Mùa hè là cái mùa hết sức nhức nhối, với hàng tá chuyện không đâu vào đâu cả. Bạn có thể nhẫn nhịn sống mà không đụng chạm đến ai hết, nhưng bằng một sự kết hợp tồi tệ hại nào đó, mọi thứ vẫn cứ không hẹn mà đến. Gọi đó là “cơ duyên” hoặc “sao quả tạ” gì cũng được.
Với tôi, ý niệm rõ ràng về sự nặng vía của mình đã phát sinh từ khuya hôm qua, trong khi em thì phải đợi đến sáng bảnh mắt ra mới chịu thừa nhận, vào lúc mà não bộ rùng mình sống lại sau cơn say tuý lúy trải qua nhiều giờ liền. Em ngồi đờ đẫn trên tấm chiếu lót đệm mỏng dính, hai mắt nhìn chằm chằm vào đôi chân trắng nõn của mình và lẩm bẩm thứ gì đó không giống tiếng Việt cho lắm. Ngồi lừ đừ trên chiếc bàn học gần đó và đọc báo, thi thoảng tôi cứ quay sang liếc nhìn em trong thoáng chốc, thấy thế và tự cười ngán ngẩm. Chắc là đang học cách về lại Trái đất rồi đây, tôi nghĩ vậy.
“Này này, tôi đã…đã say lắm phải không?”
Lời đầu tiên em cất lên trong sự khó nhọc và những cú chép miệng đắng nghét.
“Ừ, say bét nhè luôn ấy chứ. Cô nghĩ là khoảng bao lâu rồi?”
Quả nhiên, em lắc đầu lia lịa. Em đã không thể nghĩ ra được với cái đầu óc trống rỗng ấy. Với tôi thì từ lúc thấy em nằm mê man trên vũng ói bên đường và dìu em về nhà, tôi biết thừa rằng em đã mặc kệ tất cả mọi phương hướng cho mình từ vài ba ngày trước rồi. Nghĩ đến cảnh thận và lá gan phải làm việc điên cuồng suốt quãng thời gian ấy để rũ sạch men và chất độc ra khỏi cơ thể mà tôi không khỏi rùng mình.
“Với cái đà buông thả này, cô sẽ chết sớm đấy!” Tôi phì cười.
“Ừ, thì tôi muốn chết đây. Chết ngay bây giờ cho đỡ chật đất, cho khỏi vướng víu cái phòng trọ bé tí tẹo của anh thì đỡ biết mấy.”
Trông cứ như đang cố tỏ vẻ ăn vạ với tôi bằng một nỗi khổ tâm nào đó. Nhưng những quãng chép miệng đắng nghét lại tài tình cất lên, và nỗi khổ tâm của em cũng vì thế mà nhạt toẹt không chịu được.
“Có muốn làm tý cà phê cho tỉnh không? Tôi pha nãy giờ rồi, uống vào cho tỉnh táo rồi kể lể tiếp mọi thứ về cô nào. Biết đâu với chút thông tin này, tôi có thể đèo cô về tận nhà được đấy.”
Ba chữ “đèo về nhà” khiến em khẽ giật mình như sực nhớ ra điều gì đó, đôi mắt sáng rỡ lên trông thấy. Như một gã khốn khổ bập bõm trên mặt biển may mắn vớ được chiếc phao, em đón nhận lấy nó và uống cạn, không ngại ngần tiếc rẻ. Có vẻ như cà phê bột rẻ tiền cũng ngon lành chẳng khác Starbuck là mấy, nếu xét theo một khía cạnh nào đó.
“Lúc nhặt tôi về, anh có thấy giấy tờ tùy thân của tôi không?”
“Không. Tôi không hề thấy.” Tôi trả lời ngay.
Em nheo mắt. “Tôi nghĩ lúc ấy anh cứ mải mê với việc sẽ ‘vớ bở’ tôi đây mà không thèm đếm xỉa tới những thứ tiểu tiết chứ.”
“Tính tôi chấp nhặt đó giờ mà.” Tôi nhún vai. “Nhưng cũng phải nói, nếu còn sót lại được mẩu giấy nào thì cái thằng cha đã đá đít cô ra đường ấy, hắn vẫn còn nhân từ chán.”
“Anh thôi đi!”
“Ăn gì đó không?”
“Không!”
“Đang dỗi đấy à?”
“Không!”
“Thế có muốn về nhà không?”
“Kh…” Em kịp ngưng lại vẻ trả treo. “Nhà tôi ở bên quận 7, khu gần Bệnh viện Pháp Việt. Nhờ…nhờ anh chở tôi về với!”
“Để xem đã.”
“Xem là thế nào? Anh phải đưa tôi về, không thì tôi làm ầm ĩ cả dãy trọ cho anh xem!”
“Ồ! Vậy thì cô cứ việc. Tôi vừa mới đóng tiền tháng này, nên chắc cũng sẽ không sao đâu. Vốn dĩ khu này mạnh ai nấy sống mà.”
Nói đến đây, tôi chẳng buồn nhìn em nữa. Xoay ghế lại, tôi tiếp tục chúi mũi vào tờ báo đọc dở như bất cần những trạng thái xung quanh mình. Lúc này đây, tôi chẳng buồn coi em như là một việc đáng để bận tâm nữa.
Đến gần trưa, không khí trong phòng dần hanh lại. Nước sơn vàng vọt trên những bức tường bị nắng hắt vào tạo nên một cảm giác ngột ngạt quay quắt. Nếu không quen, những ai nhạy cảm thái quá cũng sẽ nghĩ rằng đây là một nơi có tính giam cầm hơn là để ở. Có điều, “đẳng cấp” của thằng tôi đây không đủ để sống trong những căn phòng trọ tiện nghi hơn, có lắp sẵn máy điều hòa, bệ xí ngồi bệt hay tối thiểu là một chiếc giường gỗ để nằm không lạnh lưng. À không, nói thế thì vẫn còn nhẹ nhõm quá. Sự thật chua chát thì với đồng lương công nhân eo hẹp hàng tháng cùng vài ba khoản nợ dai dẳng từ hồi còn thất nghiệp, tôi chỉ có thể cân đối vừa vặn khoản chi tiêu của mình với những căn nhà-tù-không-song-sắt kiểu như vậy. Và giữa mảnh đất Sài thành với hàng chục ngàn khu nhà tù luôn dang rộng vòng tay cho những phận người thu nhập thấp đến rất thấp, tôi cũng chẳng có quyền gì kêu ca về hoàn cảnh tồi tệ này cả. Người ta sống được thì tôi cũng sống được đấy thôi.
Chí ít thì tôi luôn cố gắng giữ cho “tổ ấm 1 người” của mình thật sự ngăn nắp, gọn gẽ, không mùi hôi và có chút gì đó vương vẩn tri thức bằng những tờ báo. Không sách vở hay Smartphone, tôi lựa chọn cách đọc báo giấy hàng ngày, và cắt những mẩu tin thực sự ưng ý để dán lên tường nhà. Vừa che lấp đi cái màu vàng bí bách kia, và vừa chống bụi bong tróc từ thứ nước sơn lem nhem cũ mèm của những gã thợ phụ cẩu thả.
“Tôi cảm thấy, ở đây có cái gì đó khá lạ…”
Em thốt lên một câu khó hiểu.
“Lạ ở chỗ nào?”
“Tuy căn phòng đúng là tù túng và chật chội, nhưng nó không làm tôi bứt rứt khó chịu một chút nào. Tôi cảm thấy ánh sắc vàng đang dâng đầy trong mắt, một sắc vàng êm dịu…”
“Ễ? Nói gì kỳ thế?” Tôi gấp ngang tờ báo, quay sang nhìn em. “Dây thần kinh tiện nghi của cô có vấn đề rồi à?”
“Không, không phải vậy…” Em lắc đầu. “Tôi đang rất tỉnh táo, và tôi có thể cảm nhận được những gì mình vừa nói ra, đó chắc chắn là thứ không phải nhằm mục đích để lấy lòng anh làm gì.”
“Nghe có vẻ hùng hồn đấy. Nhưng tôi vẫn nghĩ là cô chỉ đang bị chập thôi.”
“Được rồi.”
Em nhanh nhẹn bước đến vòi nước ở chạn bếp, cẩn thận rửa chiếc cốc nhựa đựng cà phê khi nãy. Tôi không nghĩ rằng thứ tư duy bất chợt này có thể phá vỡ được trạng thái chây lười của em. Thấy thế, tự tôi cũng rời khỏi bàn để dọn dẹp lại đống chăn gối.
“Rồi rồi, tôi chịu thua.” Tôi nói. “Tôi sẽ đưa cô về nhà, được chưa. Thế muốn về ngay, hay tính nán lại đây thêm chút nữa?”
“Tùy anh, nhưng tôi đã nói rồi đấy thôi. Tôi không cảm thấy khó chịu khi ở đây.”
Tôi dáo dác nhìn lên trần nhà, tựa hồ kiếm tìm thứ gì đó trông giống như máy điều hòa chứ không phải là chiếc quạt trần quay cộc cạnh như bây giờ.
“Tôi làm ca chiều, từ 2 giờ đến gần nửa đêm. Vậy nên cô có ngâm thơ hay tự tình gì gì đó thì cũng đến trưa thôi nhé.”
Em không nói gì cả, chỉ đáp lại bằng một cú gật đầu nhẹ tênh.
Mọi chuyện quả đúng là thiếu tương xứng.
Vừa dắt em đi qua những hành lang hẹp thiếu dưỡng khí của dãy trọ, đầu óc tôi bắt đầu luẩn quẩn chỉ vì cảm thấy sự việc có hơi phi lý. Có nhiều luận điểm để chứng minh cho dự cảm này nhưng chung quy lại là ở hai điểm chính: lý do tôi bấm bụng “nhặt” em về nhà vào tối qua, và thái độ điềm nhiên kỳ quặc của em lúc nãy. Cả hai tính ra đều chẳng xuất phát từ một nguyên căn có tính logic nào. Hoàn toàn đột ngột, và thản nhiên như có hẹn từ trước rồi vậy.
“Khu này rối rắm thật đấy.”
Đôi chân em vô tình giẫm vào một vũng nước đọng, nháy lên thành tiếng động đầy vụng trộm. Em thốt lên, có vẻ khó chịu.
“Cũng tương đối thôi.” Tôi nói. “Nhưng do thằng cha chủ khu trọ đặt tiền nong lên trên sự rộng rãi, nên cái khu đất của lão mới thành ra chằng chịt như thế này đây.”
Cả dãy trọ xuyên suốt với nhau thông qua những lối đi nhỏ hẹp ẩm thấp, những dãy tường chưa sơn sửa còn loang lổ gạch và xà bần kéo gấp khúc ngoằn ngoèo như trận đồ mê cung thu nhỏ. Nằm vất vưởng trên lối đi, nhiều túi rác sinh hoạt bao bọc không kỹ bốc lên một mùi chua thối nồng nặc khiến bước chân của cả hai thấp thoáng chao đảo.
“Có vẻ như nếu tôi hét toáng lên thì cũng chẳng ai để ý thật.” Em nhếch mép cười. “Cả cái xóm trọ của anh ngập toàn rác với rác, trong khi chả thấy bóng người ở đâu cả.”
“Họ đều bận, rất bận. Những kẻ thu nhập thấp thường không bao giờ cho phép bản thân mình rảnh rang như lứa bọn cô được.”
“Tôi hiểu…” Em gật gù. “Tôi, ai đó và biết bao con người khác đang sống một cách lãng phí. Và đó là cơ sở cho sự lên án của anh suốt từ sáng giờ.”
“Chắc vậy.”
“Thế giờ anh định chở tôi về bằng gì?”
Tôi nhún vai. “Công nhân quèn, nên phương tiện di chuyển cũng tàng tàng thôi. Nhưng nói trước luôn, sẽ là một trải nghiệm khá tệ hại dành cho cô đấy.”
Tôi dừng chân trước một dải đất trống lầy lội, tức khu vực đỗ xe của xóm trọ. Vào giấc này chỉ còn vài chiếc lác đác ở lại, tất cả đều là xe rẻ tiền nhếch nhác trông cứ như được phục chế tại một tiệm phế liệu nào đó. Từ cái kiot lợp tôn hoen rỉ đặt nơi góc sân, gã trông xe thấy động liền nhoài người ra, dòm láo liên hai đứa rồi nhoẻn bộ hàm rụng quá bán cười nham nhở. Đáp lại lão, tôi phẩy tay mấy cái liền, mặt mày thoáng nhăn lại theo kiểu “trông vầy nhưng không mần được đâu.”
 “Xe anh là chiếc nào đây?”
“Chiếc nào nhìn thảm nhất là của tôi đấy.”
“Vậy chắc là con Wave màu xám tro đang dựng ở góc tường rồi, phải không?”
Tôi hơi sững người khi thấy em chỉ ra được ngay xe mình.  
“Viền xe anh bung hết cả ra rồi kìa.” Em vỗ vai tôi tỏ vẻ thông cảm.
“Ừ, chắc tại bộ khung sườn cũ quá rồi đây.” Tôi chống chế. “Mà thôi, xe còn lên ga được thì mình cứ nhích thôi. Cô không phiền chứ?”
Em lắc đầu. “Sẽ phiền hơn rất nhiều nếu nói gì đó khiến anh đổi ý, nên thôi vậy.”
“Đừng khách sáo.” Tôi gạt phăng chân chống phát ra tiếng xoẹt rõ to. “Bản thân tôi cũng sẽ phiền nếu cô cứ tá túc suốt tại đây. Tôi gần hết cà phê để pha rồi, miếng ăn miếng uống thì eo hẹp trong khi lương thì chẳng biết lúc nào mới chịu ló mặt về.”
“Tội nghiệp anh.”
“Cảm ơn vì đã khen ngợi.”
“Tý nữa có thể cho tôi xin số tài khoản của anh được không?”
“Không.”
“Tại sao vậy?”
“Vì cô vốn không phải là chủ nhân của tôi, và tôi cũng chẳng phải là đầy tớ của cô. Nếu cô cứ tìm cách chuyển khoản qua, dù muốn dù không thì tôi cũng sẽ thấy rằng công sức của mình hóa ra cũng chỉ là nghĩa vụ hầu hạ cho người khác thôi.”
“Anh đúng là đồ sĩ diện.”
“Cảm ơn vì đã khen ngợi, một lần nữa.”
Nói nặng thế thôi, chứ khi ngồi ở ghế sau em chẳng dám cựa quậy hay làm trò phá bĩnh đến tay lái của tôi cả. Nói là điều duy nhất em có thể làm được ở tốc độ hơn 40 km/h trên quãng đường dày đặc tiếng còi xe và nắng nóng sôi sục. Động cơ xe đời cũ kêu ro ro như máy nổ khiến tôi chỉ hiểu thoáng qua lời em thành một thứ âm thanh vo ve gì đó vô nghĩa. Cảnh quan trên đường bắt đầu thay đổi. Theo chỉ dẫn, từ đường lớn tôi rẽ vào một khu toàn những căn biệt thự rộng thênh thang. Trải đều tầm mắt là dãy hàng rào kín cổng khắc đầy họa tiết hỗn loạn, mái ngói đủ màu bắt nắng bóng lộn và những lối đi bộ lát cỏ xanh rì không một vụn rác. Nắng trưa mỗi lúc càng to, nhưng giữa không gian sạch sẽ tại đây thì mọi thứ dường như đang được điều hòa lại.
Càng đến gần khu phố nhà em, tôi lại cảm nhận được những luẩn quẩn trong lòng mình. Nó giờ đang chuyển hóa thành một nỗi sợ hãi mơ hồ. Sợ bị bảo vệ khu phố tóm cổ, sợ xe chết máy giữa chừng, hay sợ độ cao nếu phải đứng chênh vênh trên gác mái của những căn nhà lộng lẫy đó? Tôi hạ chút tay ga, thả người đi một tý trong những suy tư và nhanh chóng rút ra được bản chất của tất cả nằm ở sự chênh lệch. Chính xác là cái khoảng cách xa vời vợi về mặt giai cấp, cũng như là nỗi tự ti thầm kín khi nghĩ rằng mình không hề thuộc về nơi đây. Giống như phải nhốt mình trong bóng tối và nhìn về sự sống chỉ qua một khe cửa chật hẹp vậy.
“Mày mà mon men trèo cao thì sẽ té đau đấy!”
Tôi chợt nhớ lại nụ cười khả ố của thằng cha giữ xe khi nãy. Có lẽ hắn cười là vì ý này chăng? Không hẳn thế. Một gã đầu đất như hắn thì có cố gắng cũng chẳng đạt được trình độ diễn đạt thâm sâu đến vậy. Có khi hắn đã lôi chai Vodka từ trong ngăn bàn ra tu ừng ực rồi nói sảng cũng nên.   
“Này! Anh chạy quá nhà tôi rồi đấy.”
“Ừ nhỉ?”
Nhà em hình như ở giao lộ vừa rồi. Lúc dừng đèn đỏ em đã có nhắc qua, nhưng không hiểu sao tôi lại cứ thế chạy tiếp đến hết đường, lao lên lề và chỉ kịp thắng lại ngay sát bờ sông. Lúc định hình lại thì một phần bánh trước đã rịn thành rãnh dài lên trên nền đất bồi ven dòng kênh.
“Quay xe lại ngay!” Em lay khuỷu tay tôi, giọng hoảng hốt.
“Thôi, cô xuống tại đây luôn đi. Đi bộ về cũng mấy bước thôi mà.”   
“Tại sao vậy?”
Tôi lẳng lặng đáp. “Tôi nghĩ lại rồi, nếu dừng tại đây thì sẽ tốt cho cô hơn. Không bị hàng xóm đồn thổi lung tung, mà cũng không bị bố mẹ cô tra hỏi này nọ. Tuyệt hơn nữa là Camera trước cổng nhà cô cũng chẳng chộp lại được gì về hai chúng ta đâu.”
“Anh nói thế mà nghe được à?”
Lòng bàn tay em níu rất chặt vào vạt áo tưởng chừng như muốn rách toạc ra, trông có vẻ như đã cố gắng để níu kéo tôi lại. Tâm lý sợ chết chăng? Hình như không phải. Nếu chẳng may làm điều gì đó ảnh hưởng đến mạng sống một người thì tôi hẳn phải bị em cho mấy bạt tai từ nãy giờ rồi.
“Lúc nãy.” Em rấm rứt. “Tôi thấy anh có ý định lao hẳn xuống sông. Anh không hề đạp thắng lại, đã thế nét mặt anh còn có chút hân hoan nữa.”
“Thật vậy sao?”
Tôi đưa tay lên vuốt mặt mình. Đúng là dư âm của sự phấn khích quái đản này vẫn còn chảy rần rần trên khắp đầu ngón tay.
“Hãy chở tôi về tận nhà, và hứa là sẽ không như vậy nữa nhé.”
“‘Như vậy’ là như thế nào?” Tôi buột miệng hỏi.
“Ý là, anh đừng nghĩ đến cái chết, hoặc đại loại như vậy nữa.”
“Ngộ nhỉ?” Tôi nhăn mặt. “Tý nữa đây cuộc đời của cô và tôi sẽ chẳng còn mối liên hệ nào nữa, tại sao cô lại phải mất công khuyên nhủ tôi vậy? Sống chết thế nào thì mặc tôi chứ. Tôi thật không hiểu.”
“Nhưng vấn đề sống còn không phải là thứ quá khó để có thể hiểu được. Chẳng phải tối qua việc anh đưa tôi về nhà cũng là vì hiểu cho tính mạng tôi, phải không? Sau đó anh cũng cảnh báo rằng việc sống buông thả cũng sẽ khiến tôi chết sớm, như vậy thì có khác quái gì điều tôi đang dành cho anh lúc này đây?”
Hiểu được lời em, tôi bỗng im bặt và không thể bào chữa thêm được nữa. Bào chữa thế nào đây, khi mà tôi đã tự vi phạm luật chơi do chính mình đặt ra? Tôi chợt nhớ lại thời điểm vài giờ trước, khi đang ngồi chễm chệ trên ghế và thốt ra điều tương tự đối với em. Cảm giác lỡ lời đang khiến cảm xúc trong tôi tuột dốc nhanh chóng.
“Đợi tý, để tôi quay đầu xe lại.”
Trong lúc thao tác, tôi thử liếc nhìn vào mắt em một tý. Ánh mắt trừng trừng vì căng thẳng vẫn còn đó, nhưng không hề có biểu hiện là em đang giận tôi cả. Khí chất lại toát lên gần giống như lúc em gợi khen căn phòng trọ bé tí tẹo có nước sơn vàng vọt của tôi. Do chỉ là liếc qua nên tôi không thể nhìn thật lâu vào đôi mắt ấy. Liệu nó có đang dâng tràn ánh sắc vàng nào đó không, tôi tò mò nhưng không sao chứng thực được.
Ngồi lại lên yên xe, tôi gập người về phía trước, tì khuỷu tay lên tay lái và nói.
“Có những điều tôi không thể giãi bày ra với cô được. Phức tạp là một chuyện, nhưng trên hết thì nó là một loạt những dữ kiện đầy cảm tính. Suốt nhiều năm nay tôi luôn mang nó theo cuộc đời vất vưởng của mình, chẳng buồn chia sẻ với bất cứ ai cũng chỉ vì nó quá khó để có thể chuyển hóa ‘người ngoài cuộc’ thành ‘người trong cuộc’.”
Dường như vấn đề càng lúc càng khó hiểu. Thấy vậy nên tôi tiếp lời.
“Thôi thì đơn giản vậy đi. Nhỡ may tôi kể ra, cô sẽ nói rằng tại sao lại không theo cách này, tại sao lại suy nghĩ theo phương án kia, hay giải quyết bằng nguyên tắc nọ sẽ tốt hơn. Tôi tiếp tục giải đáp các thắc mắc của cô, cung cấp thêm một số thông tin khác. Số thông tin khác này cũng đều bị cảm tính, và cô cũng sẽ căn cứ vào đó mà tiếp tục thảy cho tôi một đống ‘tại sao’ nữa, rồi tôi lại phải giải đáp. Theo cấp số nhân, câu chuyện sẽ lằng nhằng cứ như một hệ thống chân rết vậy.”
“Và thế là anh tự nén tất cả vào trong mình?”
Em nhìn tôi với ánh mắt thương hại, có vẻ vậy.
“Đúng vậy.” Tôi đáp. “Điều đó là tốt nhất cho mọi người, phần nào đó là cả tôi nữa.”
Tôi và em quay ngược về đoạn đường lúc nãy. Tại ngã 4 thứ nhất đã bỏ qua, chúng tôi rẽ trái, đi thêm một chút rồi dừng lại trước nhà em - một căn bán biệt thự khang trang. Trông cũng không quá lớn và phô trương như những căn ngoài mặt tiền, ngôi nhà toát lên vẻ trầm lắng hơn hẳn. Cả trên cổng hay ban công lầu trên đều không gắn Camera nên tôi cũng cảm thấy phần nào được an tâm.
Tôi vờ đậu xe ở phía bên kia đường, chăm chú nhìn em bấm chuông cửa. Không phải ba, mẹ hay anh chị em, lát sau chỉ có một người cô luống tuổi có dáng người nhỏ thó chậm chạp mở cánh cổng nặng trịch ra. Chắc là người giúp việc. Thấy vậy em bèn phụ cô một tay, đoạn quay lại nhìn tôi và vẫy tay chào. Cổng khép lại, tôi thấy em vẫn cố bước chậm chạp lên cầu thang trước sảnh để dõi mắt ra ngoài thêm lần nữa. Em khẽ bước từng bước lùi về sau cho đến khi khuất dạng vào trong nhà. Mọi thủ tục đã xong, tôi đứng thả lỏng người và hít thở thêm một chút rồi mới đi. Tôi ngước nhìn tổng thể căn nhà một lượt, và chợt nhận ra rằng cách phối màu của nó có gì đó khang khác. Tầng dưới sơn màu vàng hơi sậm thành cam, trong khi phía tầng trên thì lại sơn vàng nhạt hẳn đi. Nước sơn này gần như là tương đồng với của phòng trọ tôi, thật tình cờ.
Tôi không về lại phòng mà chạy thẳng lên Công ty để bắt đầu ca làm. Công việc trong ngày hôm đó vẫn hòm hòm, không có quá nhiều biến cố hay xê dịch bất thường nào so với như dự tính. Tôi vẫn hoàn thành năng suất trước khoảng tầm nửa tiếng, và dành thời gian còn lại để mải miết suy nghĩ về đủ thứ chuyện.
Tôi nghĩ đến những dãy máy phân tích được đặt sâu bên trong khu thí nghiệm hóa sinh của nhà máy. Một số bộ phận của máy hoạt động trên nguyên lý phản quang nên rất nhạy cảm với ánh sáng trắng thông thường, thế nên họ xếp để trong một gian biệt lập, lắp đặt đèn chiếu ánh sáng vàng để soi sáng và hỗ trợ bảo quản. Ánh sáng vàng này tỏa ra nhiệt lượng yếu hơn nên khi đi vào phòng sẽ cảm thấy lạnh hơn hẳn, phần nào đó là âm u tĩnh mịch như đang sống trong một thế giới khác vậy. Nhờ mối quan hệ khá tốt với Phòng phân tích nên vào giờ nghỉ sau khi dùng bữa cơm giữa ca, lắm lúc tôi xin họ vào đây để chợp mắt một chút.
Nằm dưới ánh đèn vàng lạnh lẽo kia, trong vòng vây của những cỗ máy nặng trịch, tôi chợt cảm thấy lòng mình thanh thản đến lạ. Liệu có phải màu vàng và một không gian giới hạn sẽ tạo nên cảm giác an thần cho những người sống trong đó? Liệu bản chất của căn buồng lạnh này & căn phòng trọ bí bách ngoài kia là một? Liệu sự mẫn cảm của mình đang dị biệt so với người thường? Đó cũng lại là một vấn đề mang nặng cảm tính. Mỗi người sẽ định hình ra một cảm giác khác biệt, một kiểu nhìn nhận không giống ai và mọi sự việc cũng sẽ vì thế mà được đặt lên bàn cân đong đếm giữa cách hiểu này và vô số cách hiểu khác.
Tôi ghét điều này. Ghét phải thừa nhận rằng một điều không hẳn là như vậy. Đối với những gì không thể lay động được mình thì để cho nhẹ đầu, tôi thường nhìn nó với khía cạnh một chiều, như một người tài xế đăm đăm dồn hết sự tập trung khi tăng ga trên đường cao tốc. Tất nhiên, nếu mù quáng tước đoạt đi sự khách quan thì sẽ không tránh khỏi tình trạng phiến diện gay gắt. Đổ vỡ đã xảy ra, và giờ tôi không còn mấy tự tin vào chính mình nữa. Số nợ vẫn còn lảng vảng trên đầu, tuy không đến mức nguy ngập nhưng đôi lúc nó lại hóa thân thành những cơn ác mộng xâu xé cơ thể tôi trong màn đêm. Thất lạc giữa khoảng hở của hiện thực và ảo tưởng, tôi bắt đầu tính việc muốn chấm dứt tất cả. Tôi cũng tự cảm thấy mình rõ thật hèn nhát, nhưng đã sao nào, chẳng ai thấy được điều đó cả. Sự tồn tại của tôi vốn đã tách rời khỏi dòng chảy từ rất lâu rồi.
Nhưng lúc này đây, tôi chợt mong mỏi về một ai đó có thể giữ mình lại. Không hẳn là em, cũng không hẳn là một người con gái khác mà tôi từng biết đến. Có rất nhiều lựa chọn sẽ được đề cập đến, nhưng miễn sao người ấy có thể giữ cho mọi thứ đừng đi quá xa, và thôi thúc tệ hại kia sẽ không bao giờ tái hiện nữa. Nếu những suy nghĩ hỗn độn giờ lại tập trung về một mối, thì đó chính là điểm dừng mà mình cần phải tìm ra trên cuộc viễn chinh mang tên cuộc đời. Về đống chân rết đang ký sinh trong lòng, nhiều năm qua tôi đã không thể tự mình cắt bỏ được, nhưng nếu có thêm sự trợ lực từ người khác thì sẽ ra sao nhỉ?
Cũng đáng để thử đấy, cho một ngày huy hoàng viển vông nào đó.
Tôi nhìn lên đồng hồ. Còn đúng 5 phút nữa là tan tầm, tôi nhanh chóng chuyển sang những dự định thực tế hơn. Kiếm gì đó bỏ bụng, rồi tạt qua một siêu thị 24/24 nào đó trong khu công nghiệp để mua một vài nhu yếu phẩm, sẵn tiện trữ thêm ít đồ khô như mì gói hoặc bột cà phê pha sẵn chẳng hạn. Toàn là những thứ đã vơi đi kha khá vào sáng nay rồi.
Gửi xe xong xuôi, tôi chậm chạp lần mò về lại phòng mình. Dường như đã quá quen với cấu trúc của dãy hành lang hẹp, đôi mắt tôi có thể tường được mọi thứ trong đêm tối. Tuy nhiên, có cái gì đó đang ở phía trước. Hình như là một bóng đen.
“Ai đó vậy?” Tôi lên tiếng.
“Là tôi đây.”
“Sao lại là cô nữa vậy? Khổ quá!”
Thiếu điều như tôi muốn gào toáng lên khi nghe thấy một giọng quen thuộc.
“Anh yên tâm. Lần này đồ đạc tư trang của tôi đầy đủ rồi, chỉ cần cho tôi ở tạm mấy ngày thôi. Bố mẹ cả tuần nay đi công tác không về, còn cô giúp việc thì hồi chiều xin tôi về quê ít hôm để lo việc gia đình. Chẳng biết tính sao cả, thế là tôi liền nghĩ đến anh.”
“Cô rãnh thật đấy.” Tôi tặc lưỡi. “Một nam một nữ ở trong cái phòng bé tẹo này, lỡ như tôi làm gì cô thì sao?”
“Thì cứ vậy thôi.” Em điềm nhiên đáp. “Tuy hơi hắc ám, nhưng ít ra thì anh cũng là người bộc trực và chân thành, và tôi thì tin vào điều đó.”
“Hừm.” Tôi khịt mũi. “Biết được bao nhiêu phần mà đã tin sái cổ thế?”
“Hiện giờ thì chưa được phần nào, nhưng tý nữa thì sẽ khác. Tôi muốn nghe nhiều điều hơn về anh.”
Nói đến đây, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi. Như thể rằng sẽ phải vận dụng nó ngay bây giờ, tôi liền mở cửa và bật công tắc điện lên. Ánh đèn soi sáng khắp không gian nghèo nàn bên trong, và màu vàng của nước sơn lại cứ thế ngập tràn trong mắt em. Nó đang long lanh và sôi sục hơn bao giờ hết.
“Thôi được rồi, tôi sẽ coi như đây là một niềm vinh hạnh nho nhỏ vậy. Có điều, vừa ở nhờ mà vừa hóng chuyện người ta, thế thì cái giá trao đổi không hề nhỏ đâu đấy.”
“Tính toán thế.” Em nói, trông như đang cười. “Làm giá thôi mà cũng thấy anh sĩ diện hết chỗ nói!”
“Cảm ơn vì đã khen ngợi.”
Tôi gãi đầu, cảm thấy hơi bối rối. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi có được chút hân hoan từ lời bông đùa của em. Trong thâm tâm, tôi dự tối nay sẽ là một quãng thời gian nhức nhối, với hàng tá chuyện không đâu vào đâu cả. Đúng với bản chất của một mùa hè.