Đợt giáng sinh năm mới vừa rồi rảnh quá chả biết làm gì, ngồi ngáp mãi cũng chán nên mình đâm ra có động lực mà cày khóa Introduction to Psychology của Yale Uni. Khóa học khá thú vị, ông thầy cực nerd (từ cách di chuyển đến cách giảng), và sự tổng hợp gần như tất cả các ngành trong tâm lý học, cho bạn một cái nhìn tổng quan có hệ thống về chuyên ngành này, nên rất khuyến khích bạn nào có thời gian rảnh rỗi lắng nghe, có thể luyện thêm khả năng tiếng Anh của mình luôn.
Giáo sư Paul Bloom 

Sau đây là một vài điều, có lẽ không mới, nhưng mình thấy rất đáng để nghiền ngẫm từ khóa học nên muốn chia sẻ với các Nhện:


1. Những hạn chế của nhận thức cũng như sự tự đánh giá sai lệch của chúng ta về bản thân mình



Đây có lẽ là bài học không mới mẻ gì nhưng lại cực kỳ đáng suy ngẫm: Chúng ta thường đánh giá quá cao khả năng cũng như độ "hot" của bản thân. Ví dụ ta thường cho rằng nếu ta ăn mặc kỳ dị, hay làm một điều gì đó ngu xuẩn, mọi người đều sẽ chú ý đến ta. Nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng tỷ lệ thực sự chỉ rơi vào khoảng 50% những gì chúng ta tưởng tượng, hay nói văn vẻ thì là: Ít ai có thời gian quan tâm đến bạn lắm, mọi người đều đã quá bận rộn quan tâm đến bản thân họ rồi. Rồi khi ta nhận kết quả bài kiểm tra, nếu ta được điểm tốt, ngay lập tức ta cho rằng mình thông minh, giỏi giang, trong khi nếu ta bị điểm kém, ta sẽ dễ dàng tìm được hàng trăm lý do để biện hộ, kiểu ta quá bận với những thứ khác, hay hôm ấy ta ra đường nhìn thấy con mẹ xấu gái, blah blah. Kết quả là ai cũng tự đánh giá mình cao hơn mức "trung bình" hết.

Gợi ý khắc phục: Mỗi tuần (hoặc ít nhất mỗi tháng) nên đọc lại bài viết của Mark Manson 1 lần. Bài viết về sự trì hoãn, nhưng nó cũng nhắc tới việc mọi người thường quá tự đề cao bản thân, với câu nói rất thẳng nhưng hơi khó nghe:

Because I have some good news and bad news for you: there’s very little that is special about you or your problems - Mark Manson. 

(Nhớ được điều này có thể giúp bạn quyết định làm những việc mà bản thân tin là đúng, bỏ qua mặc cảm hay những suy nghĩ tiêu cực về việc người khác sẽ nghĩ thế nào về mình).


2. Chúng ta thực sự có một ý niệm về tốt xấu ngay từ khi sinh ra



Nếu bạn đã tình cờ đọc được bài viết Triết học thực hành (Practical Philosophy) – P2: Luận về việc tốt, việc xấu và nhân quả, hy vọng bạn còn nhớ mình tin vào một quan điểm triết học cho rằng tất cả chúng ta đều phân biệt được tốt xấu, và từ sâu thẳm trong tâm hồn có một khát khao hướng thiện.
Điều này được củng cố thêm khá nhiều khi giáo sư Paul Bloom giới thiệu 1 thí nghiệm hết sức thú vị với trẻ nhỏ (tầm 6 tháng tuổi). Trong thí nghiệm, trẻ được xem 1 đồ vật có vẽ mắt (màu đỏ, hình tròn, nhìn béo béo ngộ ngộ nên ta tạm gọi là Andy) được điều khiển như đang cố leo lên 1 cái dốc. Người thực hành thí nghiệm (đứng sau tấm bảng, trẻ không thể nhìn thấy) cho Andy thử vài lần và không thể leo lên dốc. Sau đó, người thực hành thí nghiệm điều khiển để 1 đồ vật khác (màu khác, hình dạng khác, cũng vẽ mắt, tạm gọi là Husky), khi Andy đang cố trèo lên dốc nhưng béo quá không trèo lên được, Husky từ dưới tiến lên, giúp đẩy Andy và vì thế cả 2 leo lên được cùng nhau. Sau đó, thí nghiệm được lặp lại, nhưng lần này đồ vật khác (màu khác, hình dạng khác, tạm gọi là Loveless), khi thấy Andy đang cố leo dốc, Loveless từ trên dốc đi xuống và đẩy Andy, vì vậy mà Andy không thể leo lên. Trẻ được xem đi xem lại cho đến khi chúng có dấu hiệu chán không xem nữa. Sau đó, 1 người bước ra trước đứa trẻ cùng 1 cái khay có cả HuskyLoveless, và để cho trẻ lựa chọn. Cực kỳ ngạc nhiên khi kết quả gần như 100% trẻ chọn chơi với Husky, cho thấy rõ dường như chúng biết phân biệt tốt xấu từ mới đẻ.

Link Youtube về thí nghiệm


3. Ví dụ khá thú vị về tính tương đối trong cuộc sống



Khi đề cập đến ảnh hưởng của văn hóa (culture) đến tâm lý, cảm xúc và cách ứng xử của con người, giáo sư Bloom lấy ví dụ về người miền Bắc và Nam nước Mỹ. Theo dữ liệu từ các khảo sát, người miền Nam nước Mỹ thường nhạy cảm hơn trước những sai trái về đạo đức, và thường trừng phạt những sai trái này một cách bạo lực và tàn nhẫn hơn. Ví dụ, theo khảo sát thì người miền Nam dễ dàng chấp nhận việc một người (A) có quyền đánh, thậm chí là giết người (B) nếu B có hành động làm hại hoặc xúc phạm A. Việc này từng khiến dân miền Nam nước Mỹ bị phân biệt vì dân miền Bắc cho rằng cách hành xử đó là man rợ.
Tuy nhiên, điều thú vị là, chính vì dân miền Nam bạo lực hơn, và không chấp nhận những hành động vi phạm đạo đức, nên chuẩn mực đạo đức và hành xử của miền Nam lại được duy trì ở mức cao hơn rất nhiều so với miền Bắc. Thậm chí nhiều người miền Nam đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy người miền Bắc cư xử thô lỗ với người khác và thẳng thắn nói rằng những hành động như thế là không thể chấp nhận được ở miền Nam.
Theo mình đây là một ví dụ cực kỳ ấn tượng về sự tương đối hay tính hai mặt của cuộc sống, mà đọc nhiều cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần giờ mình bắt đầu thấy thấm thấm cái ý tưởng về vòng tròn thái cực: Trong cái tốt có mầm mống của cái xấu, và trong cái xấu cũng có mầm mống của sự tốt đẹp.




Ngoài ra còn 1 vài thứ cũng khá hay ho nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm:

        _ "Object permanence effect" ở trẻ nhỏ (dưới 6 tháng tuổi): Khi bạn cho trẻ xem 1 đồ vật rồi giấu chúng đi, trẻ sẽ tỏ ra cực kỳ ngạc nhiên, vì chúng mặc định đồ vật gì đã ở đấy thì sẽ ở đấy mãi, chúng chưa nhận thức được sự di chuyển của đồ vật. Điều này giải thích cho trò Ú Òa nhạt nhẽo vc, kiểu tại sao bạn che mặt bằng 2 tay xong bỏ ra trẻ tỏ ra thích thú như đúng rồi.
        _ Khả năng học ngôn ngữ hóa ra lại khá tách biệt với hầu hết các hoạt động khác của bộ não. Điều này được thể hiện khi nhiều đứa trẻ khá thông minh, được bao quanh bởi những người nói cùng một ngôn ngữ, và chúng không có một biểu hiện gì của anti-social hay tự kỷ, nhưng lại không thể học thứ ngôn ngữ đó.
        _ Có những loài mà giống đực mang thai chứ ứ phải giống cái, ví dụ: cá chìa vôi (pipefish)
        _ Cha mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ và tính cách của bạn. Ông thầy phán hơn 50%, nhưng không có dẫn chứng cụ thể lắm. Đây là 1 vấn đề mình khá quan tâm, nên khả năng lúc nào rảnh sẽ cố gắng tìm vài nghiên cứu để hiểu thêm và có thể chia sẻ sau.
        _ Rất dễ để tự nghĩ ra những lý lẽ để biện hộ cho mình, để nghĩ rằng mình là một người có đạo đức và luôn hành xử theo lý trí. Cái này khá quan trọng, nhưng hơi tiếc không được đề cập sâu trong bài giảng.
        _ Bạn không những đánh giá hành động của một người qua những gì bạn cho là bạn biết về tính cách của người đó, mà thậm chí bạn còn chỉ chăm chăm tìm kiếm những hành động có thể phản ánh cái tính cách ấy để khẳng định bạn đúng. Cái này theo mình cực cực kỳ quan trọng và cần luôn nhớ tới để có cái nhìn khách quan hơn với người khác.


Kết: Có lẽ không quá khi nói Tâm lý học càng ngày càng nổi, một phần vì đất bắt đầu chật mà người ngày càng đông, ra đường phát là nhìn thấy một đống. Vì vậy, việc nắm bắt một chút về tâm lý học có lẽ đã trở thành một trong những điều kiện khá quan trọng để dẫn tới thành công. Đúng như tên gọi của nó, khóa học này không đi sâu vào bất cứ vấn đề nào, mà chỉ cố gắng kích thích óc quan sát của học viên và khả năng đặt câu hỏi cho những thứ ta thường mặc định. Nhưng nếu rèn được 2 thứ đó, có lẽ cuộc sống của bạn cũng sẽ trở nên ý nghĩa và có thể là dễ dàng hơn rất nhiều đấy nhé.

A Dreamer

Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)

Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)



Các bài viết khác của tác giả: