Jonathan Culler, trong chương 8 của cuốn Nhập môn lý thuyết văn học, sau khi đã trình bày vấn đề về Chủ thể, ông đã tiếp tục đề cập đến vấn đề Văn học và bản sắc. Ở đây, ta có thể hiểu vấn đề này là bản sắc được thể hiện như thế nào trong văn học. Nhưng trước khi tìm hiểu vấn đề này, thiết nghĩ ta cần phải tìm hiểu bản sắc là gì.
          Bản sắc hay “identity” được hiểu là tổng thể các đặc điểm riêng biệt của một đối tượng, giúp phân biệt đối tượng này với đối tượng khác. Các đặc điểm riêng biệt này có thể cụ thể hóa thành các đặc điểm về phẩm chất, ngoại hình, thuộc tính tâm lý…Bản sắc trong văn học được Jonathan Culler làm rõ trên hai phương diện: nhân vật và độc giả.
          Ở phương diện nhân vật, bản sắc sẽ được chia thành ba khía cạnh nhỏ:
1) Con đường hình thành của bản sắc:
Jonathan Culler đã đưa ra hai cách mà bản sắc được hình thành. Thứ nhất chính là nhân vật sẽ “tự định nghĩa bản thân” cũng có nghĩa là nhân vật tự tạo nên bản sắc riêng cho chính mình mà không chịu sự tác động từ các yếu tố bên ngoài nhân vật đó. Nhân vật người đàn bà trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân gây ấn tượng cho ta với sự thiếu ý tứ và kém duyên trong lần thứ hai gặp mặt Tràng. Nhưng đó không phải là những gì nhân vật “tự định nghĩa bản thân” bởi lẽ chúng là những biểu hiện của một người bị biến dạng nhân tính mà nguyên nhân chính là bối cảnh của truyện: nạn đói – yếu tố nằm bên ngoài nhân vật. Điều thuộc về bản sắc mà nhân vật để tự tạo nên để “định nghĩa bản thân” chính là sự đúng mực, nết na, ý tứ và một lòng khao khát hạnh phúc gia đình được thể hiện chủ yếu thông qua hành động, kể từ khi thị chính thức trở thành một thành viên trong gia đình Tràng.
          Bên cạnh đó, con đường thứ hai mà bản sắc của nhân vật được tạo thành đó là từ “vô vàn sự kết hợp của quá khứ, những lựa chọn của họ và những lực  lượng xã hội tác động lên họ”. Trong một bài viết mang tên Identity in Literature, Jenihamilton có lẽ đã đồng quan điểm với Jonathan Culler khi cho rằng: “Futhermore, the construction of identity may be influenced by stereotypical views of a character’s gender or culture, for instance[1]” (Tạm dịch: “Hơn thế nữa, sự tạo nên của bản sắc có thể bị ảnh hưởng bởi những cái nhìn định kiến, ví dụ như về giới tính hay văn hóa của một nhân vật”). Bản sắc của nhân vật ở trường hợp này sẽ không còn đến từ sự “tự định nghĩa bản thân nữa” mà chủ yếu là do sự tác động của các “lực lượng xã hội” hay “cái nhìn định kiến” mà chúng ta có thể hiểu là những quy định của xã hội, những hệ chuẩn đến từ văn hóa.
2) “Bản sắc của chủ thể là thứ đã có hay là thứ được kiến tạo?”:
Câu hỏi trên cũng tương ứng với khía cạnh thứ hai của vấn đề bản sắc trong văn học ở phương diện nhân vật. Nếu bản sắc là “thứ đã có” thì thường chúng ta sẽ nhận ra nó ở “quá khứ” của nhân vật. Ngược lại, nếu chúng ta xem bản sắc là “thứ được kiến tạo” thì bản sắc ấy sẽ được tạo thành chủ yếu qua hành động, cử chỉ của nhân vật. Tuy nhiên, việc phân biệt này không dẫn đến sự bắt buộc chúng ta phải chọn một trong hai phương án: bản sắc hoặc là “thứ đã có” hoặc là “thứ được kiến tạo”. Jonathan Culler đã khẳng định: “Cả hai phương án không chỉ được tái hiện đầy đủ trong văn học, mà những cảnh huống phức tạp và mắc mứu còn thường xuyên được phơi bày cho chúng ta”. Khi tìm hiểu một nhân vật đặc biệt là thể loại tự sự, chúng ta nhận ra bản sắc của nhân vật ấy bằng cách theo dõi và quan sát những hành động, cử chỉ của nhân vật trong sự tương tác với thế giới và thông qua các mối quan hệ được thiết lập với các nhân vật khác trong tác phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc ta khẳng định bản sắc được sinh ra và bộc lộ từ hành động, cử chỉ của nhân vật dưới góc nhìn của người đọc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ định đi một điều: những hành động và cử chỉ này cũng được nhân vật thực hiện theo “cái cách mà hóa ra lại là bản chất” của nhân vật đó. Hành động đâm chết Bá Kiến, ta cứ tưởng đó chỉ đơn thuần là một hành động bộc phát để rồi ta nhận ra bản sắc của Chí Phèo. Nhưng thực sự có phải hoàn toàn là như vậy không hay đó cũng chính là hành động phản kháng của bản tính lương thiện đã và đang ẩn hiện bên trong con người của Chí. Như vậy, bản sắc vừa là “kết quả” (“thứ được kiến tạo”) vừa là “nền tảng, thậm chí là nguyên nhân” (“thứ đã có”) của hành động mà nhân vật thực hiện.
3) Bản sắc trong văn học là bản sắc cá thể nhưng cũng có thể là bản sắc nhóm, bản sắc xã hội:
Trước hết, bản sắc trong văn học được thể hiện chắc chắn chỉ là bản sắc cá thể, bản sắc của riêng nhân vật, hình tượng nghệ thuật được thể hiện, theo Jonathan Culler, chủ yếu thông qua “cuộc đấu tranh bên trong cá thể và giữa cá thể với nhóm”. Trong đoạn kết của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, hai ấn tượng lạ lùng - cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên và người đàn bà hàng chài, lần lượt hiện ra, tạo thành một cuộc đấu tranh tư tưởng bên trong nhân vật Phùng. Điều cốt yếu lúc này là thông qua cuộc đấu tranh tư tưởng ấy, chúng ta phải nhận ra những suy nghĩ, thái độ đã góp phần tạo nên bản sắc của Phùng như là một nghệ sĩ đích thực và chân chính: rời bỏ thứ nghệ thuật giả dối và trở về nghệ thuật gắn liền đời sống.
Những nhà lý thuyết hay phê bình, đặc biệt là những người theo các lý thuyết có chứa luận điểm về bản sắc xã hội, khi phân tích hay nghiên cứu văn học thì họ thường tập trung vào việc cho rằng: bản sắc mà văn học thể hiện còn là bản sắc của một nhóm người cũng như một tầng lớp trong xã hội hay với một cách nói ngắn gọn hơn là bản sắc nhóm, bản sắc xã hội. Quan điểm này hầu như gây nhiều tranh cãi. Một đặc trưng tiêu biểu của văn học là tính hư cấu quy định các yếu tố trong một văn bản văn văn học chỉ được quy chiếu vào nhau và không liên hệ với các yếu tố khác bên ngoài văn bản. Bởi lẽ, văn bản văn học chính là thế giới của hư cấu nghệ thuật, được xây dựng và tái tạo bằng trí tưởng tượng. Làm sao chúng ta lại có thể đồng nhất cái không có thực, chỉ được tưởng tượng với cái đang tồn tại trong xã hội mà cái không có thực ở đây, chúng ta có thể cụ thể hóa nó trở thành bản sắc cá thể (bản sắc của nhân vật) và cái đang tồn tại trong xã hội chính là bản sắc nhóm, bản sắc xã hội? Như là một điều tất yếu, theo Jonathan Culler, đã có “sự giằng co giữa những khám phá trong văn học và những tuyên bố mang tính phê bình và lý thuyết”. Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn có thể chấp nhận được quan điểm: bản sắc trong văn học cũng có thể là bản sắc nhóm, xã hội vì sự giằng co trên đã được giải quyết dựa trên hai điều sau đây. Điều thứ nhất được Jonathan Culler nêu lên: “…sức mạnh biểu đạt văn học phụ thuộc vào sự cộng gộp đặc biệt của tính đơn nhất với tính đại diện của nó.” Tính đơn nhất ở đây muốn nói rằng văn học luôn được thể hiện thông qua các nhân vật mang bản sắc riêng nhưng văn học còn muốn nói một điều gì đó xa hơn, các nhân vật ấy còn đại diện cho một điều gì đó mà chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời ở phạm vi ngoài văn bản. Cụ thể, chúng ta có thể liên hệ các nhân vật mang bản sắc riêng này với những nhóm người, tầng lớp trong xã hội. Điều thứ hai chính là bản thân văn học cũng thể hiện bản sắc nhóm, xã hội nhưng mục đích cốt yếu chính là khai thác và thể hiện bản sắc cá thể ở một phương diện khác: “bản sắc nhóm đã hạn chế những khả năng cá nhân như thế nào”. Vậy cho nên bản sắc trong văn học là bản sắc cá thể nhưng cũng có thể là bản sắc nhóm, xã hội. Khi đọc tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, người đọc vừa thấy rất rõ bản sắc cá thể của Chí Phèo vừa có thể cho rằng nhân vật này đại diện cho một bộ phận người nông dân bị bần cùng hóa, bị tha hóa trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý chính là văn học tự thân nó chỉ thể hiện bản sắc cá thể. Bản sắc nhóm, xã hội chỉ xuất hiện trong văn học khi và chỉ khi chúng ta liên hệ nhân vật với xã hội.
          Bên cạnh phương diện nhân vật, bản sắc trong văn học còn được biểu hiện ở phía độc giả. Về điều này, Jonathan Culler đã phát biểu: “Văn học…có vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo bản sắc của người đọc” bằng cách “khuyến khích sự đồng nhất (identification)” giữa ta với nhân vật ta bắt gặp. Nói thêm về “sự đồng nhất” này, ở phần Phân tâm học ở chương 8, Jonathan Culler cũng đã dẫn cách định nghĩa của Freud: “Đồng hóa (identification) là quá trình tâm lí, trong đó chủ thể đồng hóa một phương diện của người khác và được chuyển hóa, toàn bộ hay một phần, theo mô hình mà người đó đem lại”. Căn cứ vào đây, trong quá trình đọc văn học, chúng ta thường hay đặt bản thân mình  vào chính nhân vật ta đọc để “sống” với nhân vật đó trong suốt diễn biến của tác phẩm. Cái mà ta có được sau khi nhập thân vào nhân vật chính là “kinh nghiệm gián tiếp” (vicarious experience). Từ đó, người đọc có “xu hướng hành động và cảm giác theo những cách thức nhất định” và cuối cùng văn học đã tạo nên bản sắc cho người đọc như là một điều tất yếu. Nhưng việc văn học kiến tạo bản sắc cho người đọc là tích cực hay tiêu cực? Jonathan Culler đã trình bày hai luồng ý kiến trái chiều về điều này: “Văn học được cho là kiến tạo sự đồi bại” và “Văn học sẽ khiến ta thành những người tốt hơn”. Tích cực hay tiêu cực, đây hẳn là một vấn đề tương đối phức tạp giữa hai phía: bản thân người đọc và cũng như là mối quan hệ giữa chính người đọc đó với các ý thức hệ xã hội. Về riêng phía người đọc, điều quan trọng là họ dựa vào những kinh nghiệm của bản thân để lựa chọn phương diện nào của nhân vật để “đồng nhất”. Tuy nhiên sự lựa chọn này của cá nhân người đọc còn bị tác động bởi ý thức hệ xã hội; bởi lẽ, cái người đọc cho rằng nó phù hợp, tích cực thì chưa chắc đã phù hợp với ý thức hệ xã hội vào một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như tác phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, đôi lúc, chúng ta “đồng nhất” bản thân mình như những chiến sĩ Tây Tiến để “sống” với các anh vào một thời khói lửa nơi núi rừng Tây Bắc, cùng trải qua những khó khăn, gian khổ nhưng đâu đó vẫn là những phút giây lãng mạn trong cuộc đời lính trẻ. Chúng ta đều ngưỡng mộ và tự hào về hình tượng người lính chống Pháp vừa hào hùng vừa hòa hoa. Từ đây, phải chăng bài thơ Tây Tiến đã kiến tạo bản sắc cho ta khi tác phẩm ấy khơi dậy cho lòng yêu nước,sự tự hào và ngưỡng mộ, tinh thần muốn cống hiến cho Tổ quốc và đặc biệt là sống đúng với tuổi trẻ của mình với bao mơ ước và khát vọng. Chắc chắn, ta sẽ nhận xét rằng việc bài thơ Tây Tiến kiến tạo bản sắc cho ta là một điều tích cực nhưng nếu đặt bài thơ này trở về với thời kháng chiến chống Pháp – Mĩ thì liệu sự kiến tạo này có còn được đánh giá là tích cực không hay trở nên tiêu cực khi bài thơ này đã bị coi là “còn rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản”? Cho nên đây chính là vấn đề mà chúng ta không thể vội đưa ra lời nhận xét được.
          Tóm lại, bản sắc trong văn học sẽ được thể hiện trên hai phương diện: nhân vật và độc giả. Đây càng trở thành một vấn đề quan trọng khi các tranh luận lý thuyết dần quan tâm hơn đến chủ thể (subject), bản ngã (self) – những vấn đề liên quan mật thiết với bản sắc (identity).
1 jenihamilton, Identity in Literature, https://jenniferhamiltonblog.wordpress.com/2016/01/12/identity-in-literature/