Như bất cứ người Việt Nam nào, tôi được nghe rất nhiều về chiến tranh suốt thời thơ ấu đến tận bây giờ, và đã có những góc nhìn gần hơn với cuộc chiến tàn khốc qua lời kể của những người sống qua nó, qua những thước phim, những cuốn sách… không chỉ riêng chiến tranh Việt Nam, mà còn là những cuộc chiến tranh khác trên thế giới nữa. Tuy nhiên, cuốn sách “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” khác tất cả những cuốn sách khác về chiến tranh tôi đã từng đọc. Một cuốn sách về chiến tranh, nhưng không viết về chiến tranh, nhưng là một cuốn sách chiến tranh.

Vì sao lại như vậy? Vì cuốn sách này không kể về cuộc chiến như thế nào, chiến công ra sao, bao nhiêu xe tăng, máy bay ra trận, bước đi chính trị đằng sau là gì, chiến lược như thế nào, mà cuốn sách là những câu chuyện của những người phụ nữ, chỉ riêng những người phụ nữ trong chiến tranh. Cho đến khi đọc cuốn sách này, tôi mới chợt nhận ra những câu chuyện chiến tranh từ xưa thường được kể từ một người đàn ông, mang đậm chất đàn ông. Họ vẽ lại bức tranh toàn cảnh, họ kể những thành tích, những gian khổ, những đau thương. Nhưng như vậy là chưa đủ, cuộc chiến không chỉ dừng lại ở đó. Và đến bây giờ, Svetlana Alexievich đã tìm kiếm, đào sâu, tổng hợp lại những mẩu chuyện của những người phụ nữ, hoàn thiện một mặt còn thiếu sót của những tài liệu – chất nữ trong chiến tranh.
Tôi không viết về chiến tranh mà về những con người trong chiến tranh. Tôi không viết về một lịch sử chiến tranh mà là một lịch sử của các xúc cảm. Một mặt, tôi nghiên cứu những con người cụ thể, đã sống một thời cụ thể và đã tham gia vào những biến cố cụ thể, nhưng mặt khác, ở mỗi con người đó, tôi cần nhận ra con người của vĩnh hăng. Cái phần người luôn hiện diện trong con người. (Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - Svetlana Alexievich)
Những câu chuyện trong cuốn sách là những tư liệu rất thực, được thu thập qua một quá trình hơn 10 năm của tác giả. Chẳng ai ngờ chiến tranh không chỉ có súng máy đạn dược, mà có những lọ nước hoa, những đôi giày cao gót giấu kín trong balo, niềm khao khát được tắm, những mối tình thứ 3 hợp pháp, một vali đầy sô-cô-la, và cả những nỗi sợ thơ ngây của những cô gái mang danh “xạ thủ bắn tỉa”, “xạ thủ phòng không”,… Những câu chuyện được xen lẫn với ngòi bút sâu sắc, đậm chất lý luận văn học, cùng với lối viết phức điệu đi sâu vào từng ngõ ngách của những xúc cảm, dựng lên một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đương đại đã mang đến cho cuốn sách giải thưởng danh giá – Nobel Văn chương.
Chất nữ tính của chiến tranh qua lời kể của một chiến sĩ xạ thủ phòng không
Tôi gặp những người kể chuyện tài năng siêu việt; trong đời họ có những trang ta hiếm khi hặp được, ngay cả trong các tiểu thuyết của Dostoievski yêu quý của tôi. […] Việc gợi lại các ký ức không phải là một câu chuyện hấp dẫn hay ngược lại dửng dưng về những sự kiện đã biết và một hiện thực nào đó đang biến xa, mà là một cuộc phục hưng thực sự của quá khứ. Đấy là một sáng tạo tinh chất” - Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ – Svetlana Alexievich

Trong suốt thời gian đọc cuốn sách này, tôi bị ám ảnh khá nhiều. Tôi không còn cảm thấy chiến tranh là điều gì đó mơ hồ và xa vời, không còn cảm thấy chiến tranh chỉ là những câu chuyện, những thước phim, mà tôi thực sự cảm nhận được sự hiện diện của cuộc chiến. Chiến tranh không chỉ tồn tại qua những con số, không chỉ náu mình sau những sự kiện, hiện diện qua những chiến công, và được cảm nhận qua những tổn thất nữa, mà chiến tranh vẫn còn được lưu trữ trong một lịch sử khác – lịch sử của xúc cảm, lịch sử của giá trị nhân bản.
Đọc thêm những bài viết khác tại: https://dandelilla.wordpress.com