Mới đây thôi, tôi cảm tưởng như mình là người thích lắng nghe, thích nghe, thích cảm hơn thích nói. Cũng không hẳn là hóng hớt và bao đồng, càng không phải là tọc mạch và thể hiện về điều gì đó hơn người, chỉ là tôi muốn hiểu hơn về mọi người, thấm nhuần hơn cái bản chất, khám phá được nhiều góc nhìn mới trong cuộc sống mà bấy lâu nay tôi bỏ lỡ, đôi khi là muốn đồng cảm và chia sẻ cho họ những ý kiến, lời khuyên từ cái nhìn cá nhân. Nhưng phải mãi tới hôm nay, tôi mới nhận ra, mình chưa thực sự bao giờ LẮNG NGHE.
Nhiều khi, đọc những dòng chat chứa đầy tâm tư của đối phương, hay trực tiếp nghe ngóng câu chuyện của họ, trong đầu tôi nảy số vô vàn viễn cảnh, vô vàn suy nghĩ và hướng đi. Tôi ép mình phải ở trong hoàn cảnh của họ, ép mình thấu hiểu, ép bản thân đồng cảm, ép buộc trí óc trong từng đó thời gian ngắn ngủi phải nặn cho ra được "chiến lược giải quyết vấn đề" theo các bước mà tôi cho là vô cùng "khoa học": Thấu hiểu - Nhìn ra nguyên nhân - Phân tích nguyên nhân - Các yếu tố tác động nên nguyên nhân - Có điều gì cốt lõi - Hướng giải quyết ra sao -... vân vân những điều khiến não bộ trở thành một thuật toán cao cấp. Đôi khi giải quyết vấn đề, đôi khi là cho những lời khuyên đúng đắn, cũng có khi hiểu lầm, có lúc lại bị trách móc, càng nhiều hơn những cãi vã xung đột. Và mãi tới ngày hôm nay, tôi mới thực sự hiểu thế nào là LẮNG NGHE.
Phải nói rằng các bậc cố nhân tiền bối thực sự rất thông thái khi mỗi một tiếng trong từng từ họ sử dụng, chúng đều mang ý nghĩa.
Lắng nghe! "Lắng" là tĩnh lặng, là lắng đọng, là lắng sâu xuống, là tâm can phải trống trơn, trong vắt, bình an không một gợn suy nghĩ xáo động. "Nghe" một hành động cơ chế của giác quan cơ thể - như nhìn, nếm, chạm, nói. Vậy thì lắng nghe là trong một tâm thế sẵn sàng, ta chủ động gạt bỏ, buông xuống mọi suy nghĩ, mọi ý niệm, giữ tâm can tĩnh lặng trống rỗng để nghe, để không bỏ sót từng từ từng ý từng thái độ cử chỉ dù là cái liếc mắt của đối phương!
Đầu tiên, tất nhiên rồi: Ta phải thực sự có lòng, có mong muốn được nghe, được chia sẻ. Có mong muốn được học hỏi, được thấu hiểu, được tin tưởng, được giao phó tâm tư từ phía đối phương. Chẳng cần nói quá nhiều, khi đã không thích, dù có ép buộc cũng không thể vẹn toàn, việc gì cũng vậy, huống chi là lắng nghe.
Dù biết rằng ta ngồi xuống để muốn đưa ra giải pháp hay một câu an ủi cho họ, nhưng, lắng nghe đã. Sẽ không thể nào lắng nghe hoàn toàn khi từng nơ-ron thần kinh cứ phải hoạt động để xem người ta sẽ định nói gì, vì sao người ta nói vậy, mình nên làm gì để giúp đỡ phần nào, mình có đủ kiến thức này không,... Mỗi phút mỗi giây trôi qua như vậy, ta càng bị cuốn theo dòng suy nghĩ của bản thân, rồi thứ mà ta "đọc được" hay "nghe được" sẽ chỉ là ngôn từ mà thôi: Rỗng tuếch, không hề mang ý nghĩa nào cả.
Vì bản thân có trải nghiệm, có kiến thức, có hiểu biết trong một lĩnh vực nào đó tình cờ xuất hiện trong câu chuyện mà ta gạt đi cái cốt lõi của việc lắng nghe - tâm tĩnh lặng, mới thành thấu cảm. Ta không cần phải phân tích, ta không cần phải cố gắng an ủi, ta cũng chẳng cần phải cho họ lời khuyên nào hết. Họ tìm tới ta đa phần đâu phải cần lời khuyên, hay sự an ủi họ cần chỉ là một người ngồi im lắng nghe, để ý từng ánh mắt cử chỉ và thái độ của họ. Mọi người đôi khi chỉ muốn trút ra hết mọi tâm tư trong lòng luôn đè nén, mọi buồn phiền chất chứa chưa kịp tan biến đi, hay đơn giản họ chỉ muốn chia sẻ những gì họ đã trải qua trong cuộc sống này. Họ chỉ muốn ta ở đó, ngắm nhìn họ, nghe từng lời họ nói, một cái khoác vai, một cái nắm tay hoặc chỉ là một cái gật đầu cũng đủ để họ giải phóng mọi suy nghĩ ra khỏi đầu. Khi ta thực sự tĩnh tâm, ta thực sự ở trong một không gian trống trơn chỉ có ta và câu chuyện của họ, ta mới thực sự chạm tới thật sâu bên trong con người của họ, thấy được dáng vẻ yếu đuối, mỏi mệt, bất lực, thấy được phần tâm can bị bóp méo của họ, thấy được những cô bé, cậu bé co mình lại với xung quanh, hay nhẹ nhàng hơn là những tâm hồn trẻ thơ với nụ cười hạnh phúc như mới được một món đồ chơi mới. Có lẽ rằng, chỉ khi đó, ta mới thực sự hiểu được họ muốn nói ra những điều gì, khi ta cảm nhận từ ngữ qua trái tim, không phải qua khối óc. Những câu chuyện được kể, thường là những thứ mà họ đã phải đơn độc trải qua, những nỗi lòng được giấu kín không ai biết được, vì thế, hãy sử dụng một cái đầu tĩnh lặng và một trái tim nóng luôn hướng về họ để lắng nghe nhé!
Hôm nay, tôi cũng nhận ra rằng: sự liên kết thực sự giữa người với người, sự kết nối thực thụ - vô hình mà vững chắc nhất - vẫn là sự kết nối giữa 2 tâm hồn, sự kết nối giữa 2 trái tim với nhau. Không cần qua một mớ lí thuyết kiến thức hay một tràng khoa học tâm lý gì cả. Chỉ đơn giản là người có tâm tư gặp được một người lắng nghe câu chuyện của họ.
Thực lòng, bạn đã được hay biết cách lắng nghe chưa?