Nhờ bạn giới thiệu, gần đây tôi mới thử đọc truyện ngắn của Lý Nhuệ.
Bạn nói chắc tôi sẽ thích giọng văn này. Hứa hẹn đó cộng sự khá hợp nhau trong văn học trước nay của 2 đứa giúp sự thất vọng khi đọc những dòng đầu thêm sắc nét.


 Thực ra ko hẳn tôi ghét giọng văn dịu dàng. Có thể còn ngược lại. Chỉ là ko thích cái cảm giác người viết đang tự nhấm nháp sự dịu dàng. Như là nhấm nháp một tách cafe dưới nắng chiều nhàn nhạt chiếu xiên qua cửa sổ, cùng lúc tự tấm tắc về vẻ sâu sắc đáng ngờ của bản thân trong khung cảnh sặc sụa kitschy này. Nói chung vài cuộc tình ngang trái thưở thiếu thời với các tác phẩm kiểu đó đã giúp tôi trang bị tương đối sự đề phòng.
Tuy thế, và ko biết nằm sẵn trong dự đoán của người bạn kia ko, Lý Nhuệ hoá ra là một bất ngờ.
May cho tôi là đã cho ông benefit of the doubt và kiên nhẫn đọc tiếp. Lý Nhuệ đã thoát ra được cái bẫy đãi văn trên và ko để bị không khí êm ái ăn khách kia nuốt chửng. Sự êm ái đã chỉ là một set up, để trên đó những day dứt có phẩm cách và bản sắc hơn neo đậu. Tôi tưởng Lý bị style over substance, nhưng cuối cùng cái dịu dàng của văn phong đã không rẻ tiền hoá nổi cái trầm lắng bồn chồn trong câu truyện.
Phải nói là từ một thời điểm nào đó, những nhà văn thường xuyên viết về người cùng khổ lại gợi cho tôi ấn tượng quan ngại nhiều hơn là cảm tình. Đa phần những tác giả này thích xoáy vào hoặc số phận khốn nạn hoặc phẩm chất thiện lương của nhân vật. Những nhà văn ấy nghĩ rằng cái người khổ cần nhất từ văn học là tình thương hay giấy chứng nhận đạo đức. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là chiến lược của những nhà văn Pháp thế kỷ 18, những chuyên gia tuyên truyền hoạt động xã hội, hay những tay bán cảm hứng buôn thông điệp thời nay. Tất nhiên nỗi khổ và sự tự ti hẳn vẫn cần được thể hiện như một thực tế , nhưng văn học mà chỉ xoáy vào đó và tận dụng hiệu ứng mủi lòng dễ thấy từ chúng, thì lại tạo ra, nếu ko phải những toan tính xây trên nền nức nở, ắt cũng là thói lười biếng dễ dãi cùng thái độ ngạo mạn ngầm.
Lại nhớ Leaving Las Vegas, một phim tôi rất yêu thích. Phim kể về một tay bạc bịp và một cô gái điếm. Cảnh hay nhất là lúc cạnh bể bơi, cô gái bước từ dưới nước lên, ánh chiều lấp loáng, cô ấy giống như nữ thần, và hai người họ yêu nhau. Cảnh đó là một hỗn hợp của huy hoàng và cay đắng khi 2 kẻ có số phận thê thảm vứt đi này được một may mắn nào đó cho phép đứng trong cái khắc hoàng kim hiếm hoi của đam mê. Song bạn sẽ ko thấy thương họ, chỉ đơn giản là thấy nó đẹp y như cảnh đẹp của 2 người nào đó yêu nhau. Tôi luôn nghĩ rằng việc kiên quyết từ khước đặt nhân vật vào một narrative đáng thương, cho dù cảnh huống của họ thực sự đáng thương, là đang trao cho những nhân vật ấy sự tự trọng.  

 Lý Nhuệ cũng đã rẽ theo một ngã khác với nhiều nhà văn “cùng khổ chủ nghĩa” theo cách ấy. Văn của ông đan dệt câu truyện về những người ở đáy xã hội cũng chính bằng những yếu tố trái ngược như như Leaving Las Vegas. Lý có thói quen tỉ mẩn gọi tên nhiều ẩn ý sau từng hành động, lúc đầu cảm giác như vẽ rắn thêm chân ra vẻ chi li nguy hiểm, nhưng rồi ta sẽ thấy, cái ẩn ý lớn nhất thì lại chẳng bao giờ được nói ra. 
Cả khi những con người trong truyện của Lý có hiện lên bất hạnh, bé mọn, tục tằn, ngây ngốc, quê mùa, hoặc ít nhất là ta tưởng thâu tóm mọi suy nghĩ của họ chỉ trong vài tính từ như thế, họ vẫn có thể cùng sở hữu cả một vài thứ xung động vi tế, ẩn mật, thâm trầm. Song thú vị chính là điều đó không hề làm họ bớt thô kệch. Điều đó cũng chả hẳn làm ta phải đồng cảm. Thậm chí chả nhất thiết thêm trân trọng. Điều đó đơn giản là gợi tò mò. Và thế cũng quá đủ.
Bằng góc nhìn ấy, với Lý Nhuệ, một con người cùng khổ có lương thiện không, khốn khổ đến đâu, cần được cứu giúp hay ca ngợi, tuyệt chẳng có gì quan trọng, quan trọng là liệu họ có gì mới lạ đáng được khám phá.
Theo cách ấy, Lý đã tặng cho các nhân vật cùng khổ tài sản quý nhất một nhà văn có thể trao và nên trao cho một nhân vật:
Cảm giác về mỗi con người đều xứng là một thế giới.