Bài viết có spoil nội dung phim, vui lòng cân nhắc trước khi đọc.
Kết quả hình ảnh cho mắt biếc


Ngay từ khi công bố dự án điện ảnh “Mắt biếc”, tôi đã vô cùng mong chờ nó, bởi tuy “Mắt biếc” không phải là truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà tôi thích nhất ( truyện tôi thích nhất là “Còn chút gì để nhớ”) nhưng chắc chắn là truyện khiến tôi đau lòng nhất, không chỉ bởi câu chuyện tình chẳng có cái kết đẹp giữa Ngạn và Hà Lan, không chỉ bởi cái nỗi khổ mà chỉ những kẻ yêu đơn phương mới hiểu, mà còn khiến tôi xót xa bởi sự nghiệt ngã của cuộc sống, sự đổi thay của lòng người, và cả sự trêu đùa của số phận. Và quả thực, bộ phim của Victor Vũ đã không làm tôi thất vọng, kể cả về bối cảnh và cách kể chuyện, thực sự đã chạm đến trái tim của khán giả. Tôi đọc “Mắt biếc” vào năm lớp 6, lúc đó tôi chưa đủ chín để có thể cảm hết được nỗi đau trong chuyện tình dang dở ấy, nhưng trong lòng đã gợn lên rồi, và đến năm lớp 10, khi xem “Mắt biếc” vào lúc đã đủ chín, đủ trưởng thành, và đã trải qua cảm xúc của một người yêu đơn phương, tôi đã khóc, khóc vì chuyện tình dang dở ấy, và khóc cho cả sự tréo ngoe của tình yêu...
Có những kỉ niệm thời thơ ấu chẳng đủ sức để níu giữ trái tim một người...
Ở những phút đầu của bộ phim là những thước phim xuôi theo đong hồi tưởng của Ngạn. Nếu đi xem phim với tư cách là một người chưa đọc truyện, chắc hẳn bạn sẽ nở một nụ cười nhẹ khi chứng kiến những kỉ niệm tuổi thơ đẹp một cách lạ lùng. Từ cái làng Đo Đo nhỏ bé hay cái hồn nhiên của những đứa trẻ ở lớp thầy Phu cho đến khoảnh khắc mà ánh mắt của Ngạn chạm vào đôi mắt của Hà Lan, hay thậm chí bật cười trước câu nói của Ngạn: “Sau này con muốn cưới Hà Lan làm vợ.” - một câu nói rất đỗi đáng yêu bộc phát từ một chú bé non nớt. Nhưng nếu đi xem phim với tư cách là người đã đọc truyện của bác Ánh, là người đã có những xúc cảm mạnh mẽ trước câu chuyện ấy, chắc hẳn bạn đã thấy cay cay sống mũi ngay từ lúc đó rồi. Kỉ niệm đó dẫu thật hồn nhiên, và bài “Có chàng trai viết lên cây” cũng được phối lại vui vẻ hơn và cả câu chuyện cũng chưa có gì để nói, vậy mà ta vẫn thấy xót. Xót vì kỉ niệm đẹp kia liệu có đủ sức để níu chân Hà Lan, rằng sau này ta về lại nơi ấy, mọi thứ có còn nguyên vẹn hay không hay cảnh vật không hề thay đổi mà lòng người thì đã đổi thay. Những phút đầu của bộ phim lật giở từng trang truyện của bác Ánh, gợi lên một nụ cười nhẹ trên môi khán giả, nhưng cũng để lại trong lòng nỗi băn khoăn, nỗi sợ hãi và cả sự xót thương với những ai đã đọc truyện rằng không biết sau này, sự hồn nhiên, trong trẻo ấy có được tận hưởng bởi hai chúng ta nữa hay không?
Khi em cuốn vào phồn hoa đô thị, có một người vẫn nơi đó chờ em...
Và rồi, Hà Lan cũng bị hấp dẫn cuốn theo sư tráng lệ của thành thị, phố xá, nàng thay đổi, đến mức khi về làng Ngạn cũng chẳng nhận ra. Cho đến khi Ngạn lên thành phố học, sang nhà Hà Lan chơi, chứng kiến nàng trong bộ váy hiện đại và mái tóc trẻ trung, Ngạn cũng ngẩn người ra một lúc, một phần vì Ngạn chưa quen, nhưng cũng một phần là Ngạn tiếc thương cái vẻ dung dị mà Ngạn đã trót say đắm ấy. Hà Lan bây giờ đã khác, nhưng dẫu sao Ngạn vẫn còn sự an ủi, đó là mỗi ngày được đón Hà Lan đi học về, và trên môi hai người nở nụ cười rất tươi, cho đến khi Hà Lan gặp Dũng. Vẻ ngoài phong trần, nhà có điều kiện của Dũng đã hớp hồn Hà Lan ngay từ lần gặp đầu tiên, và kể từ đó, Ngạn cứ điên cuồng đạp xe đuổi theo cô bạn, và cũng thật đau lòng khi thấy Hà Lan và Dũng âu yếm nhau trên vũ trường. Ánh mắt  Ngạn lúc đó đỏ hoe, một ánh mắt ám ảnh người xem, đôi mắt chất chứa cả sự buồn bã cho mối tình không thành, đôi mắt chất chứa cả sự xót xa trước sự thay lòng đổi dạ của Hà Lan và đôi mắt chứa cả nỗi đau không thể lý giải của kẻ yêu đơn phương. Hà Lan đã thay đổi thật rồi, nàng không còn vui vẻ khi được Ngạn đón mỗi lần Dũng không đến nữa, và câu nói cũng trở nên khách sáo hơn. Ta ngỡ tưởng Ngạn sẽ đau lòng mà từ bỏ, nhưng không , Ngạn vẫn đứng đó, chăm sóc cho Hà Lan lúc nàng mang bầu, vẫn đi xin gạo dưới mưa để dỗ dành em bé khóc, vẫn làm tất cả, dẫu biết Hà Lan sẽ chẳng đáp lại tình cảm, chỉ vì một chữ "yêu" và có cả chữ "thương" nữa. Giữa cái phồn hoa đô thị ấy, tình cảm và sự chăm sóc Ngạn dành cho Hà Lan khiến người ta cảm thấy vừa nể phục, vừa ngỡ ngàng vì hoá ra trên đời vẫn có người si tình đến vậy, thấy thương xót vì Ngạn có làm như thế, làm nữa thì Hà Lan cũng chỉ coi Ngạn là bạn mà thôi. Ấy vậy mà, khi con người ta dễ dàng bị cái xa hoa làm chói mắt, ở một nơi, vẫn có một trái tim si tình, chân thành với người con gái mình yêu, đó là Ngạn.
Đôi mắt biếc vẫn theo anh về sau này nữa, ngay cả khi anh đã trưởng thành...
Đến khi Ngạn ra trường và về làng Đo Đo làm thầy giáo, gặp Trà Long, Ngạn vẫn đem theo hình bóng của Hà Lan với những kỉ niệm bên rừng sim, với đôi mắt biếc mà Ngạn đã yêu suốt một thời. Những lần đưa Trà Long đi chơi bên rừng sim, Ngạn luôn nhớ về hình ảnh cô nữ sinh mặc áo dài trắng, mái tóc dài xoã ra và đôi mắt biếc đã làm anh ngơ ngẩn suốt một thời. Ngay cả đến khi Trà Long lớn lên, rồi về làng làm cô giáo, những lần đi ra bến sông, Ngạn vẫn lại nhớ về những bản nhạc do anh sáng tác đã đánh cho Hà Lan nghe. Có thể nói, những gì thuộc về Hà Lan, Ngạn đều giữ nó nguyên vẹn trong kí ức, cảm giác chẳng phải xa cách mấy chục năm, mà nó vẫn mới như ngày hôm qua thôi. Trà Long cũng có đôi mắt đẹp giống mẹ, nhưng nó khác mẹ ở chỗ nó không bị phồn hoa đô hội cuốn đi, rằng sau bao nhiêu năm, nó vẫn giữ được cái dung dị ngày nào. Nó là hình mẫu Hà Lan trong mơ của Ngạn, và chính nó cũng có tình cảm với Ngạn. Nhưng Ngạn đã chọn cách không đáp lại tình cảm ấy, vì anh biết, suốt đời này, anh chỉ yêu và say đắm đôi mắt biếc của Hà Lan mà thôi. Vậy nên anh chọn cách rời đi, để lại toàn bộ kỉ niệm về mối tình đơn phương ấy ở làng Đo Đo. Cảnh cuối phim, Ngạn khóc, và theo nhịp chạy của tàu hoả, Hà Lan đuổi theo, và trong khoảnh khắc ấy, giai điệu bài hát "Có chàng trai viết lên cây" nổi lên đã đẩy cảm xúc của khán giả lên đến đỉnh cao, khiến họ thực sự phải bật khóc cho mối tình đơn phương ấy, bật khóc vì thương Ngạn: cả một đời yêu đôi mắt biếc của Hà Lan, ánh mắt ấy khiến Ngạn đắm say và vui vẻ mỗi khi nhìn thấy, nhưng cũng chính ánh mắt ấy đã ám ảnh Ngạn mãi không thôi, khiến anh phải đau khổ, phải xót xa và chọn cách rời đi mà chẳng biết rời đi rồi, có đủ sức để quên hay không?
"Dù cho đã biết
Nếu đâm đầu yêu đơn phương
Sẽ không ai thấu mình đâu
Đợi chờ một người như thói quen đã từ lâu."
Có lẽ suốt đời này, Ngạn sẽ chẳng thể nào nắm giữ trái tim Hà Lan, cũng như nỗi đau của anh khi chứng kiến Hà Lan bên người khác, nàng cũng chẳng thấu, nhưng anh vẫn yêu Mắt biếc, vẫn đứng đó chờ nàng dẫu nàng bị chói mắt bởi phố phường thành thị, vẫn không thể quên ánh mắt ấy ngay cả khi anh đã trưởng thành, và vẫn ôm một mối tình đơn phương kéo dài ba chục năm trời. Tình yêu mà anh dành cho Hà Lan, là tình đầu, nhưng đã theo anh từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, rời làng Đo Đo để mong quên ánh mắt ấy. Có lẽ kiếp này, Hà Lan đã nợ Ngạn một lời yêu, một lời đáp lại tấm chân tình ấy, nên đành hẹn nhau ở kiếp sau vậy, giống như Phó Hằng và Nguỵ Anh Lạc trong Diên hi công lược: "Kiếp này ta bảo vệ nàng đủ rồi, kiếp sau nàng che chở cho ta được không?" Tình đầu với nàng Mắt biếc - một thời cứ ngỡ một đời...