Vấn đề tối hậu và là trăn trở trong cuộc đời một nhà làm phim là làm thế nào để dẫn nhập được tinh thần nhân văn vào nội tại bộ phim mình làm, bất kể một bộ phim đề cập đến câu chuyện gì trong tự thân nó, để truyền tải được điều đó một cách trọn vẹn, cũng cần thiết cho người đạo diễn xác định chủ đề bộ phim một cách đúng đắn.
Quá trình quan sát và xác định chủ đề cho bộ phim là một trong những công đoạn chuẩn bị dài hơi và đầy khó khăn nhất, bởi một tác phẩm nếu thiếu đi tính nhất quán của chủ đề sẽ chẳng khác nào một con người khuyết đi danh tính đồng thời lạc trong mê cung vô tận cả. Chủ đề - vốn tự thân là một khái niệm đơn giản nhưng đồng thời chính nó là kim chỉ nam dẫn lối cho sự xuyên suốt, mạch lạc của nội dung phim, dưới góc nhìn của một nhà làm phim trẻ, bản thân người viết cho rằng chủ đề chính là phần linh hồn của một tác phẩm.
Sydney Pollack có nói: “Cách làm việc của tôi là xác định trước tiên chủ đề bộ phim, ý tưởng trung tâm của nó. Và khi tôi nắm bắt, làm chủ được điều này thì mọi quyết định ở trường quay đều là hệ quả tự nhiên, đều do ý tưởng nói trên ảnh hưởng một cách vô thức”.
Chúng ta biết mỗi quyết định trong đời của một con người phần nhiều dựa trên cách mà con người đó đối diện với những biến động trong quá khứ, dần dà hình thành nên một hệ tự duy thế tập, vì thế mà cái phạm trù cốt lõi luôn là một yếu tố định hình nên bản thể trưởng thành của bất kì một thứ gì. Khi ta xác định rõ được một chủ đề xuất phát, giai đoạn on set của người đạo diễn cũng nhờ đó mà trở nên tự nhiên, sống động và trơn tru hơn; mọi tác động từ chủ đề trọng tâm đều sẽ ảnh hưởng tích cực tới nghiệp vụ đạo diễn một cách vô thức, điều này vốn được nhà phân tâm học Sigmund Freud tổng quát khoa học trong khái niệm về tảng băng trôi của tâm lý con người.
Lấy những ví dụ cơ bản hơn, việc xác định một chủ đề cũng giống việc xác định trang phục phù hợp cho từng mục đích gặp gỡ; xác định việc đi học cũng đồng nghĩa con người ta cần mặc đồng phục học sinh, hoặc khi gặp đối tác cần mặc âu phục, gặp bạn bè thì phải mặc trang phục thoải mái để đi chơi, việc xác định rõ mục đích ban đầu từ đó dẫn đến những lựa chọn phù hợp mang tính thế tập về sau một cách vô thức, tránh dẫn đến những yếu tố râu ông này cắm cằm bà kia hay trong điện ảnh chính là trở nên lạc lõng, đứt gãy giữa đường, điều mà một số tác phẩm mắc phải khi không rõ ràng về chủ đề.
Sydney Pollack lại nói: “Tôi thường so sánh ý tưởng trung tâm với với phương thức nặn tượng của nhà điêu khắc. Thường thì nhà điêu khắc khởi đầu bằng cách tạo ra bộ xương bằng kim loại, rồi đắp từ từ đất sét lên đó và nắn cho nó có hình thù con người. Chính bộ xương làm cho tượng đứng vững. Nếu không có nó, tất cả sẽ đổ nhào. Song, khi tượng hoàn thành thì người ta không được thấy bộ xương nữa, nếu không thì sẽ hỏng cả…”
Con người sống trong một xã hội mà tự thân ta từ khi sinh ra đã là mắt xích trong một hệ thống vô số những mối quan hệ chồng chéo lẫn nhau, nếu áp dụng tính chất bắc cầu một cách vô cùng chủ quan, hoàn toàn có thể khẳng định người A quen biết người B cũng đồng nghĩa người A đã quen biết với cả thế giới. Trong một số bài học và trên con đường truy cầu sự học, người viết đã được dạy về tính chất cơ bản trong thế giới quan của người đạo diễn và thế giới thực, rằng khái niệm không – thời gian trong điện ảnh chính là thế giới thực nhưng được tuân theo ý đồ về không – thời gian của chính người đạo diễn đó, và chủ đề cũng là một phần tử như vậy. Nhưng bởi tính chất khắc họa hình thái xã hội thực mà một trước tác điện ảnh cũng xuất hiện nhiều chủ đề đan cài lẫn nhau, và cần thiết xác định một chủ đề trọng tâm, cốt lõi.
Người viết cho rằng, bộ xương mà Sydney Pollack đề cập chính là thế giới quan qua con mắt của người đạo diễn, sau khi đã xác định được một chủ đề trọng tâm, qua bàn tay nhào nặn của nhà làm phim mà trở nên độc bản, duy nhất, không có cái thứ hai, nhưng đồng thời cũng nằm ẩn trong nội tại của tác phẩm điện ảnh đó.
Thế giới quan đó là điều mà một nhà làm phim truyền tải đến khả năng cảm thụ chung của người xem, đòi hỏi người xem phải nhận ra nó qua tiến trình của bộ phim, nhưng đồng thời không được phép vỗ thẳng mặt người xem một cách trực tiếp và thốt lên rằng: “Đây, đây chính là cái ý nghĩa mà tôi muốn nói trong tác phẩm của mình đây…” - Là điều tối tối kị, một giới luật buộc không phạm phải.
Suy cho cùng, chủ đề chính là tinh thần nhân văn của người đạo diễn, chủ đề trong phim là đôi mắt, hơi thở, tiếng nói đại diện cho người đạo diễn đó, và khát vọng chung của những cá nhân thực hành điện ảnh chính là được đem nguyên bản những yếu tố đó đến với người xem, truyền tải trọn vẹn một tình yêu điện ảnh thuần túy đến với đại chúng.