Vậy "Dương quang Phổ chiếu" với mình là gì?
Dòng chữ này chiếm một mảng tường lớn ở trường dạy xe của người bố (A-Wen), được phủ nhũ vàng trên những quyền vở mà hàng năm ông tặng...
I. "Nắm bắt thời gian, quyết định phương hướng"
Dòng chữ này chiếm một mảng tường lớn ở trường dạy xe của người bố (A-Wen), được phủ nhũ vàng trên những quyển vở mà hàng năm ông tặng cho người con cả (A-Hào). Và sau cùng chúng sẽ giống như những kỳ vọng của ông, được đón nhận một cách ép buộc, phủ bụi ở nơi ông không thể tìm tới. Sẽ thật tốt cho cảm xúc của mình nếu có thể chỉ vào ông và phán định rằng ông là nguyên nhân cho tất cả, nhưng chằng phải cuộc đời ông chỉ quay quanh những dòng chữ này? Là một giáo viên dạy lái xe, cuộc đời ông, cả về hình thức lẫn ngữ nghĩa, xoay quanh dòng chữ này, gói gém cùng với những kỳ vọng, đây là thứ duy nhất, và tốt nhất, mà ông có thể trao lại cho người con mà ông xem là mặt trời duy nhất của mình. Thật đau lòng thay.
II. Mặt trời duy nhất
Với người con cả (A-Hào), thứ công bằng nhất trên thế giới này là mặt trời. Cho dù là vĩ độ, mọi nơi trên trái đất xuyên suốt cả năm, đón nhận thời gian của cả ngày lẫn dêm. Chói sáng tới mức những con thú không chịu nổi, đến nỗi phải tìm cách trốn trong bóng râm. Cậu ước gì mình cũng giống như chúng, được trốn trong bóng râm, ít nhất là cũng để dịu đi cái bỏng rát mà ánh mặt trời cậu luôn phải vác trên lưng gây ra.
Mình đồng cảm với cách mà phim biểu hiện về hành động của A-Hào, đó là một cảnh yên tĩnh kéo dài tầm hơn một phút, chỉ khi A-Hào đã làm xong việc của mình, âm thanh mới bắt đầu trở lại với bộ phim. Nó không phải là một cảnh 3 phút được phóng cận mặt A-Hào đau khổ để thế giới thấy những dằn vặt nội tâm của cậu, không phải là 5 giây rượt đuổi dồn dập, kịch tính sau khi người bố đọc được bức thư cuối cùng mà mặt trời nhỏ của mình chuẩn bị. Không mưu cầu cảm xúc của khán giả, không phải là một quyết định được đưa ra bởi một chuỗi những lập luận và nguyên do để có thể phân tích tại sao, chỉ như một điểm đến tất yếu của một hành trình, một hành trình mà ta không thể thấy được, cũng giống gia đình của cậu. Và cảm tưởng nếu chúng ta hét vào nó và hỏi: "Tại sao?", thì cũng chỉ có thêm những nỗi đau khổ vọng lại.
III. Vẫn còn một mặt trời
Thật trớ trêu nhưng người có thể bước tiếp là người biết trốn chạy. Từ lâu người em trai (A-Hồ). Cậu không sống dưới ánh trời của sự kỳ vọng, mà được trốn vào những đêm mưa tầm tã, dưới mái của trại giáo dưỡng. Từ lâu cậu là cái gai trong mắt người bố, là một thứ đồ bỏ đi, không thể đặt kỳ vọng nào vào, là nỗi nhục khi được hỏi có bao nhiêu người con, và trớ trêu thay, chính vì điều này mà cậu vẫn còn ở lại. Cậu có được bóng tối của riêng mình.
IV. "Làm sao tôi có thể an tâm để Tiểu Ngọc bên cạnh A-Hồ chứ?"
Đây là câu mà người mẹ nào cũng sẽ hỏi khi được kể về quá khứ của A Hồ. Ngang bướng từ nhỏ, giao du với bạn xấu, vào tù ra tội, đến ngay cả dịp kết hôn cũng phải tổ chức trong trại giáo dưỡng. Mặc dù kết cảnh bằng một câu hỏi, đám cưới vẫn diễn ra, có lẽ cả hai người mẹ đều đã hiểu, những lúc này thứ họ nên trao cho thế hệ sau của mình không phải là những kỳ vọng, mà là niềm tin, vì dù tương lai có là một bóng tối đen kịt, chúng cũng có thể mò mẫm mà bước tiếp.
Sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để người bố có thể hiểu được, cảnh A-Hào cùng ông đi bộ khi A-Hồ đang làm thêm ở cửa hàng tiện lợi cũng là một cảnh có nhiều giá trị. Với người xem đó có thể là một hiện tượng, một cảnh A-Hào báo mộng. Nhưng với mình, đó là một cảnh dũng cảm, nơi ông đối diện với bản thân, với sự thật, thông qua câu thoại của A-Hào: "Con không thể đi cùng với bố được nữa". Dẫn ông đến với cửa hàng tiện lợi nơi A-Hồ làm việc, và họ có những câu thoại đầu tiên với nhau sau hơn nửa bộ phim.
Đôi khi chúng ta có những nỗi đau vô hình, không chạm vào được, để có thể xoa dịu nó, ép buộc chúng ta phải hiện thực hóa nó, bằng nhiều cách. Với mình, là xem đi xem lại bộ phim này. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây, hãy xem phim nếu có thời gian, mong bạn sẽ có một ngày vui vẻ.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất