Vấn đề về tri thức luôn là một trong những câu hỏi lớn của nhân loại từ thuở con người dần bắt đầu tồn tại tri giác, kể từ thuở hồng hoang cho tới giai đoạn văn minh hiện đại. Con người – một giống loài đã trải qua bao nhiêu bước tiến hóa để đạt được những cột mốc vĩ đại về nhận thức luận, với giới học giả Tây phương, suy tư và hoài nghi khởi nguồn bằng giai đoạn Tiền Socrates, còn ở Đông phương tập trung vào giai đoạn Xuân Thu khi biết bao hệ phái triết học nổi lên như Khổng, Lão, Trang, Tuân, Mặc, Hàn Phi, vv… Tất cả thảy chúng đều giữ một tầm vóc vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của hình thái xã hội nhân loại như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, cùng mẫu số chung của chúng, dù ở Đông phương hay Tây phương, đều phải đi lên từ những cái vi mô trước khi nói đến lý luận vĩ mô, ví như trước tác của Nho Giáo, cần phải nắm rõ cái lý thuyết cấu thành Hình Nhi Hạ trước nhất rồi mới đến cái lý luận siêu hình của Hình Nhi Thượng; hay như Phật Giáo, tu tập là phải đi từ tu thân, tu tính, nuôi dưỡng con người rồi mới thật hiểu được cái vô cực Chân Như nhiệm màu mà Phật Gia mang lại.
Dong dài như thế cũng chỉ nhằm làm rõ một vấn đề cơ bản, ngành nào cũng vậy, đạo học thật sự là khi người ta biết đi lên từ những kiến thức nền tảng trước khi vỡ ra những đột phá mới; ở nghề đạo diễn nói riêng, cũng là một điển hình như vậy.
Trong điện ảnh, trải qua một quá trình phát triển không ngừng, kể từ những bộ phim đầu tiên đến nay cũng đã ngót nghét hơn một thế kỷ, những văn phạm cơ bản về kỹ thuật, quy tắc, lý thuyết đều được hấp thụ vô vàn tinh hoa kiến thức từ những bậc tiền nhân đi trước và vẫn đang tiếp tục tiến tới không ngừng, có thể lấy một vài ví dụ rõ nét nhất như đột phá về Montage của đạo diễn Sergei M. Eisensten với Chiến Hạm Potemkin; Mise en Scene của Orsen Welles trong trước tác Citizen Kane huyền thoại,… và còn nhiều nữa những minh triết điện ảnh góp phần tạo nên một hệ thống nền tảng cho nghề như bây giờ.
Điều quan trọng là hậu nhân chúng ta phải học tập, hiểu và nắm rõ những văn phạm cơ bản đó, vì chúng như thể cột mống cho một ngôi nhà, thứ mang lại cho công trình kiến trúc tính bền vững chứ không phải một sự vững chãi giả tạo tạm thời. Bạn đương nhiên có thể phá bỏ mọi quy tắc mà bạn muốn với điều kiện là bạn đã nắm vững các quy tắc đó trước đã! Nếu không chịu học văn phạm cơ bản thì ta khác nào những gã họa sĩ tự lấy danh xưng trừu tượng chỉ để che lấp sự thiếu hiểu biết, thiển cẩn và một sự thật là không biết vẽ?
Ta thấy một Picasso độc đáo với trường phái Lập Thể mà ông sáng tạo, thậm chí trước khi tạo ra những tác phẩm với những nét vẽ nguệch ngoạc mà ta cảm tưởng như một đứa trẻ họa nên ấy, Picasso đã có vô số những tác phẩm với khả năng hội họa như những thiên tài thời Phục Hưng rồi, thậm chí như ông cũng đã nói: “Tôi mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ”. Thế mới thấy, các quy tắc cơ bản cung cấp cho chúng ta những chuẩn mực để từ đó có thể sáng tạo ra những điều mới mẻ độc đáo như thế nào.
Trong tương lai có thể sẽ chứng kiến sự ra đời của biết bao kỹ thuật tiến bộ của điện ảnh thời đại mới, những nhà làm phim trẻ luôn khao khát được thể hiện mình và thử nghiệm những công trình điện ảnh thể nghiệm độc đáo, nhưng dù có phát triển đến đâu đi nữa, nhân loại nói chung và người trong ngành nói riêng cũng sẽ không thể phủ nhận một chân lý rằng: văn phạm cơ bản sẽ và sẽ luôn là nền móng cơ bản của đạo học, là hành trang bắt buộc phải trang bị trước khi bước vào đời.