Viết cho tình cờ thấy hoa họ Hải Đường nở.
“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,...”
Chợt nhớ Xuân Diệu. Trảo Nha ơi, vội vàng là lẽ nên thế với ông nhỉ? Vì biết sương đọng sẽ tan nên đã biết nhớ cho cái chồi lá từ khi nó còn chưa đơm mắt(!). Ấy vậy mà như ông cũng biết đấy, cái sự hiện diện rồi biệt tăm vốn là cái thường để chấm nhường cho khởi sự.
Thế thì sao ông lại tiếc lại vờ vịn lấy những cái biết ắt rồi sẽ lại đến kia chứ? À! Ông sẽ chết! Đúng rồi! Ông sẽ chết! Hoa lại nở. Sương lại đọng. Chim lại reo ca. Ngày lên xuống lại đêm đến đi. Vòng vòng như kim giờ phút giây dí nhau chạy. Nhưng, ông sẽ chết. Thôi thì, tôi cũng muốn cùng ông vịn lại cho trọn cái lẫy lừng đương tại ấy. Vạn sự xoay vạn vòng mà đời ta có một, thôi, cùng ông.
Ơ, thế mà lạ? Xuân đến, xuân đi nhưng cái gì ở lại? Sương đọng, sương tan nhưng cái gì còn lại? Có chăng là cái mà ông và tôi cùng ghi nhận là “đến” và “đi” chăng? Như đứa trẻ bập bẹ tập nói: “A, cái ca. Ô, cái bô.” Nó nhớ A thì là ca. Ô thì là bô. Tôi với ông thì chắc là hoa thì nở, hoa thì tàn. Nhớ rồi, nhớ rồi. Nhưng vậy thì còn chi để vịn. Có ngàn vạn vòng xoay nhỏ trong một cái vòng lớn hơn mà? Nếu mà chỉ có nhiêu đó, nhớ nhung làm chi?
Này, thế có phải là cái sự “hoa,” sự “sương,” sự “xuân,” sự “gió” và muôn vạn sự mà nó có “đến”-”đi” khác không? À, à. Phải, phải. Vì phải nhớ và biết cái sự “hoa” thì khi cái “đến”-”đi” xuất hiện ta mới thốt miệng ra “hoa.”  Ôi! “Hoa!” Ôi! “Sương!” Ôi! “Xuân!” À, mà sau khi “đi” mà chưa “đến” thì “hoa” vẫn ở đó. Không đi đâu hết. Là không đi đâu hết. Là “hoa” vẫn ở đó. Là không đi đâu hết.
Là thẳng thốt. Là: “Ôi!”
Ể?  Thế là khi không nhớ “hoa,” không biết “hoa” nữa thì “hoa” nó dù có “đến”-”đi” thì mãi vẫn không thốt ra được “Hoa!” ông nhỉ? Ể? Thế thì “hoa” chết thật rồi... thế thì... thế thì... “hoa” chết thật rồi... “hoa” là gì...? Tôi cũng không nhớ nữa ông à... “hoa” chết thật rồi...
Thế thì phải vịn lại thôi!!! Vịn lại khi cái sự “hoa” nó nằm giữa. Khi mà nó là “đến”-”Hoa!”-”đi.” Để ta nhớ nó thêm chút. Để ta bồi hồi thêm chút. Để ta nhớ, ta biết “hoa” là như thế nào. Để “hoa” không chết. Để “hoa” còn đây.
Này, thế, tôi hỏi ông. Thế khi ông yêu một “X,” tôi hy vọng ông giỏi Toán vì cuộc đời của bao thế hệ học sinh cũng năn nỉ Toán đừng tìm X nữa vì sự đã lỡ rồi, ông yêu nó vì sự “X” hay là chỉ chốc chốc thoáng qua “đến”-”đi” rồi “X” cũng theo đó mà chết đi ông nhỉ?
Kẻ đến, người đi. Như ngàn vạn mùa hoa cũng nở rồi tàn. Thế ông sợ điều gì hơn? Ông sợ rằng ông yêu hoa vì khi nó đến, nó đẹp rồi khi nó đi ông chẳng thèm đoái hoài vì sau hoa là quả đến. Hay ông sợ ông nhớ, ông biết sự “hoa” để rồi nó mãi còn đó: sự “hoa” không mất ông nhưng quanh ông sự “hoa” nó chỉ còn là nhớ và biết vì “đến”-”đi” đã rồi...
Này, thế thì khi thấy “đến” sẽ thấy “hoa” và khi thấy “hoa” sẽ thấy “đi” hay là “đến,” “hoa,” “đi” vốn dĩ nó là thoắt nhiên? Hay không thoắt nhiên do “hoa” là do ta nhớ, ta biết mà sống?
Ông nhỉ?
Là thẳng thốt. Là: “Ôi!”
"Đình tiền tạc dạ nhất chi mai."
-Mãn Giác thiền sư (Cáo Tật Thị Chúng).
K Ng.
Viết 02:17 sáng, 03.05.2017, Chippendale, NSW.

---
Hoa trong hình bìa là hoa táo Tây (trái táo đó!). Nó nằm trong họ Hải Đường.
Nguồn hình: http://wallpapercave.com/apple-blossom-wallpaper