gieo giống. Có lẻ tâm trí anh cũng chẳng khác gì những bụi gai, bít bùn và bí bách. Những cây gai nhọn kia sẵn sàng chèn ép và làm tổn thương bất cứ ước muốn tốt lành nào đang nảy mầm trong Kiên. Nhưng hôm nay, khi còn vài giờ nửa thôi anh sẽ phải lên đò rời xa quê hương. Kiên phải gỡ cho kỳ hết những gai nhọn kia để hy vọng cứu sống được mầm xanh trong lòng mình. Anh muốn một đời sống an yên. Kiên đối mặt với mong ước vốn dĩ là bình thường đó. Anh hiểu rằng trong thời buổi loạn ly này thì có khi xây dựng một gia đình sẽ có thể là nguồn cơn cho những nỗi đau thương, mất mát trong tương lai. Kiên lại nghĩ về thánh Augustino và những lời dạy của ngài trong cuốn Thành Trì Của Chúa mà anh từng được nghe giảng. Ngài từng nói về việc con người chọn tự sát để có trốn tránh những khổ đau cũng như tội lỗi có thể sẽ đến trong tương lai. Thánh Augustino đã không ngại ngùng mà lên tiếng chống lại những suy nghĩ đó. Ngài nói rằng nào có chuyện dùng một tội lỗi để né tránh một tội lỗi khác. Hơn hết thứ chúng ta né tránh có khi lại chưa chắc xảy đến cũng như khi xảy đến thì những điều đó cũng chưa chắc đã là một tội lỗi. Thánh Augustino nói về Giuđa và cái chết của ông ta như một tội lỗi nặng nề. Tự tước đi sinh mạng của bản thân là một tội lỗi lớn. Nhưng kèm theo đó thì sự tuyệt vọng dành cho tình yêu cũng như lòng thương xót của Thiên Chúa cũng là một tội lỗi lớn không kém. Đến một đoạn khác thì thánh Augustino cũng nói rằng chẳng ai trên thế gian này có thể biết được những người tội lỗi có hoán cải hay không cho đến ngày họ rời nơi thế trần này. Kiên nhìn lên bầu trời vàng vọt ánh trăng và anh lại tiếp tục cho suy tư thả trôi theo những lời dạy đó. Một đoạn khác thánh Augustino cũng kết luận rằng với những kẻ tội lỗi, chính họ cũng luôn có niềm hy vọng vào sự hoán cải cũng sự đoái hoài từ Thiên Chúa, thì cớ sao chúng ta lại phải buông tay? Kiên tự nghĩ lại về chính mình. Anh vẫn còn nơi đây với những hơi thở điều đặn, đôi ba vết sẹo trên người. Sau anh là một ngôi nhà, khu vườn thơm ngát và cả một quê hương. Anh còn đó trên vai là những lời hứa trở về. Cuộc chiến sẽ còn dài nhưng có lẻ vẫn quá ngắn ngủi và nhỏ bé. Những điều đó nhỏ bé như chính thân phận bé nhỏ của con người nơi thế trần này. Thế thì có gì mà anh phải nghĩ ngợi. Anh mơ về một nơi yên bình thì anh sẽ vẫn mơ thôi. Còn khi nào ngày đó đến Kiên vẫn chưa biết. Nhưng ngay lúc này, Kiên tự hiểu rằng anh đã có thể bước tiếp mà chẳng còn nghi ngại gì. Mơ ước về mái nhà yên ấm, anh sẽ cất lại trong lòng. "Cất lại thôi chứ không hề vứt bỏ" - Kiên nghĩ thầm. Khi anh về, anh sẽ tiếp tục xây đắp ước mơ kia với những điều mà Thiên Chúa trao ban cho anh vào thời khắc đó. Còn bây giờ, anh sẽ tiếp tục bước đi đến nơi anh cần đến.
Lúc này, trời đã hơn sáu giờ. Kiên sớm đã sửa soạn hành trang. Anh ngồi ăn buổi sáng cùng má Bảy. Bà buồn lắm nhưng vì sợ Kiên buồn theo nên bà cũng cố dằng lòng lại. Má Bảy có ý đưa Kiên ra bến đò nhưng anh từ chối. Kiên sợ những giây phút chia xa này... Kiên cứ thế mà bước đi, anh bước qua vườn bưởi, Kiên lâu lâu vẫn ghé mắt về phía nhà dòng, lòng anh giờ không còn nặng nề như trước. Trên đường đi ra bến đò, mọi người đều đang tất bật cho lễ Giáng Sinh tối nay. Kiên thầm tiếc rẻ vì không thể tham gia cùng mọi người. Nhưng Kiên thấy rằng tốt nhất nên như thế. Dùng một cái tiếc rẻ nhỏ để tránh một điều tiếc rẻ lớn. Nghĩ đến đó Kiên chợt thấy buồn cười. Bởi lẻ mới đêm qua thôi anh vẫn còn chê trách cái việc đổi chác trong cả tôn giáo lẫn tâm hồn thế mà giờ anh lại tiếp tục mang cái suy tư đổi chác kia. Hai bên đường từng bản nhạc Giáng Sinh cũng dần được âm vang trên những chiếc loa phát thanh. Chẳng mấy chốc mà Kiên cũng đến được bến đò, trên đầu anh là một chiếc loa đang ngân vang những ca khúc Giáng Sinh. Lúc này trong bộ quân phục anh mua cho mình một vé đò và chờ đợi. Chỉ khoảng một giờ nữa thôi anh sẽ lên đò và trở lại chiến tuyến... Giữa lúc đó thì tiếng nhạc chợt vụt tắt. Loa phát thanh lúc này chợt thay đổi âm thanh. Một bài thông báo từ một giọng nói quen thuộc bắt đầu vang lên. Kiên như không tin vào những gì mình nghe thấy, những từ ngữ trong chiếc loa chạy lẫn lộn trong đầu Kiên. Nào là "Vì dân", "ý Chúa", "Giáng Sinh"... Hoàng đế tuyên bố chấm dứt chiến tranh cũng như chấp nhận thất bại. Thất bại sao? Kiên có chút khó achịu, sao từng ấy đất đai mà anh cùng đồng đội đã ngã xuống để có được, thế mà là thất bại sao? Nhưng lòng anh cũng dịu đi phần nào. Mọi thứ đến quá nhanh và quá bất ngờ. Kiên không thể tin được điều đó lại đến ngay lúc này... Đã hơn nửa tiếng, anh đứng như trời trồng trên bến đò giữa những tiếng reo hò vui sướng lẫn những tiếng hét căm phẫn. Kiên lúc này cũng thấy mọi sự rối bời. Kết thúc chiến tranh rồi sao? Thế thì giờ anh nên đi đâu? Trở lại Bắc Đô hay ở lại đây? Nếu đi rồi thì anh có trở lại chăng? Những tưởng anh đã thông suốt tất cả thế mà giờ đây anh lại tiếp tục đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Đâu là đường anh nên đi? Kiên lại mong Thiên Chúa hãy cho mình xin một gợi ý. Nhưng mọi thứ vẫn lặng im. Lúc này, tiếng còi từ chiếc đò vang lên. Kiên thầm nghĩ "Có lẽ đây là con đường mình nên đi". Tiếng còi tàu kia có lẻ chính là câu trả lời cho Kiên. Anh cầm chiếc vali lên và bước từng bước xuống bến đò. Nhưng ngay lúc đó một tiếng gọi cất lên:
- Anh Kiên ơi.
Kiên quay phắt người lại. Người kia ấp úng nói:
- Em, em nghe thấy ... trên loa phát thanh - Cô chỉ lên chiếc loa - Em sợ anh đi sớm không nghe thấy nên...
Kiên nhìn cô mỉm cười. Trời hôm ấy lạnh lẽo, có một chút nắng và từng con nước vẫn đang tuôn chảy lên dòng sông quê hương.