1.
Năm nhất đại học, chỗ trọ đầu tiên của tôi là một căn phòng được người quen thuê giúp, nhỏ, lụp xụp, lại thường mất nước tới hai giờ sáng mới có lại. Vừa hay cũng không ngủ được, tôi thường thức tới gần sáng, hứng nước đủ dùng cho ngày hôm sau rồi mới lên giường đi ngủ. Kết thúc học kì một, tôi quyết định dọn qua chỗ mới và ở đó cho tới tận bây giờ.
Đây là một nhà trọ hay ho. Chú chủ nhà là một người thích mở nhạc to và hát karaoke vào buổi tối (thỉnh thoảng cả ban trưa). Vợ chú, chính là cô chủ nhà, lại không thích nhạc nhẽo quá ồn ào. Hai người thường xuyên cãi nhau về những vấn đề rất nhỏ nhặt, như để chậu hoa sát bên mé trái hay mé phải ngoài ban công, chọn đồ màu trắng hay đen, đi tới chỗ này hay chỗ nọ. Tuy vậy, họ vẫn rất yêu thương nhau, bằng chứng là tôi thường nghe tiếng chú hỏi anh con trai rằng mẹ mày lại đi đâu rồi, giọng điệu có vẻ rất quan tâm.
Hai bố con có rất nhiều hình xăm trên người. Lúc mới chuyển tới, thấy dòng chữ Ả Rập trên bả vai, tôi đánh bạo hỏi anh trai về ý nghĩa của nó. Anh trai giả đò bí hiểm, thì thầm với tôi một câu ngắn gọn: “Cái chết của những đứa hay hỏi.” Tôi gật đầu mà mặt méo xẹo, rồi tự hỏi xăm có đau không, và tại sao người ta lại cứ thích xăm làm gì. Bốn năm sau, tôi không thắc mắc nữa. Mỗi khi nhìn vào hai hình xăm trên cánh tay mình, tôi lại muốn bật cười.
2.
Cuối năm ba đại học, tôi đi làm thêm ở một quán cà phê. Bạn bè hỏi sao tôi lại bỏ công việc gia sư lương cao gấp 10 lần để đi làm một công việc chân tay vừa mệt mỏi vừa lương thấp như vậy. Tôi nói, nếu không phải là lúc này, thì chắc chẳng còn lúc nào làm được nữa.
Nghe có vẻ giống self-help, nhưng quả thật đó là những gì tôi nghĩ lúc ấy. Ngày còn học lớp 12, tôi đặt mục tiêu vào năm nhất đại học phải đi làm phục vụ ở một quán cà phê hay nhà hàng gì đó để “nếm mùi đời” (như cái cách mà tôi thường đùa với các bạn). Nhưng rồi năm nhất, năm hai rồi năm ba trôi đi, tôi vẫn chưa làm được. Tôi sợ mình không đủ nhanh nhẹn hay khéo léo để đảm đương công việc này. Cũng phải thôi, lúc ở nhà với mẹ tôi đâu phải làm gì nhiều.
Tôi đọc được thông báo tuyển nhân viên trên facebook, đại ý quán đang cần tuyển người, ai chưa biết sẽ được đào tạo. Tốt thôi, chỗ làm cũng rất gần nơi tôi ở, có thể đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Đó là tôi nghĩ vậy, chứ thật ra khi được nhận rồi tôi lại chỉ đi xe, vì lười.
Anh chủ bảo đây là quán trà, nhưng tôi vẫn thích gọi nó là quán cà phê. Có lẽ vì tôi pha cà phê giỏi hơn trà.

3.
Giữa năm cuối đại học, tôi tới Đà Nẵng du lịch. Lần đầu tôi đi cách đó cũng khá lâu rồi, trẻ con chẳng biết quan sát gì nhiều, chỉ biết chỗ này có tượng Phật rất to, chỗ kia có cây cầu đẹp rực rỡ ánh điện. Lần này, tôi chủ tâm để ý hơn tới môi trường sống, thời tiết và con người.
Sau năm cuối ở trường học là năm nhất trường đời. Tôi đi làm, rồi vào Sài Gòn gặp bạn thân. Đây là một thành phố đáng để thử với dòng xe tấp nập, những tòa nhà hiện đại cao chọc trời và con người thật sự dễ thương.
Bạn tôi bảo, tao tin rằng rồi mày sẽ chuyển tới sống ở Sài Gòn thôi, như cái cách mà mày đã từng muốn tới Đà Nẵng vậy. Tôi cười, có lẽ vậy. 
4.
Một ngày tháng Ba ảm đạm. Tôi nằm trên giường nhìn qua ô cửa sổ nhỏ ngắm nhìn bầu trời Hà Nội. Những giọt mưa bay trong không khí, đậu trên mái tôn kêu tí tách mãi không ngưng.

Hà Nội, 17.03.2020