"Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”

Đó là lời của Bác Hồ trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952. Ngày ấy, Bác viết những lời này trong bối cảnh toàn dân đang hiện đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đã hơn 68 năm trôi qua từ ngày lời bác đến với những người nghệ sĩ năm ấy, bối cảnh lịch sử cũng đã đổi thay, nhưng đến thời nay vẫn còn ý nghĩa.
Trong thời đại hội nhập, giao lưu văn hóa, việc gìn giữ và truyền bá văn hóa lại càng thêm quan trọng. Vì văn hóa là hình ảnh đại diện của đất nước và cái nôi của quốc gia. Tuy nhiên, làm sao đẩ cân bằng văn hóa, quảng bá, xã hội và kinh tế vẫn là một vấn đề mà những người thuộc chuyên môn luôn phải vò đầu bứt tai. Trong cách các thức quảng bá và gìn giữ văn hoá, điện ảnh là một trong những sự lựa chọn được mọi người tán thành với khả năng marketing truyền thông và dễ tiếp cận hơn những poster hay tập giấy du lịch truyền thống. Tuy nhiên, cách làm này cũng tiềm ẩn vô số rủi ro và tác dụng ngược nếu ta không làm tốt.
Câu chuyện “đại diện văn hóa”
Mùa đu đủ xanh
Việt Nam ta, tất nhiên, không phải những người giỏi nhất trong việc quảng bá văn hóa qua điện ảnh và cũng chẳng phải những người bắt đầu. Nhưng nhờ thế chúng ta có động lực học tập từ các bộ phim tương tự từ nhiều nơi trên thế giới.
Có một điều các nhà làm phim Việt vẫn dễ sai lầm, đó là : làm phim để quảng bá văn hóa KHÔNG CẦN phải là phim VỀ chính nền văn hóa đó.
Avatar : The Last Airbender
Rất nhiều bộ phim mang yếu tố văn hóa như Spirites Away (Hayao Miyazaki, 2001), hay Life of Pi (Lý An, 2012), có nội dung chủ đạo không nặng về tính văn hóa. Đó là câu chuyện về một nhân vật bị lạc/rơi vào một thế giới mới mà họ lạ lẫm, bắt buộc phải học cách sinh tồn một mình và rồi trưởng thành hơn trong hành trình đó. Và rồi chính những yếu tố văn hóa được lồng ghép trong phim chính là những yếu tố nâng tầm nội dung và khiến bộ phim ấy trở nên độc nhất. Điều quan trọng của bộ phim theo motip này chính là cách câu chuyện được phát triển và nhấn mạnh. Những yếu tố văn hóa có thể dày đặc như Spirited Away hay được nhắc qua như Life Of Pi, nhưng chúng không phải yếu tố chính mà chỉ được sử dụng để tạo bầu không khí đặc trưng cho bộ phim hay một yếu tố kể chuyện phụ cũng như hành động nhân vật hay cách bày trí bối cảnh.
Life of Pi
Còn các phim lấy yếu tố văn hóa làm trọng tâm câu chuyện thì sao ?
Khi ấy, bối cảnh và nhân vật là điều kiện tối thiểu, cũng như việc bạn không thể kể một câu chuyện về món chả cuốn bởi một người Canada tại Brazil được, kiểu thế. Tuy nhiên, nền văn hóa cũng không phải là câu chuyện chính của phim. Nó là cầu nối để dẫn dắt câu chuyện, là nền tảng xây dựng nhân vật, là nút thắt hoặc nút gỡ cho bộ phim. Nền văn hóa là một yếu tố quan trọng, nhưng nó không phải yếu tố chính.
Coco
Vì khi xem một bộ phim, điều mà ta hướng đến không phải bối cảnh cảnh nền, màu sắc hay âm nhạc, mà là câu chuyện và nhân vật của bộ phim đó. Khi xem Coco (Adrian Molina & Lee Unkrich, 2017), ta có thể thích thú với lễ hội người chết của Mehico và cách âm nhạc được vang lên ở từng đường đi góc phố, nhưng chính khung cảnh Miguel hát ‘Remember Me’ cùng bà cố Coco vào cuối phim mới là khoảnh khắc khiến người xem rơi lệ dẫu cách biệt văn hóa đến thế nào. Lễ hội văn hóa là cầu nối đưa các nhân vật gặp phải các xung đột và những tình huống thắt nút lẫn gợi mở. Nhưng chính nhân vật mới là người quyết định cho hành động của mình lẫn hướng đi của phim. Một bộ phim nếu thất bại trong khâu xây dựng trong nhân vật lẫn câu chuyện thì dù bối cảnh hoành tráng đến đâu đi chăng nữa cũng chỉ là cái mã ngoài mà vô nghĩa, không thể lắng đọng điều gì cho người xem.
The Farewell
Tại sao những câu chuyện lịch sử nho nhỏ kèm với những tác phẩm văn học trong giờ Ngữ Văn luôn cuốn hút học sinh hơn những trận chiến tầm vĩ mô trong sách Lịch Sử ? Đó là bởi những câu chuyện nhỏ ấy tạo nên sự đồng cảm từ học sinh đến nhân vật lịch sử, giúp các em ghi nhớ được những nhân vật, bối cảnh họ sống và chính tác phẩm văn học ấy hơn. Cũng giống như khi các em ngáp ngắn ngáp dài khi học về chiến tranh Cục Bộ hay chiến tranh Đặc Biệt, nhưng dễ dàng rơi lệ khi đọc về ông Sáu và bé Thu trong Chiếc Lược Ngà vậy. Điều tương tự cũng xảy ra với các bộ phim mang tính quảng bá văn hóa, lịch sử mà thôi. Nếu câu chuyện hay và tạo được dấu ấn trong lòng người đọc/xem, tự khác họ sẽ lưu tâm đến bối cảnh văn hóa mà phim nhắc đến mà tìm hiểu về nó. Rất nhiều nhà làm phim Việt Nam không để tâm vào cốt truyện phim mà chỉ tập trung vào vẻ ngoài của phục trang lẫn bối cảnh (mà thậm chí còn không làm tốt trong nhiều trường hợp) vì thế nên dù gắn mác “quảng bá văn hóa/lịch sử” thì bộ phim họ làm ra vẫn chỉ là một bộ phim nông về nội dung và dễ chìm đi khi không còn bài báo nào marketing cho nó nữa. Vì thế, nếu muốn thực sự quảng bá văn hóa như mong mỏi của nhà sản xuất hay các cá nhân yêu nước, các nhà làm phim nên biết nghĩ sâu hơn thay vì chỉ tập trung vào trang phục hay bối cảnh đường quê/cung đình một phòng.
Lưu ý khi xây dựng văn hóa trong phim
Bên cạnh việc tiết chế để cân bằng yếu tố văn hóa và nội dung phim, việc xây dựng văn hóa trong tác phẩm cũng là một điều cần lưu ý.
Black Panther
Điều đầu tiên, tất nhiên, là sự nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu trong việc phục dựng văn hóa trong phim. Đây là yêu cầu tiên quyết trong một bộ phim có yếu tố văn hóa. Trong một bộ phim được quảng bá rộng rãi, những sai sót về mặt văn hóa sẽ ít nhiều mang đến những hậu quả khôn lường đến nhận thức của người xem. Trong thời kỳ hội nhập và yêu cầu cao về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, việc truyền bá sai sót không những khiến người nước ngoài hiểu sai mà còn làm người dân lẫn con cháu ngộ nhận và chấp nhận luôn những thiếu sót đó. Có thể thấy ví dụ rõ ràng nhất là những hình ảnh châu Á méo mó trong những bộ phim phương Tây như trong Memoirs of a Geisha (Rob Marshall, 2005), The Interview (Seth Rogen & Evan Goldberg, 2014), Da 5 Bloods (Spike Lee, 2020),… Có thể những khán giả thuộc những quốc gia bản địa sẽ nhận ra những sai sót trong những bộ phim trên, nhưng những người ngoại quốc với hiểu biết hạn hẹp về văn hóa bản địa sẽ mặc nhiên chấp nhận những sai lệch đó, gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia được nhắc đến. (Thậm chí, đã có từ ‘orientalism’ để ám chỉ những trường hợp khi người phương Tây cố tình quảng bá sai lệch hình ảnh châu Á).
Memoirs of a Geisha
Một điều đi kèm với sự nghiêm túc trong phục dựng văn hóa chính là sự khách quan. Sự khác biệt văn hóa là tất yếu khi ta đang sống trong một nơi chốn, thời gian cách biệt và không thể tránh khỏi sự so sánh. Tuy vậy nhưng không đồng nghĩa rằng ta nên thay đổi hay chối bỏ những lịch sử và nền văn hóa đó vì góc nhìn chủ quan. Một trong những lí do Mulan (Nick Caro, 2020) bị người Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung tẩy chay bên cạnh việc bôi nhọ văn hóa và sai lệch lịch sử chính là việc phim cố tình gắn ghép nữ quyền phương Tây hiện đại vào một bối cảnh không hề liên quan và nhấn mạnh thoái quá sự trọng nam khinh nữ trong thời phong kiến Trung Quốc. Điều này khiến bản thân triết lí nữ quyền trong phim không hề ăn nhập và kệch cỡm, nội dung phim tuột dốc còn văn hóa Trung được thể hiện thì trở nên méo mó, sai lệch. Nếu đã quyết định làm một bộ phim để truyền tải văn hóa, ta phải chấp nhận những vẻ đẹp lẫn góc khuất của nền văn hóa ấy, để rồi xây dựng nên một câu chuyện phù hợp với đại chúng lẫn tư tưởng trong bối cảnh phim.
Kaguya-hime no Monogatari
Như thế, những câu chuyện được kể trong phim sẽ trở nên thật hợp tình hợp lí và mang tính nhân văn. Đồng thời vẫn giúp người xem tiếp cận một nền văn hóa, tư tưởng khác lạ, để rồi có thể tự mình thấu hiểu, học hỏi và so sánh với nơi chốn và thời đại họ sống. Như khi xem The Tale of the Princess Kaguya (Isao Takanata, 2013), ta có thể thấy được những nét đẹp lẫn bao sự ảm đạm từ tập tục cổ của Nhật Bản một cách trung thực, không tô điểm quá nhiều. Nhưng nhờ đó, một câu chuyện tuyệt vời và ý nghĩa về cuộc sống, số phận con người được kể lên một cách thật cảm xúc và đáng nhớ. Rõ ràng, việc phải sáng tạo được một câu chuyện phù hợp mà vẫn thật hay trong cho một bối cảnh không quen thuộc không dễ dàng một chút nào. Nhưng nếu biết cách xây dựng, câu chuyện ấy sẽ sống mãi trong lòng những khán giả xem phim nói riêng lẫn bao người yêu văn hóa nước nhà nói chung.


(Còn tiếp)