Văn hoá chửi xéo, chửi đểu.
Có bao giờ bạn bất mãn với một ai đó? Nếu ghét họ, bạn sẽ chửi đểu, nói bóng gió cho bõ ghét, hay là sẽ đặt thẳng vấn đề rồi nói cho họ hiểu? Khi trình bày, bạn có muốn khiến cho họ phải cay cú, phải xấu hổ không?
“Làm trai cứ nước hai mà nói”, “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”
Những câu ca dao tục ngữ trên thể hiện rất rõ văn hoá “chỉ gà nói chó” của chúng ta từ xưa tới nay. Trong những câu chuyện dân gian về Trạng Quỳnh, Trạng Tí, khi mà Trạng liên tục chửi xéo, nói đểu những ông vua chúa xấu xa, các ông nghe xong tức lắm, biết mình bị chửi mà không làm được gì cả. Dân ta coi đó là sự thông minh, uyên bác, thậm chí còn là một đức tính con người.
Cách đây mấy năm mình cũng đã viết một bài trên Spiderum nói về việc công kích cá nhân bằng những ngôn từ hoa mỹ, nhưng bài viết đó chỉ nói trong phạm vi môi trường tranh luận, còn nay mình sẽ đề cập lại với phạm vi rộng hơn. Bạn có thể đọc lại bài cũ đó ở đây:
(Không nói bậy chửi tục có khiến chúng ta tôn trọng nhau hơn)
https://spiderum.com/bai-dang/Khong-noi-bay-chui-tuc-co-khien-chung-ta-ton-trong-nhau-hon-qrjAJFcqpK5F
Theo góc nhìn của mình, đã là chửi, thì dù có chửi thẳng hay chửi xéo cũng đều là chửi. Mục đích duy nhất của người chửi đều là muốn đối phương phải cay cú, muốn họ ngầm hiểu rằng “tao đang chửi mày đấy”, muốn đối phương phải xấu hổ. Dù cho bạn chửi bằng cách nào đi nữa, có thể là một bài thơ với đầy hàm ý, một bài văn xuôi, một câu chuyện ngụ ngôn, hoặc hơi thẳng thắn hơn tí thì là 1 bài rap diss chẳng hạn. Dù là hình thức nào thì mục đích cuối cùng cũng đều là làm cho đối phương phải cảm thấy nhục, thấy cay. Và tất cả đều có thể coi là hành vi công kích cá nhân.
Sở dĩ văn hoá chúng ta đề cao việc chửi xéo, chửi đểu là bởi vì ngày xưa người dân yếu thế không có cơ hội được nói thẳng, sợ bị tai bay vạ gió. Trong thời quân chủ chuyên chế, ai dám nói ra bất mãn của mình một cách bộc trực thì có thể đối diện với nguy cơ tử hình. Cho nên việc nói bóng gió, nói lên những bất mãn của người dân bằng cách khéo léo, gãi đúng chỗ ngứa của họ sẽ được tung hô.
Cho đến ngày nay, trên các diễn đàn tranh luận, nơi con người có quyền nói, có quyền tự do ngôn luận, có quyền đối thoại minh bạch với nhau mà không sợ chết, thì nét văn hoá chửi đểu vẫn còn đó, người ta chửi đểu lẫn nhau trên các diễn đàn tranh luận để lách luật công kích cá nhân. Khi ai đó tố cáo bạn có ý công kích đối phương, bạn có thể chối cãi bằng những câu quen thuộc như là “tự bạn thấy nhột à”, “tôi nói thế, hiểu thế nào thì tùy, tôi chả chửi bới ai cả”
Chúng ta liên tục rao giảng về việc không nên công kích người khác, nhưng để tránh vi phạm đạo lý này, chúng ta lại che đậy sự công kích bằng những ngôn từ văn vở mĩ miều, rồi gọi đó là “nghệ thuật ẩn dụ”.
Mình tự hỏi, liệu văn hoá chửi xéo, chửi đểu có còn cần thiết trong thời đại con người có quyền đối thoại minh bạch với nhau như bây giờ hay không? Bạn vẫn muốn chửi cho bõ ghét, nhưng lại không muốn nói thẳng, muốn phải bóng gió cho nó thâm thúy, cho nó uyên bác ư? Sao không trình bày rõ vấn đề ra rồi nêu thẳng quan điểm, thuyết phục đối phương hiểu mình, khiến cho họ tin vào điều mà mình đang tin? Nhất là đối tượng mà bạn đang bất mãn có thể không phải là 1 thế lực nào có khả năng làm hại tới bạn, không giống như ngày xưa, bạn chẳng cần phải khéo léo bóng gió gì với họ cả.
Chửi xéo, chửi đểu nó áp dụng cho nhiều trường hợp khác nữa, nhưng phần lớn mình thấy nó đều phản tác dụng, đều không giúp con người thấu hiểu lẫn nhau, khiến cho sự mâu thuẫn nội bộ phát triển âm ỉ không thể dập tắt, khi mà con người ngại phải đặt thẳng vấn đề để giải quyết, chỉ biết bóng gió chỉ trích nhau.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất