Vài dòng về "Muôn kiếp nhân sinh"
Nói trước luôn là bài viết mang tính cá nhân khá cao, xuất phát từ kỳ vọng cao. Mình được một người bạn thân giới thiệu cuốn này, và...
Nói trước luôn là bài viết mang tính cá nhân khá cao, xuất phát từ kỳ vọng cao. Mình được một người bạn thân giới thiệu cuốn này, và nghe qua thì có ấn tượng đây là một câu chuyện "có thật", được viết lại theo trí nhớ như một dạng "hồi ký", tuy có xen kẽ một vài chi tiết huyền bí.
Với những suy nghĩ đó trong đầu, cảm nhận sau khi đọc là "hơi thất vọng".
Có lẽ điều này xuất phát từ kỳ vọng cao với cuốn sách, chỉ để nhận ra đây là một cuốn không có quá nhiều điểm nổi bật. Kỳ vọng lớn nhất của mình là về phần “câu chuyện có thật" thì hoàn toàn vỡ vụn, MKNS đơn thuần là một cuốn “fiction" có thêm thắt một vài chi tiết (có vẻ) thực tế. Tác giả có thể hiện nỗ lực trong việc dẫn dắt vào phần “fiction" của câu chuyện thông qua những hoàn cảnh và nhân vật rất thực tế, cái cách mà Haruki Murakami dẫn dắt người đọc vào một mê cung hư ảo từ một bối cảnh chân thật đến mức tẻ nhạt. Nhưng không tinh tế như Murakami, việc dẫn dắt của NP tương đối “thô", mang tới cho mình một cảm giác của một khúc cua gắt được thực hiện bởi một tài xế không quá vững vàng tay lái. Những khúc cua này luôn hất mình văng ngược lại hiện thực, để sực tỉnh ra đây chỉ là một câu chuyện được viết ra theo trí tưởng tượng.
Để làm rõ, mình hoàn toàn không có vấn đề với cách thể hiện này. Mình nghĩ đó là một cách khôn ngoan để truyền tải những triết lý sống của mình. Nếu NP thể hiện triết lý của mình dưới một dạng khác, một cuốn triết học khô khan, hay dưới một hình thức quá nặng nề về mặt tâm linh, hẳn là đối tượng người đọc MKNS sẽ hạn hẹp và khác rất nhiều. Việc một cuốn sách triết học ngụy trang dưới một câu chuyện cũng không hề lạ, và khiến những triết lý đó trở nên gần gũi hơn nhiều với người đọc, điển hình như “nhà giả kim".
Nhưng đây là việc khiến mình có vấn đề với MKNS, sự “nguỵ khoa học" trong cuốn sách. Những dữ kiện khoa học vốn có thể được xem nhẹ trong một cuốn fiction thuần tuý, giờ đây trở nên “thật" hơn rất nhiều dưới danh nghĩa một tác phẩm phóng tác của NP. Những cụm tương tự như “theo khoa học" được sử dụng tràn lan trong cuốn sách để đại diện cho những hiểu biết khoa học, nhưng nội dung trích dẫn ra lại không hề mang tính khoa học: ví dụ như tác giả có nói tới “primal energy" là một sự thật được công nhận bởi khoa học. Tuy nhiên factcheck qua google hay google scholar không hề cho ra nghiên cứu khoa học nào về cụm này. Tất cả kết quả đều liên quan tới yoga và các triết lý liên quan tới yoga - vốn được nhắc tới rất nhiều trong cuốn sách. Hay một fact khác được tác giả phóng đại lên là việc những tảng đá xây dựng nên kim tự tháp nặng “hàng trăm tấn” mỗi tảng. Một lần nữa, google cho hay khối lượng trung bình mỗi viên đá rơi vào khoảng 2.5 tấn. Những thông tin phóng đại này hoàn toàn được chấp nhận dưới danh nghĩa một câu chuyện fiction, nhưng mình cảm thấy đáng được chỉ ra như một ví dụ về việc thiếu tìm hiểu của tác giả trong nỗ lực khiến người đọc cảm thấy đây là câu chuyện có thật.
Cấu trúc của MKNS gần như có thể chia làm 2 phần, một phần về những hồi tưởng của nhân vật Thomas về tiền kiếp, trong phần này tác giả thể hiện những hiểu biết của mình về một vài nền văn minh trong lịch sử, đặc biệt là nền văn minh Ai Cập. Song song với đó là những lời thoại, hay đúng hơn là lời răn dạy của nhân vật Kris. Kris được mô tả như một nhân vật có những trải nghiệm xuyên thời gian, vô cùng thông thái và hiểu biết. Và với tư cách một người đọc, mình hiểu rằng đây chính là những thông điệp của tác giả mong muốn truyền thụ thông qua lời nói của Kris.
Tuy nhiên Kris với những mô tả như một bậc hiền triết, lại thể hiện những quan điểm vô cùng cứng nhắc và mang tính nhị nguyên, coi hầu hết mọi việc rơi vào một trong hai phạm trù: đúng/sai. Một ví dụ điển hình là ăn thịt động vật, Kris có lập trường vô cùng rạch ròi về việc này: ăn thịt động vật là sai trái, là hấp thụ những cái “thấp kém" hơn vào một hình thái loài người “cao cấp” hơn, để rồi sẽ dẫn tới những hậu quả về kiếp sau có thể sẽ không còn được làm người. Hay extreme hơn, về cuối cuốn sách chủ đề này lại được nhắc lại một lần nữa với lập luận, những con vật bị con người ăn thịt sẽ trở thành hàng ngàn hàng triệu vi khuẩn, vi rút để ăn thịt lại con người. Một lối tư duy đơn giản, vô căn cứ và mang tính hơi “cay nghiệt" và không hề cho người khác cơ hội phản kháng. Nhân vật người vợ (tên là Angela?) đã thử phản kháng lại quan điểm này trong cuốn sách và phản hồi của Kris chỉ đơn thuần là: bạn có thể coi đây chỉ là một giả thiết, nhưng cứ chờ xem. Không hề có tính thuyết phục về mặt logic mà phần nhiều là thuyết phục mang tính “dọa dẫm”, một cách lập luận rất phổ biến trong tôn giáo.
Điều cuối cùng mình có cảm nhận không ổn với MKNS chính là việc sự bi quan về tương lai, về hướng phát triển của thế giới, bi quan về “giới trẻ" toát lên từ cuốn sách. Rất nhiều kết luận chung chung vô căn cứ mang tính “dự đoán khủng hoảng" được Kris đưa ra, những dự đoán về tai ương bệnh tật, về sự suy đồi về đạo đức, về tác hại của mạng xã hội và cả tác hại của games (typical!). Góc nhìn bi quan ấy hoàn toàn bỏ qua (hoặc không về biết tới) những sự thật như chúng ta đang ở một trong những thời kì bình yên nhất trong lịch sử loài người hay những lợi ích to lớn công nghệ mang lại.
Kết luận: MKNS là một cuốn fiction - mặc dù tác giả tự nhận nó là “phóng tác" hay bất cứ danh từ gì - nhằm thể hiện quan điểm của NP về thế giới. Quan điểm đề cao sự hướng nội, đề cao luật nhân quả và cân nhắc hậu quả những hành động của mình. Tác giả khuyến khích người đọc thực hành theo những quan điểm này thông qua việc vẽ ra những viễn cảnh bi quan dành cho những người không thực hiện theo.
Nhìn chung là một cuốn nhẹ nhàng dễ đọc, thỉnh thoảng khiến mình quạu xíu nhưng là vì những kỳ vọng mang tính cá nhân. Chấm điểm 6.5/10
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất