điều bạn cần làm ở trường đại là rèn luyện khả năng tự học(làm sao bạn có thể hiểu được 1 môn học), tự xây được 1 thế giới quan vững chắc cho tương lai bằng cách tự trả lời các câu hỏi cho bản thân mình và hướng đi trong tương lai, cũng là nhân cách mà bạn chọn, cách mà bạn đối nhân xử thế, lí tưởng giá trị mà bạn hướng tới, mục tiêu con đường mà bạn hướng tới, thói quen, chuẩn bị tri thức để bước ra đời, điều quan trọng không kém là thay đổi những gì có thể thay đổi, hãy chứng bạn là con người có thể đào tạo(hãy dạy cho tôi đi hãy giao nhiệm vụ cho tôi và tôi sẽ hoàn tất nó). bạn muốn sống đơn độc hay xã hội nhiều mối quan hệ, bạn muốn giàu đến mức nào, bạn muốn lấy vợ hay không lấy vợ, điều gì khiến bạn hạnh phúc trong cuộc sống    nói chung lại đại học không chỉ là nơi học kiến thức mà là nơi để bạn xác định người mà bạn sẽ trở thành trong tương lai, biết sống biết đối nhân xử thế để không tách rời với xã hội và bạn cũng nên hiểu rằng không chỗ nào chấp nhận 1 người không biết điều không biết cách giao tiếp, bạn phải biết rõ ngành học mà mình yêu thích mong muốn bằng cách thử và cố gắng hết sức xem đó có phải ngành học mà bạn yêu thích hay ko những điều quan trọng lại không có ai nói cho chúng ta biết
Trên cơ sở khái quát những đặc điểm của nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay, bài viết phân tích vai trò của triết học Mác - Lênin trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam trên 3 lát cắt chủ yếu sau: 1) Xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng - yếu tố quan trọng trong nhân cách sinh viên; 2) Xây dựng nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa; 3) Xây dựng lý tưởng cộng sản cho mỗi sinh viên. Bài viết của PGS,TS Hoàng Anh, Trưởng Ban Khoa Học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Khi bàn về sự cần thiết của việc giảng dạy triết học cho sinh viên, một số ý kiến cho rằng, đào tạo đại học là đào tạo nghề, đào tạo các chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân nên chỉ cần giảng dạy các môn học chuyên ngành là đủ. Luận điểm này thoạt nghe dường như có lý, nhưng thực ra là sai lầm. Thực tế cho thấy, Nhà nước không đơn giản chỉ cần đến những chuyên gia, mà hơn hết là cần những công dân có trách nhiệm với tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước. Để giáo dục ý thức công dân thì cần có triết học và các môn khoa học xã hội, nhân văn khác. Lịch sử Tổ quốc hướng mỗi người ý thức về cội nguồn của mình trong một cộng đồng dân tộc xác định, vị trí của thế hệ mình trong dãy những thế hệ thay thế lẫn nhau, hiểu được tính đặc thù và độc đáo của thời đại.
Sinh viên ở các thời đại khác nhau và ở các nước khác nhau đều thường đi tiên phong trong các phong trào và các tiến trình chính trị. Triết học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan, hệ thống giá trị văn hóa nhân văn cho sinh viên, nó như “la bàn” giúp họ định hướng tính tích cực xã hội và chính trị của mình vào mục đích xây dựng, sáng tạo. Triết học đem lại cho sinh viên tri thức về các mối quan hệ xã hội, về bản chất, chức năng của nhà nước và của pháp luật, về mục đích tồn tại của con người, về cái thiện và cái ác, về mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước và xã hội, về tự do và trách nhiệm. Vì vậy, triết học có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên.
1. Sinh viên Việt Nam hiện nay là một bộ phận thanh niên đã được tuyển chọn qua các kỳ thi quốc gia và được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng. Họ là lớp người đang trưởng thành, đang chuẩn bị hành trang nghề nghiệp cần thiết và chín muồi về nhân cách. Là bộ phận dân cư có tuổi đời trẻ chủ yếu khoảng từ 18 - 23, sinh viên được xã hội đào tạo theo hệ thống cơ bản để trở thành những nhà quản lý xã hội, lực lượng sản xuất hiện đại và quan trọng trong tương lai. Với tư cách bộ phận xã hội đặc thù, sinh viên có những đặc điểm riêng. Một là, số lượng sinh viên thay đổi từng năm, tùy thuộc vào quá trình tuyển sinh và theo xu hướng tăng dần. Hai là, sinh viên là đội dự bị trí thức tương lai. Vì vậy, họ mang trong mình những đặc điểm của tầng lớp trí thức, như có khả năng lĩnh hội và sáng tạo tri thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ, khá nhạy cảm với những vấn đề chính trị - xã hội... Họ là nhóm xã hội dễ tiếp thu tư tưởng mới (kể cả tích cực lẫn tiêu cực). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ”(1). Vì vậy, các lực lượng xã hội khác nhau, các đảng phái khác nhau đều tìm cách lôi kéo sinh viên, mong muốn sự ủng hộ từ phía họ cho các hoạt động của mình. Ba là, sinh viên chưa có một “vị trí thực” trong cơ cấu nghề nghiệp cũng như trong xã hội. Bởi lẽ, họ chưa có một nghề nghiệp ổn định, chưa có một vị trí riêng trong quá trình sản xuất của nền sản xuất xã hội. Hoạt động chủ yếu nhất của họ là hoạt động học tập và bước đầu tham gia nghiên cứu khoa học, nắm vững một lĩnh vực tri thức
 nghề nghiệp nhất định để sau này trở thành chuyên gia của nghề nghiệp đó.
Tóm lại, sinh viên có vị trí "song hành", vị trí "kép" trong xã hội. Một mặt, họ là những thanh niên sinh viên đang dần hoàn thiện nhân cách, là lực lượng sản xuất hiện đại, người chủ của đất nước trong tương lai. Mặt khác, họ là nguồn lực cơ bản để bổ sung vào đội ngũ trí thức trong tương lai. Họ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao đầy tiềm năng sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ để góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.([1])
Mỗi cá nhân ở những địa vị xã hội khác nhau đều có sự thể hiện nhân cách đặc trưng phù hợp với vị thế xã hội của mình. Ví dụ, nhân cách người cán bộ lãnh đạo, nhân cách người giáo viên... Sinh viên - một bộ phận xã hội đặc thù cũng có phương diện thể hiện tính đặc thù trong nhân cách của mình. Nhân cách sinh viên là trường hợp cụ thể của nhân cách, là hình thức biểu hiện tính Người ở một tầng lớp xã hội đặc biệt. Có thể hiểu nhân cách sinh viên là tổng thể những phẩm chất đạo đức và tài năng, thể chất và tinh thần được hình thành một cách lịch sử - cụ thể, qui định giá trị và những hành vi xã hội của sinh viên, được thể hiện, thực hiện trong hoạt động học tập, hoạt động giao tiếp, ứng xử, hoạt động xã hội của cá nhân mỗi sinh viên.
Nhân cách sinh viên Việt Nam trong điều kiện hiện nay, ngoài những đặc điểm chung của nhân cách, thì còn có những biểu hiện riêng về phẩm chất đạo đức và năng lực, như sinh viên hiện nay năng động, sáng tạo và thực tế hơn. So với các thế hệ sinh viên trước đổi mới, sinh viên hiện nay có tính thực tế cao. Chọn ngành học là biểu hiện đầu tiên của tính thực tế. Họ tập trung nhất vào những ngành học mà ra trường có thể xin việc được ngay vì xã hội đang cần, những nghề có thu nhập cao, chỉ số ít sinh viên chọn nghề theo mơ ước.
Sinh viên hiện nay rất năng động. Họ năng động trong phương thức tiếp nhận tri thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính là học tập; năng động trong quá trình tham gia vào hoạt động xã hội: Làm thêm dưới nhiều hình thức thời gian (nửa ngày, vài ngày trong một tuần, buổi tối), phong phú về nghề (làm gia sư, bán hàng, giúp việc nhà...). Một số sinh viên có tham vọng trở thành những nhà kinh doanh giỏi đã mở cửa hàng kinh doanh thể hiện tính chủ động, sáng tạo cao trong công việc của mình.
Tính sáng tạo của sinh viên được thể hiện ở việc rất nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia, giải thưởng Tài năng trẻ Việt Nam hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức...
Sinh viên hiện nay đề cao vai trò cá nhân: Kinh tế thị trường có tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay. Sinh viên luôn có ý thức cao việc khẳng định nhân cách bằng cách trau dồi kiến thức chuyên môn, khẳng định vị trí của mình trước xã hội. Đồng thời, họ thể hiện rõ vai trò cá nhân, lợi ích cá nhân trong hành động. Lợi ích chung và sự quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh dường như bị lấn át bởi việc thực hiện những lợi ích riêng, nhu cầu cá nhân ở một bộ phận sinh viên.
Sinh viên xác định rõ phương pháp thực hiện lý tưởng của mình: Lý tưởng cao cả của sinh viên Việt Nam hiện nay là giữ vững nền độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Trong đó, đạo đức cộng sản là yếu tố cấu thành quan trọng nên lý tưởng của sinh viên. Khẳng định điều này vì đạo đức là thành phần đặc biệt trong nhân cách của sinh viên, cái để phân biệt sự khác nhau giữa nhân cách này với nhân cách khác xuất phát từ điểm gốc là "đức" trong mỗi con người.
Trong thời đại hiện nay, mỗi sinh viên hiểu rằng, sống có lý tưởng trước hết phải trân trọng và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, bởi đó là thành quả được đổi bằng biết bao mồ hôi và xương máu của các thế hệ cha ông trong dựng nước và giữ nước. Thứ hai, sinh viên phải dốc lòng học tập, rèn luyện để góp sức mình thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến những bước vững chắc trong quá trình hội nhập, phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Họ hiểu muốn củng cố và bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc chỉ có một con đường duy nhất đúng là đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng của sinh viên được biểu hiện rõ nhất ở khát vọng học tập, nghiên cứu, ở sự nỗ lực, chuyên cần, sáng tạo trong học tập nhằm nắm vững những tri thức vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học - công nghệ, nhanh chóng hội nhập với xu thế phát triển của nền văn minh nhân loại. Bởi vì, trong xu thế phát triển hiện nay, dân tộc nào vươn lên đến đỉnh cao trí tuệ thì dân tộc đó sẽ chiến thắng. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"(2).
2. Khi nghiên cứu tính quy luật của sự hình thành nhân cách, nhân cách sinh viên, chúng ta thấy rằng nhân cách chỉ được hình thành và phát triển cùng với quá trình giáo dục và tự giáo dục, quá trình giao tiếp, quá trình hoạt động thực tiễn bộc lộ những "phẩm chất người" của mỗi con người..; trong đó, giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục triết học Mác - Lênin cho sinh viên là một yếu tố hợp thành quan trọng của nền giáo dục đại học nước ta hướng đến việc xây dựng những thế hệ sinh viên có nhân cách trong sáng, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Cơ sở để khẳng định điều đó là:
Thứ nhất, giáo dục triết học Mác - Lênin trong trường đại học nhằm góp phần hình thành thế giới quan khoa học trong nhân cách sinh viên Việt Nam
Giáo dục triết học Mác - Lênin trước hết là giáo dục những nguyên lý, phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm xây dựng lập trường thế giới quan cho sinh viên. Đó chính là thế giới quan duy vật biện chứng - nền tảng để sinh viên nhận thức và tiếp thu những nguyên lý, quy luật khác. Thế giới quan là toàn bộ hệ thống tri thức, những quan niệm của con người về thế giới và về vị trí của chính con người trong thế giới đó. Là một hệ thống tri thức, quan niệm về thế giới nhưng thế giới quan được hiểu là kết quả của quá trình nhận thức đặc thù của con người, chứ không phải là phép cộng giản đơn tổng số các tri thức khoa học cụ thể.([2])
Việc giáo dục triết học Mác - Lênin trong các trường đại học có vị trí đặc biệt quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển thế giới quan khoa học - thế giới quan duy vật biện chứng của sinh viên. Bởi lẽ, triết học Mác - Lênin nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy, nó cung cấp cho con người một cách nhìn khoa học đối với hiện thực khách quan và khẳng định vai trò, vị trí của con người trong hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới. Từ đó, giúp họ có thái độ đúng đắn, khoa học đối với hiện thực, có phương hướng chính trị vững vàng, có khả năng nhận biết, phân tích và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn xã hội trên tinh thần thế giới quan Mác - Lênin.
Với tư cách một hệ thống lý luận, một học thuyết, triết học Mác - Lênin đã lý giải một cách khoa học nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó. Như vậy, triết học Mác - Lênin đóng vai trò là cơ sở lý luận, là "hạt nhân" của thế giới quan. Gọi là "hạt nhân" của thế giới quan, bởi vì ngoài triết học Mác - Lênin, thế giới quan Mác - Lênin còn có các quan điểm về chính trị, kinh tế, đạo đức, luật pháp, thẩm mỹ... Song, tất cả các quan điểm trên đều được xây dựng trên nền tảng khoa học của triết học Mác - Lênin. Quan điểm và niềm tin khoa học của triết học Mác - Lênin đã tạo dựng cơ sở nền tảng cho toàn bộ hệ thống thế giới quan Mác - Lênin. Triết học đã lý giải về mặt lý luận toàn bộ các dữ kiện của hiện thực khách quan và hoạt động thực tiễn của con người một cách lịch sử - cụ thể và khoa học nhất. Vấn đề cơ bản của triết học, như Ph.Ăngghen đã nói, là vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Việc con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không cũng là những vấn đề của thế giới quan. Thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà cốt lõi là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, là hệ thống lý luận khoa học và cách mạng; nó đã, đang và sẽ là một công cụ tư duy quan trọng nhất định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta nói chung và sinh viên nói riêng trong hoạt động nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, xây dựng và phát triển thế giới quan Mác - Lênin chính là nhân tố đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách nói chung và nhân cách sinh viên Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, thế giới quan khoa học không hình thành một cách tự động, tức cứ trang bị tri thức là có thế giới quan; trái lại, đó còn phải là quá trình chuyển tri thức thành niềm tin khoa học trong mỗi sinh viên. Cơ sở để hình thành và phát triển thế giới quan là những nhận thức về tự nhiên và xã hội, là kết quả của quá trình giáo dục và những kinh nghiệm được tích lũy trong thực tiễn của sinh viên. Đó chính là quá trình hình thành và phát triển các quan điểm, quan niệm, niềm tin về vai trò và khả năng của con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Nói cách khác, tri thức, niềm tin, lý tưởng và tình cảm là những yếu tố cơ bản nhất cấu thành nên thế giới quan. Trong đó, tri thức tự nó chưa thể trở thành thế giới quan. Nó chỉ gia nhập thế giới quan khi trở thành niềm tin trong mỗi người. Nhờ có niềm tin, tri thức mới trở thành cơ sở cho hành động của mỗi người. Khi biến thành niềm tin, tri thức đóng vai trò động cơ, động lực tinh thần cho hoạt động của con người, giúp con người xác định lý tưởng sống. Đạt đến "độ" này, mỗi sinh viên thể hiện trình độ sâu sắc trong nhận thức và tri thức, hình thành thế giới quan và khi đó, thế giới quan trở thành nhân tố định hướng quan trọng trong mọi hoạt động nhận thức và thực tiễn.
Thứ hai, giáo dục triết học Mác - Lênin còn góp phần xây dựng nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa cho sinh viên, xây dựng trong họ những quan niệm đúng đắn về cuộc đời, về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Cụ thể là, triết học Mác - Lênin giúp sinh viên hiểu đư­­ợc mục đích cao nhất của con người là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; trong đó, mọi ng­ười đều có một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Đó là một xã hội mà "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi ng­ười".
Giáo dục triết học Mác - Lênin sẽ góp phần từng bước xây dựng và bồi dưỡng nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa cho sinh viên thông qua việc trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về lý luận cách mạng xã hội, về bản chất và chức năng của nhà nước, về con người và các quan hệ xã hội của con người, về giai cấp, dân tộc, về xu hướng phát triển tất yếu của xã hội... Đồng thời, từng bước xây dựng cho sinh viên cách nhìn, lối sống cũng như cách vận dụng những định hướng giá trị xã hội đã được nhận thức vào thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn, từ tri thức về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và t­ư duy, cung cấp cho sinh viên một cách nhìn khoa học đối với hiện thực khách quan và khẳng định vai trò, vị trí của con ng­ười trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Hoặc là, khi phân tích kết cấu của mỗi hình thái kinh tế - xã hội, với tất cả các quy luật tác động và chi phối nó, C.Mác đã kết luận: Sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên. Chính những kết luận như vậy tự nó đã mang đến cho mỗi sinh viên một niềm tin vào sự phát triển. Từ đó giúp họ có thái độ đúng đắn, khoa học đối với hiện thực cũng như khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trên tinh thần thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng. Điều này tạo ra trong mỗi sinh viên thái độ lạc quan cách mạng để vượt qua những thử thách, cam go trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. ở đây, với những tri thức được học, sinh viên sẽ hiểu rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học được xây dựng trên cơ sở kế thừa một cách chọn lọc những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội của nhân loại trong lịch sử và được phát triển một cách khoa học lên tầm cao mới, đáp ứng đúng quy luật phát triển của xã hội. Và Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào thực tiễn n­ước ta để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Khi nhận thức rõ vấn đề đó, sinh viên sẽ tự nguyện, tự giác sống theo quan điểm sống của nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa như­ là một sự thôi thúc nội tâm. Mặt khác, việc giáo dục triết học Mác - Lênin còn giúp sinh viên có năng lực nhận diện rõ và đấu tranh chống lại những quan điểm trái với những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học, trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống lại chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa giáo điều, đứng vững trong cuộc đấu tranh phòng chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Chủ nghĩa Mác - Lênin thực chất là học thuyết về con người và giải phóng con người. Học thuyết Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin nói riêng trang bị cho sinh viên một nhân sinh quan khoa học và nhân đạo, chỉ ra mục đích cao cả nhất của cuộc sống là vì con ng­ười và vì sự nghiệp giải phóng con người. Mỗi con người chỉ đạt được lợi ích, nhu cầu cá nhân cao nhất khi nhận thức đúng đắn và tự nguyện, tự giác thực hiện lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc mình. Nhân cách chỉ đư­ợc hình thành và phát triển khi giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, hạnh phúc của mỗi cá nhân chỉ đ­ược đảm bảo và thực hiện khi hạnh phúc của toàn thể xã hội được đảm bảo, được thực hiện. Mỗi cá nhân chỉ đ­ược giải phóng khi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại được thực hiện. Qua việc thẩm thấu những tri thức này, mỗi sinh viên tự nguyện hướng đến lẽ sống cao đẹp "mình vì mọi ng­ười và mọi người vì mình".
Thứ ba, giáo dục triết học Mác - Lênin góp phần xây dựng lý tưởng cộng sản cho các thế hệ sinh viên Việt Nam. Lý tưởng giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách sinh viên, vì lý tưởng là mục đích cao nhất, đẹp nhất, tạo ra nghị lực giúp con người vượt qua mọi thách thức đạt đến mục tiêu đề ra. Mục tiêu cao nhất mà lý tưởng cộng sản hướng tới là xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp: Xã hội xã hội chủ nghĩa và sau này là xã hội cộng sản chủ nghĩa. ở đó, con người được tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Sinh viên khi tiếp nhận những tri thức khoa học Mác - Lênin sẽ tìm kiếm được sức mạnh từ chính bản thân tri thức ấy để tự mình vươn lên, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Có niềm tin, có hoài bão, sinh viên tất có ý chí thực hiện lý tưởng. Việc thực hiện lý tưởng không phải trừu tượng, xa vời, mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường họ cần xác lập ý chí học tập để sau này góp phần xây dựng Tổ quốc. Đồng thời, họ cần có tinh thần đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận sinh viên sống thiếu trách nhiệm, mất phương hướng, lòng tin, lý tưởng sa đà vào cuộc sống hưởng thụ, thực dụng chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình, vô cảm với lợi ích của đồng loại, của dân tộc.
Sự hình thành và phát triển nhân cách  sinh viên Việt Nam hiện nay dưới tác động của giáo dục triết học Mác - Lênin cũng chính là quá trình hình thành ở họ những phẩm chất cần thiết, thể hiện sự tri thức hóa, sự trưởng thành đến độ nhất định về mặt xã hội, giúp sinh viên nâng cao nhận thức lý luận, ý thức chính trị, nhạy bén với thực tiễn, xử lý tốt các tình huống xảy ra trong thực tiễn, sống có lý tưởng, có ước mơ để học tập, phấn đấu và cống hiến. Trong cuộc sống con người không thể sống mà thiếu lý tưởng phấn đấu. Lý tưởng là sự thôi thúc nội tâm giúp con người hành động để thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích của cá nhân và xã hội. Vì vậy, giáo dục triết học Mác - Lênin nhằm từng bước xây dựng lý tưởng cách mạng cho sinh viên là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đó cũng chính là giá trị đạo đức của từng cá nhân sinh viên mang nhân cách, là mục tiêu phấn đấu của mỗi sinh viên. Đạt đến mục tiêu này, giáo dục triết học Mác - Lênin hoàn toàn khẳng định vai trò quan trọng và quyết định của mình trong cuộc đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện về suy thoái đạo đức, nhân cách của sinh viên trước những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay.