Về QUAN ĐIỂM RIÊNG Của Đạo Diễn Trong Vai Trò ĐIỀU PHỐI HÌNH ẢNH
Công đoạn chuẩn bị cho bộ phim từ khâu lên ý tưởng, kịch bản cho đến giai đoạn tiền kỳ rồi bấm máy là một quá trình dài và đầy gian...
Công đoạn chuẩn bị cho bộ phim từ khâu lên ý tưởng, kịch bản cho đến giai đoạn tiền kỳ rồi bấm máy là một quá trình dài và đầy gian khổ, trong những tiến trình ấy, vai trò của nhà làm phim là hết sức quan trọng và để lại nhiều dấu ấn mang nặng tính cá nhân. Giai đoạn tiền kỳ kĩ càng bao nhiêu thì khi bấm máy, mọi thứ sẽ diễn ra tự nhiên và đầy sống động trước mắt cả đoàn phim bấy nhiêu, nhất là đối với người đạo diễn – người nhạc trưởng giữ vai trò điều phối của cả đoàn!
Đạo diễn Vương Đức trong buổi phỏng vấn về quá trình hoàn thiện tác phẩm Nhà Tiên Tri (một bộ phim đẹp về Hồ Chủ Tịch – vị Cha già dân tộc) đã từng nói thế này: “Làm phim khó vì nó chưa và cũng sẽ không bao giờ là một công việc mang tính cá nhân, mà là kết quả từ một chuỗi quá trình mang tính tập thể…”
Qua lời tự bạch của ông, ta càng thấy rõ tầm quan trọng và gian khó của đạo diễn trong vai trò người điều phối – giữ nhịp cho cả một mô hình tập thể, nhưng một người đạo diễn tài năng chính là người biết cách chu toàn mọi vấn đề đã được tiên liệu từ trước trong quá trình tiền kỳ đồng thời phối hợp thật nhuần nhuyễn, nhịp nhàng với cá nhân đang giữ vị trí mà vấn đề được nhắc đến.
Và trong quá trình dài hơi ấy, việc định hình chuỗi và đường dây hình ảnh liên tiếp là một kỹ năng quan trọng cần phải có của người nhạc trưởng đó, việc khai thác sức mạnh từ ngôn từ diễn biến – chuyển hóa ngôn ngữ hình ảnh cũng nhờ thế tái khẳng định tài năng, kiến thức và sự khai phóng minh triết của cá nhân người đạo diễn.
Gordon Willis – Quay The Godfather cũng đã từng nói: “Với tôi, có hai hạng đạo diễn: thứ nhất là những đạo diễn thật sự quan tâm, cũng như có khả năng xây dựng từng cảnh một cho cả phim (shotlist & storyboard). Điều này giúp họ đưa ra những quyết định hết sức dứt khoát đồng thời tạo thêm động lực cho đoàn, giúp cho mọi người hiểu rõ mục đích công việc mình đang thực hiện. Dạng còn lại, tôi gọi bằng “Xe Chở Rác”. Họ thường để mặc quay phim quyết định khung hình, góc quay rồi sau đó ráp nói lại những hình ảnh đó trong phòng dựng. Cách làm này rồi cũng sẽ hình thành một bộ phim, tuy nhiên, chắc chắn rằng, khán giả sẽ không thấy quan điểm riêng của đạo diễn, và bộ phim cũng sẽ không còn là một phim của đạo diễn nữa mà là của người khác!”
Trong một số bài học và trên con đường truy cầu sự học, người viết đã được dạy về tính chất cơ bản trong thế giới quan của người đạo diễn và thế giới thực, rằng khái niệm không – thời gian trong điện ảnh chính là thế giới thực nhưng được tuân theo ý đồ về không – thời gian của chính người đạo diễn đó, và cảm quan của người đạo diễn trong chính không – thời gian “thật” trong phim ấy cũng là đại diện cho quan điểm, góc nhìn của vị nhạc trưởng đối với trật tự thế giới đang xảy ra xung quanh mình, hay chính cách mà khái niệm về vô thức – tiềm thức (Sigmund Freud đã cụ thể hóa khái niệm khoa học trong lý luận về Phân Tâm Học của ông) ảnh hưởng tới cách đối xử với nhân tình thế thái được đưa vào trong trước tác điện ảnh của người đạo diễn ấy, cụ thể là qua dây chuyền hình ảnh mà vật trung gian ở đây là shotlist và storyboard.
Việc người đạo diễn xây dựng cụ thể từng hình ảnh, phân cảnh, trường đoạn cũng chính là bày tỏ cụ thể cái tôi của mình tới đoàn phim qua vật trung gian, nhằm củng cố, kiến thiết và đẩy nhanh tính đồng bộ giữa đạo diễn với những vị trí còn lại trong đoàn.
Thế nhưng nếu hiểu theo cách nói của Gordon Willis, có phải chăng ông đang khắt khe với nghề đạo diễn và hạ thấp tầm quan trọng trong vai trò của một DoP (tức Director of Photography/ Đạo Diễn Hình Ảnh)?
Người viết nghĩ rằng dụng ý của ông trong câu nói trên là không và cũng sẽ không bao giờ là như vậy. DoP giữ một vai trò quan trọng và được xem như linh hồn của phần hình ảnh trong phim, nhiệm vụ của DoP chính là hiểu chính xác cảm quan hình ảnh của người đạo diễn, cùng đạo diễn phân tích rõ ràng những mảng chiều kích hợp lý và thiếu xót của lý luận hình ảnh ban đầu và truyền tải nó từ khái niệm lý luận thành một mô thức mang tính thực tế. DoP như một vị quân sư đầy thông thái bên cạnh đạo diễn, tôn trọng bản ngã của đạo diễn nhưng đồng thời mổ xẻ để đưa phần bản ngã đó trở thành phiên bản tốt nhất, trước là với cá nhân người đạo diễn, sau là với cả đoàn phim nói chung. Đương nhiên cái bản ngã tác giả của bộ phim vẫn phải là vai trò cố hữu của người đạo diễn, nếu đạo diễn từ bỏ vai trò đó, thì chẳng khác nào người ấy thuộc vào dạng “Xe Chở Rác” mà Gordon Willis đã đề cập cả, bởi khi bộ phim thành hình, sự hoang mang, mông lung, đứt gãy của bộ phim sẽ ngày một hiện rõ đối với cả đoàn phim và với người xem, vấn đề này cũng đã được người viết một lần đề cập trong bài luận về tính xuyên suốt của Chủ Đề trong phim.
Nói chung, mỗi vị trí trong đoàn làm phim đều sở hữu một tầm quan trọng nhất định đối với tiến trình chung và thành quả cuối cùng, trong đó đạo diễn như một nhạc trưởng giữ vai trò điều phối và giữ nhịp cho bộ phim và cả đoàn, còn DoP như một vị quân sư đầy thông thái hỗ trợ cụ thể hóa sự tưởng tượng của đạo diễn thành phim, và một người đạo diễn tốt chính là trái tim, còn một DoP tốt chính là linh hồn, hai phần này kiến thiết nên một thực thể sống trọn vẹn tình cảm; tuy nhiên, nếu trái tim không biết đập mà phó mặc mọi thứ cho linh hồn giải quyết thì chả khác nào trái tim đó là một Xe Chở Rác cả!
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất