Văn hóa cũng giống như việc được sinh ra, là thứ mà bản thân chúng ta không thể chọn lựa, là thứ định mệnh gắn chặt vào ta suốt một đời. Văn hóa, tuy là một mẫu số ngẫu nhiên trong đời người, nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của một cá nhân, chi phối quan điểm, giá trị, phong cách sống, cũng như cách chúng ta bộc lộ cái Tôi của mình. Theo hệ thống môi sinh, văn hóa thuộc về hệ vĩ mô (macrosystem), bao quanh những hệ giá trị khác có tương tác gián tiếp (hệ ngoại vi) hay trực tiếp (hệ vi mô vs hệ tương tác) tới một cá nhân.

 Chúng ta có thể không cảm nhận được văn hóa đã tác động tới bản thân nhiều cỡ nào. Nhưng, một khi ta trở thành những con cá bơi ngược dòng hay bỗng chốc bị thả vào bể lớn, văn hóa trở thành một mẫu số chung để ta đánh hơi thấy nơi ta thuộc về, để không cần nói ta cũng nhận ra sự khác biệt giữa ta và họ. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, vậy Văn hóa đã giáo dục mình ra sao, để ta lớn lên trở thành một phần của nó, hòa hợp thích ứng với nó, để ta lại tiếp tục làm con đò chuyên chở những giá trị cốt lõi từ thế hệ này sang thế hệ khác? Đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa văn hóa Châu Á đặc biệt là vùng Đông Á – nơi chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc với văn hóa phương Tây – bao gồm Châu Âu và Mỹ? Có thể nói, nó tóm gọn ở sự lên ngôi đầy mâu thuẫn giữa một bên là Chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân.
Giống như tên gọi của nó, chủ nghĩa tập thể đề cao tính chất tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu, và sẵn sàng hy sinh tính cá nhân cho nó. Lớn lên trong một xã hội theo chủ nghĩa tập thể, nghĩa là bạn phải giữ gìn và nhận thức được giá trị của sự dung hợp, hòa đồng với môi trường xung quanh. Cách nhìn nhận và đánh giá của người xung quanh là thước đo sống còn của một con người cho sự thành công, hạnh phúc, viên mãn. “Cô ấy rất được nhiều người quý mến, cô ấy quen biết rộng”. Giá trị của tập thể là giá trị cao nhất, không thể đánh bại và không được quyền xâm phạm tới. Mỗi cá nhân tồn tại như một phần của tập thể và có nghĩa vụ làm tập thể lớn mạnh hơn. Trái ngược với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cá nhân tập trung vào bản thân mỗi người. Nó thôi thúc và ủng hộ những tư duy độc lập. Nó khích lệ con người bộc lộ cái riêng của mình ra bên ngoài. Con người trong đó bộc lộ cảm xúc theo nhu cầu nội tại bên trong, theo cái nhìn cá nhân như tôi muốn là. Nói tóm lại, về phía phương Đông tính tập thể là yếu tố trọng tâm còn ở phương Tây thì ngược lại, thuộc về cá nhân. Có một nghiên cứu khá thú vị về tính chất khác biệt này, bao gồm sự tham gia của hai nhóm trẻ, một đến từ Mỹ và một đến từ Trung Quốc. Chúng đều được cho xem một bức tranh và được hỏi rằng Theo em, con cá riêng lẻ bơi đầu đang cảm thấy như thế nào? 

Kết quả cho thấy, đa số trẻ em Mỹ trả lời rằng, chúng nghĩ con cá chắc giận dữ đám cá kia, thế nên nó bỏ đi. Chúng cho rằng, giữa hai bên có thể có mâu thuẫn và con cá này quyết định rời đi vì bất đồng với nhau. Quay lại với trẻ em Trung Quốc, chúng lại trả lời rằng con cá này đang buồn bã, bởi nó không được tiếp nhận vào nhóm. Chúng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi con cá đi một mình và không thuộc về một nhóm nào cả. Chúng cảm nhận được cảm giác bị cách ly rất mãnh liệt. Văn hóa làm chúng ta hiểu cảm xúc trong cùng một bối cảnh theo hướng hoàn toàn khác nhau. Văn hóa tập thể khiến cái tôi trở nên nhỏ bé khi nó đứng một mình. Chúng ta nghiện cái cảm giác được thuộc về, bởi chỉ thông qua một tập thể giá trị của bản thân mới được công nhận và cùng với sự lên xuống của tập thể giá trị cá nhân cũng theo đó mà tăng hay giảm đi. Vậy tính tập thể liên quan gì tới xấu hổ?

Khi cá nhân mang trọng trách giữ gìn phát triển tập thể, cảm giác xấu hổ trở thành công cụ để nhắc nhở chúng ta về điều đó. Bố mẹ Châu Á sử dụng sự xấu hổ làm cơ hội để truyền dạy các tiêu chuẩn đạo đức xã hội cho con mình. Thay vì ngang hàng với những xúc cảm khác, sự xấu hổ trở thành một mấu chốt trong văn hóa tập thể. Nó hoạt động như một tiếng còi báo động, một biển báo DỪNG cho những hành động ta đang và sắp sửa thực hiện. Nó là luật bất thành văn rào chắn mỗi cá nhân đi đúng địa phận của mình. 
Thông thường, sự xấu hổ xuất phát từ việc bị người khác nhìn thấy hành động, cử chỉ “không phù hợp” của mình. Ở đây, cụm từ không phù hợp được đưa vào ngoặc kép, bởi với trẻ, như thế nào là phù hợp vẫn chưa được định nghĩa, mà chủ yếu do quan điểm của người xung quanh áp đặt vào. Chúng ta được dạy cách cảm nhận sự xấu hổ. “Ôi xấu hổ chưa kìa” là mẫu câu đầu tiên người lớn sử dụng để định hướng một đứa trẻ. Trẻ nhạy cảm và nhận thức rõ cách phản ứng của người xung quanh, đặc biệt là những người có quyền lực lớn hơn trẻ đối với trẻ. Đó là một trong những khoảnh khắc kinh khủng của một cuộc đời trẻ thơ, khi nhận ra bố mẹ mình bắt đầu xa lánh mình hay nhắc đi nhắc lại về sự việc đó. Và trẻ học được sự xấu hổ chính là đòn roi của tập thể. Xấu hổ chính là biểu hiện của việc biết lỗi, nhận lãnh trách nhiệm làm tổn thương người khác về mình và xấu hổ chính là thể hiện sự tôn trọng với người khác.
Theo năm tháng, bố mẹ không cần phải sử dụng mẫu câu đó nữa, chúng ta bị ám ảnh bởi sự xấu hổ. Chúng ta tự xấu hổ với chính mình, bởi trong đầu mỗi người đã diễn đi diễn lại biết bao lần cảnh tượng khi mọi người xung quanh phát hiện ra và phán xét về mình và về những người nằm trong tập thể với mình. Xấu hổ và mất mặt giống như Camera lần dõi theo mọi cử chỉ của ta từng li từng tí không rời. “Nhục nhã quá, bố mẹ không có mặt mũi nào nhìn mọi người” chắc là câu nói gây tổn thương vĩnh viễn tới tâm hồn của mọi đứa trẻ.

Kể cả khi lớn lên, chúng ta có nỗ lực vươn ra một môi trường hoàn toàn mới, nó vẫn luôn ở trong đầu chúng ta, vẫn như những con ong sẽ vò vẽ suốt cả đời mình không yên. Kể cả khi bố mẹ không ở cạnh nữa, ta lại bắt đầu sợ sự phán xét của bạn bè, của hàng xóm của những người vô danh vô tình ngồi trên một chuyến tàu. Văn hóa tạo nên giá trị của cảm xúc. Và ở đây, văn hóa trao quyền định đoạt cho sự xấu hổ. Nó giống như một trạm kiểm soát, kiểm duyệt cảm xúc. Bởi những xúc cảm tiêu cực gây bất lợi cho tập thể, phá vỡ tính hài hòa của tập thể, thế nên chúng không được chào đón, chúng bị cấm đoán bộc lộ ra ngoài. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy, trẻ con ở Nhật Bản khóc ít hơn trẻ con ở Mỹ. Thời gian chúng ngưng khóc cũng nhanh hơn. Theo bảng thống kê chỉ số biểu lộ cảm xúc (bao gồm cả tiêu cực và tích cực)  của một nhóm nước rải đều từ 3 châu lục cho thấy, Mỹ nằm ở chóp đỉnh, là nơi cá nhân biểu lộ cảm xúc nhiều nhất, và đứng cuối cùng là HongKong.
Biểu đồ cho thấy mức độ biểu đạt cảm xúc và xu hướng nghiêng về chủ nghĩa cá nhân/tập thể của các quốc gia khác nhau

Thật không công bằng khi chúng ta đối xử tệ bạc với cảm xúc tiêu cực. Việc giá trị văn hóa thay ta quyết định cái gì nên được bộc lộ và cái gì phải được kìm chế, kéo theo áp lực tinh thần lên cá nhân. Sống trong đó, đôi khi chúng ta xấu hổ chỉ vì mình cảm thấy tiêu cực. Chúng ta không cho phép bản thân và cả những người xung quanh được phép bộc lộ ra cảm xúc thật của mình. Chúng ta phán xét họ dựa trên thang đo Xấu hổ. Tôi xấu hổ cho tôi và tôi xấu hổ thay cho anh. Khi tôi xấu hổ nghĩa là tôi nên dừng lại. Văn hóa, từ đó, không phải động tay vào nhiều. Bởi nó đã bắt mỗi cá nhân bên trong tự động học thuộc và tuân thủ quy tắc luật lệ. Bởi lẽ, nếu ta cũng làm như đám đông, như thói quen vẫn làm, thì chúng ta làm gì thấy xấu hổ. Và từ đó, chẳng có gì bị phá vỡ, chúng ta nghiêm khắc với chính mình và quan sát lẫn nhau để ngăn cản bất cứ điều gì nằm ngoài phạm vi “đã được chấp nhận”.

Giống như một quả đào, thứ quan trọng nhất của nó không phải phần thịt mà là hạt, hạt gieo xuống đất nảy mầm và nối dài sự sống cho giống loài. Cá nhân là hạt nhân trong hệ thống môi sinh. Nó nhỏ bé thật đấy, đôi khi chỉ là một chấm đen giữa bao nhiêu là vòng tròn trong ngoài. Nhưng điều đó không thay đổi rằng, Tôi mới là thứ quyết định ai, cái gì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới bản thân Tôi. Đừng để mình xao lãng khỏi điều quan trọng nhất rằng Tôi vẫn có quyền được chọn lựa và tạo nên giá trị riêng của mình. Văn hóa và cá nhân luôn nằm trong mỗi quan hệ tương tác qua lại với nhau. Chúng ta không nên và không thể chối bỏ văn hóa cội nguồn của mình. Nhưng với vai trò của một người chuyển tiếp văn hóa, việc đầu tiên phải làm là nuôi dưỡng cái hạt nhân bên trong thật mạnh mẽ và khỏe khoắn. Đừng chấp nhận sống cùng những tổn thương do cái nôi truyền thống đã quá chật với mình. Và nếu có cơ hội, hãy tự xoa dịu chính mình rằng, kể cả trong những thời khắc chúng ta cảm thấy cơn xấu hổ đang muốn bóp nghẹt cổ họng mình, dâng lên cả những cơn thổn thức đầy mỏi mệt, thì cũng không phải điều gì quá tệ. Bố mẹ, gia đình, bạn bè, thế giới xung quanh, mọi thứ đều có sẵn một giá trị riêng của mình. Tôi không chịu trách nhiệm cho bất kỳ ai và ngược lại. Chúng tôi tác động lẫn nhau nhưng chúng tôi không hòa lẫn giá trị với nhau. Hãy cứ xấu hổ, vì nó chung quy là một cảm xúc, nhưng chỉ thế thôi.