Aucune description de photo disponible.

Mấy nay đọc Phạm Công Thiện.

Trong Mặt trời không bao giờ có thực (1967), chương 79, đọc đến đoạn ông nói về chữ donc (tiếng pháp, therefore/so trong tiếng anh) lại nhớ đến một đoạn trong Bay đi những cơn mưa phùn (1970), bài Thực sự hôm nay của ông khi ông nói đến cụm từ "và thế rồi".

Ông nói rằng Hiểu được ý nghĩa chữ “donc” là hiểu được trọn vẹn văn hóa Pháp, văn hóa Âu châu, văn hóa Tây phương, có lẽ là bởi câu nổi tiếng của Descartes, Je pense, donc je suis, ở đây có lẽ là ai cũng rõ về câu này rồi, nhưng mình cũng xin gõ vài dòng gọi là dẫn nhập, câu này tiếng anh là I think therefore i am, tiếng việt hay dịch là Tôi tư duy nên tôi tồn tại, câu nói này được xem một trong những là nền tảng của triết học phương tây, khi muốn chứng minh về sự tồn tại.

PCT cũng là một người nghiên cứu Phật học, nên có lẽ cách ông nhìn nhận cũng bị ảnh hưởng bởi Phật học chăng. Khi nói về donc, ngoài việc ông muốn nói rằng tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại, ông còn muốn nói đến khả năng tự do trở thành một người khác với một định mệnh khác của mỗi người sau khi người đó phát khởi bất kỳ một suy nghĩ nào đó, và dù muốn hay không muốn khả năng đó, đó lại là bản chất của thế giới này, vô thường, theo cách nói Phật giáo, và sau mỗi sát na tâm, nghĩa là sau mỗi cái thay đổi nơi tâm bằng tư duy, bằng suy nghĩ, chúng ta lại trở thành con người khác, và cuộc đời này lại trở thành cuộc đời khác, khi mà mỗi bước đi đều là định mệnh? Mỗi cái nhìn là thiên thu ly biệt? Mỗi lời nói là một thế giới sụp đổ? Mỗi giây phút là đền điện vĩnh cửu? Cuộc sống trôi qua, và mỗi giây quá khứ cùng với một bộ tập hợp các tính chất kia đã được đổ bê tông, những tính chất chừng như đối lập của cuộc sống hóa ra là một, tính chất nay trở thành tính chất kia, như hai mặt của một bàn tay, tôi thấy rằng sống lờ phờ cũng vui và dễ, như đèn đỏ tắt thì đèn xanh cháy lên. Đỏ và xanh, sống và chết, vui và buồn, yêu và ghét. Hai mặt của một bàn tay, như muôn vạn chủ nghĩa, học thuyết đối đầu nhau. Tôi bỗng thấy ghét mấy chữ ―và này. Và thế rồi một buổi chiều, tôi thấy yêu chữ ―và này. Tôi cực đoan, chỉ là thứ này hoặc thứ kia, không thể tồn tại cùng lúc hai thứ được, nhưng tôi quên mất rằng, chẳng có gì là mãi mãi, và chữ và kia nó mang cho ta cái lăng kính to lớn nhìn thấy cả cuộc đời, tôi vứt bỏ chiếc kính hiển vi đào bới những nhỏ nhoi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi phù vân.

Và thế rồi. Tôi suy nghĩ, và thế rồi, tôi là...

Tôi là, đúng theo nghĩa Tây phương của nó, je suis, hoặc i am, theo sau là dấu ba chấm mông lung bày ra vô vạn các khả năng, cuộc sống không phải là nhưng tấm ảnh khô cứng chụp các lát cắt thời gian treo trong viện bảo tàng, mà nó là một cuốn phim với những sắc màu cử động mãi hoài thay đổi.
Ông nâng niu tiếng Việt. Và thế rồi, ba chữ này, ba tiếng này, tôi nghĩ rằng không thể tìm được một loạt chữ nào ở thế giới khả dĩ gọi lại tất cả lù mù hiện lên trong đó.