Sau thắng lợi vất vả, và phần nào đó, là một chút may mắn trước các cầu thủ Indonesia, người hâm mộ nước nhà lại một lần nữa lo lắng, về cánh cửa bước vào vòng chung kết U23 Châu Á diễn ra vào năm sau, của các "chiến binh sao Vàng".
Và "người giữ cửa", đáng buồn thay (và cũng đáng may mắn thay), là đội tuyển Thái Lan, hai từ mà chỉ cần nhắc đến thôi, là biết bao kỉ niệm đẹp, cũng như những lần phải ôm hận trong quá khứ, lại ùa về.
Đến mức mà, có nhiều người nghĩ rằng, một kết quả hoà và chờ đợi các bảng đấu còn lại là mục tiêu khả dĩ nhất của đội tuyển.
Và chúng ta đã chứng kiến điều gì, vào tối qua, tại sân Mỹ Đình?
Những người hùng, hay những pha xử lí đẹp, chắc hẳn không cần phải nhắc lại. Vì đã có quá nhiều bài viết, quá nhiều tờ báo đăng tin rồi.
Nhưng chúng ta hãy thử ngừng lại, và suy nghĩ một chút về câu hỏi sau: 
Nếu đối thủ hôm qua không phải là Thái Lan, liệu chúng ta có vui mừng đến thế? 
Thái Lan, từ trước đến nay, luôn được coi (hoặc giả dụ, báo chí và người hâm mộ nước nhà) coi là "khắc tinh" của đội tuyển Việt Nam. Chắc là vì những thất bại cay đắng trong quá khứ, và vì Thái Lan đã lên đỉnh khu vực quá nhiều lần.
Còn chúng ta, vẫn luôn đổ cho "tâm lý cầu thủ", mỗi khi thất bại trước Thái Lan.
Chắc là do về chuyên môn, chúng ta hơn họ, nhưng cái "tâm lý" trước trận đấu, đã khiến chúng ta thua họ?
Mình không nghĩ vậy, dù "tâm lý" đúng là một phần quan trọng trong bóng đá.
Nếu nhìn vào các cấp độ đội tuyển của Thái Lan, chúng ta có thể thấy hai lối đá chính: trước đây là sử dụng tốc độ và sức mạnh của các cầu thủ, đặc biệt là ở hàng tiền vệ; và từ khi Kiatisak lên nắm quyền, là lối đá nhanh, sử dụng nhiều tình huống phối hợp bộ ba, cùng với khả năng kỹ thuật nhằm tạo đột biến của một vài cầu thủ.
Bóng đá Việt Nam, về mặt lối chơi cơ bản, luôn có một sự tương đồng nhất định với Thái Lan. Nhưng đáng buồn là, nước bạn luôn làm tốt hơn nước ta.
Trận đấu ngày hôm qua, Thái Lan đã chơi tốt, cho đến khi tấm thẻ đỏ xuất hiện, từ một tình huống thể hiện rất rõ sự bất ổn định của các đội tuyển trẻ: một cầu thủ Thái Lan đánh nguội ngay trước mặt trọng tài.
Không phải chê đội tuyển Việt Nam, nhưng rõ ràng, tỉ số 4 - 0, một phần lớn đến từ tấm thẻ đỏ, và nói rộng ra, là sự bất ổn định của các cầu thủ trẻ.
Nếu chúng ta vui mừng, vì trận thắng này giúp đội tuyển có mặt tại VCK U23 Châu Á năm sau, điều đó hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng tại sao, chúng ta cứ phải nhai đi nhai lại cụm từ "trận thắng đậm nhất trong lịch sử trước Thái Lan", khi có hai điều rất rõ ràng: một, đây là một trận đấu ở cấp độ trẻ; và hai, tỉ số đó không tỉ lệ thuận với sự chênh lệch trình độ giữa hai đội.

"Vlogger" Minh Hải, trong buổi họp báo sau trận đấu, đã hỏi HLV tuyển U23 Thái Lan: "Sau thất bại với tỉ số 0 - 4, là thất bại đậm nhất trong lịch sử của hai nền bóng đá, thì ông sẽ về báo cáo với các quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Thái Lan như thế nào?"
Câu hỏi này, theo mình, thể hiện tư duy "giải trình", "báo cáo", một thứ tư duy đã ăn sâu trong tiềm thức của một thế hệ những người "làm bóng đá".
Thất bại là một chuyện rất bình thường trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung.
Vấn đề là, rút ra được điều gì sau những thất bại, và tìm ra những cách gì để tránh những thất bại như vậy lặp lại trong tương lai, chứ không phải cứ mãi phân tích sai lầm trong quá khứ.
Và, hơn hết, báo cáo như thế nào là việc của HLV nước bạn, báo chí Việt Nam không có quyền, và cũng không cần, phải quan tâm.

Trả lời phỏng vấn sau trận đấu, Quang Hải đã nói một câu, làm mình cảm thấy rất ấn tượng:
"Toàn đội đã chuẩn bị rất kỹ cho trận đấu này, nên chiến thắng này không có gì quá bất ngờ"
Đó, mới là tư duy của một cầu thủ, một nền bóng đá hiện đại. Và tư duy ấy, một phần nào, đã được thể hiện trên thảm cỏ Mỹ Đình vào tối qua.
Đó là thứ tư duy mà người hâm mộ Việt Nam nên nhắm tới: "Nếu chuẩn bị kỹ càng, chiến thắng, chúng ta có thể vượt qua mọi đối thủ, một cách không-hề-bất-ngờ".
Chứ không phải, cứ ôm lấy mãi bài ca "trận thắng đậm nhất".