Năm nay tôi viết blog khá ít, chủ yếu do quỹ thời gian cho công việc chuyên môn nó phình to ra kèm với sự cất nhắc của lãnh đạo, thành thử bộ não giờ 80 - 90% chỉ dành cho công việc, những phút thư thả để nắm bắt các cảm xúc trong đời thường thành một bài viết hoàn chỉnh giờ hiếm lắm!
Hôm nay có những phút "nông nhàn" thưa thớt, lại tranh thủ có một ý tưởng vừa bừng lên khi lái xe nên phải viết lại ngay cho đỡ héo mòn thói quen viết lách.
Người ta dạo gần đây rất hay nói về thời đại chuyển đổi số, về những ích lợi to lớn của trí thông minh nhân tạo, hàng loạt công cụ giúp con người giảm tải công việc suy nghĩ, tìm kiếm, tổng hợp thông tin ra đời: ChatGPT, Gemini, Copilot... Những con robot vô tri nhưng thông tuệ tuyệt đỉnh, từ thường thức hàng ngày đến những bí ẩn sâu kín của vũ trụ, chúng đều biết cả. Chúng làm thay cái việc của chúng ta ngày xưa là lùng sục từng trang tài liệu, sách vở, báo chí để tổng hợp tin tức, giờ chỉ 1 - 2s là có ngay kết quả (tùy thuộc tốc độ internet của bạn nữa). Tôi phải công nhận là AI đã giải phóng sức lao động ghê gớm, nhưng mặt khác, tôi cũng ngờ rằng óc sáng tạo và trí tưởng tượng của con người lại không được may mắn như thế.
Công ty tôi gần đây có tổ chức một cuộc thi nội bộ với nội dung vể cảm nghĩ của nhân viên khi sinh nhật 18 năm thành lập đến gần. Ban lãnh đạo thì đơn giản chỉ muốn anh em post ảnh kèm 1 vài dòng cảm nghĩ về quá trình công tác, gắn bó và đề xuất "nhẹ nhàng" gì đó để gắn kết tập thể hơn. Nhưng chục bài thì như một, từ làm văn đến làm thơ, ai ai cũng sử dụng ChatGPT (hoặc 1 con AI nào đó) để viết hộ! Mà cái thơ do AI làm thì các bạn hiểu đấy, niêm luật đã không chặt chẽ mà ý cảnh cũng ngang như con "cự giải", xúc cảm chắc ngang một công thức toán học. Họa hoằn lắm mới có một vài bài viết mang hơi thở con người, mộc mạc, chân chất. Và thú vị là, những bài viết đó thường là của các anh chị lớn tuổi! Tôi thấy có chút băn khoăn lướt qua tâm trí mình, chúng ta bây giờ lạm dụng AI đến vậy sao? Hay giữa một rừng những người dùng công nghệ mới, mình tự viết bằng tấm lòng và suy nghĩ thật sự thì sợ bị coi là kẻ lạc loài? Viết lách không phải là một việc ai ép được ai, tôi hiểu chứ, với những kẻ như tôi, thì chả cần ép có khi chữ nghĩa cũng tự trào ra, còn người đã có sự chống cự bị động trong tâm trí thì trói tay vào bút cũng đầu hàng. Viết lách nên là niềm vui và sự hân hoan khi được hiện thực hóa những ý tưởng và cảm xúc trong trái tim - khối óc của mình ra ngoài, dù nó không trau chuốt về kỹ thuật nhưng nó là rung động chân thật của người, không cần phải hoa mỹ, văn vẻ (đặc biệt không bao giờ sai chính tả, thể thức) như của AI.
Nói rộng ra, tôi không rõ AI có ảnh hưởng đến các nhà văn, nhà thơ, nhà sáng tạo nội dung như nó đang ảnh hưởng đến cuộc thi nhỏ ở công ty tôi không? nhưng tôi tin, không ít thì nhiều, chắc chắn có đấy. Và họ, những người được nhân loại kỳ vọng vào sự sáng tạo, trí tưởng tượng to lớn sẽ hành xử ra sao? Họ sẽ vượt qua cám dỗ của sự lười biếng, sử dụng một cách tiết chế trong tìm tư liệu, hay hoàn toàn đánh mất mình trong lãnh địa của những con robot vô hồn. Tôi càng lo sợ hơn cho thế hệ trẻ bây giờ, ngay cả cơ hội được thử, được mài dũa và trưởng thành của chúng, cũng có thể bị AI tước đi ngay trên ghế nhà trường. Tôi ngờ rằng một lượng lớn các bài khóa luận của các sinh viên hiện nay, đã và đang được viết bởi AI, có lẽ cái này các giáo viên có thể cảm nhận rõ điều này hơn ai hết!
AI, cũng giống như nhiều loại hình khoa học khác mà nhân loại đã sáng tạo ra. Dùng đúng , chúng là công cụ để nâng đỡ nền văn minh. Dùng sai , chúng là thuốc độc giết dần giết mòn thế hệ mai sau. Dù sao thì, ở thời đại nào, cũng vẫn có những con người kiệt xuất, họ làm chủ công nghệ chứ không để công nghệ làm chủ mình. Và nhân loại sẽ tiếp tục chu kỳ của thích nghi và tiến hóa, như cách chúng ta đã từng làm chủ ngọn lửa thuở sơ khai. Chỉ là, bây giờ, thứ chúng ta cần chinh phục là AI.
Hiếu Nguyễn
13/12/2024.