Bắt đầu từ một lá thư được xem là thư tuyệt mệnh của Steve jobs. Link của lá thư bạn có thể xem ở
http://m.cafebiz.vn/nhung-loi-tran-troi-cuoi-cung-cua-steve-jobs-gia-tri-thuc-su-cua-hanh-phuc-khong-dua-tren-menh-gia-cua-dong-tien-ma-la-20180621113645563.chn
Vấn đề đi xuyên suốt bài viết: tiền có mua được hạnh phúc hay không ???
Cơ bản, câu hỏi này đã có từ rất rất lâu. Với mình, đáp án sẽ là có. Nghe thì có vẻ hơi thực tế và tham lam, chính mình trước đây cũng nghĩ là không, tuy vậy sau một thời gian suy nghĩ và tiếp xúc với những quan điểm khác mình đã chọn lại đáp án.
Đầu tiên thì hạnh phúc là gì ? Theo Wikipedia, Hạnh phúc là "một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí". Như trên thì hạnh phúc chỉ có ở con người, hình thành khi chúng ta thỏa mãn được một nhu cầu nào đó trong bộ não của mình. Hạnh phúc cũng chịu sự tác động bởi lý trí, và vì mỗi cá thể con người là độc nhất, nên quan niệm về hạnh phúc cũng sẽ có sự khác nhau ở trong thâm tâm mỗi người.
Như đã nói ở trên thì hạnh phúc có được khi chúng ta thỏa mãn được một nhu cầu nào đó. Nhu cầu đó có thể là được đáp ứng những điều kiện cho cuộc sống của mình một cách đầy đủ,  hay là được ở bên những người mình thương yêu và chăm sóc họ, cũng có thể là cảm giác giành chiến thắng trong một cuộc thi, trúng xổ số v.v......  Nhìn thẳng vào thực tế thì nếu như không có những điều kiện vật chất thì chúng ta sẽ rất khó, thậm chí không thể có được những thứ nêu trên. Không có tiền thì làm sao mua đất làm nhà? Làm sao chi trả sinh hoạt phí? Không có tiền thì con cái bạn không được đầu tư điều kiện giáo dục tốt như con cái người khác thì rất khó khăn cho con bạn sau này khi cạnh tranh với những đứa được đào tạo tốt hơn. Kể cả nó có dùng sự cần cù và chăm chỉ để bù lắp đi khoản trống về vật chất thì tới một lúc nào đó, nó cũng sẽ gặp một người vừa cần cù chăm chỉ, có tài năng và cả điều kiện vật chất. Như thế, tiền đã mua được những điều kiện để tạo thành hạnh phúc.
Suy nghĩ này của mình hình thành sau khi nghe thầy giáo cấp 3 kể một câu chuyện: có hai đứa trẻ cùng nhập viện một lúc, hai đứa cùng bị vỡ ruột thừa. Một đứa gia đình có tiền đóng viện phí nên được vào mổ trước và sống sót, đứa còn lại không có nên phải đợi, và rồi nó chết. Thầy giáo chốt lại một câu tới giờ mình vẫn suy ngẫm: đừng bao giờ bảo cuộc sống các em không cần tiền cho tới khi ba mẹ và con cái em nằm trên bàn mổ!!!!
Mình không có ý muốn nói rằng tiền là thứ quyết định trong cuộc sống của chúng ta. Tiền có thể mua được rất nhiều thứ, đó là sự thật trong cuộc sống. Nhưng cũng vì chính thứ đó mà nhiều người đam mê vào nó, quyết tâm phải có nhiều tiền mà không để ý tới nhiều thứ khác xung quanh mình cũng ảnh hưởng tới hạnh phúc. Từ đó họ bị chi phối bởi ma lực của đồng tiền, làm gì cũng đặt vật chất lên trước hết. Mà hạnh phúc trong cuộc sống của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi cả hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu để vật chất lấn áp thì chúng ta chỉ như những con vật khi đã từ bỏ đi những yếu tố phần người trong chính bản thân mình, dần dần sẽ nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội, còn nếu chỉ xem trọng cho tinh thần thì sẽ tới một lúc yếu tố vật chất đánh bật đi hạnh phúc của bạn, hạnh phúc lúc đó không tồn tại được khi bị những áp lực vật chất lôi kéo, mua chuộc thậm chí đàn áp.
Cũng có người đặt câu hỏi: chai rượu 30.000đ với chai rượu 30.000USD có khác nhau không? Chai nào uống vào cũng xỉn mà? Hay đi khoang hạng nhất hay hạng thường rồi cũng phải xuống máy bay?? ..... và nhiều câu khỏi khác để rồi rút ra: chúng ta rồi ai cũng kết thúc như nhau cả, chết đi cũng chẳng còn lại một thứ gì cả, thế thì cố gắng làm gì. Mình nghĩ nếu như thế thì bạn giải thích sự có mặt của đền Taj Mahal ở Ấn Độ với nhiều lăng tẩm đền thờ ở nước ta ? Có sự khác nhau trong tư tưởng của hậu thế về những người được thờ phụng ở trong đó với những người khác không ? Nói cách khác là vị trí của những người trong đó với những người khác trong những trang sử sách sau này ?
Theo mình, tư tưởng trên thực sự chỉ quan tâm đến sự khởi đầu và kết thúc của một con người, bỏ qua giai đoạn giữa. Khởi đầu và kết thúc thì ai trong chúng ta cũng như nhau cả, đến thế giới này trống trơn và ra đi cũng chỉ 2 bàn tay trắng, không mang đi theo được gì. Tuy vậy, trong quá trình ở lại thế giới này, sự ảnh hưởng của mỗi người chúng ta lên thế giới và sự ảnh hưởng thế giới ngược lại với mỗi người chúng ta cũng rất khác biệt. Điều này làm nên sự khác nhau cho vị trí mỗi người trong lịch sử của nhân loại. Cũng vì sự khác biệt đó nó sẽ đem lại những cảm xúc khác nhau cho mỗi người.Như việc uống hai chai rượu, chai rượu 30.000đ hay chai rượu 30.000 USD đều đem tới hệ quả là xay sỉn, nôn mửa...  nhưng quá trình uống hai chai rượu đó sẽ rất khác. Chai rượu 30.000đ mua ở đâu cũng có, cũng dễ mua trúng rượu giả. Uống nó thì khó có thể đòi điều kiện phục vụ cho tốt được. Chai rượu đó không thể có mùi vị đậm đà hoặc các tiêu chuẩn quý tộc như làm tay, chai khắc tên v.v... Còn chai rượu 30.000 USD thì khác, vị nó khác, cách thưởng thức khác, cảm giác nó đem tới cho chúng ta cũng khác. Đó có thể là chai rượu được ủ hàng chục năm, làm từ những thứ hảo hạng, phục vụ bởi những nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, thì nó sẽ đem tới cho chúng ta cảm giác sang trọng, sự hạnh phúc khi được phục vụ, kính nể và sự thán phục khi làm ra nó. Rõ ràng là có cả một quá trình để chúng ta có thể tận hưởng chứ không phải chỉ là khởi đầu rồi kết thúc ngay.
Suy nghĩ trên được một bộ phận các bạn trẻ sử dụng để ngụy biện cho sự lười biếng của mình. Họ dùng suy nghĩ đó để biện minh cho một cuộc sống lười biếng, không có chí tiến thủ, chỉ đắm chìm trong những thú vui tiêu khiển. Nhân loại phát triển được tới như bây giờ không phải nhờ những người đó mà là nhờ những người không quản ngại ngày đêm làm việc quần quật, phấn đấu không ngừng nghỉ. Nếu những Edison, Tesla, Picasso có những suy nghĩ như trên không biết bây giờ nhân loại đang đứng ở đâu ?
Mỗi quan điểm sống chỉ phù hợp được với một đối tượng nhất định, chúng ta không thể lấy quan điểm sống này áp đặt cho đối tượng kia. Cuộc sống của chúng ta là độc nhất, lựa chọn cách sống là quyền của mỗi chúng ta, đừng để nó bị ảnh hưởng bởi những thứ tiêu cực xấu xa vì trên hết, chính chúng ta là người chịu hậu quả nếu như chọn lối sống sai lầm.
Bài viết của mình chỉ thể hiện ra hai ý kiến mà mình nghĩ hơi khác đám đông. Mong các bạn nhẹ tay gạch đá bớt bớt :v