Văn học Cyberpunk ở Việt Nam: viễn cảnh công nghệ cao ở xứ ta
Tại sao văn học viễn tưởng Việt Nam lại vươn lên trong thời gian ngắn như vậy?
“Cyberpunk” là thuật ngữ dành riêng cho một trong các đề tài chính của văn học viễn tưởng. Truyện lấy bối cảnh tương lai gần, với cuộc sống công nghệ cao đầy tiện nghi nhưng lại rất buồn chán và tiềm ẩn nhiều hậu hoạ. Trong vài năm qua, nhiều tác phẩm cyberpunk của Việt Nam ra đời, phần nào phản ánh nỗi lo âu của thế hệ người Việt mới với những bước tiến chóng mặt của công nghệ trên thế giới.
Bài đã đăng Văn Nghệ Quân Đội số tháng 09/2024 với tựa “Viễn cảnh công nghệ & trí tuệ nhân tạo trong truyện viễn tưởng Việt Nam đương đại”
Các bài trước trong series này
Tổng thuật
Tiểu thuyết viễn tưởng nói chung, hay dòng truyện cyberpunk nói riêng, là mối quan tâm của văn học thế giới đương đại vì chúng cho phép tác giả khám phá những viễn cảnh về sự tiến hóa của nhân loại. Các tác phẩm này thường đặt ra câu hỏi về đạo đức, triết lý, và tương lai của con người trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi công nghệ. Dòng truyện phản ánh những nỗi lo mới như vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, và sinh học tổng hợp, qua đó cảnh báo con người về các hậu quả tiềm tàng của những phát triển này. Vì lẽ đó, truyện viễn tưởng tuy thuộc văn học đại chúng, nhưng cũng cho ra đời nhiều tác phẩm đi rất sâu vào đạo đức và triết lý, như trong "Do Androids Dream of Electric Sheep?" (Người máy có mơ về cừu điện?) của Philip K. Dick, khi tác phẩm này khám phá sự khác biệt giữa con người và máy móc, cũng như ý nghĩa của nhân tính. Truyện viễn tưởng nói chung và Cyberpunk nói riêng có thể cảnh báo về các mối nguy hiểm tiềm tàng của công nghệ nếu không được quản lý đúng cách. Những ý tưởng và công nghệ trong văn học viễn tưởng còn truyền cảm hứng cho những tiến bộ thực tế, như nhiều phát minh hiện đại đã từng được hình dung trong văn học trước khi chúng trở thành hiện thực
Trong thời gian vừa qua, Xứ Cát (Dune) của Frank Herbert và Tam Thể (Lưu Từ Hân) mặc dù được viết khá lâu rồi, nhưng vẫn có sức ảnh hưởng lớn và vừa được chuyển thể thành phim vào năm 2021 đến 2024, tạo nên một làn sóng quan tâm lớn ở độc giả Việt Nam cho cả tác phẩm gốc. "Klara và mặt trời" của Kazuo Ishiguro, xuất bản năm 2021 với bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng khám phá mối quan hệ giữa con người và trí tuệ nhân tạo trong một thế giới tương lai gần. Thế giới cũng có các giải thưởng uy tín như giải Arthur C. Clarke và Hugo Awards dành riêng cho khoa học Viễn tưởng với tiền thưởng đáng giá một gia tài. Nhưng không phải chỉ đóng góp ý nghĩa nhân văn, dòng truyện khoa học Viễn tưởng còn hiện diện rất mạnh mẽ trong công nghiệp văn hoá. Số liệu gần đây cho thấy, doanh thu từ thể loại khoa học viễn tưởng và cyberpunk đang tăng mạnh. Tạp chí Five Books dự đoán thị trường sách khoa học viễn tưởng toàn cầu dự kiến đạt 5,67 tỷ USD vào năm 2026, không thua kém doanh thu của nhiều giải đấu thể thao hàng đầu thế giới, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9,4%. Đủ để thấy sức ảnh hưởng chưa bao giờ phai lạt của dòng văn học này trên thế giới.
Văn học Việt Nam chưa bao giờ là nền văn chương được đánh giá cao trong lĩnh vực truyện viễn tưởng. Thực tế thì văn học viễn tưởng vẫn là sân chơi riêng của các quốc gia phát triển, nơi khởi đầu của những cuộc đua khoa học công nghệ, viễn thám, trí tuệ nhân tạo với số tiền đầu tư khổng lồ. Song, với riêng thể loại Cyberpunk - nơi gửi gắm nhiều quan niệm về nhân sinh - văn học đương đại Việt Nam đang có nhiều tác phẩm tham dự đề tài, với những cái nhìn mới mẻ. Trước khi đi vào bối cảnh Việt Nam, bạn đọc cũng cần phân biệt một chút Cyberpunk với thể loại mẹ của nó là Khoa học viễn tưởng (Sci-fi). Truyện khoa học viễn tưởng (Sci-fi) là nhóm tác phẩm có đề tài về các giả thuyết khoa học, ban đầu truyện được sáng tạo để thoả chí tưởng tượng của con người về những phát minh tương lai, hoặc để góp tiếng nói của nghệ thuật đối với các chủ đề khoa học tự nhiên. Sau đó, truyện khoa học viễn tưởng dung nạp thêm nhiều mối quan tâm mới như : phản địa đàng (xã hội tương lai với nhiều mâu thuẫn, nghịch lý), hậu tận thế (đời sống con người sau các thảm hoạ toàn cầu), cyberpunk (xã hội tương lai nơi đời sống con người thay đổi một cách bất ổn vì phải sống chung công nghệ cao), biopunk (Tập trung vào các công nghệ sinh học và ảnh hưởng của chúng đối với nhân sinh), steam-punk (tập trung vào các phát minh khoa học giả tưởng vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất)... Điểm khác biệt lớn nhất giữa các dòng truyện này đối với truyện khoa học viễn tưởng truyền thống nằm ở vai trò của giả thuyết khoa học. Ở truyện viễn tưởng truyền thống, yếu tố văn chương và khoa học có vai trò ngang nhau: một mặt truyện vẫn có tính giải trí, hấp dẫn, vẫn có những thân phận nhân vật để bạn đọc theo dõi, nhưng mặt khác truyện nhắm đến sự thoả chí của các nhà văn trong việc thảo luận những giả thuyết khoa học quan trọng. Nhà văn thường dành phần trăm dung lượng truyện cho việc giải thích cặn kẽ về mặt khoa học. Có thể nói bỏ yếu tố khoa học đi thì truyện không thể tồn tại, tác phẩm không được hoàn thành. Thậm chí khoa học là tất cả: chính yếu tố khoa học ấy khiến cho bạn đọc thanh thiếu niên say mê, gợi cảm hứng cho nhiều người theo đuổi nghiên cứu sau này. Trong khi đó, Cyberpunk và các dòng truyện khác thì thường nhắm đến việc mô tả, kiến giải, khám phá thêm bản chất con người và nhân loại trong các bối cảnh giả tưởng có cơ sở khoa học. Yếu tố khoa học chỉ tham gia ở mức độ bối cảnh, ít khi được mô tả cặn kẽ về nguyên lý, và chỉ làm chất xúc tác cho những mâu thuẫn trong truyện. Nếu hoán đổi yếu tố này sang yếu tố giả tưởng (phép màu, thế giới ảo, fantasy..), truyện vẫn có thể diễn ra với đầy đủ ý nghĩa văn chương.
Văn xuôi Việt Nam đương đại có nhiều tác phẩm thuộc các dòng tiểu thể của văn học viễn tưởng đã được xuất bản, giới thiệu đến công chúng trong nước. Có thể kể đến như Nhà máy sản xuất linh hồn (Nguyễn Nguyên Phước, 2020), Thiên thần mù sương (Đức Anh, 2019), NYM - Tôi Của Tương Lai (Nguyễn Phi Vân, 2020), Miên Trạng (Mạc Yên, 2019), Cơn bão cuối cùng (Nguyễn Lê Sang, 2020), Nửa lời chưa nói (Duy Ân, 2022).... Đặc biệt văn học trẻ Việt Nam chỉ trong vài tháng gần đây đã cho ra đời một tác phẩm viễn tưởng rất đáng chú ý như một số truyện ngắn trong tập Hai người trong một ngăn tủ (Phát Dương, 2023), Tổng đài kể chuyện lúc 0h (Emma Hạ My, 2023), Dị bản (Nguyễn Đinh Khoa), Biến thể của cô đơn (Yang Phan). Đa phần các tác phẩm này đều thuộc dòng Cyberpunk, một số tác phẩm có thêm các yếu tố kinh dị, hậu tận thế hoặc phản địa đàng. Các tác phẩm kể trên đều ghi dấu ấn ít nhiều trong cộng đồng độc giả trẻ: Biến thể của cô đơn, Hai người trong một ngăn tủ đã được tái bản chỉ sau sáu tháng phát hành, Tổng đài kể chuyện lúc 0h thậm chí tái bản nhiều lần kể từ tháng 1 năm 2024 đến nay, Nửa lời chưa nói đoạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ VII.
Một bài báo trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Thượng Hải Trung Quốc quan tâm đến vấn đề văn học viễn tưởng Việt Nam đương đại. Xem ở đây. (Mà không hiểu tại sao bài báo nhắc đến tôi, nhưng lại nhắc đến Nhân Sinh Kép chứ không phải Thiên Thần Mù Sương -- cuốn tiểu thuyết Dystopia thực sự của tôi hay bị truyền thông thành trinh thám).
Tìm nhân tính trong cơn bão tương lai
Đọc các tác phẩm viễn tưởng của Việt Nam đương đại, ta hình dung được các chủ đề chung về công nghệ được triển khai ở các mô típ: (1) quan hệ phức tạp giữa con người xã hội và công nghệ (2) quan hệ phức tạp giữa con người với con người trong bối cảnh con người có thể lựa chọn công nghệ làm bạn. Trong tất cả các tác phẩm, công nghệ đều có vai trò thao túng, kiểm soát hoặc làm thay đổi con người theo chiều hướng xấu. Có lẽ vì điều này các tác giả đều chọn giọng điệu giễu nhại hoặc lạnh lùng nhằm mô tả bối cảnh ngột ngạt nơi chúng ta đã mất kết nối với thiên nhiên. Tuy nhiên các tác giả không dừng lại ở chỗ cảm thương cho bối cảnh của con người, mà thường đảo vị trí giữa con người và máy móc trong định đề đạo đức mà tác phẩm toát lên. Cụ thể hơn, tác phẩm thường bắt đầu với hoàn cảnh mà con người phụ thuộc vào công nghệ, nhưng sau đó dần lạm dụng cho lòng tham hoặc ẩn ức của mình; hoặc ngược lại, con người ban đầu là những “con người thống trị”, dùng công nghệ máy móc như một phần công cụ gia tăng chất lượng sống, nhưng sau đó dần trở thành nô lệ hoặc phát hiện ra cuộc sống của mình đã bị thao túng từ lâu (con người bị trị). Mô típ đảo chiều này khiến cho các tác phẩm tiểu thuyết hoặc truyện ngắn đương đại phần nào hấp dẫn về cốt truyện, chứa đựng những bất ngờ giăng sẵn. Từ điểm nhìn về tình huống truyện, chúng ta sẽ cùng xem xét các yếu tố viễn tưởng của tác giả Việt Nam qua cả hai trường hợp: con người thống trị và con người bị trị.
Trong Biến thể của cô đơn của Yang Phan - tác phẩm đậm tính Cyberpunk nhất, câu chuyện xuyên suốt là những người máy tìm ra một chiếc USB lưu trữ những gì còn sót lại của ký ức nhân loại, khi loài người đã hoàn toàn biến mất. Truyện dự báo trước tương lai xót xa của loài người, nhưng dựa vào điểm đó để quay ngược về tìm nguyên nhân. Những mẩu chuyện được kể ở nhiều giọng điệu và phương thức khác nhau (bằng trần thuật, giả tài liệu, thư từ…) xong dễ dàng nhận ra một thế giới từng phồn thịnh, với đủ dịch vụ, đủ trò tiêu khiển, đủ tiện nghi mà trí tuệ nhân tạo từng phục vụ… Trong các mẩu chuyện, ta thấy những con người không kém phần hài hước, tự tin, không giống như tương lai tăm tối mà truyện dự báo. Thế nhưng con người, trong liên kết với công nghệ, lại phải trả giá vì những thứ con người nhất: sự buông thả, nỗi khao khát yêu thương, cái ích kỷ, sự cô độc… chẳng hạn như nhân vật Leo trong truyện số 2, phải lòng một người máy qua ứng dụng hẹn hò và đi đến cuộc tình bi kịch.
Khi môi trường sống bị tàn phá, con người mất thế đứng và bám víu duy nhất vào công nghệ để tiếp tục, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao có thể khiến con người bị phụ thuộc, "Đừng Mở Mắt" (một chương trong tập Tổng đài kể chuyện lúc 0h) của tác giả Emma Hạ My là một truyện ngắn đầy ám ảnh và gây ấn tượng mạnh mẽ. Tác phẩm đặt trong bối cảnh hậu đại dịch, khi nhân loại phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn thay đổi và sự phụ thuộc vào công nghệ trở nên cực đoan hơn bao giờ hết. Sau một cơn đại dịch khủng khiếp, thế giới mà con người từng biết đã bị biến đổi hoàn toàn. Để có thể quan sát thế giới xung quanh và duy trì cuộc sống như bình thường, mọi người buộc phải cấy chip vào mắt. Chiếc chip này liệu có trở thành công cụ kiểm soát và điều hướng mọi hành động, suy nghĩ của họ? Con người là kẻ thống trị hay kẻ bị trị? Câu hỏi đã thúc đẩy toàn bộ câu chuyện đi đến điểm kết bất ngờ. Cũng trong tập truyện vốn được định hướng kinh dị này, trong Con nào cũng là con, khi thế giới đã có thể sửa mã gene của những đứa trẻ, các ông bố bà mẹ có thể sử dụng dịch vụ đó để tạo ra những đứa con ngoan như mong muốn. Điều này là tốt hay xấu? Rõ ràng, khi con người có công nghệ trong tay, họ bắt đầu có cảm giác sánh ngang với hoá công. Chính tham vọng đó sẽ khiến con người trả giá.
Miên Trạng của Mạc Yên là một tiểu thuyết trinh thám pha lẫn cyberpunk rất tham vọng và đòi hỏi người đọc phải kiên nhẫn, chuẩn bị nền tảng kiến thức đa dạng. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của các nhân vật Viên, Bảo, Vinh, Nam, và Tình – những con người trẻ tuổi đầy tài năng và thành công trong sự nghiệp, nhưng bỗng chốc trở thành tội phạm do bị gài bẫy và vu oan. Họ được kết nối bởi một nhân vật bí ẩn mang mật danh MB và cùng nhau chạy trốn để tìm cơ hội minh oan. Nhóm nhân vật chính trẻ trung của chúng ta bị biến thành tội phạm vì những âm mưu đen tối, nhưng mỗi người đều có tài năng và đã đạt được thành công trong lĩnh vực của mình. Truyện diễn biến song song và hấp dẫn trong nhiều tuyến khác nhau, nhưng hoá ra sau đó ta thấy cả một hoạt cảnh công nghệ đứng sau mọi thứ. Con người dù có chủ động đi tìm chân lý, nhưng phải chăng cái chân lý ấy cũng có kịch bản?
Dị bản của Nguyễn ĐInh Khoa đi trực tiếp vào đề tài căn tính con người. Nhân vật chính là kỹ sư Phúc Giang trong một lần nghiệm thu hiện trường thi công cây cầu dây văng đã gặp tai nạn sập giàn giáo của trụ cầu. Anh ta chết? Có lẽ, nhưng câu chuyện tiếp tục khi Phúc Giang tỉnh lại trong một thế giới khác do nhà khoa học Frank sáng tạo với âm mưu tạo ra một loài người mới bằng máy móc, để thay thế loài người trên trái đất vốn thiếu năng lực và thừa điểm yếu. Bản thể mới của các nhân vật gây ra một câu hỏi hiện sinh đặt vào trung tâm: tồn tại và hiện hữu khác nhau ở đâu? Nếu ta thay toàn bộ thân thể vật lý này và thay dữ liệu ký ức của ta vào máy móc, hoặc một giống loài ưu việt hơn bởi công nghệ sinh học, ta có còn là chính mình hay không?
Các tác phẩm có tình huống truyện thú vị đã bao quát được tương đối nhiều đề tài khoa học đang được quan tâm và tranh cãi trên thế giới đương đại gồm: số hoá bộ não, can thiệp gene, vũ trụ toàn ảnh, xung đột con người và trí tuệ nhân tạo… cho thấy một sự cập nhật, nghiên cứu đáng nể từ các tác giả. Nhưng như trên ta đã nói, công nghệ và khoa học mặc dù là đề tài chính của Cyberpunk, nhưng nó không là cốt lõi giống như truyện viễn tưởng cổ điển. Nếu thay thế các nhân vật, yếu tố công nghệ… thành những bảo vật (như nỏ thần), những phép màu bà tiên, ông bụt hay giả thuyết huyền ảo, các tác phẩm vẫn không mất đi dư vị. Bởi lẽ bản chất của các tác phẩm đều là mối quan tâm hiện sinh: ý nghĩa của cuộc sống là gì, con người đứng đâu trong hệ thống xã hội. Ta sẽ thấy mặc dù có đầy đủ cơ sở khoa học, nhưng nhân vật đều vấp phải những phi lý không hiểu nổi. Con người luôn bị ràng buộc bởi những luật lệ, thiết chế xã hội, nhưng cũng lại luôn phải tự quyết định hướng đi của bản thân. Đôi khi chính những luật lệ thiết chế lại là thứ không thể hiểu nổi đối với thân phận nhỏ bé của từng cá nhân, nó luôn có những “vùng tối phi lý”. Có thể thấy, sự xuất hiện của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo là để thay thế, để khuếch đại “vùng tối phi lý” này một cách có cơ sở. Nếu giải cấu trúc cốt truyện theo cách này, ta có thể nhận xét, truyện viễn tưởng cyberpunk ở Việt Nam đã tìm ra được một công cụ kể chuyện đủ tiềm năng để tiếp tục suy tư về vận mệnh cá nhân đương thời.
Thử đánh giá triển vọng và khuyết thiếu của văn học viễn tưởng Việt Nam
Tại sao văn học viễn tưởng Việt Nam lại vươn lên trong thời gian ngắn như vậy? Năm 2021, chuyên mục Dòng chảy của Văn Nghệ Quân Đội online từng có loạt bài phỏng vấn, đối thoại mang tên “Fantasy, sci-fi Việt: Miếng bánh có thật hay chỉ là... giả tưởng?”, kéo dài 8 kỳ, thảo luận sâu rộng với các tác giả, độc giả, nhà phê bình và giới khoa học. Thời điểm đó, các tác phẩm được điểm danh chưa ra đời, độc giả dù hân hoan nhưng ít nhiều còn nghi ngại về năng lực của dòng sách này. Nhưng chỉ hơn 2 năm sau, một làn sóng viễn tưởng mới đến, dù mới xuất bản đã ít nhiều gặt hái thành công chứ không bị quên lãng. Cần phải nhắc lại rất nhiều lần là đề tài trí tuệ nhân tạo, các vấn đề máy móc công nghệ không phải là điều mới, thậm chí “xưa như trái đất”, nếu như xét đến lịch sử hàng thế kỷ của văn học viễn tưởng. Thế nhưng có lẽ việc các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được “đại chúng hoá” cho toàn dân sử dụng như ChatGPT, Midjourney, Bing AI v.v… đã tác động rất mạnh đến tâm lý xã hội trên thế giới. Ngay cả Việt Nam chưa thuộc nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển cũng không đứng ngoài “làn sóng A.I”, tiêu biểu là các cuộc vận động chuyển đổi số ở nhiều ngành nghề hay trào lưu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và lao động rất sôi nổi trong hai năm qua. Những công việc trước đây là khó khăn như đọc, phân tích dữ liệu số, tạo - chỉnh sửa hình ảnh, video… đều được đơn giản hoá một cách đáng kinh ngạc. Nhiều hội thảo, nhiều bài báo trong nước đã đề cập đến việc trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người làm sáng tạo hay không? Câu hỏi ấy chưa trả lời được, nhưng ít nhiều gợi ý đề tài để các nhà văn thế hệ mới suy ngẫm. Trong chương trình ra mắt sách của NXB Trẻ vào đầu năm 2024, các tác giả cũng khẳng định điều đó, như Nguyễn Đinh Khoa từng cho biết: "Từ bi kịch của một gia đình, tôi đặt nhân vật vào bức tranh của thời đại: dịch bệnh, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cho đến viễn cảnh diệt vong của con người. Và giữa sự xoay chuyển của thế giới, họ học được những bài học, để tồn tại và được thấu hiểu". Lời tự bạch này có thể đại diện cho tình thần của các nhà văn khi khám phá đề tài này.
Lịch sử đang thay đổi. Các tác giả VIệt Nam có thể chủ động theo đuổi văn học viễn tưởng (như Nguyễn Đinh Khoa, Yang Phan, Mạc Yên), hoặc vận dụng các yếu tố viễn tưởng một cách không thực sự chủ đích (Emma Hạ My, Duy Ân)... nhưng tựu chung đều mượn sức mạnh của nhóm đề tài này để tìm được con đường làm rõ các ý tưởng, thông điệp riêng của họ. Điều rất quan trọng ở đây là: sức hấp dẫn của văn học viễn tưởng không còn nằm ở việc nó là thứ xa vời, kích thích trí tưởng tượng mà lại bởi nó đang rất gần gũi. Đúng vậy, văn học viễn tưởng đã gần gũi hơn rất nhiều, bản thân các yếu tố viễn tưởng đã không còn “viễn” nữa, sức mạnh và vai trò của nó đã khác xa so với truyện sci-fi cổ điển vì chúng ta đang sống trong chính tương lai của văn học viễn tưởng từng vẽ ra. Đó có lẽ là lý do chính yếu mà đồng loạt nhiều nhà văn trẻ sử dụng cyberpunk. Họ không chinh phục gì cả, họ đơn giản là tìm một con đường thuận tiện để chuyên chở tư tưởng. Hay nói tóm lại, độc giả Việt Nam đang được thấy một thế hệ nhà văn mới sáng tác có chiến lược hơn rất nhiều.
Nhưng cũng không nên bỏ qua những điểm yếu, hoặc thêm những kỳ vọng cho văn học trẻ Việt Nam. Thứ nhất, các tác phẩm văn học viễn tưởng Việt Nam chưa thực sự có dấu ấn bản sắc. So sánh dù hơi khập khiễng, nhưng văn học viễn tưởng Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đông Âu hay Hàn Quốc đều thể hiện rõ đặc tính xã hội, tư tưởng và dân tộc tính của các quốc gia. Trong khi văn học viễn tưởng Việt Nam vẫn là những tác phẩm ảnh hưởng từ văn hoá đại chúng thế giới, không dễ để tránh khỏi so sánh. Có lẽ chỉ thấy tập truyện ngắn Nửa Lời Chưa Nói của Duy Ân đã đi sâu vào chủ đề tiếng Việt, nhưng đây lại là tác phẩm mỏng về viễn tưởng hơn cả. Thứ hai, ngôn ngữ của các tác phẩm ít dấu ấn riêng của tác giả. Mặc dù điều này tương đối dễ hiểu vì các tác phẩm đều định hướng đại chúng, nhưng có lẽ độc giả vẫn kỳ vọng nhiều vào các câu chuyện có giọng điệu đặc sắc, ít giống văn học dịch và có cá tính riêng giống như mọi tác phẩm văn học nói chung. Hai điểm yếu này là câu chuyện dài hơi của văn học Việt Nam đương đại, nhưng chính những khoảng hụt ấy lại là gợi mở để các nhà văn trẻ có thêm động lực chinh phục và đóng góp vào sáng tạo văn chương toàn cầu.
Đức Anh
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất