Hồi tôi còn nhỏ, chị tôi đi thành phố về có mua một đĩa nhạc gồm hơn hài mươi bài của cô Khánh Ly (chắc chắn là đĩa lậu, bởi có video có logo Thúy Nga, có video lại không), bảo rằng chắc là mẹ tôi sẽ thích. Mẹ tôi sau một hồi nghe thì không thích, tôi lúc ấy cũng chưa biết gì, nhưng có một điều mà tôi luôn nhớ: ca khúc đầu tiên cất lên trong đĩa nhạc sẽ luôn là bài “Hoa Vàng Mấy Độ”. Lúc đấy, tôi chưa biết nhạc Trịnh là gì, đối với tôi, “Trịnh Công Sơn” cũng chỉ là một cái tên nổi tiếng như tên mấy ông nhạc sĩ có bài hát hay được in trong sách dạy âm nhạc cấp tiểu học mà thôi. Thế mà, nhiều năm sau, bỗng nhưng, bằng một duyên cớ nào đó mà tôi cũng chưa bao giờ biết rõ, tôi đến với nhạc Trịnh.
Chỗ chị tôi ở Sài Gòn có tầng thượng, từ trên chỗ tầng thượng của căn nhà trong hẻm ở Quận 1 đông đúc ấy, có thể trông thấy những tòa nhà lớn của thành phố ở xung quanh. Hồi cấp hai, khi mới lên thành phố học hè, tôi có (quá tay) vung tiền mua CD album “Biển Nhớ”. Những ngày mưa, điều lý tưởng nhất để làm là ngồi trên chiếc ghế gập ở nơi tầng thượng ấy, bật Biển Nhớ và nhìn ngắm tòa Bitexco chìm dần trong mưa mù, hoặc là Ướt Mi, hoặc là “Em đứng lên gọi mưa vào hạ”. Rồi sau đó khi lòng một thằng nhóc đã mang tội, tôi bắt đầu đi nghe lại hoài những Diễm Xưa, Hạ Trắng, Còn Tuổi Nào Cho Em (dĩ nhiên rồi). Và sau đó, là tìm đến những bài viết do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết. Tôi ấn tượng nhất bởi những bài tự sự được ông viết tại Sài Gòn vào thời gian chiến tranh, về những kiếp người bị bắn đi bởi những mũi tên vô định, về tình yêu héo úa như đóa quỳnh và về Kinh Việt Nam. Đó là lúc tôi bắt đầu được làm quen với những sáng tác phản chiến khi ấy của ông, những Ca khúc Da Vàng, những Kinh Việt Nam và những Phụ khúc Da Vàng. Lâu lâu, tôi vẫn có thể ngâm nga lại những bài hát ấy, mặc kệ cái đỏ lửa, cái cay đắng, cái thù ghét của thời kỳ mà chúng được viết ra.
“Em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn”
(Người Con Gái Việt Nam Da Vàng)
“Hàng vạn tấn bom, claymore, lựu đạn
Hàng vạn tấn bom mang vô thị thành...”
(Đại Bác Ru Đêm)
“Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn, tai nghe quen đạn mìn…”
(Tình Ca Người Mất Trí)
“Giòng máu anh em đã nhuộm mặt trời
Cùng xương khô lên tiếng nói
Đời sống ấm êm nhân danh con người.”
(Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay)
"Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn."
(Hát Trên Những Xác Người)
"Tuổi còn bơ vơ
Thế giới hằn thù
Chiến tranh ngục tù."
(Ca Dao Mẹ)
Và nhiều câu hát khác nữa…
Nhớ lại, một thằng nhóc chưa quá 16, chưa trải đời, đắm chìm trong những điều ấy, quả là một khoảng thời gian lạ kỳ.
Rồi sau này, khi nghe lại chúng, khi đọc lại những bài viết cũ, tôi chợt hiểu một số câu từ trong nhạc Trịnh theo cách khác, nhờ những trải nghiệm đa dạng (nhưng chưa đủ) trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
“Em đi về cầu mưa ướt áo”
(Mưa Hồng)
“Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời”
(Còn Tuổi Nào Cho Em)
Ghi chú: có thời tôi nghe thành “máy bay ngang trời” và tưởng rằng bài hát này có ngụ ý gì đó về thời chiến tranh, haha.
Tôi học cách ngây thơ, không vướng bận trong những câu hát:
“Gió ngủ ở đâu Bống ngủ nơi nào
Có còn bờ ao trăng về thuở ấy…”
(Thuở Bống Là Người)
“Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em có nhớ cuộc đời.”
(Này Em Có Nhớ)
“Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.”
(Ở Trọ)
“Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người.”
(Con Mắt Còn Lại)
“Dưới phường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường.”
(Cho Đời Chút Ơn)
“Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mấy miền, trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm.”
(Dấu Chân Địa Đàng)
và vân vân…
Đến tận bây giờ, khi nhớ lại, tôi có thể nói rằng: Hoa Vàng Mấy Độ là ca khúc đầu tiên đã đưa tôi đến với nhạc Trịnh. Bài hát được ông viết tặng Hoàng Lan, một người tình rực rỡ như nắng và hoa vàng.
“Xin cho bốn mùa
Đất trời lặng gió
Đường trần em đi
Hoa vàng mấy độ
Những đường cỏ lá
Từng giọt sương thu
Yêu em thật thà.”