Vài suy nghĩ sau khi đọc “Nếp cũ” của Toan Ánh
Đầu xuân năm mới, mình tìm đọc một cuốn sách về những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc. ...
Cây có gốc mới nở nhành sinh ngọn Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu Người ta nguồn gốc từ đâu? Có tổ tiên trước rồi sau có mình
Đầu xuân năm mới, mình tìm đọc một cuốn sách về những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc.
“Nếp cũ” là một tổng hợp những nghiên cứu của tác giả Toan Ánh - về quan hệ gia đình, các truyền thống lễ hội, và cả những nếp sống rất xưa cũ như xây dựng nhà cửa của người xưa.

Phụ trách ảnh: Phạm Google
1. Điều đầu tiên khiến mình ấn tượng là chữ lễ, thứ có lẽ là quan trọng nhất trong Tết nhất của người xưa. Sách viết:
Dân ta thờ phụng tổ tiên. Người ta thờ phụng tổ tiên nhà mình, lại tôn trọng cả tổ tiên người khác. Nhân ngày Tết, người ta đến nhà nhau, trước là để lễ Tết, sau là để chúc tụng lẫn nhau. Đi lễ Tết không như ngày nay đi chúc Tết ở thành thị. Ở thành thị, bây giờ người ta đến chúc Tết nhau vì xã giao, còn xưa kia, mục đích chính của việc đi chúc Tết là lễ Tết trước rồi mới chúc Tết sau. Đừng ai tưởng đi lễ Tết như vậy là nhẹ nhàng. Rất mệt. Thuở xưa đến mỗi nhà phải trước bàn thờ bốn lễ, ba vái, phải lên gối, xuống gối cúi đầu…
Đọc xong mà cảm nhận khá rõ rằng cái tinh thần đơn giản hóa của chúng ta ngày nay dường như đã làm mất đi hoàn toàn cái ý nghĩa cốt lõi ấy của Tết xưa. Giờ chúc Tết phần nhiều là xã giao, hình thức, hay một dịp để khoe khoang của cải mà thôi.
2. Đồng thời, mình cũng thực sự tâm đắc với cái tục lệ cũ, đó là chỉ đặt tên con khi nó đủ tuổi suy nghĩ, từ đó mà thể hiện rằng nó vui vẻ chấp nhận cái tên ấy.
Càng sống, chẳng hiểu sao mình càng thấy sự quan trọng của cái tên, và việc cha mẹ tự ý đặt mà không có sự đồng thuận của người con là một điều mình vẫn cứ lăn tăn mãi.
Khi ông Nhiệm lên sáu tuổi, ông Ngô Thì Sĩ mới hỏi ý ông muốn lấy tên gì. Ông Nhiệm đã thưa: - Thưa cha, con xin phép cha cho con ghép vào tên húy của cha (chữ Sĩ), một chấm phảy để làm tên con; chữ Nhiệm. Nhiệm là gánh vác, ý cậu bé muốn mai sau gánh vác một phần trách nhiệm của nước nhà.
Ý mình là, mình biết rõ luật Việt Nam không hề cấm bạn đổi tên khi đã trưởng thành. Tuy nhiên không hiểu sao mình thấy khá là trân trọng cái cách mà cha mẹ bàn bạc với người con về cái tên, đồng thuận cả gia đình để có một lựa chọn cuối cùng đẹp lòng tất cả.
3. Và cuối cùng, đó là cái quyền lực được khắt khe, được đe nẹt của thầy đồ.
Để giữ cho đứa trẻ khỏi hư thân lười biếng, luôn luôn ông đồ có ngọn roi mây ở lớp học. Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn! Ông đồ khỏe đánh học trò cũng là một ông đồ giỏi. Đứa trẻ trước ngọn roi mây cũng phải ngoan ngoãn chăm chỉ. ... Ta lại nói nghiêm sư tác thành, ông thầy nghiêm làm cho ta nên người. Vị tôn sư phải đức nghiêm làm đầu, và có nghiêm mới có uy tín đối với học trò.
Đúng là cái gì cũng có mặt xấu mặt tốt của nó. Nhưng có vẻ việc cha mẹ bảo vệ con cái một cách thái quá như bây giờ, nó khiến mình cảm thấy đạo đức học đường chỉ xấu đi chứ không tốt đẹp gì lên cả…
Có lẽ vì, người thầy có tâm, có học thức thật sự, mình tin sẽ rất ít dùng roi vọt, mà chỉ để đấy để đe, để dọa là chính mà thôi. Chỉ có những tội lỗi nặng như ăn cắp vặt, hay đánh bạn, thì lúc đó thầy mới bắt buộc phải dùng đến nó. Nhưng nếu không có roi vọt để đe dọa, với bản tính ham chơi của trẻ, thì sẽ rất khó để uốn nắn, để chúng học được những lễ nghĩa làm người (thứ mình nghĩ quan trọng hơn là kiến thức, nhưng đáng buồn là lại ngày càng ít được dạy hơn trên trường lớp).

Như quả cán chổi này, không phải dọa là chính thì là gì. Nhìn đã hết muốn quậy luôn :)) Nguồn ảnh: Phạm Google.
Kết:
Thực ra sách cũng liệt kê rất nhiều những hủ tục của thời xưa, ví như: “Con hay ốm đau, nhờ người bế con chui qua chiếc quan tài trong một đám tang người chết già để cho con khỏi bệnh, sống lâu” chẳng hạn.
Tuy nhiên, trong những phong tục xưa cũ ấy vẫn còn rất nhiều những sáng suốt, thông thái, và những truyền thống lễ nghĩa tốt đẹp với tổ tiên mà giờ càng ngày càng mai một dần.
P.s. Mình thực sự rất mong có thể trở thành một người viết bán thời gian (hoặc, nếu có thể, là toàn thời gian trong tương lai)
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy những bài viết này có giá trị, mình sẽ rất trân trọng nếu bạn có thể ủng hộ mình tại:
Số TK: 000003704782 Ngân hàng: Vietbank Chủ TK: Lương Minh Hoàng

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
Vào những năm 90, trừng phạt thể chất phổ biến ở Nhật Bản, thầy giáo lăm lăm thanh kiếm tre-có thể giáng xuống học sinh bất cứ khi nào họ khó chịu. Nhưng cũng vào thời kỳ đó, các băng nhóm côn đồ thiếu niên ("yankee") mọc lên khắp nơi, đua xe, đánh lộn,.. làm đủ thứ trên đời. Đến 10 năm trở lại đây, roi vọt bị cấm, thì các băng nhóm cũng dần suy tàn.
Hẳn nhiên, tương quan không phải là nhân quả, các băng nhóm xuất hiện không phải vì roi vọt mà bởi đó là thời kỳ rối ren, con người mắc kẹt giữa cũ và mới. Tuy nhiên, điều này cũng chứng minh bạo lực không thể trấn áp xã hội.
Với kinh nghiệm của em thì roi vọt không có tác dụng giáo dục cho lắm. Em đã chứng kiến nó hồi lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Lớp 1 2 còn sợ, chứ lớp 6 chỉ coi đó như trò đùa thôi. Thực tế, các hình phạt hiện nay như nhắc nhở, bắt đứng, đuổi ra khỏi lớp... đã đủ cảnh cáo học sinh bình thường rồi, còn đứa nào đã cứng thì đánh nó cũng kệ à.
Hiện nay, quan hệ xã hội thay đổi, nét đẹp truyền thống đang dần mất đi. Người thầy, trước kia chỉ đứng sau vua (trong Quân-Sư-Phụ), giờ đây hạn chế và giám sát bởi đủ loại người. Hẳn ta sẽ thấy ít đi những thầy cô giáo hết mình vì học sinh, nhiều lên những mối quan hệ xa lạ kiểu 'công việc'. Em buồn vì điều ấy, nhưng em nghĩ đó là cần thiết để xã hội phát triển và tìm ra những nét đẹp mới <3