Mình có cô bạn, đã kết hôn, có 1 con. Hạnh phúc và viên mãn, đây là những từ mình nghĩ sẽ mô tả về cô ấy. Rồi cô phát hiện ra sự phản bội, trong suốt một thời gian dài. Đau đớn tột cùng, cô ấy chọn ly hôn.

Câu chuyện này rất quen thuộc, mà bạn sẽ hay đọc được trong mấy group trên Facebook. Đoạn trên chỉ là mình tự chế ra một cốt chuyện như vậy (chứ chẳng có cô bạn nào ở đây). Hạnh phúc – phản bội – chia tay.

Thực ra thì nguồn gốc chế độ một vợ không liên quan gì đến tình yêu. Ngày xưa, đàn ông dựa trên lòng chung thủy của vợ để biết những đứa trẻ là con ai, và để xác định người thừa kế sau này. Việc kế hôn cũng để phục vụ việc đảm bảo nòi giống (con cái) được bảo vệ và phát triển.

Còn bây giờ, chúng ta kết hôn vì tình yêu. Chúng ta, tất cả chúng ta đều có một mong muốn thầm kín và công khai rằng sẽ có một người lý tưởng bên cạnh, để chia sẻ, để làm bạn, để đồng hành, để được chăm sóc, để được tin tưởng, và ngược lại chúng ta cũng mong sẽ trở thành người như vậy, của một ai đó. Khi kết hôn nghĩa là ta được chọn, ta là người đó, là duy nhất, là người không thể thiếu của người kia. Nhưng, sự phản bội bảo không đúng. Đó là nỗi đau của hiện tại, giấc mộng bị phá hủy.

Những điều mình viết ở trên thực ra lấy từ một bài chia sẻ của Esther Perel – nhà trị liệu tâm lý. Câu chuyện của bà tiếp tục đi sâu vào các khía cạnh khác của ngoại tình nhưng trong đó có một ý mà mình muốn chia sẻ. Phản bội một là một vấn đề, chấm dứt là một lựa chọn.

Chúng ta đang sống ở một thời đại nơi mà ta thấy ta có toàn quyền theo đuổi ham muốn bản thân, vì đây là nền văn hóa mà ở đó tôi xứng đáng được hạnh phúc. Và nếu trong quá khứ chúng ta từng ly dị vì không cảm thấy hạnh phúc, thì nay, ta ly dị vì ta có thể được hạnh phúc hơn. Và trong quá khứ, nếu ly dị đã từng gắn liền với sự tủi hổ, thì nay, lựa chọn ở lại khi bạn có thể bỏ đi mới là điều hổ thẹn.

Một người vợ có chồng phản bội, cô ấy chưa muốn ly hôn. Cô không thể giải bày với bạn bè cô vì cô ấy e ngại rằng họ sẽ đánh giá chỉ bởi vì cô vẫn còn yêu chồng, và bất cứ đâu cô tìm đến, cô đều nhận cùng một lời khuyên: Bỏ hắn đi. Hãy tống khứ hắn khỏi nhà. Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng chịu một cảm giác tương tự. Tôi xứng đáng được hạnh phúc (hơn nữa) là một áp lực vô hình.

Thực ra không chỉ nói về hôn nhân và sự phản bội, quan điểm ‘tôi xứng đáng được hạnh phúc’ (hay bất kỳ quan điểm nào cổ vũ tương tự) đều vô hình tác động đến nhận thức và hành vi của chúng ta theo một hướng không thể dự đoán. Tôi chỉ được sống một lần, tôi muốn theo đuổi những điều mới lạ. Cuộc đời tôi, lựa chọn là của tôi.

Mình nghĩ rằng bản thân các lý tưởng này vốn không có vấn đề gì cho đến khi chúng ta cố gắng áp dụng nó cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Ý tưởng có thể không sai nhưng cách bạn thực hiện chưa chắc đã đúng.

Thế nên khi viết tiêu đề của bài này, mình chợt nhận ra vấn đề của “Tôi xứng đáng được hạnh phúc” nằm ở việc chúng ta lựa chọn gì để được hạnh phúc. Liệu chúng ta có đang đánh đồng hạnh phúc với một sự giải thoát hoặc trốn chạy hay bất kỳ một cảm giác thỏa mãn tức thời nào đó.

Thực ra viết đến đây mới là mở bài, còn định viết dài lắm nhưng lại nghĩ rằng mình bắt đầu tiêu cực. Vì vậy tạm dừng ở đây với một câu hỏi: Điều gì là hạnh phúc?