29-9-2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tôi đã định đứng ngoài cuộc tranh luận đang ầm ĩ trên mạng xã hội mấy ngày qua, vì nghĩ bao năm rồi vẫn tranh đi cãi lại chủ đề cũ mèm này, thậm chí những màn chỉ trích nhằm vào các bộ phim “gặp nạn” còn tệ hại hơn sau mỗi cuộc tranh luận. Sự tệ hại đó bắt đầu từ những thông tin sai lệch, thiếu hiểu biết về mặt báo chí cho đến cách quy kết ấu trĩ hoặc áp đặt những tư duy phản biện kiểu “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, “nhân văn”, “thuần phong mỹ tục” vào một bộ phim đang tìm kiếm những ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật mới và phá bỏ những tư duy minh họa cũ kỹ trong điện ảnh Việt Nam.
Điều khiến tôi hơi ngạc nhiên (dù không bất ngờ lắm) là Lê Bảo - đạo diễn, cha đẻ của Vị hoàn toàn im lặng và không lên tiếng bất cứ điều gì trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trang cá nhân. Có thể Bảo là một người không hoạt ngôn, nhưng mặt khác, tôi nghĩ rằng anh có sự kiêu hãnh của một người làm nghệ thuật “khắc kỷ”. Chỉ làm thôi, không cần nói. Để tác phẩm lên tiếng thôi, thay vì thanh minh.
Tôi không biết nhiều về Lê Bảo, nhưng đã từng xem và khá thích ngôn ngữ điện ảnh độc đáo của anh qua hai bộ phim ngắn. 5 năm trước, khi Bảo và hai nhà sản xuất trẻ tuổi tìm đến tôi để nhờ hỗ trợ giới thiệu dự án bộ phim dài đầu tay là Vị, tôi đã ngay lập tức ấn tượng về nó. Đó là một bộ phim có một cái nhìn rất khác lạ về Sài Gòn, một cái nhìn rất khác biệt về những thân phận di cư và bên lề xã hội.
Lê Bảo - đạo diễn <i>Vị</i>
Lê Bảo - đạo diễn Vị
5 năm qua tôi vẫn luôn theo dõi thông tin về dự án này, từ những giải thưởng dự án, được các quỹ điện ảnh hàng đầu châu Âu tài trợ và mất hơn 3 năm để hoàn thành bộ phim trong điều kiện khắc nghiệt về sản xuất do thiếu kinh phí. Đầu năm nay, Vị nhận được tin vui khi lọt vào vòng tranh giải hạng mục “Encounters” – một hạng mục quan trọng thứ 2 dành cho các bộ phim đầu tay hoặc thứ 2 bên cạnh “Main Competition” tranh giải Gấu vàng (thường là phim của các đạo diễn đã có tên tuổi quốc tế). Vị là 1 trong 12 bộ phim được lọt vào vòng tranh giải Encounters năm nay, là hạng mục khuyến khích các nhà làm phim trẻ có những đột phá về ngôn ngữ hay cấu trúc, thẩm mỹ mới trong điện ảnh. Để lọt được vào hạng mục này không hề đơn giản bởi mỗi năm có hàng trăm bộ phim đầu tay khắp toàn cầu gửi về dự thi. Và cạnh tranh với 12 bộ phim khác để đoạt giải thưởng càng khó. Nhưng cuối cùng, Vị là một trong ba bộ phim thắng giải, với giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo.
Bản đánh giá của Ban giám khảo hạng mục "Encounters" tại Liên hoan phim Berlin năm nay viết: “Một phác thảo đầy trừu tượng nhưng được dàn dựng trần trụi và táo bạo về các mối quan hệ xã hội, bằng việc sử dụng những kết cấu cụ thể như không gian khu ổ chuột, luật chơi bóng đá, nấu nướng và sức nặng của cơ thể con người – để tạo nên một không gian đậm đặc sự căng thẳng, yên bình trong hỗn loạn, tìm đường giải thoát khỏi khổ hạnh nhưng lại quay đầu về bể khổ.”
Vị cũng nhận được những đánh giá rất tích cực từ các tờ báo điện ảnh hàng đầu của thế giới, từ Variety, Hollywood Reporter đến chuyên mục điện ảnh uy tín trên tờ The Guardian
Tờ Hollywood Reporter viết rằng, “phong cách tạo dựng hình ảnh sống động nhưng uể oải trong tác phẩm điện ảnh đầu tay của Lê Bảo cho thấy tiềm năng của một đạo diễn tác giả (auteur) đầy hứa hẹn trong nền điện ảnh châu Á.”
Trong khi đó, The Guardian đưa Vị vào danh sách “The Best of Berlin” (tức là những bộ phim hay nhất tại Liên hoan phim Berlin, tính cả những phim tranh giải Gấu vàng lẫn Encounters) và gọi bộ phim của Việt Nam là “Best arthouse UFO” (có thể hiểu là “hiện tượng lạ của điện ảnh nghệ thuật”).
Tờ này viết về bộ phim đầy trân trọng như sau: “Vị của Lê Bảo là một giấc mơ gây sốt về nghệ thuật biểu đạt đến từ Việt Nam, kể về một cầu thủ bóng đá người Nigeria chuyển đến sinh sống với một nhóm phụ nữ trung niên, một con lợn và một con cá kiếm. Được bao phủ bởi bóng tối, các màn trình diễn gần như khỏa thân và kỳ lạ đến mê hồn – đó là một bộ phim mà bạn ao ước được xem trên màn ảnh rộng.”
Sau khi giành thắng lợi quan trọng bước đầu tại Berlin, Vị được Wild Bunch, một hãng phát hành phim rất lớn của Đức (hãng này đã đỡ đầu cho không biết bao phim thắng giải Oscar, Cannes, Venice, Berlin...) mua bản quyền để phát hành quốc tế. Tức hành trình phía trước của bộ phim còn rất dài.
Đó là những thông tin chính thức mà tôi tóm gọn về Vị mà tôi nghĩ cần phải công bố để tránh những thông tin sai lệch và bóp méo một cách thô thiển trên một vài trang báo hoặc diễn đàn đang chỉ trích bộ phim.
Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim
Bóp méo, sai lệch về thông tin là một chuyện (cũng không lạ trên báo chí Việt Nam), nhưng đáng sợ hơn là quan điểm bảo thủ, ủng hộ tư duy kiểm duyệt kiểu “nghệ thuật phải đạo”, phải “nhân văn”, phải “tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, phải “thuần phong mỹ tục” và vô số những khuôn mẫu trói buộc áp đặt vào một tác phẩm nghệ thuật. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã từng chỉ ra thứ “văn học phải đạo” của thời bao cấp, nơi nhà văn phải nghe theo lệnh của cấp trên hoặc phò “chính thống” và đẻ ra những tác phẩm minh họa nửa vời trong suốt những năm bao cấp – và kéo dài đến tận bây giờ.
Nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần những tiếng nói đa chiều, ngoài “truyền thống” cần có “hiện đại”, ngoài “chính thống” còn có “bên lề”, “underground”; ngoài sự chuẩn mực cần có những ngôn ngữ phóng túng có khả năng thăm dò và khám phá những vùng đất mới, thách thức tư duy thẩm mỹ của người xem. Những Liên hoan phim quốc tế hàng đầu như Cannes, Venice, Berlin, Toronto, Sundance… thường trao giải cho những bộ phim có những khám phá về mặt tư tưởng và thẩm mỹ đặc biệt và phá vỡ những khuôn mẫu đã định hình trước đó. Vì vậy mà điện ảnh mới có các trào lưu, các “làn sóng mới” để vượt qua cái cũ, tiến về phía trước. Vì vậy mà điện ảnh mới có các đạo diễn gây sốc hoặc thách đố tư duy và thẩm mỹ của người xem như Fellini, như Tarkovsky, như Jean-Luc Godard, như Kubrick, như Pasolini, như Nagisa Ôshima, như Bertolucci, như Catherine Breillat…
Nếu điện ảnh chỉ suốt đời “nhân văn” thì làm sao chúng ta được thưởng thức những tác phẩm như Salò o le 120 giornate di Sodoma (1975) của đạo diễn Pier Paolo Pasolini? Nếu điện ảnh chỉ tuân thủ các chuẩn mực cổ điển, “thuần phong mỹ tục” thì làm sao điện ảnh có Last Tango in Paris của đạo diễn Bernando Bertolucci hay In the Realm of the Senses của Nagisa Oshima, một bộ phim erotic nặng đô của điện ảnh Nhật Bản với cảnh làm tình diễn ra xuyên suốt gần 2/3 thời lượng của bộ phim?
Tất nhiên, những bộ phim này khi mới ra mắt cũng tạo ra những cuộc bút chiến vô tiền khoáng hậu trên báo chí và chịu kiểm duyệt, cấm chiếu ở nhiều nước. Các đạo diễn và diễn viên cũng bị liên đới. Pasolini qua đời sau một vụ ám sát bẩn thỉu, Oshima cũng vướng vào một vụ kiện cáo kéo dài ba năm nhưng cuối cùng ông được tuyên bố vô tội, còn In the Realm of the Senses giờ đây trở thành một tượng đài trong dòng phim erotic.
Rất nhiều đạo diễn của dòng phim erotic hoặc phim thể nghiệm (experimental film) thậm chí còn táo bạo quay những cảnh quay tình dục thật (unsimulated sex) giữa diễn viên (tất nhiên phải có sự đồng ý của họ).
Một cảnh trong phim <i>In the Realm of the Senses</i>
Một cảnh trong phim In the Realm of the Senses
Tôi xin trích lại một đoạn nói về những cảnh "unsimulated sex" trong các bộ phim erotic loại “hardcore”:
“Vậy điều gì để phân biệt một bộ phim erotic có những cảnh "unsimulated sex" với một bộ phim porn - con heo? Thực ra là có những bộ phim erotic không thể phân biệt được so với porn, nhưng tất nhiên, vẫn có rất nhiều bộ phim erotic được xếp vào dòng art-film, nơi mà tình dục, đươc khai thác như một đề tài thực sự, để chuyển tải những câu chuyện về bản năng dục tính của con người. Nói một cách nôm na dễ hiểu hơn, porn là từ thắt lưng quần xuống dưới một gang tay, erotic thì tất nhiên vẫn xuống dưới một gang, nhưng nó chịu khó đi lên được vài gang, một số chạm được vào tim, một số chạm được vào não bộ.
Sự giải phóng quan niệm về tình dục rất quan trọng. "Let's talk about sex", như lời của Kinsey, vị tiến sĩ tiên phong về nghiên cứu tình dục. Giải phóng về tình dục là giải phóng về con người. Càng phá vỡ những vùng cấm kị, những ẩn ức về tình dục, con người càng giải thoát khỏi những tăm tối trong trí não. Những bộ phim erotic nghệ thuật, không nằm ngoài mục đích này, và đó là điều phân biệt chúng với những bộ phim porn khiêu dâm thuần túy.
Vậy tại sao phải là "unsimulated sex" mà không là "simulated sex"? Những nghệ sĩ tiên phong luôn có một nhu cầu, một tham vọng phá vỡ những giới hạn trong nghệ thuật nói chung và trong thể loại nói riêng. Tình dục phải là chính nó. Sex phải thật như chính nó. Nữ đạo diễn Catherine Breillat, một đạo diễn tiên phong của Pháp về dòng phim erotic, người có 3 bộ phim từng quay cảnh sex thật đã nói như vậy.
Tôi chưa xem Vị nên hoàn toàn không đưa ra bất cứ đánh giá nào về bộ phim. Nhưng với một tác phẩm điện ảnh được Ban giám khảo Liên hoan phim hàng đầu thế giới trao giải, được các tờ báo uy tín của thế giới đánh giá cao, được một hãng phim lớn của châu Âu mua bản quyền phát hành toàn cầu, thì không lý gì khi về nước lại chịu những đòn roi của kiểm quyệt hay những chỉ trích ấu trĩ, quy chụp hoặc tầm thường hóa bộ phim. Tôi không bao giờ tin rằng Lê Bảo lại đi “hạ thấp nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam” qua bộ phim của mình như lời phán xét của một bộ phận cộng đồng mạng khi chỉ mới nhìn qua một hình ảnh được cắt ra từ phim.
Với những bộ phim có thể thách đố về mặt thưởng thức như Vị, sự tranh cãi là cần thiết, nhưng bộ phim cần phải được đánh giá trong một chỉnh thể thống nhất và toàn vẹn, phải được phân tích dưới góc độ nghệ thuật với một trình độ thẩm mỹ nhất định. Bởi một hình ảnh mà các đạo diễn đưa lên phim đều ẩn chứa một tư duy biểu đạt ngôn ngữ của riêng họ, một ẩn dụ của riêng họ. Nói như đạo diễn Trần Anh Hùng, ngôn ngữ trong điện ảnh luôn tạo ra tiếng vọng về mặt hình ảnh. Một khung hình trong điện ảnh vừa là chính nó, nhưng đồng thời cũng không phải là chính nó.
Để kết bài này, tôi xin dẫn ra một “case study” khá điển hình giữa tư duy bảo thủ, cấp tiến và tự do trong một cuộc tranh luận về bộ phim Crash (1996) của đạo diễn người Canada David Cronenberg.
Crash từng thắng giải Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 1996 và cũng nổ ra một cuộc tranh cãi từ Liên hoan phim này cho đến trên bề mặt báo chí Anh khi nó được trình chiếu chính thức. Bộ phim khai thác mối quan hệ kỳ lạ giữa năm nhân vật được đánh thức bản năng tình dục sau một vụ đâm xe hơi (thật thú vị là Cannes năm 2021 cũng trao giải Cành cọ vàng cho "Titane" – một bộ phim gây choáng váng của nữ đạo diễn Julia Ducournau cũng có đề tài khá tương tự).
Mối quan hệ tình dục giữa con người và động cơ (ở đây là xe hơi) chia rẽ giới phê bình điện ảnh ở Anh.
Mối quan hệ tình dục giữa con người và động cơ (ở đây là xe hơi) chia rẽ giới phê bình điện ảnh ở Anh.
Với một bộ phim thách đố thưởng thức như Crash, các nhà phê bình bảo thủ của Anh đến từ tờ Daily Mail cho rằng đó là một bộ phim trụy lạc. Khi tìm kiếm động cơ thúc đẩy của bộ phim, họ chỉ có thể gán cho nó với loại phim cấp ba. Trong khi đó các nhà phê bình cấp tiến như Salman Rushdie và Martin Amis (hai ông này cũng là nhà văn nổi tiếng thế giới có tác phẩm gây tranh cãi dữ dội không kém) khi viết cho tờ The Independent cùng với một số nhà phê bình khác của tờ Sight & Sound lại cho rằng bộ phim là một phần quan trọng của nghệ thuật điện ảnh hoặc đưa ra lời bình luận về vai trò của công nghệ trong cuộc sống hiện đại. Cuối cùng, đa số các nhà phê bình tự do cho rằng mặc dù nhiều người thấy bộ phim đáng ghê tởm nhưng khán giả vẫn nên có cơ hội được xem nó.
Trong cuốn "Nghiên cứu phim" của Warrent Buckland, tác giả dẫn lại vụ việc này và viết rằng:
"Các nhà phê bình chỉ tìm kiếm động cơ bố cục/hiện thực/liên văn bản nhưng lại coi thường động cơ nghệ thuật có thể được coi là những nhà phê bình bảo thủ, trong khi những nhà phê bình tìm kiếm và ca ngợi động cơ nghệ thuật sẽ được gọi là nhà phê bình cấp tiến. Các nhà phê bình bảo thủ tập trung vào chủ nghĩa duy lý phố quát bằng cách cho rằng một bộ phim không được làm nhiễu các quan niệm phổ biến của chúng ta. Các nhà phê bình cấp tiến thì ngược lại. Họ đánh giá cao một bộ phim thách thức các giả thuyết hàng ngày của chúng ta và đem đến cho chúng ta điểm nhìn mới về thế giới."
Với Vị, tôi không biết bộ phim này “đậm vị” đến đâu, nhưng với một tác phẩm giành được giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế hạng A, được giới phê bình quốc tế đánh giá cao, được một hãng phim quốc tế phát hành; thì tại sao chúng ta lại cấm đoán, lại kiểm duyệt (thay vì giới hạn?), lại chỉ trích nó khi hầu hết đều chưa được xem?
Tại sao không để cho khán giả được xem và để họ là người phán xét cuối cùng về bộ phim?
Tác giả: Lê Hồng Lâm
*Bài viết đã được hiệu đính và sửa lỗi bởi người đăng, những quan điểm trong bài viết trên do được đăng trên trang nhà của người đăng nên có thể cũng là quan điểm của chính người đăng bài.*