(Bản nháp, chưa hệ thống lại, suy nghĩ tản mạn sau khi đọc một số quyển sách bàn về tính so sánh, về giáo dục, lịch sử, triết học, và so sánh với những vấn đề xã hội hiện tại như biến đổi khí hậu, sự bất bình đẳng, phong trào "Chuẩn hóa", những cuộc tranh luận về các môn học tự nhiên - xã hội).
Giáo dục hiện tại đang quá thiên lệch về một số nhóm ngành học mà bỏ qua những môn học khác thiên về tinh thần.
Nguồn gốc: Từ cách mạng nhận thức, đến cách mạng công nghiệp, mỗi thời kì đều quá tập trung vào một kỹ năng, nhóm ngành cụ thể, dẫn đến xã hội phân hóa.
Con người hiện tại có tính so sánh, vì con người sống trong thành bang, phụ thuộc vào cách đánh giá của người khác. Khi tách khỏi thành bang, ta bị mất đi bản thể và ý nghĩa tồn tại.
Ai bắt ta 25 tuổi phải lập thân, 30 tuổi phải lập gia đình, 40 tuổi phải có sự nghiệp ổn định?
Điều đó dẫn đến những học thuyết công lý khắc phục những bất công (Đa phần là về tiền và danh vọng), phân phối lại của cải và danh vọng, để xã hội phát triển hài hòa, chậm lại nhưng đầy ý nghĩa (Học thuyết công lý – John Rawls).
Nguồn gốc của những bất công đều tới từ giáo dục, một nền giáo dục thiên lệch.
Sự xuất hiện của sách Self-help, một dạng sách gây ra cho người ta ảo tưởng về một cuộc sống chỉ cần nỗ lực là đủ, thường là về tiền. Những lớp học “Làm giàu không khó”, lao vào bất động sản, phá hoại môi trường chỉ để giàu có và tham vọng hơn, vì con người ta được dạy dỗ kinh doanh hoặc IT, phát triển bản thân giàu có hơn, chứ không phải sâu sắc hơn, mới là mục tiêu đáng theo đuổi và thèm muốn, và đem lại mọi ý nghĩa cho cuộc đời. Trớ trêu rằng người ta đau khổ, nhưng lại không nghĩ rằng mình đau khổ, và khi đau khổ, người ta lại nghĩ do bản thân họ chưa kiếm đủ, hoặc chưa phát triển bản thân về vật chất đến mức cùng cực. Họ lao vào vòng lặp như con thiêu thân lao vào đốm lửa, như người khát uống phải nước biển, càng uống càng khát. Càng phát triển, ta càng vô định và mất ý nghĩa, mà lại cho rằng những vấn đề ta đang gặp phải là do "Chưa đủ".
Đồng ý với việc không có tiền thì không sống nổi, nhưng sự không có tiền đó, nguyên nhân do xã hội đang phân phối của cải cho các tài năng không đúng đắn. Một bác sĩ, một họa sĩ, một giáo viên mầm non phải được xét ưu tiên và bình đẳng so với một nhà kinh doanh, một kỹ sư công nghệ thông tin. Sự khác biệt đó đến từ nhu cầu xã hội, nhu cầu xã hội lại đến từ sự lệch lạc trong giáo dục, khi giáo dục dạy rằng “Cách mạng công nghiệp” sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc và thảnh thơi, có nhiều thời gian hơn. Chính lối suy nghĩ đó đẩy xã hội đến việc tôn vinh những con người làm ra thật nhiều của cải, thay vì tôn vinh cả những con người phát triển văn hóa tinh thần cho cộng đồng.
Nói gì thì nói, việc kiếm tiền phần nào đó vẫn rất quan trọng với chúng ta, thế nhưng khi xã hội có sự phân hóa lệch lạc giữa nghề nào kiếm được nhiều tiền hơn, tư tưởng của chúng ta bị thay đổi, và chạy theo nhu cầu đó.
Chúng ta nghĩ rằng “Ca sĩ” hát sẽ kiếm được rất nhiều tiền và sống hạnh phúc, nên chúng ta coi trọng khả năng ca hát của con người một cách lố bịch.
Chúng ta nghĩ rằng “Họa sĩ” là những người tốn thời gian vào việc vẽ vời vô bổ, thế nên chỉ trừ một số họa sĩ may mắn có danh vọng, chúng ta xem thường khả năng vẽ, tưởng tượng của con người, dẫn đến việc hầu hết họa sĩ sống trong cảnh nghèo khó, phải làm những công việc phụ trợ khác để nuôi sống đam mê.
Điều đó làm lệch lạch tư tưởng “Đam mê”: Đam mê thế nào khi không có đủ tiền nuôi sống bản thân và gia đình? Bởi vì xã hội đang trả cho những “Đam mê” của ta quá thấp, vì xã hội nghĩ “Đam mê” của ta không xứng đáng, và không có nhu cầu trong cuộc sống hiện đại.
Xã hội bị như vậy là do một tư tưởng phát triển qua hàng ngàn năm: Từ cuộc cách mạng nhận thức, xuyên qua Cách mạng nông nghiệp, khi loài Homo Sapiens mỗi thời kỳ cho rằng một số khả năng quan trọng hơn những khả năng khác. Triết học quan trọng cách đây hai ngàn năm, nhưng hiện tại công nghệ thông tin mới có chỗ đứng trong xã hội.
Điều đó làm tính so sánh của con người trở nên cực đoan. Một đứa trẻ hiện tại với khả năng giỏi về công nghệ thông tin sẽ nghiễm nhiên có được nguồn của cải và danh vọng cao hơn nhiều so với một đứa trẻ có khả năng thiên bẩm về văn hóa, triết học, lịch sử, âm nhạc, hội họa.
Những khả năng đó có đồng đều với nhau? Người viết cho là đồng đều, vì nhìn rộng ra thế giới, con người ta đang phát triển đến mức làm cạn kiệt tài nguyên của Trái đất, mà không biết để làm gì, để thỏa mãn trí tò mò và lòng tham của con người. Nó quá lệch về một số khía cạnh cuộc sống mà bỏ qua những khía cạnh khác cũng quan trọng không kém. Bởi vì xã hội xem chuẩn mực giỏi công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật là cao hơn chuẩn mực văn hóa triết học, nên trường học sẽ có xu hướng chuẩn hóa những ngành học liên quan đến khoa học tự nhiên, để những đứa trẻ này lớn lên, thì thay vì chúng làm một nhà văn như đúng khả năng, thì chúng lại so sánh bản thân với chúng bạn, mà rẽ sang những ngành học đang có “Xu hướng” hiện tại.
Sự đánh giá sai lầm các kĩ năng thuộc tinh thần của con người, dẫn đến một sự khô khan trong tâm hồn, sự khô khan trong tâm hồn làm ta có xu hướng “Bám víu” vào những gì ta cho là có ý nghĩa cho cuộc đời. Người có khả năng kinh doanh thì càng kinh doanh hơn, ngược lại người không có khả năng về công nghệ thông tin, hay kinh doanh, thì nghĩ bản thân mình thật vô dụng, dẫn đến một xã hội khủng hoảng hiện sinh.
Cuộc sống đơn giản là cân bằng, có những khía cạnh trong cuộc đời ta không được bỏ sót.
Phản biện: Thế nếu ai cũng suy nghĩ và “Cân bằng” như vậy, thì lấy ai thay đổi thế giới? Lấy ai dành trọn đời cống hiến cho khoa học, và
Trả lời: Làm gì cấm con gà gáy, con chó sủa? Phần đông những người lao vào công việc, tiền bạc vật chất do họ chưa hiểu mình, và phải bám víu vào việc kiếm tiền để tạo nên ý nghĩa cuộc đời. Họ so sánh với người khác, chứ không nhìn vào bản thân mình và nhận ra bản thân mình đúng là người có thể bỏ qua tất cả các khía cạnh khác và cống hiến hết sức cho khoa học, .. người như vậy rất hiếm. Bài luận không nhắm đến những người như vậy, mà nhắm đến những người “So sánh”, họ đau khổ mà không biết mình đau khổ.
Hơn nữa, nếu ai cũng hiểu mình và phát triển khả năng theo đủ hướng, thì xã hội có lẽ sẽ tốt hơn chứ? Tài nguyên phân bố đầy đủ, không có so sánh, ai ai cũng tập trung vào việc hiểu mình, sự tôn vinh quá đà sẽ biến mất, và tâm trí con người sẽ phát triển cho bằng với sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật.
Chúng ta đang phát triển quá nhanh, đến mức những tư tưởng Triết học hiện tại so với cách đây hai thiên niên kỷ chưa có gì quá khác biệt, trong khi Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đã phát triển đến mức kinh ngạc. Sự phát triển lệch lạc như vậy cho thấy con người đang không biết phát triển để làm gì. Việc đó làm mất đi ý nghĩa cuộc đời của con người.
Một người có tiền và danh vọng thì dễ dàng nhận biết và tôn vinh hơn một người có tâm hồn và nội tâm sâu sắc. Vì thế, phần đông người ta tìm kiếm tiền bạc và danh vọng, vì chúng là thứ có thể “Khoe” được.
Hãy bắt đầu từ việc giáo dục lại cho trẻ em suy nghĩ rằng khả năng nào cũng quan trọng, và các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc phân phối lại nguồn thu nhập cho đúng đắn.
Trường học chỉ nên thúc đẩy khả năng của mỗi người, xã hội nên tôn vinh những tài năng khác nhau cho cân bằng với nhau, vì cái “phẩm” của mỗi người khác nhau.
-----------------------------------
Tất cả những quyển sách bàn đến vấn đề trên:
Trường học sáng tạo – Ken Robinson, bàn về sai lầm trong phong trào “Chuẩn hóa”.
Sapiens – Yuval Noah Harari, bàn về nguồn gốc của việc xem trọng một số khả năng, hơn một số khả năng khác.
Phi lý trí – Dan Ariely, bàn về tính so sánh của con người.
Một đời nhu kẻ tìm đường – Phan Văn Trường, trải nghiệm cá nhân về tính so sánh và sự tự nhìn nhận bản thân.
Cuộc cách mạng Một cọng rơm – Masanobu Fukuoka, bàn về cách sống hòa hợp, khi cho rằng xã hội đang phát triển quá nhanh so với trình độ nhận thức của con người.
Học thuyết công lý – John Rawls, bàn về khía cạnh tôn vinh, phân phối lại tài nguyên trong một xã hội bất bình đẳng để khắc phục các yếu tố ngẫu nhiên ban đầu, mà một người may mắn có được trong một xã hội ngẫu nhiên cần tài nguyên đó, mà người đó không tự kể công.
Văn minh Đông phương và Tây phương – Thu Giang Nguyễn Duy Cần, bàn về cái “Phẩm” của mỗi người.