Người vợ, có lẽ từ lâu trong tập quán sinh hoạt và lịch sử phát triển tư duy, vẫn thường bị gắn với một phạm trù thuộc phái yếu, nhân vật phụ trong mỗi gia đình Việt Nam. Nếu xét về phương diện quản lý, quản trị thì điều này cũng có thể coi là hợp lý. Gia đình giống như một bộ máy quản trị thu nhỏ. Chồng là trụ cột, là người đưa ra quyết định, lo việc đối ngoại, làm ăn. Vợ là người cố vấn, tư vấn và nhiều khi như một "gián quan" (chức quan duy nhất được gần vua và can vua khi có những quyết định sai lầm trong thời phong kiến ngày xưa). Nhưng trong thực tế, vì tư tưởng trọng nam khinh nữ từ lâu ăn sâu trong tiềm thức của các thế hệ mà cho đến ngày nay, người vợ trong gia đình vẫn chưa thể được đối xử một cách văn minh.
Ở đây không tranh luận văn minh là như thế nào, hay đặt câu hỏi ngược kiểu: "Ông đã làm được việc đối xử văn minh với vợ chưa mà nói". Chỉ xin chia sẻ một vài quan điểm cá nhân khi nói về người vợ như thế này. (Đây cũng là những điều đúc rút của bản thân khi tự soi lại mình):
Thứ nhất, vai trò của người vợ là rất quan trọng. Một cấu trúc của gia đình phải bao gồm có vợ, chồng và con cái. Cấu trúc này có đầy đủ mới có cơ sở tạo nên một tổ ấm hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế, đàn ông không nên nặng một tư tưởng là vợ chỉ là thứ yếu, làm nên trò trống gì hoặc vợ thì có cũng được, chả có cũng được, không ảnh hưởng gì đến bộ mặt và đối ngoại của gia đình. Nếu không có một gia đình hạnh phúc, một nền tảng gồm vợ và con cái, việc đối ngoại và hình ảnh của đàn ông khi ra ngoài chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. (Tất nhiên là trong điều kiện nói chung chứ không nói cá biệt).
Thứ hai, như các cụ đã dạy, chồng là giỏ vợ là hom. Thông thường người vợ trong gia đình sẽ làm tốt việc cân đối tài chính, chi tiêu trong gia đình hơn là đàn ông. Chính vì thế, hãy cứ tin tưởng mà giao trọng trách này cho người vợ. Tất nhiên, cần sự trao đổi và hiểu nhau từ hai phía cho những nhu cầu tài chính lớn.
Thứ ba, góc độ tình cảm và cũng là góc độ quan trọng. Việc gia đình có những lúc to tiếng, bất đồng quan điểm và cãi vã giữa hai vợ chồng là điều bình thường. "Chồng bát cũng có lúc xô". Vấn đề là cách giải toả và vượt qua rất cần cả hai phải nỗ lực. Với đàn ông, tôi vẫn thường khuyên mấy anh em thân tình, rằng hãy cố gắng tìm ra điểm đáng yêu nào đó của vợ mà nghĩ đến để giải toả những lúc cáu giận. Hãy nghĩ đến người đã từng bỏ cả một quãng tuổi xuân có quyền kiêu kỳ, có quyền lựa chọn trước những "vệ tinh" theo đuổi để về sống với mình trong một tổ ấm. Hãy nghĩ đến hình ảnh một người đã phải hi sinh những nét duyên dáng trời sinh của một người thiếu nữ để theo ta, trở thành mẹ của các con ta, để rồi nhan sắc phai tàn theo năm tháng. Sẵn sàng vì chồng vì con mà chẳng màng trang điểm, chẳng màng xấu đẹp, chỉ cốt lo sao con được yên giấc ngủ, phát triển tự nhiên và chồng được thảnh thơi mà yên tâm với công việc xã hội. Hoặc không thì hãy nghĩ về những điểm ngây ngô, những sự thật thà hay những hành động, những biểu cảm thú vị nào đó của vợ, căng thẳng và cáu giận sẽ qua.
Vợ là người đầu gối tay ấp, là người dưng khác họ nhưng lại là người chia sẻ với ta trên cả đoạn đường đời từ lúc trưởng thành đến khi về già. Tôi vẫn thường tâm sự với bạn mình: bố mẹ ta dù có yêu thương đến mấy, dù có tình cảm đến mấy thì vẫn phải đến lúc ta tự lập, sống một cuộc sống riêng. Con cái ta dù ngoan như một thiên thần, dù yêu thương hiếu đễ với cha mẹ đến mấy thì rồi cũng phải đến lúc chúng có tổ ấm riêng, một mái nhà riêng nơi chúng dựng xây hạnh phúc với vợ, với chồng. Người đi với ta đến già đó là người vợ. Bạn bè đồng nghiệp có quý mến, anh chị em có yêu thương cũng không thể thay được vợ chăm sóc ta lúc hoạn nạn, ốm đau. Chỉ có vợ là người tảo tần mà âm thầm quan tâm, lo lắng cho ta, kể cả những khi ta sa cơ lỡ bước.
 Xin được bày tỏ lòng tri ân tới các bà vợ đang ngày đêm âm thầm hi sinh vì chồng con, vì một mục tiêu chung là vun trồng và đắp xây hạnh phúc!!!
Hình ảnh vẫn  là chỉ mang tính minh họa