Một câu chuyện bình dị về người lính thời chiến.


Tôi thích đọc các tác phẩm về người lính. Và điều tôi luôn tìm kiếm trong đó là những chất anh hùng của họ, những người ăn khoai sắn trộn bo bo gánh việc đất nước. Cái chất ấy đến từ nhiều khía cạnh của họ, từ sự mất mát, những điều đánh đổi trong cuộc sống cá nhân để tham gia chiến trường hay tình yêu chớm nở với một thiếu nữ tuổi trăng tròn giữa mưa bom, bão đạn. Rất nhiều những gam màu về chất anh hùng của người lính đã được các tác giả dành nhiều thời gian, tâm trí để khắc họa và cố gắng miêu tả nét chân thật những phẩm chất anh hùng trong những con người áo xanh bình dị nhưng “không tầm thường”. Và cái chất anh hùng đó luôn tỏa sáng giữa màn đêm u xám, như một vết màu đỏ tuy nhỏ bé nhưng rực rỡ, thu hút giữa những vùng màu đen xám xạm trong một bức tranh ngẫu hững của nhà họa sĩ nào đó. Phẩm chất luôn cần có một môi trường để phát triể. Từ những ngày đầu được nuôi dưỡng, chăm bắp và trưởng thành rõ rệt như một dòng thép hiên ngang, bất diệt giữa dòng đời ngang dọc.
Nhưng trong “100 ngày trước tuổi 20 mươi”, cuộc chiến lại khác một chút. Cuộc chiến với những người lính trong câu chuyện như một chiếc xe đạp lao dốc mà hai phanh được bóp chặt một cách thuần thục. Chiến tranh tới với những người lính trong câu chuyện lại chậm rãi, từ tốn, đôi khi những hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà ta thường thấy dường như chưa thực sự tồn tại mãnh mẽ. Nét hiện thực chiến tranh xuất hiện thoáng trong từng khoảng khắc, ta chỉ chợt nhận ra nó giống như việc ta nhận ra một chiếc lá rơi chầm chậm nơi góc phố quen thuộc. Đoàn Tuấn, tác giả của “100 ngày trước tuổi 20 mươi” chọn một góc độ khác để tiếp cận cậu chuyện của mình. Ông đã chọn điểm nhìn là bối cảnh “huấn luyện trước khi ra trận” của những cậu trai trẻ Hà Nội khi nhập ngũ. Trước khi ra trận, người lính nào cũng phải trải qua thời gian tập luyện, thường là khoảng 3 tháng để chuẩn bị đầy đủ hành trang về ý chí, kiến thức, kỹ năng và đặc biệt đây là thời gian một con tim bất diệt được chui rèn đầu tiên. 100 ngày trước tuổi 20 mươi là viết về những người lính gần như là trong những phút giây đầu đời lính của mình. Họ như được sinh ra lần nữa và lần này có tác giả “Đoàn Tuấn” là người chứng kiến và ghi lại.
Những câu chuyện trong cuốn sách giống như một tập ghi chú của tác giả. Ông ghi chép lại gần như mọi câu chuyện xảy ra với mình và những người đồng đội từ ngày họ gia nhập nơi tập luyện, một vùng đất nào đó nằm tại tỉnh Hòa Bình. Nói đến Hòa Bình, với tác giả, nơi đây đã trở thành một “mối tình đầu” không bao giờ quên. Trong đoạn ghi chú ở đoạn cuối của cuốn sách, tác giả đã trở lại Hòa Bình với những người đồng đội, để cùng ôn lại, để cùng nhớ về 100 ngày thanh xuân của đời mình. Nói đến thanh xuân của người trẻ, ắt hẳn thời đó thật khác so với bấy giờ. Ở cái tuổi 17, đỗ đại học ngày nay là một niềm vui lớn với nhiều bạn trẻ, gần như một cánh cổng tiếp theo của cuộc đời được mở ra. Nhưng với những chàng trai, cô gái tuổi 17 năm ấy, họ còn một con đường khác đầy chông gai mà thời cuộc buộc họ phải dấn thân, là con đường mà tổ quốc đã kêu gọi và cha ông ngàn đời đã dùng máu xương để gây dựng. Nói là con đường nhưng đâu cứ phải ai cũng sẵn sàng lựa chọn đi trên đó. Có người chần chừ, có kẻ bỏ trốn nhưng tựu chung tinh thần phần đông của thanh niên ngày ấy là “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”.
Nhân vật chính, có lẽ cũng chính là tác giả Đoàn Tuấn đang kể lại đời lính của mình: câu chuyện về đời lính của một cậu thanh niên lứa tuổi 17 năm ấy. Gác lại niềm vui đỗ đại học, gia đình để lên đường đi chiến đấu. Cái phút giây ngồi lặng suy nghĩ của nhân vật chính (có lẽ tôi sẽ tạm gọi là Tuấn về sau) dù vừa biết tin đỗ đại học không lâu về nơi chiến trường mà mình sẽ tham gia thật khiến người đọc suy nghĩ. Tuấn không biết mình sẽ vào chiến trường Tây Nam dày đậm sương gió hay lên chiến tranh biên giới khốc liệt. Đến nơi họ có thể nằm sống mãi mãi, họ cũng không thể biết và đặc biệt là không được chọn. Và rồi có thể họ vẫn sẽ đau đáu một suy nghĩ rằng: “Liệu họ có thể trở về được nữa hay không?”. Ở cái tuổi 17, tôi chợt thấy họ đã phải gánh lên mình một trách nhiệm quá lớn, liệu những đôi vai trẻ mang trên mình ánh mắt chưa thực sự hiểu đời ấy có gánh vác nổi một đời của cả dân tộc hay không ?. Tôi chẳng thể nào và cũng không chọn cho mình quyền phán xét được điều đó, khi ở hoàn cảnh của họ, tôi thực sự thấy thương những cậu thanh niên, thiếu nữ ngày ấy. Một sự đối lập đầy nghịch cảnh. Khi độc lập, tư do, hạnh phúc là mục tiêu cao cả của cả 1 dân tộc thì ở đâu đó vẫn tồn tại những suy tư đậm chất cá nhân đến vậy. Là con người thì ở thời nào cũng vậy, vì nghĩa cử chung của tập thể nên vẫn sẵn lòng. Chỉ là họ cất kĩ càng cho mình một miền tâm tư xa xôi, những tâm tư bị hạn chế nghĩ tới, nhưng bản thân họ vẫn luôn ý thức được rằng dòng suy nghĩ về cá nhân vẫn luôn nóng hổi và chực chờ mãnh liệt trong đáy sâu của tâm hồn.
Nói đến gam màu trong truyện thì khẳng định màu sáng hơn hẳn màu tối. Mạch truyện đưa người đọc tới những câu chuyện vui, tếu, tức cười và đậm chất lính. Từ những sinh hoạt hằng ngày tập luyện của tiểu đội đến những trò quậy phá đúng chất ở cái tuổi ngông 17, 18 của đám thanh niên rồi những lần tình cảm mùi mẫn, tán gái Mường. Hình ảnh cuộc sống nơi khu huấn luyện được miêu tả chi tiết, tường tận và dường như Đoàn Tuấn ở mọi nơi trong lúc đó để ghi chép lại một các rõ nét, chi li và ông không quên ghi lại cả cảm xúc của các nhân vật lúc đó. Phải nói nếu tác phẩm được viết lại từ khi cuộc chiến kết thúc, ông hẳn đã dành rất nhiều thời gian để ghi nhớ, hồi tưởng và hơn hết là hướng toàn bộ thân tâm về lại tuổi thanh niên ngày xưa để sống lại những giây phút ấy cùng đồng đội. Có lẽ vậy, ông mới có thể viết chân thật như đang chứng kiến trước mắt và kể lại.  Câu chuyện của Đoàn Tuấn vẽ ra một hình ảnh thật khác về quá trình tập luyện. Một gam màu dịu dàng, xanh đẫm của hy vọng đặt cạnh những bài tập khắc nghiệt của người lính. Chúng không làm suy thoái mà lại tô điểm thêm cho nhau, tô điểm thêm cho phần đời lính tập sự của những cậu trai, cô gái tuổi thanh xuân. Rất nhiều câu chuyện nhỏ được tác giả gom lại để kể trong mạch truyện chính nhưng tuyệt nhiên trong đó không hề có mùi thuốc súng, khói đạn và đổ máu (duy chỉ có 1-2 lần nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp từ chiến tranh). Ông dường như đã dùng yếu tố chiến tranh là yếu tố chấm phá, để tô đậm thêm đời sống của những chàng trai, cô gái trong thời kì huấn luyện.
Giống như một cuốn hồi ký, tác giả dưới điểm nhìn của Tuấn đã ghi lại một cách trực diện, chân thật nhất những gì đã xảy ra, về cuộc sống của từng con người trong đó từ chuyện đứa chuyên móc túi đi kiếm tre thế nào cho tới một chuyện tình đắm đuối giữa một anh bộ đội người Kinh với cô gái dân tộc Mường. Ấn tượng có thể là câu chuyện nhiều cậu thanh niên khi mới nhận đồ lính đã liều mình bỏ ngay đơn vị trong đêm: có kẻ trốn mà không gặp lại, có người bắt xe về Hà Nội để khoe ngay với người yêu hoặc làm mẫu cho ông bố họa sĩ vẽ lại. Thật hồn nhiên ở cái tuổi 17,18 ấy. Sự hồn nhiên làm ta liên tưởng đến một không gian riêng biệt, đó là những cảm xúc rất mãnh liệt trong những cậu trai trẻ đã và đang chân ướt chân ráo bước vào sự nghiêm ngặt trong quân ngũ và xa hơn là hiện thực khốc liệt, tàn nhẫn. Có lẽ Tuấn và đồng bọn chẳng nghĩ gì quá khi làm những trò nghịch ngợm, bởi lẽ họ vẫn là trẻ con lúc ấy, chỉ là cuộc sống bắt họ phải trưởng thành gấp gáp quá mà họ chỉ mới đang vào bước đầu: thích nghi. Những mẩu chuyện nhỏ đó được tác giả thổi hồn bằng một chất văn bình dị, dân dã, đan xen sự nhẹ nhàng hiếm thấy trong những dòng văn về chiến tranh đậm yếu tố tả thực.
Có đôi khi chính những điều bình dị trong chuyện lại làm người đọc đôi khi quên rằng mình đang đọc một tác phẩm về chiến tranh. Dường như yếu tố chiến tranh đã được gọt dũa một cách tinh vi để nó không bị dễ nhận ra trong từng hành động, lời của nhân vật nhưng sự thật thì hiện thực ấy vẫn luôn ở đó. Chiến tranh như tách ra khỏi bản làng Mường nơi những người lính tập sự trong câu chuyện dùng làm nơi tập huấn. Bản làng Mường được đặc tả chi tiết, gọn gẽ từ ngôi nhà, con đường tới con người tại đó. Những người dân Mường cưu mang và dành là nơi tập luyện, sinh hoạt cho những người lính. Và đây cũng là lần đâu tiên tôi được biết rằng đã có những đội nhóm lính tập sự trong quá trình huấn luyện được xếp về ở cùng với dân. Câu nói quân với dân như cá với nước được cụ thể hóa một cách tường tận trong bối cảnh ngày ấy. Quân đội xuất phát từ nhân dân từ lúc sinh ra, tập luyện tới lúc đi chiến đâu. Để rồi khi hòa bình trở lại, quân nhân lại về thành những người dân. Yếu tố nhẹ nhàng tuy không phải được tô điểm nhiều bằng câu chữ nhưng lại là chiếm rất nhiều cảm nhận của tôi khi đọc tác phẩm ấy. Mơ màng và dẫn lối, những câu chuyện trong khu tập luyện lướt qua tôi như những con sóng vỗ về trên mặt biển vào bình minh. Dịu dàng và từ tốn. Một cảnh biển thật đẹp hiện lên trước mắt khi mặt trời từ từ nhô lên từ đại dương sâu thẳm. Vạn vật đang trong trạng thái khởi động và mọi thứ vẫn còn đang rất đỗi tinh mơ và bẽn lẽn. Có ai đó từng nói rằng trước khi bão đổ về thì trời thường rất đẹp và trong xanh, có lẽ điều đó đúng trong tác phẩm của Đoàn Tuấn. Ông chọn những gam màu sáng, tươi khỏe cho mạch truyện của mình nhưng không quên đưa vào đó những dấu hiệu cho một cơn giông lớn sắp tới với những người trong câu chuyện. Những tình tiết ấy đủ để cho Tuấn nhận ra được sự thay đổi từng ngày của đợt tập luyện cho đến cảm giác bức bối vì những tháng ngày chờ đợi trước khi lâm trận.
Những câu chuyện nhỏ trong mạch truyện cứ lần lượt qua đi. Từng cảm xúc dần được mở ra và giữ lại từng phần trong lòng người đọc. Tôi xin không tiết lộ thêm những tình tiết trong đó vì có những mẩu chuyện mà bạn sẽ chỉ có thể cảm nhận rõ nét khi bạn cầm sách lên và đọc chúng. Ắt hẳn đã có lúc tôi cảm thấy vui vì những cậu chuyện đó sao ngây thơ, hồn nhiên đến thế và chắc hẳn đã có lúc tôi lặng lại trước những sự ra đi mất mát của từng người tại những trang sách cuối. Cái kết của hành trình lại là bước mở đầu cho những hành trình mới . Những cậu trai trẻ nhận đơn vị, biết chiến trường nơi mình sắp đặt chân tới và lên đường. Trong chiến trận, bằng những kỷ niệm đã có nơi bản Mường, họ vẫn trao đổi thư từ với nhau như những người đồng chí, người bạn. Họ chia sẻ nhau những hỷ nộ ái ố như một cách thức giải tỏa, lấy lại sự hồn nhiên của tuổi thật sau những giờ súng đạn. Và rồi cuộc chiến nào cũng có đau thương, có những người trong khu huấn luyện năm ấy đã mãi mãi về với đất mẹ. Nhưng có lẽ hồn họ sẽ vẫn còn lưu trên mảnh đất thao trường tập luyện năm ấy, trên những ngọn cỏ vươn mình căng đầy nhựa sống vượt lên nền đất thao trường thô ráp. Một cảm nhận thoáng ẩn hiện trong tác phẩm mà tôi cảm nhận thấy, rằng những linh hồn cùng với những kỷ niệm của đám thanh niên trong mùa huấn luyện năm ấy đã thành một mảnh ký ức chôn sâu trong lòng tác giả, thôi thúc để ông kể lại câu chuyện này.
Câu chuyện này là một bằng chứng rõ rệt về những tháng năm đầy màu sắc của một tuổi trẻ trong thời chiến. Một tuổi trẻ thật khó quên và cũng là một thời thanh xuân bất diệt. Có lẽ một chút hơi tiếc nuối rằng tinh thần ấy thật khó để tìm kiếm trong thời nay, 
nơi những giá trị khác đã chen chân, 
nơi xã hội đã đổi thay tầng tầng,
và rồi những ký ức về thời “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực” sẽ mai một về đâu ?!