Sau gần hai tháng tạm nghỉ, guồng quay CS:GO thế giới quay trở lại với DreamHack Masters tổ chức trên đất Marseille. Astralis lên ngôi vô địch để khiến cả thế giới phải kiêng dè, nhưng tất nhiên trên đất Pháp thì vẫn còn nhiều chuyện khác đáng để nói ra.
1) #free_s1mple
Gương mặt "hạnh phúc" khi nhận danh hiệu MVP (Credit ảnh: HLTV.org)
So sánh với hồi mình chửi sml Ruồi Vàng tầm hai tháng trước, đã có gì thay đổi?
Đúng là electronic đã thể hiện phong độ hơn hẳn so với trước đây.
Đúng là Na`Vi đã bắn ổn hơn nếu tính trên phương diện “team”.
Đúng là các cá nhân còn lại đã bớt mắc lỗi xử lí hơn.
Nhưng cuối cùng, Na`Vi vẫn chỉ có thể sống được nhờ hơi thở của s1mple.
flamie từ khi nhường lại đất diễn cho electronic chưa thể hiện được năng lực của một rifler/second AWPer đáng để trông cậy vào.
Edward vẫn biểu diễn những pha đẩy láo, overpeek hay xử lí ngu đần chả hiểu ở đâu ra (cứ xem lại mấy round CT nuke hiếm hoi với Astralis là sẽ thấy).
Zeus muôn đời vẫn là Zeus, tự anh xách AK đi hiên ngang chết chay trong khi s1mple phải mang DE hoặc UMP45 đi bắn.
Player xuất sắc nhất thế giới phải cầm UMP - chuyện chỉ có ở Na`Vi (Credit ảnh: HLTV.org)
Bản thân Na`Vi vẫn phụ thuộc vào force buy và bắn nhanh nhiều, và khi mà nó không thành công thì những bài bắn chậm hoặc cách họ đếm tiền mua súng lập tức trở nên cực kỳ hỗn loạn và vớ vẩn.
Không phủ nhận s1mple là player xuất sắc nhất thế giới, nhưng anh vẫn chỉ là con người, và khả năng của anh cũng có giới hạn của nó. Liệu anh còn phải làm thêm cái gì nữa thì mới được ban tặng một chức vô địch xứng với tầm vóc bản thân?
2) Tactical CS lên ngôi
Chức vô địch đầu tiên sau một năm trời chờ đợi của Astralis (Credit ảnh: HLTV.org)
Phải xem tận mắt thì mới thấy được sức mạnh đáng sợ mà Astralis thể hiện ở kỳ DreamHack Masters thứ 5 này: họ không chỉ xóa dớp trước FaZe Clan, họ không chỉ chấm dứt một năm tay trắng, họ không chỉ thể hiện phong độ tỏa sáng của từng cá nhân (4/5 thành viên có rating ít nhất 1.29, người còn lại đạt 1.14) cùng sự áp đảo gần như tuyệt đối trong hầu như mọi map đấu, gla1ve và đồng đội còn làm cả thế giới phải kinh ngạc bởi sự tinh tế trong lối chơi với liên tục những tình huống fake, đọc bài, ứng biến, set nade hay hỗ trợ lẫn nhau chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Giải đấu lần này làm mình nhớ lại quãng thời gian cuối 2016 – đầu 2017 khi mà Astralis tận dụng tối đa sự đi xuống của các đối thủ cạnh tranh và phát huy cái chất hoa mỹ chiến thuật đến mức đỉnh cao của mình để lên ngôi đầu quả đất, và với tình hình hiện tại chẳng khác mấy so với giai đoạn kể trên, lợi thế dành cho top team Đan Mạch này là quá nhiều để họ vượt qua cả thời kỳ huy hoàng trước đó hay thậm chí là xây dựng kỉ nguyên thống trị riêng cho chính mình.
3) Sự trở lại của Gambit?
Đã khá lâu rồi mới chứng kiến một AdreN bắn cháy như thế này (Credit ảnh: HLTV.org)
Khi Hobbit thông báo việc anh chuyển giao trách nhiệm IGL cho seized, đảm bảo rất nhiều người (kể cả mình) cảm thấy bất an với thay đổi có tính rủi ro cao như vậy, vì hẳn ai cũng nhớ rõ giai đoạn làm leader ở Na`Vi của seized mang đến kết cục như thế nào cho cả anh lẫn team. Nhưng Le Dôme de Marseille tuần vừa qua lại chứng kiến một Gambit khác hẳn với dự đoán: CT side thi đấu cực kỳ chủ động với liên tục các tình huống đẩy aggressive có tính toán để shutdown ý đồ tấn công của đối phương ngay từ sớm, T side bắn không quá cầu kỳ nhưng tận dụng tối đa sự hồi xuân của AdreN để mở đường vào site; thậm chí seized mặc dù cũng thể hiện không ít những tình huống bắn tào lao chả cần thiết nhưng anh vẫn có sự phối hợp tốt với đồng đội mình để đổi mạng hoặc bắn kẹp các vị trí quan trọng trên map. Tuy vậy, thành tích online không ủng hộ cựu vương major nhiều khi họ chỉ đứng giữa BXH ESEA S27 và tạch hầu như mọi vòng loại online gần đây, vì thế cơ hội để team CIS này kiếm được suất vé mời đi các sự kiện LAN lớn để thể hiện bản thân thực sự chẳng sáng sủa là bao. Vậy Gambit căm bách, có hay không?
4) Khởi đầu thất vọng cho SK mới
Ra về sớm không phải điều SK mong đợi lần này (Credit ảnh: HLTV.org)
1.02 – 0.98 – 0.92 – 0.92 – 0.91
Trước khi DreamHack lần này diễn ra, nếu có ai dám nói 5 con số ở trên chính là rating của line-up SK thì chắc chẳng mấy người dám tin, nhưng không, đấy lại là sự thật. Rộng hơn, SK là team duy nhất tại giải đấu vừa rồi không có bất cứ ai có thể đạt đến ngưỡng impact rating 1.04. Nếu T side của SK vẫn ở mức chấp nhận được, thì bên CT như mình đã nói trong một bài viết gần đây, coldzera không hợp bắn cặp cùng Stewie2K, với bằng chứng rõ ràng nhất là việc star player người Brazil chỉ chạm mốc rating CT là 0.92 (thấp nhất cả team). Rõ ràng, quyết định đi theo con đường đa quốc tịch không hẳn là ý kiến tồi khi chính FalleN thừa nhận là anh đã thi đấu với hầu hết top player Brazil và anh tin chẳng có nhiều lựa chọn nữa ở quê nhà, nhưng lý thuyết thì lúc nào cũng dễ hơn thực tế, và mình không tin SK có thể tốn thêm quá nhiều thời gian nữa khi mà họ đã bị bỏ lại quá xa so với top đầu của CS:GO thời điểm hiện tại.
5) Space Soldiers chưa thể gỡ mác “onliner”
Kỳ DreamHack không thành công với người Thổ (Credit ảnh: Adela Sznajder)
Vượt qua vòng loại online của 4 giải đấu khác nhau là một thành tích rất đáng kể của Space Soldiers trong khoảng tháng rưỡi vừa qua, chính vì thế việc họ tạch cmn ngay từ vòng bảng của DreamHack Marseille chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào tham vọng vươn lên của những chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ. Tính cả hai trận thua trước Astralis và Gambit, SS thậm chí chỉ ăn nổi 9/41 round. Nói về cá nhân, không có ai thực sự là điểm sáng của họ khi đến cả star player XANTARES cũng bị counter cực nhiều (chết đầu đến tận 24% số round). Như ANGE1 (IGL của Hellraisers) đã tweet:
“Tôi không hiểu làm thế nào mà ai đó có thể tốt hơn ĐẾN VẬY khi bắn online”
Cơ hội dành cho MAJ3R và đồng đội xác lập vị thế trên bản đồ quốc tế là vẫn có, nhưng cái mác “onliner” đã đi theo họ quá lâu và sẽ cần đến nhiều hơn là một giải đấu tốt để họ thực sự được làng CS phải dè chừng như mong muốn.