Ngày xưa học toán, thầy cho một bài toán siêu khó, mình đem về nhà ngâm cứu và suy nghĩ để tìm ra cách giải. Có những bài giải hết mấy trang giấy mới ra đáp số để rồi lên lớp thấy đứa bạn cũng đã tìm ra đáp số nhưng phương thức tinh gọn hơn rất nhiều. Rõ là dù trong toán học, tuy công thức rất nhiều nhưng không phải lúc nào công thức cũng hoạt động với tất cả mọi bài toán. Vì có rất nhiều cách để chúng ta tìm ra lời giải.
Đường đi làm của mình cũng vậy, mấy lần mình tự đi, thì cứ đâm xe theo duy nhất một con đường thẳng từ nhà đến văn phòng thôi. Và mình cũng chưa bao giờ thử chạy một con đường khác, vì mình sợ lạc đường rồi đến trễ
Mấy hôm muốn đổi cảm giác đi làm, mình quyết định đi xe ôm công nghệ để xem cách giải bài toán "đường đi làm tối ưu" của mỗi tài xế sẽ khác nhau như thế nào.
Có hôm gặp chú tài xế rành đường, kỹ năng đọc bản đồ trong tâm trí thượng thừa thì chú chỉ cho mình những tuyệt chiêu lách hẻm để đến văn phòng một cách nhanh nhất, loại bỏ được những rào cản về đèn đỏ và tắc đường. Đi đến đâu, chú chỉ cho mình đến đó. "Đến đoạn này, con rẽ qua đây, đi một đoạn nữa quẹo phải,.. rồi, tới nơi.." Mình mắt nhìn, tai nghe để ghi nhớ đường hôm sau còn áp dụng. Vì nhờ chú chỉ mà quãng đường đi làm của mình cảm giác như rút ngắn lại chỉ còn một phần hai.
Hôm khác, gặp anh tài xế kia tay lái khá vững, đi đến ngã ba, mình thấy ảnh rẽ vào đoạn đường khác lạ nên mình cản lại, vì mình đã nghĩ ảnh không biết đường, cái ảnh cũng nghe theo mình luôn. Đi được một lúc, ảnh bảo đi đường này kẹt lắm, anh chạy đường khác cho đỡ kẹt nha. Mình thấy đường kẹt thiệt, lúc đó mình mới tỉnh "hóa ra ảnh biết đường, chẳng qua là không muốn phật lòng khách". Và rồi xe ảnh bon bon, đi qua những con đường khác, với hàng cây xanh mát rượi và quan trọng là không bị kẹt trong dòng người qua lại. Mình ngồi sau, chỉ cần tận hưởng không gian đi làm buổi sớm mai dễ chịu thôi à.
Hôm khác nữa, gặp bác tài có vẻ mới tập chạy xe ôm công nghệ, xem bản đồ cũng chưa rành, lúc đó mình phải "cầm tay chỉ việc" chỉ đường cho bác chạy, và tất nhiên là đi trên con đường cũ mình thường đi thôi - công thức đơn giản nhất. Vì mình cũng không tự tin bác có thể lách hẻm bằng cách giải tắt được. Dù sao thì mình biết mình cũng sẽ đến văn phòng đúng giờ, dù bác đi chậm, nên mình không cảm thấy lo lắng lắm.
Còn có trường hợp khác, mình gặp anh tài không rành đường, nhưng được cái gan lì và bất chấp. Hôm đó, mình cũng có hơi suýt sao giờ làm nên lòng có hơi nóng vội. Anh tài này chạy con đường bình thường mình thường đi, cũng kẹt trong dòng người và những cây đèn đỏ 30 đến 60 giây mỗi lần. Khác là anh tài này bất chấp luật lệ, leo vỉa hè đi song song, băng băng qua dòng người kẹt cứng. Tất nhiên, mình rất ghét việc leo vỉa hè, vì đó là vi phạm luật giao thông và mình cực kỳ quan trọng việc bảo vệ lợi ích của người đi bộ. Nhưng lúc đó đã ngồi lên xe rồi, anh tài cũng lỡ chạy qua rồi, mình đã "đâm lao thì phải theo lao". Lần đó, mình đến văn phòng kịp giờ nhưng lòng hứa hẹn sẽ không bao giờ để việc này lặp lại lần hai.
Mỗi lần ngồi sau xe, mình lại nhớ về hai chữ "an tâm" mà chị sếp thường nói khi giao cho mình một nhiệm vụ nào đó. Cái cảm nhận của sếp khi ngồi lên chiếc xe dự án mà mình là người cầm lái.
Nếu mình thể hiện tinh thần được nhưng anh xế 1, có thể cho sếp thấy cách thực hiện dự án một cách mới mẻ mà không rập khuôn theo phương thức cũ, mình dám cá sếp sẽ rất hài lòng và cảm thấy thích thú trên từng câu chữ trình bày của mình. Và tất nhiên "an tâm" sẽ là điều mặc nhiên được bao trọn gói.
Nếu mình là anh xế 2, có chuyên môn nhưng lập trường không vững khi có tác động, thì sếp có hơi băn khoăn, nhưng chỉ cần lấy lại tự tin và đưa ra đề xuất thì sự hài lòng đạt được cũng không hề kém cạnh anh xế 1, chỉ là mất thời gian để khiến sếp "an tâm" xíu thôi.
Nếu mình là anh xế 3 thì sếp sẽ không thể nào "an tâm" để mình tự chạy. Mình đã từng nghe sếp nói "chị hỏi em chi tiết như vậy vì chị không an tâm khi em chưa có kinh nghiệm để thực hiện công việc này một mình". Và lúc đó, việc tốt nhất mình có thể làm là đi theo những cái nền đã cũ, lối mòn một cách bản năng dưới sự chỉ dẫn của sếp.
Còn nếu nhập vai vào anh xế 4, dù có xong việc được, nhưng cách làm đó sẽ không được đưa ra sử dụng thêm bất cứ lần nào nữa, vì rủi ro sẽ là những hệ quả không lường trước được ở lần lặp lại thứ hai. Lần đầu coi như trót lọt, lần sau thì không chắc.
Trong cuộc sống hay công việc, đâu đâu cũng tồn tại vấn đề. Mỗi vấn đề chúng ta gặp sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau. Với những trải nghiệm ở trên qua những chuyến xe ôm công nghệ, mình khắc sâu vào suy nghĩ việc sẽ cố gắng "động não" để có nhiều cách giải quyết, hướng đi cho công việc và sau đó chọn ra cách giải quyết tối ưu, mới mẻ và hiệu quả hơn thay vì chỉ đưa ra một lựa chọn theo lối mòn quen thuộc.
Đây là bài học mình đoán ai cũng đã từng nghe qua, nhưng thực sự để làm được không hề dễ. Tất cả phải có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: thời gian, kiến thức, kỹ năng, sự kiên trì và tìm tòi học hỏi.
"Way to go" nếu dịch nghĩa đen thì rõ là "con đường để đi", còn xét về nghĩa bóng thì sẽ mang hàm ý "chúng ta đã làm được một việc gì đó tốt", mình mong rằng mọi người sẽ có nhiều "con đường" để lựa chọn trong cuộc sống, và rồi sẽ chọn ra được con đường tốt nhất cho bản thân mình để dẫn lối đến thành quả đáng mong đợi nhất nhé.