Không phải chỉ trên mạng, chẳng phải trong cuộc sống thực, chúng ta cũng phải diễn một vai nào đó hay sao?
Và mạng xã hội chính là một cái kính lúp phóng đại tất cả mọi chuyện  của cuộc sống thực lên gấp mười lần. Thế giới ảo, mà lại là “siêu thực”
Vậy tại sao mọi người lại sắm một vai diễn hoàn hảo ở đó?
Theo  Desmond  Morris, một nhà động vật học, cùng thời kỳ với Darwin, trong tác phẩm “Vượn trần trụi, ông đã đưa ra một nghiên cứu cũng khá trần trụi về nguồn gốc của loài người. Để rồi ông kết luận “ Thực tế, vượn trần trụi (loài người) vẫn là loài vượn, đã sống và phát triển trên Trái đất cùng với các sinh vật khác, dù đã trở nên thông minh hơn cả và xây dựng được lớp vỏ bọc tinh vi hơn cả, nó vẫn được thúc đẩy bởi các tham vọng và nỗi sợ hãi từ cổ xưa”
Ông tổ của ngành tâm lý học Sigmund Freud, trong lý thuyết về phân tâm học, cũng đưa ra khái niệm về “ cơ chế phòng vệ của cái Tôi”. Cơ chế này được hiểu nôm na là cách để con người chống lại những nỗi sợ hãi đang bủa vây con người trong sự sinh tồn xã hội.
Như vậy, con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, tồn tại trong một không khí tràn ngập sợ hãi. Từ nỗi sợ hãi để sinh tồn tự nhiên của loài vượn đến nỗi sợ hãi để sinh tồn xã hội của loài người. Mà con người không thế lúc nào cũng có một phiên bản hoàn hảo cho bản thân, nên  họ phải sắm một vai diễn. Một vai diễn nào đó miễn là đừng để lộ những điểm yếu của mình ra trước mọi người, sẽ chết hay hay gì thì họ không biết, nhưng việc đầu tiên là phải đeo mặt nạ lên để phòng vệ đã.
Trong bài viết trên tạp chí National Geographic số tháng 6, nhà nghiên cứu Yudhijit Bhattacharjee cho rằng ngày nay con người dường như có 4 lý do để nói dối: ca tụng bản thân, bảo vệ bản thân, tác động người khác và những trường hợp không thể giải nghĩa. Gần như ngay khi con người có thể nói, chúng ta đã bắt đầu bẻ cong sự thật”
Để bảo vệ bản thân, để thỏa mãn cái tôi tham ái, con người đã luôn sống với những nỗi khát khao về một cuộc đời toàn hảo, đó vừa là một khát vọng đương nhiên và chính đáng của con người, nhưng chính nó cũng gây ra không biết bao nhiêu những nỗi đau và bi kịch cho chính họ.
Để thành thật với nhau, thì trong mỗi chúng ta, ai cũng mơ đến một nhan sắc hoàn hảo không góc chết, một thân hình nóng bỏng, một làn da mượt mà. Những tấm ảnh nhan sắc đẹp được quăng nên mạng xã hội, đôi khi không chỉ gây ra áp lực, mà còn là một tội ác với những người không được nổi trội về nhan sắc, họ sẽ mặc cảm, tự ti, sẽ đau khổ vì đôi mắt một mí, cái cằm ngắn, hay khuôn mặt mụn của mình. Và, một phong trào rầm rộ về phẫu thuật thẩm mỹ như hiện nay có lẽ cũng bắt đầu từ mạng xã hội, mà lí do khiến những người đi phẫu thuật và sẵn sàng chịu đau đớn để phẫu thuật, đôi khi cũng chỉ là để chụp ảnh cho đẹp, hoặc chỉ là không chịu nổi khi thấy ảnh ai đó quen mình nhưng đẹp hơn mình.
Giấc mơ về một cuộc sống giàu có, sang chảnh, hạnh phúc, cũng khiến con người cũng phải lao vào một cuộc đua, phải sắm vai, dù có thể là họ còn bao nhiêu nỗi lo âu đang ngấm ngầm trong người: sẽ phải lo tiền trả nợ ngân hàng, một đứa bạn thân đang chơi xấu với mình , học hành bết bát, công việc tẻ nhạt, thị phi đeo bám, con cái mê game, vợ chồng lạnh lẽo...Nhưng trên mạng xã hội sẽ là những tấm ảnh đi chơi golf, bạn bè tụ tập, bằng cấp, giải thưởng danh giá, những khoảnh khắc rất chill, thảnh thơi, những lời lẽ rất hiểu biết, tâm lý, những cặp đôi hạnh phúc, những gia đình đầm ấm, những ngôi nhà to đẹp hay xinh xắn .... tất cả điều đó mới được đăng lên mạng xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà mạng xã hội nảy sinh ra những tội phạm ngang nhiên lừa đảo, chiếm đoạt nhưng vẫn “flex đến hơi thở cuối cùng’ như trường hợp của "Tina Dương" Ninh Thị Vân An, hay trường trường hợp của Anna Sorokin là một kẻ lừa đảo và gian lận người Đức gốc Nga, kể cả sau khi ra tù vẫn là một tài khoản Instagram khá “hot”. Những cô gái ấy đều xuất thân nghèo khổ, tuổi thơ thiệt thòi, nhưng chính mạng xã hội đã mở ra một cánh cửa mới để họ được nhìn ngắm thế giới và nảy sinh những khát vọng đổi đời mãnh liệt đến thế. Anna Sorokin đã được tả lại là, lúc bé không có gì đặc biệt, trầm tính, không thạo nói tiếng Đức, nhưng niềm vui lớn nhất là, Sorokin thường xuyên theo dõi tạp chí Vogue, các blog thời trang và tài khoản hình ảnh trên LiveJournal cùng Flickr. Khát vọng đổi đời, khát vọng giàu có, cộng với trí thông minh “mạng xã hội” đã khiến các cô gái đó coi mạng xã hội là một sân chơi, một công cụ đắc lực trên con đường phạm tội của mình, và điều đặc biệt giống nhau ở hai cô gái trẻ này là, họ không coi những việc họ làm là phạm tội, họ gần như chìm đắm, và sống thật trên thế giới ảo, tiền bạc quần áo, tình yêu, sự xa xỉ, danh tính tất cả đều do họ một tay gây dựng vất vả mà có, và cũng do họ rất có đầu óc, thông minh , nhanh nhạy hơn người. Vậy họ đã phạm tội gì nào? Họ hoàn toàn nhập vào dòng chảy của thế giới ảo, và không còn khả năng phân tách thực và ảo nữa. Danh tính của họ là bản thể của họ. Ngoài ra họ mất khả năng nhận thức với những vấn đề như pháp luật, đạo đức, sự dằn vặt, lo âu.
Như vậy, mặt nạ giúp chúng ta dễ sống hơn, an toàn hơn, và khiến cho ta có cảm giác mình là kẻ mạnh. Nhưng đôi khi chính mặt nạ của ta sẽ làm người sợ hãi lo âu hơn. Và khi ta nhìn mặt nạ hay danh tính của người khác, ta cũng mang một nỗi sợ như vậy, và dần dần ta quên đi con người bản thể của mình, mà chỉ chạy theo danh tính.
Mark Zuckerberg nghĩ ra Facebook để rút ngắn khoảng cách giữa con người và con người, nhưng có một điều Mark không tính đến thế giới ẩn ức sâu bên trong lòng người, nên thực tế, mạng xã hội càng làm cho khoảng cách của lòng người ngày càng xa nhau hơn, và không khí sống ngày càng nhiễm mùi nguy hiểm hơn.  Sự an toàn càng có nguy cơ bị đe doạ hơn. Giai tầng, địa vị , đẳng cấp, tài sản, nhan sắc rất nhiều thứ thuộc về sở hữu của con người cần có tính riêng tư là vì thế, để lòng người không dấy lên những tham vọng, những ghanh ghét, nghi kỵ và đố kỵ.  
Vậy đó, con đường để trở thành một người toàn hảo thường có sự đồng hành của dối trá và tham vọng, nhưng có lẽ chúng ta biết để nhận diện người bạn đồng hành đó một cách chân thành và lịch sự thôi, chứ có thể nào lại đuổi người đồng hành đó biến mất khỏi cuộc đời ta đâu. Nếu không có những người bạn đó, ta sẽ chẳng thể “lên đường”, ta sẽ mãi dẫm chân tại chỗ, và chẳng đi đến đâu cả. .  Và Yudhijit Bhattacharjee cũng nói  “Sự lươn lẹo và không thành thật khiến chúng ta là con người"