Về nhà 100 ngày bà, lại trúng ngày mồng 1. 
Lau bàn thờ. Sắp túi hoa quả mẹ chuẩn bị sẵn vô chiếc đĩa tròn. Một quả cam. Một quả táo. Một nhánh nho tím tròn. Thêm bốn quả hồng nữa. Đến nay vẫn chưa phân biệt được ngay hai hình ảnh hồng và đào. Nói câu này một nghìn lần rồi. Mỗi lần nói thế người nghe lại chỉ cho sự khác biệt hoàn toàn giữa hai 2 loại quả. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao đến bây giờ vẫn lẫn lộn. 
Ồ còn có một nhánh cau. Chỉ 2 quả. Ô hay. Sao lại chỉ 2 quả? Phải là 3- số lẻ chứ? À. Xé đôi. Chia thành 2 đĩa nhỏ. Một đĩa bàn thờ ông bà. Một đĩa bàn thờ bếp. Thêm vôi vào lá trầu, bứt đuôi, đặt vào 2 đĩa, rồi để 2 quả cau lên trên. 
Bỏ hoa cúc vàng vào bình, thêm chút nước. Đặt bình hoa bên phía ảnh bà nội. "Hồi trước bà thích hoa lắm". Đầu thầm nghĩ.
Quét nhà. Lau nhà trong tiếng nhạc quen. Cũng nhanh gọn.
Bố thay đồ dài rồi thay rượu, thay ấm nước, rồi thắp hương.
Nhà khô một chút thì đóng hết cửa lại. Bỗng dưng muốn lưu lại giữ lại đóng gói lại mùi hương thơm ấm của mấy nén nhang.
Chiếc thềm nhà bẩn kinh khủng khiếp bẩn. Con chó đến ngày hành kinh, lại trúng ngày mưa bão. Thành quả là một cái thềm nhơ nhớp bùn đất cát và lác đác vài giọt máu tanh.
Thở dài. Ngao ngán. Oke. Ngươi muốn chứng minh rằng ngươi là một nàng chó. Rõ rồi một nàng chó thì là phái nữ. Mà phái nữ thì phải được chiều chuộng yêu thương. Oke nhé. Tối sẽ được ăn tử tế. Bây giờ thì hãy nằm yên vì bị bố xích lại.
Lấy chổi quét qua một lần. Phải chia ra 3 lần lau 3 nước. Sau lần thứ nhất còn tanh và bẩn. Sau lần thứ 2 thì đỡ bẩn nhưng vẫn mùi tanh. Hết lần thứ 3 mùi tanh mới đỡ. Chờ gió mùa thổi khô thềm rồi mới đến bước nước thơm.
Ăn sáng bằng mấy hớp cafe đặc. Đặc như trời đông. Bàn chân bàn tay tái màu xám lạnh như màu của bầu trời.
“Hai bố con lên bà ăn cơm nhé!”- Mẹ gọi. Lên đến nơi thì thấy mọi người đã vào mâm nhưng ông vẫn đang đứng ở sân giếng rửa tay chậm. À. Nhớ lại tối qua mẹ dặn “Mai cha bóc lạc cho Hạnh nhé”. Mỗi lần Hạnh về mẹ đều nói câu đó với ông. Mẹ nói phải kêu ông bóc lạc để ông đỡ đi đâu loanh quanh bà lại bực. Trước còn bà thì nhanh, nay còn mỗi ông, một rổ lạc chiếm hết cả nửa ngày. Giống như tiếng radio bây giờ chiếm hết mà lấn át cả TV vậy. 
Dạo này ông nghe radio liên tục. Ông không quan tâm đó là chương trình gì. Có lúc Ông chỉ nằm, tay chống trán, ông nghe. Có lúc Ông chỉ ngồi, mắt nhìn thẳng, ông nghe. Trưa nay ăn xong, mọi người bên ngoài ồn ào nói chuyện. Ông vào nằm im, cuộn mình như một em bé, ông nghe. Không phải. Một em bé không thể toát ra sự cô đơn như vậy. Hạnh ngồi một góc giường, cạnh ông và cạnh chiếc radio. 
“Mai con đi hả?” 
“Dạ.”
Ông không đáp, lại như cố nghe tiếng radio. Con cảm giác như tiếng radio đang đều đều phát ra nhịp điệu buồn của lòng con. Ông có nghe được?
-
Chiều lại mưa. 
Lấy nước lá trong tủ ra gội đầu, lau sơ vội rồi tranh thủ lên đền.
Mưa ướt cây ướt cối, ướt hết cả tóc những người đi thắp hương. Nền đất gạch trơn, lại có rêu phong nữa khiến người đi phải dè chừng. Cũng vì vậy mà không khí được lắng hơn. Chợt nhớ ra góc nhà tắm nảy lên một sợi mầm xanh. Mỉm cười. Lalala. Đáng yêu hết sức.
Bà già bán rau ở cổng đền nhìn âu yếm trìu mến, hỏi Cô ở đâu về mà nhìn lạ.
Ngồi nói chuyện bâng quơ một lúc thì chào bà, vô hạ lễ để về.
Mưa lạnh. Lấm lem bàn tay bàn chân. Vào thay bộ đồ dài ở nhà. Lau tóc. Sợ mùa đông ở cái lạnh. Thích lắm ở mùa đông những bộ đồ dài.
Mẹ ăn cơm trên trường. Cắm một xíu cơm cho bố. Bàn tay cuộn tròn lá cơm nếp ở nhà cũng thấy xinh hơn.
Được mấy phút thì cơm sôi. Mùi lá cơm nếp phảng phất như làm ấm cả căn nhà lên vậy. Hay là cứ ở nhà thì mưa gió bão bùng mấy lòng cũng thấy ấm.
Làm chút đồ ăn trong tiếng nhạc quen. Đám cải xanh nằm ngoan ngay ngắn trên thớt gỗ vuông. Cạnh đó có mấy chú tỏi tròn. Thật xinh xắn.
Tóc mới ướt đó mà đã gần khô. Thật nhanh lẹ.
Giống như mới đó mà đã mồng 1 đầu tháng.
Mới đó mà đã 100 ngày bà.
"Đời chẳng mấy chốc".
Nói chuyện với nhau lúc nào cũng mấy câu "Mới đó mà".
Vậy nên hãy sống cùng nhau một cuộc đời thật mới tươi.