No photo description available.

Nếu có ai hỏi tôi dạo này thế nào. Tôi sẽ bảo là buồn. "Bạn buồn vì sao?" Vì dạo này tôi không viết được như trước.
Như trước là thế nào? Hình như là viết hay hơn. “Bạn đã từng viết hay à?”. Tôi được hỏi lại. Hỏi đúng thật.
Tôi cứ nghĩ mình có thể viết như chuyện thở. Rằng cứ đặt bút xuống là viết được điều gì đó. Nhưng như vậy là ngây thơ rồi. Giờ tôi mới biết chuyện viết không phải cứ muốn là được.
Viết thực ra không dễ. Tôi nhận ra điều này trong giai đoạn tắc tị, người cứ đơ ra và nhìn những người khác đang viết những điều tự nhiên và đều đặn. Ai đó viết về cuộc sống, ai đó đang cảm nhận về một bộ phim, về một cuốn sách, về thứ gì đó đang xảy ra. Ai có thể viết tự nhiên, tôi thấy họ giỏi lắm.
Hiện tại tôi không viết được. Tôi thấy giống chuyện ngày xưa học văn tôi không viết được. Năm lớp 10, bài kiểm tra khảo sát văn đầu tiên của tôi được 4 điểm. Khoảng thời gian sau, tôi học văn một cách dè dặt. Ngày đó, tôi học khối A, nên có biết cảm thụ văn học gì đâu. Mục tiêu của tôi là điểm cao cho không tụt học lực.
Tôi nhận ra để đạt mục tiêu đó, tôi bắt đầu viết những điều “được chấp nhận”, thay vì những điều tôi thực sự nghĩ. Tôi đã học cách viết những điều mình không nghĩ từ lúc nào không hay. Lúc làm bài, tôi không “cảm thụ” nữa, tôi nhớ những bài văn mẫu và biến cách diễn đạt của họ thành của mình.
Điểm của tôi cũng khá dần lên. Nhưng tôi không thực sự viết nữa. Tôi mượn lời.
Đó là chuyện của ngày xưa, giờ tôi không viết được, tôi lục lại ngày xưa, tôi thấy sự tương đồng. Tôi đọc bài của một số người, thấy hơi tưng tức và muốn nói với họ rằng: “Anh không biết đây không phải điều em thực sự muốn nói không, hay em chỉ đang sắp xếp lại lời của người khác theo cách của mình. Nếu thế, tại sao em không trích dẫn trực tiếp và ghi lại những khám phá của mình, những phần là thành quả lao động của em ý.” Nhưng rồi tôi nhận ra tôi cũng đâu khác gì.
Gần đây tôi viết tệ thật. Trong hầu hết các bài viết. Vì tôi cứ chạy vòng quanh. Nếu ngay từ đầu tôi hỏi bản thân mình: “Rốt cuộc em định nói điều gì?”, thì tôi cũng chẳng trả lời được.
Tôi thấy viết là một quá trình diễn giải chứ không phải chứng tỏ. Nếu một người viết không viết những gì học đang nghĩ hoặc cảm thấy, thì bài viết đọc sẽ rất gồng, chung chung, vòng vo, dàn dựng hoặc nâng cao quan điểm.
Nếu cứ tiếp tục viết những điều mình không nghĩ, thì tôi sẽ đánh mất điều gì đó quan trọng. Nhưng tôi không chắc đó là điều gì, kể từ ngày tôi đã quên mất đi giọng nói của mình.