Văn hóa vùng trong PR võ sĩ, không phải cứ đáng ghét là sẽ thành danh
Không phải cứ quảng bá là phải trash talk, không phải cứ hâm nóng trận đấu là phải có ẩu đả. Những võ sĩ từ các nước khác nhau, có...
Không phải cứ quảng bá là phải trash talk, không phải cứ hâm nóng trận đấu là phải có ẩu đả. Những võ sĩ từ các nước khác nhau, có phong cách PR khác nhau.
(Lưu ý: Bài viết có chứa nhiều định kiến)
Khi chứng kiến những cá nhân kiệt xuất của võ thuật như Mike Tyson, Floyd Mayweather hay gần đây nhất là Conor McGregor, nhiều người nghĩ rằng, để PR thành công, bạn phải "đóng vai ác". Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm! Ở nhiều quốc gia, đóng vai ác đồng nghĩa với việc tự đào mồ chôn sự nghiệp.
Con đường để trở thành ngôi sao toàn cầu:
Nếu muốn trở thành tên tuổi thế giới, bạn phải đi từng bậc thang từ ngôi sao địa phương, ngôi sao trong nước, ngôi sao khu vực và cuối cùng là trở thành ngôi sao quốc tế. Đó là công thức chung của tất cả mọi ngôi sao hiện nay, nhất là đối với những nội dung có tính thi đấu như thể thao. Để đạt được một giấc mơ lớn, những vận động viên, cụ thể hơn là võ sĩ, phải nhận được sự quan tâm của những người lân cận trước tiên, chưa kể đến họ cũng cần những trận đấu nhỏ để lấy kinh nghiệm thi đấu ở sân chơi lớn. Vì thế, trước nhất, họ cần phải đạt được sự yêu thích từ cộng đồng nhỏ ở địa phương.
Văn hóa của các vùng miền khác nhau cũng sẽ định hình những khán giả khác nhau. Có nơi thích sự náo nhiệt, nhưng cũng có những nơi khán giả yêu thích sự chững chạc sâu lắng. Đương nhiên, các nhà quảng bá lão luyện nắm rõ được điều này. Để quảng bá cho võ sĩ của họ, các ông bầu thường lựa chọn chiến dịch quảng bá rất kỹ lưỡng, tránh gây hiệu ứng ngược không mong muốn cho khán giả.
Người Ireland thì tàn bạo thô lỗ, người Nga tóc đen lạnh lùng sát khí, người Mỹ lại thích máu me bạo lực và drama kịch tính
Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra rằng đó chính là những định kiến của thế giới đối với những dân tộc được kể trên. Dù là định kiến và nơi đâu cũng có người này người nọ, những điều này lại có thể mô tả được phần lớn văn hóa khán giả của các dân tộc kể trên.
Văn hóa Ireland và con đường quảng bá của võ sĩ Ireland
Bắt đầu với người Ireland, thế giới có 2 võ sĩ siêu sao là Tyson Fury (gốc Ireland) và Conor McGregor. Cả 2 võ sĩ đều là những kẻ lắm mồm và luôn đóng vai "phản diện" khi xuất hiện trên truyền thông. Nếu Tyson Fury từng lớn tiếng công kích huyền thoại hạng nặng Wladimir Klitschko thì Conor McGregor khiến cả thế giới căm phẫn khi đem Jose Aldo ra làm trò đùa. Chỉ cho đến khi cả hai võ sĩ cùng đánh bại những huyền thoại, tài năng của họ mới chính thức được ghi nhận.
Nhìn xa hơn về trước, Ireland có John L. Sulivan, nhà vô địch quyền anh có găng đầu tiên của thế giới và là nhà vô địch quyền anh không găng nhiều năm liền. Ông nổi tiếng bởi sự lì lợm và chất "điên" nổi bật của dòng máu Ireland khi ông sẵn sàng khiêu chiến với những nhà vô địch từ khi ông còn chưa phải là một siêu sao.
Vì sao những tay đấm Ireland lại có nhiều điểm chung như vậy? Người Ireland trên thực tế là một dân tộc rất lì lợm không khác gì người Sicily của Ý. Thậm chí, giới mafia gốc Sicily cũng phải nhường một phần làm ăn kiếm chác cho những tay xã hội đen gốc Ái Nhĩ Lan này. Nói về văn hóa của Ireland, người Ireland coi trọng việc giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm đến nỗi, Ireland có hẳn một phong tục liên quan đến quyền anh tay trần. Theo như phong tục này, mỗi khu làng, xã hay thành phố đều có một võ đài chung để những người đàn ông giải quyết mâu thuẫn với nhau.
Do đó, thật khó để người Ireland quan tâm đến những võ sĩ ngời ngời đạo đức vì bởi: những hình mẫu này không đại diện cho người Ireland và họ không thích điều đó. Thêm một định kiến nữa về người Ireland: bợm rượu. Điều này cũng lý giải vì sao giữa hàng nghìn thị trường tiềm năng, Conor McGregor lại chọn Whiskey làm nền tảng để phát triển công ty riêng.
Sự lạnh lùng lầm lì của người Nga "tóc đen"
Người Nga được thế giới phân loại thành 2 dạng: Nga "tóc đen" và Nga "tóc vàng". Người Nga tóc vàng ý ám chỉ những con người ở trung tâm, các thành phố lớn của Nga, trong khi đó, người Nga "tóc đen" lại ám chỉ những người Nga sinh sống tại những vùng khắc nghiệt.
Nếu người Nga tóc vàng luôn xuất hiện trên điện ảnh Nga với vẻ đẹp lộng lẫy thì người Nga tóc đen lại khiến thế giới ngán ngẩm vì sự lì lợm lầm lì của họ. Thậm chí, hình ảnh những tay khủng bố Nga trên Hollywood cũng chủ yếu là hình ảnh những người Nga "tóc đen" vì vẻ ngoài hung tợn lầm lì của họ. Họ là những con người phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, phải trải qua những biến cố xã hội (Liên Xô sụp đổ 1991). Người Nga tóc đen dành sự tôn trọng tuyệt đối cho những kẻ làm nhiều hơn nói, vì thế, những cái mồm ma lanh vốn không phải gu của họ.
Những Gennady Golovkin (Liên Xô cũ), Fedor Emelianenko, Khabib Nurmagomedov, anh em nhà Klitschko đều là những con quái vật lầm lì. Nếu có trash talk, họ cũng không tỏ ra điên cuồng la hét như những võ sĩ Ireland trên truyền thông. Trái lại, những võ sĩ này luôn đảm bảo rằng đối thủ của họ phải lãnh đủ trên võ đài.
Người Mỹ và thể thao đối kháng mạnh
Người Mỹ lại có gu thể thao náo nhiệt hơn cả. Họ yêu trash talk, yêu bạo lực máu me và cả những drama hít mãi không hết. Đó là lý do những bộ môn như bóng bầu dục, khúc côn cầu, boxing, mma lại phổ biến ở Mỹ. Ngay cả một bộ môn khá "hiền lành" như bóng rổ vẫn không thiếu những màn trash talk đỉnh cao. Nếu một vận động viên không thể đem lại sự giải trí cho khán giả Mỹ theo cách này hay cách khác, họ sẽ bị lãng quên. Đây lại là điều khiến cho những ngôi sao Mỹ trở nên rất đa dạng về phong cách và hình ảnh.
Ngay cả bóng rổ, người Mỹ cũng thích xem trashtalk
Những Deontay Wilder, Floyd Mayweather, Tony Ferguson, BJ Penn,... đều là những ngôi sao mang những phong cách quảng bá rất khác nhau đến bộ môn của họ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm điều ngược lại?
Conor McGregor từng đem gia đình, tôn giáo của Khabib và cả chính phủ Chechnya làm mục tiêu trash talk. Khỏi phải nói người Nga đã tức giận thế nào, không ít lần Conor McGregor phải nhận thư nặc danh dọa giết. Thậm chí, giới quan chức của Chechnya cũng đòi "đục lỗ" trên xác của Conor McGregor nếu như siêu sao người Ireland không chịu ngậm mồm lại.
Hay như tại ONE Championship, các võ sĩ của ONE buộc phải nói không với scandal vì khán giả châu Á là những người coi trọng võ đại. Ông thần trash talk Ben Askren thời kỳ ở ONE Championship cũng phải chịu cảnh tự bịt miệng khi gặp báo chí. Rõ ràng, văn hóa từng vùng ảnh hưởng rất lớn đến định hướng quảng bá của võ sĩ. Nếu đi sai hướng, chắc chắn võ sĩ và ông bầu sẽ là người lãnh đủ.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất