Văn hoá nội bộ - Mang mô hình Google về với start-up
Mình còn nhớ khi bắt đầu tìm một công việc để đi thực tập năm 4 đại học, mình đã phân vân rất nhiều nơi: làm công ty lớn hay start-up?...
Mình còn nhớ khi bắt đầu tìm một công việc để đi thực tập năm 4 đại học, mình đã phân vân rất nhiều nơi: làm công ty lớn hay start-up? Bởi mình đã đi làm thêm từ đầu năm 2, học đúng chuyên ngành, nên mình tự tin hơn về công việc tiếp theo dù “cần dấu thực tập”: không chỉ vào để học hỏi, mình đi làm để cống hiến.
Và đầu tiên mình đã định lướt qua công việc từ cái tên Co… tv, nghe lạ hoắc, fanpage bị lỗi không đổi được tên (sau này mình đã chỉnh lại đồng bộ), JD cũng ngắn ngủn. Thế rồi mình quyết định lướt thêm một lượt fanpage, website của các công việc đã lưu, và mình nhận ra vài điều thú vị: CEO công ty là cựu kỹ sư Google và Airbnb ٩(˘◡˘)۶
Đọc những chia sẻ của anh về mong muốn giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, giải phóng nguồn lao động trong nước bằng việc đem về một mô hình quản lý còn rất mới tại đây, nhưng đã được biết đến nhiều ở Mỹ - Đồng chủ nhà hay còn là Quản gia công nghệ, mình đã quyết định "thử xem sao".
1. Khi CEO cũng ngồi nghe nhân viên “mắng”
Vào làm việc tại công ty, mình ngạc nhiên hơn nữa buổi những buổi họp định kỳ sáng Thứ Hai và chiều Thứ Sáu. Một nét văn hoá thú vị mà anh CEO đã mang về từ Google: stand-up. Đúng 9:30 sáng, nhân sự có mặt tại văn phòng, hoặc mở máy tính họp Zoom, sẵn sàng chào tuần mới bằng vài động tác thể dục. Khi này mọi người có hai lựa chọn: leo cầu thang 6 tầng hoặc chống đẩy 20 cái (ㆆ_ㆆ)
Sau khi hoàn thành bài tập thể dục, là lúc các phòng ban bắt đầu báo cáo những công việc đã hoàn thành của tuần vừa rồi. Các team cùng tổng hợp slide vào 1 file chung và chuyển quyền thuyết trình, các dự án chung và riêng giữa các team được tổng hợp kết quả rõ ràng. Như vậy, mỗi thành viên đều nắm được có chuyện gì xảy ra trong công ty tuần vừa qua? Đang có những hoạt động hay dự án mới nào, và có thể xung phong nhận việc nếu muốn. Trong suốt quá trình, anh CEO sẽ ngồi lắng nghe, nhận xét hoặc đặt câu hỏi.
Đôi khi, CEO lại là người bị “lên án” khi tham gia những công việc ngoài vai trò, hay lỡ phát ngôn “vu vơ” trên mạng xã hội rồi ngủ mất (Nghe thật giống Elon Musk). Khi này, CEO ngồi nhận reviews y như các thành viên khác trong công ty, cũng tổng kết, giải thích và túm gọn lại sẽ rút kinh nghiệm lần sau, để rồi nhận được cái thở phào nhẹ nhõm của các bộ phận và tiếng vỗ tay giòn tan (nói gì thì nói, “mắng” CEO cũng sợ chứ!)
Thế rồi cuộc họp kết thúc bởi lời thề thốt: “Anh chỉ cần yên tâm làm CEO, còn lại để chúng em lo.” (ɔ◔‿◔)ɔ ♥
2. Chốn làm việc hay là homestay?
Cách đây một năm khi còn lê lết ở Tràng Tiền Plaza, vừa làm Marketing, vừa làm Quản lý sales, nhìn thì thích thật đấy – ngày nào cũng dress code váy dài hay vest đến chỗ làm, lộp cộp giày cao gót, thế nhưng một ngày đi làm là một ngày đánh đổi sức khoẻ.
Gian hàng ở tầng 4 ngày ấy không quá to, nhưng điều hoà TTTM thì hoạt động hết công suất. Chẳng thế mà đi làm đã viêm mũi lại đến ốm sốt, thêm đủ quy định ngặt nghèo về ăn uống đi lại, nghỉ giữa giờ cũng chỉ có 30’ đi ăn suốt 8 tiếng, đôi khi là mười mấy tiếng làm vào đợt khuyến mại hay nhân viên nghỉ. Rồi sáng hôm sau lại đi làm, rồi chạy đi học, rồi lại tới làm đến tối mịt. Khỏi phải nói, sau gần nửa năm, sức khoẻ yếu đến giờ vẫn còn lại “hệ quả”: cứ nằm điều hoà là không chịu được, cứ thay đổi thời tiết là nhức đầu sổ mũi, 21 22 tuổi mà như… người già.
Thế nhưng từ khi đến căn nhà 6 tầng trên đường Hàng Chuối, mình như trải nghiệm một thế giới mới hoàn toàn: homestay hay chốn làm việc đây? Căn bếp sang xịn mịn đầy đủ tiện nghi từ tủ lạnh, máy pha cafe, bếp điện từ, lò nướng, lò vi sóng, bát đũa, bánh trái luôn đầy ắp. Nhà vệ sinh kèm luôn phòng tắm ở mỗi tầng (đặc biệt tầng 4 có chiếc gương rất to và đầy đủ dầu gội, sữa tắm). Bean bag hay sofa không đủ thoải mái thì xuống tầng 2 có giường riêng để nằm ngủ. Mỗi Thứ 2 lại có chị maid đến lau dọn văn phòng. Khỏi nói, đôi khi còn sướng hơn ở nhà.
3. Thưởng Cá Tháng Tư – Chuyện thật như đùa
Cá Tháng Tư ting ting nhận chuyển khoản. Mình ngạc nhiên nghĩ “Ủa công ty nay trả lương sớm vậy?” rồi lại băn khoăn “Sao lưong tháng này hơi… không đủ”, đúng lúc này nhận được emal của CEO mà mừng rớt nước mắt.
Thưởng về trước cả email, đây không phải cú lừa rồi!! Đi làm mới 2-3 năm không dài nhưng cũng chưa thấy ai khoe được thưởng 01/4 hết, nếu đây là mơ thì không cần tỉnh nữa được không ạ (͡° ͜ʖ ͡°)
Nói vậy, chứ mình biết đây là một phần thưởng động viên rất nhiều cho các thành viên công ty, bởi tháng trước đó ai cũng cố gắng nỗ lực rất nhiều. Người bán được căn hộ, người trước ngày cưới vẫn ôm máy code nhiệt tình, người quay phim đến tối mịt. Vậy nhưng còn gì tuyệt vời hơn khi sự cố gắng được quan sát và ghi nhận?
4. Điều gì khiến một nhân viên muốn gắn bó?
Đối với một công ty start-up với nhân sự trẻ, năng nổ, thì bài toán đặt ra là làm sao để xây dựng một môi trường gắn bó? Vì không ai muốn bỏ công training một thời gian, rồi khi bắt đầu quen việc thì nhân sự lại chạy mất.
Bản thân mình từng "nhảy việc" vài lần, cũng đã chán nản bởi một số công ty coi việc trả lương thấp hay trừ tiền là đương nhiên bởi những lí do trên trời dù chậm lương cả tháng mới lên tiếng. Bởi, ai mà chẳng khó khăn? Nếu muốn nhân viên ở lại với mình, hãy cho họ thấy bạn quan tâm đến họ. Có thể không phải vì lương thưởng, thì cũng là một lời giải thích, một lời thông báo, đừng để nhân viên cả công ty sốt sắng hỏi nhau “Sao trễ vậy rồi chưa có lương”, rồi khi một người lên tiếng hỏi thì bị trách như “kẻ tội đồ” không biết cân nhắc.
Không những vậy, mình chứng kiến nhiều bạn sinh viên để đi xin dấu thực tập phải nhận một mức lương rất bèo cho việc làm full-time 44 giờ có mặt tại văn phòng, thậm chí không lương. Trong khi những việc bạn được làm liệu có giúp cho việc thực hành kiến thức hay phát triển bản thân không thì không chắc. Hay chỉ làm vài việc vặt suốt mấy tháng trời để rồi khi nhận tháng lương và dấu thực tập lại ngơ ngác "Liệu giá trị của mình chỉ đến đây thôi sao?" Điều này sẽ rất dễ làm các bạn chưa rõ ràng định hướng bị mông lung, nghi ngờ bản thân, và khi ra trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc và đàm phán quyền lợi với các bên tuyển dụng.
Bên cạnh đãi ngộ, nhân sự trẻ vào start-up khao khát được trao quyền, được giao quyền học, quyền làm, quyền được chịu trách nhiệm bởi tiến độ công việc của bản thân. Bởi họ hiểu rằng sự phát triển của nhân sự gắn liền với tiến trình phát triển của chính công ty.
Chẳng thế mà mọi người hay nói rằng: “Nếu bạn muốn học, muốn làm nhiều, muốn tác động đến công ty, muốn tham gia nhiều vị trí, hãy vào start-up. Còn nếu muốn muốn phát triển theo đúng một lộ trình, muốn được làm đúng một việc mình giỏi nhất, hãy vào công ty lớn.”
Ở đây, mình hạnh phúc vì được “bóc lột”, dopamine một ngày sản xuất mạnh nhất là khi get things done, hay khi nhận được một lời khen “Làm tốt lắm”, “Anh thấy hợp lý”, “Anh nghĩ em hợp làm BA” trong một mảng công nghệ trí tuệ nhân tạo mới tinh mà mình mới tham gia (dù chuyên ngành mình là Marketing).
Dù có những phút panic vì sợ mình làm không đủ tốt, nhận ra mình còn lỗ hổng, còn sai sót, nhưng mình vẫn góp nhặt từng chút, vượt qua sự tự ti và lo lắng để làm thử tí một, cố gắng từng ngày, bởi mình may mắn có những người mentor cả trong công ty lẫn ngoài cuộc sống – những anh chị mình gặp được trong chuyến đi công tác Sài Gòn mà công ty duyệt nhanh chóng.
Bởi mình biết, mình được ghi nhận xứng đáng.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất