Vượt lên trật tự
Vượt lên trật tự
Có lẽ tờ New York Times đã đưa ra một lời bình luận rất tương xứng và vừa vặn với tác giả của quyển sách, Jordan Peterson, rằng ông là một nhà tư tưởng đại chúng có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất ở phương Tây hiện nay. Vài ngày qua, kể từ khi nhận được quyển Beyond Order, với nhan đề tiếng Việt Vượt lên Trật tự : 12 Quy tắc cho cuộc sống vừa được Công ty Cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn phát hành, tôi đã nhớ lại cái tên Peterson đã loáng thoáng xuất hiện đâu đó trên tài khoản mạng xã hội của mình cách đây vài năm từ những địa chỉ, nơi chốn “hội chợ tư tưởng” quen thuộc mà tôi là thành viên. Những gì tôi biết lúc đó về Peterson lại có liên quan đến một nhân vật khác, Slavoj Zizek, cũng là một cái tên nổi bật trên diễn đàn triết học đương đại và lúc này họ đang trong một cuộc thách thức lẫn nhau một cách gay gắt về mặt quan điểm để rồi đi đến cao trào là một cuộc tranh luận giữa họ được tổ chức tại Meridian Hall, Toronto vào ngày 19/4/2019, trước đó Giáo sư Peterson đã gửi đến đồng nghiệp người Slovenia của mình thông điệp sau cùng về sự gặp gỡ trọng đại của hai gã khổng lồ : “any time, any place, Mr.Zizek”.
Sự kiện trên khá gây tiếng vang, thu hút khoảng 3000 người tham dự, với chủ đề “Hạnh phúc : Chủ nghĩa Tư bản vs Chủ nghĩa Marx”. Và dường như không khó để nhận ra cái tên chủ đề đã gợi lên một chút gì về quá khứ, ít nhất là về lịch sử tư tưởng. Capitalism vs Marxism, hai Ý thức hệ quan trọng của thời đại đã manh nha, tiến triển từ các tranh luận của các Triết gia Thế kỷ 18-19, tất nhiên khi đó chỉ trong hình thức những cọ xát kịch liệt trên bình diện ý niệm, phong trào xã hội cho đến khi trở thành một hiện thực chính trị - quan hệ quốc tế phổ biến của thế kỷ 20 với sự đối lập giữa hai khối Đông – Tây trong khuôn khổ của cuộc Chiến tranh Lạnh; ở Thế kỷ 18-19 chúng chỉ là những cuộc cãi nhau bằng những trước tác, khảo luận, tuyên ngôn, sách lược tranh đấu thì đến thế kỷ 20 cũng là những cuộc cãi nhau nhưng lần này được thêm vào đó khí giới và xung đột, và đến nay chúng lại được phát ngôn bởi hai nhà tư tưởng thời danh đương đại, một người tự ví mình có khuynh hướng “chủ nghĩa tự do cổ điển phái Ăng-lê” và người kia “Cộng sản, phái Hegel”. Do đó, “Chủ nghĩa Tư bản vs Chủ nghĩa Marx” cũng chính là “Jordan Peterson vs Slavoj Zizek” của ngày 19/4/2019 tại Toronto.
Thế kỷ 18-19 cãi, Thế kỷ 20 lãnh đủ với chiến tranh và chạy đua vũ trang, sang Thế kỷ 21 lại được xuất hiện trở lại (buồn cười thay, lần này là với “Hạnh phúc”!), thật sự, tôi không khỏi cảm thấy phấn khích khi quan sát một dòng chảy tư tưởng được diễn biến theo một cách vô cùng thú vị như vậy. Thật tiếc là những gì diễn ra tại Miridian Hall ngày hôm đó giữa hai vị Giáo sư lại không phải là đối tượng chính của bài viết này, nhưng cuộc gặp gỡ giữa họ đã khiến tôi biết đến Peterson nhiều hơn và sau đó có vẻ tên của ông đã không còn chỉ “loáng thoáng” nữa, trái lại, đã có gì đó chín muồi, thành tựu khi hai trong số tác phẩm của ông được có mặt trong ấn bản tiếng Việt của SaigonBooks, Vượt lên Trật tự là một trong số đó.
Beyond Order - Vượt lên trật tự
Beyond Order - Vượt lên trật tự
Đối với Vượt lên Trật tự, đối tượng chính của bài viết, tôi cho rằng thật sự không cần thiết phải viết gì đó về quyển sách này theo lối trình bày có bao hàm những gạch đầu dòng cách ngắn gọn, cô đọng nhất về 12 Quy tắc của Peterson, vì tác giả đã thực hiện điều này ngay tại Lời mở đầu, thiết nghĩ không ai có thể làm tốt hơn được tác giả ở điểm này. Ngoài ra, các độc giả có thể thấy bản thân có những chia sẻ chung về những sự kiện toàn cầu gay cấn gần đây với chính tác giả, bởi lẽ thông qua Lời mở đầu ta biết rằng tác phẩm này được liên kết với kinh nghiệm sâu sắc của tác giả khi phải nỗ lực hoàn thành nó trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, hơn nữa Peterson cùng phu nhân và con gái còn phải trải qua khoảng thời gian đương đầu với những căn bệnh gây tác động trầm trọng đến sức khỏe của họ. Nỗi đau về tâm lý và thể lý cho bản thân và gia đình, nỗi sợ phải mất đi người bạn đời chung sống bao năm… Thật vậy, chưa cần phải đi vào 12 Quy tắc kia, người đọc đã nhận thấy cặp đôi Trật tự - Hỗn độn đã bàng bạc ở chính nơi hoàn cảnh của tác giả và gia quyến của ông, trong đó những căn bệnh và biến cố đã xảy đến, làm gián đoạn lung lay đời sống thường nhật kiên cố của họ, và rất có thể, cũng hy vọng dẫu mong manh là không thể, rằng nó trở thành một kinh nghiệm của ai đó khác, trong số chúng ta.
Một điểm khác cần phải chỉ ra về quyển sách này, nếu giở ra phía sau để xem những nguồn tài liệu tham khảo để xây dựng nên nội dung của 12 Quy tắc, ta sẽ thấy sự có mặt của những tài liệu đến từ ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau có tính chất hết sức hàn lâm, vì thế đây không phải là một quyển sách dẫn đường chỉ lối vào đời bình thường, mà là bắt nguồn từ những phông nền kiến thức đồ sộ đã được tác giả “dịch” sang một thứ ngôn ngữ tương đối dễ dàng nắm bắt. Tôi có nhận xét rằng, nếu đọc Vượt lên Trật tự, một độc giả phổ thông nhất có thể bị khựng lại ít lâu trước những từ khóa lạ lẫm đến từ một lĩnh vực nào đó, như Phân tâm học hoặc những câu chuyện Thần thoại hoặc những điển tích nào đó từ Kinh Thánh nhưng hẳn là sẽ khó có thể than phiền rằng Peterson đã viết một cách tối tăm đến mức không thể hiểu được, vì nhìn chung tác giả đã làm nhẹ đi những phần vốn dĩ rất nặng nề.
Tiếp tục với 12 Quy tắc của Vượt lên Trật tự, khi tôi đề cập đến cuộc tranh luận giữa Jordan Peterson với Slavoj Zizek ở trên thì trong đó đã dự tính với mục đích dẫn dắt mào đầu vào Quy tắc 6 : Hãy buông bỏ những định kiến. Cuộc tranh luận ở Toronto tháng 4/2019 quả thật là cuộc tranh luận giữa hai Ý thức hệ lớn trong lịch sử tư tưởng, và nếu đếm từng từ một, ta cũng sẽ thấy không Quy tắc nào có sự xuất hiện của từ “Chiến binh ý thức hệ” nhiều hơn Quy tắc 6. Vì lẽ trên, tôi sẽ sử dụng việc đọc đang được tiến hành vội vã để xin có đôi lời về Quy tắc này, xin mạn phép đưa chương sách này lên hàng đầu, để có nhận định rằng với việc đọc chỉ hơn 15 trang giấy, tôi đã có những hiểu biết hơn rất nhiều về chủ đề Ý thức hệ xét như là một thái độ nhìn nhận thực tại đầy khiếm khuyết, và Giáo sư Peterson đã có những trang viết xuất sắc về chủ đề trên.
Trước hết, có thể nhận thấy rằng tiêu đề Quy tắc 6 : Hãy buông bỏ những định kiến không hề nhắc đến từ “Ý thức hệ” mà chỉ có “định kiến” là thứ “hãy buông bỏ”, nhưng giả sử ta là một người đọc nào đó có một chút hiểu biết căn bản về lĩnh vực xã hội học về nhận thức thì sẽ hiểu được rằng “định kiến” có mối quan hệ rất mật thiết với “Ý thức hệ” và cụm từ “chiến binh ý thức hệ” chính là những con người quy tập lại với nhau dưới một hệ thống tư tưởng nhất quán nào đó về các lĩnh vực khác nhau của thực tại, hay nói cách khác, họ là những con người đã đi theo một “Ý thức hệ” nhất định, cũng tức là khi trở thành chiến binh ý thức hệ thì họ cũng đã mang trong mình các loại định kiến khác nhau về thế giới xung quanh họ, được trợ lực bởi hệ thống tư tưởng Ý thức hệ. Nếu trong vai là một chiến binh ý thức hệ, ta đến với thế giới, hay, thế giới được mang lại vào trong đầu óc của ta, sẽ không theo một cách thức trong suốt, vô nhiễm, mà ngược lại, việc ta với thế giới tiếp cận nhau là được quy định ngay từ đầu bởi một tập hợp có hệ thống các ý niệm bao hàm trong đó những khuynh hướng thiên về cực này hay cực khác; hệ quả từ việc này : ta không nhìn thế giới bằng chính đôi mắt của mình, mà là bằng cặp mắt kiếng được đeo vào của Ý thức hệ và định kiến.
Tiếp theo những điều được cảm nhận về Quy tắc 6 này, theo những gì mà tôi đã thu hoạch được từ tác giả, Giáo sư Peterson đã nêu đầy đủ về những dấu hiệu để nhận biết một Ý thức hệ :
Dấu hiệu đầu tiên, Ý thức hệ là một hệ thống khép kín. Đây là điều ta dễ thấy ở nơi chiến binh ý thức hệ, họ luôn là những người bảo vệ chân chính, thuần thành nhất cho hệ thống tư tưởng của họ và có thể dùng mọi biện pháp, thủ đoạn về ngôn từ để bảo vệ đến cùng những gì đã được xác định và được tin theo một cách vô điều kiện, không hề có chút thao tác tự tra vấn, phê bình, thảo luận về những mớ lý luận mà họ đã trót phó thác sự suy nghĩ của họ vào đó, dừng lại đó, và chỉ ở đó mà thôi. Có thể Giáo sư Peterson sẽ đồng ý với tôi thêm một điểm này nữa : đó là tính cách bầy đàn của các chiến binh ý thức hệ, đó là hình ảnh một đám đông, rất đông, được hiệu lệnh bởi các định kiến được thôi thúc, trở thành động lực trong tâm trí của họ, trong sự sẵn sàng để đáp trả bất kỳ mối nguy nào động chạm đến niềm tin Ý thức hệ của họ. Ta có thể lấy hình dung về các trạng thái xã hội khi Ý thức hệ chính trị cực đoan đã trở nên có tính cách thống trị. Hãy nhìn vào nước Đức trong thời kỳ Quốc xã như một ví dụ. Ta có thể liên hệ với những kinh nghiệm khác gần gũi hơn, đó là việc sử dụng mạng xã hội hiện nay, nơi hàng ngày vẫn tràn ngập các thông tin, tư tưởng đến từ nhiều nguồn khác nhau, ta không thể chắc chắn rằng sẽ không hề có các tập đoàn chiến binh ý thức hệ vẫn đang ở đâu đó trong những gì mà chúng ta đã tiếp thu trên mạng xã hội.
Dấu hiệu thứ hai, Ý thức hệ như là sự đơn giản hoặc cường điệu hóa quá mức những gì vô cùng phức tạp ở thế giới bên ngoài kia. Nó sử dụng những thứ ngôn ngữ trừu tượng, có tính cách chung chung, tổng quát, quy mọi thứ về một thứ hoặc vài thứ, trọng nguyên nhân này nhưng xem nhẹ đi những nguyên nhân khác; nếu thế giới là tổng hòa của sự đa dạng phong phú phức tạp thì Ý thức hệ nói với bạn rằng tất cả chỉ bắt nguồn từ một đầu mối duy nhất hoặc một vài nguyên nhân nhất định nào đó được nâng lên tầm những nguyên lý tối hậu và nhấn mạnh rằng chúng là chìa khóa để lý giải về mọi vấn nạn. Chân lý đã có sẵn, việc của chúng ta chỉ là mang những tiền đề từ chân lý đó để tiến hành sự diễn dịch, giải thích cho toàn bộ những gì còn lại của thế giới. Họ có thể phê phán về tất cả, ngoại trừ chân lý của họ. Nếu thực tại vốn dĩ là một thứ phải thận trọng khi nhận thức lại trở nên vô cùng….dễ ăn như vậy, thì làm sao mà các chiến binh ý thức hệ, về mặt tâm trí, lại không bị hấp dẫn! Vì họ được trao cho một bữa tiệc được soạn sẵn cho họ. Bữa tiệc của các món ăn định kiến với đủ thứ mùi hương lập trường khác nhau, và gã bếp trưởng, chính là Ý thức hệ!
Dấu hiệu thứ ba, đó là Ý thức hệ luôn có tính cách gây chia rẽ, một cách quyết liệt nhất. Đây là một dấu hiệu có tính cách hệ trọng, vì nó liên quan đến mối quan hệ giữa con người với nhau, ở đó một nhà bị xẻ làm ba, làm tư, làm sáu, chỉ vì những niềm tin có hệ thống đã chi phối, định đoạt lấy đời sống nhận thức của những tập đoàn người với nhau. Đặc biệt là trên phương diện về các vấn nạn xã hội, Ý thức hệ và các chiến binh của nó luôn tuân theo một nguyên tắc của các cặp đối lập: phải có một lực lượng xã hội nào đó là thủ phạm, và tất nhiên, chúng ta là nạn nhân, hoặc, chúng ta là những người đấu tranh và các thành phần đó chính là đối tượng cho cuộc đấu tranh của chúng ta, nhân danh điều gì đó, hay đại loại như nếu có tồn tại sự bần cùng và người nghèo đầy rẫy trong xã hội, thì đó là vì hầu hết của cải xã hội đã nằm trong tay những tầng lớp nào đó giàu sụ. Những kiểu đối lập triệt để như vậy cũng là một hệ quả phái sinh từ việc đơn giản hóa sự phức tạp của thực tại xã hội của Ý thức hệ (như đã chỉ ra ở dấu hiệu thứ hai : quy mọi thứ về một thứ hoặc vài thứ !), trong đó những nguyên nhân được xác định phải gánh lấy toàn bộ nhiệm vụ giải thích cho vấn nạn và đề ra sự hành động, cũng như những thành phần xã hội nào đó phải gánh lấy vai trò như những kẻ phản diện đối với các chiến binh ý thức hệ.
Những nội dung phân tích Ý thức hệ được tôi tóm lại bằng ba điểm trên, ta có thể xem chúng như những sự chẩn đoán những triệu chứng của một căn bệnh. Vậy còn phần kê đơn phát thuốc thì sao?
Trong tất cả các chương sách của Vượt lên Trật tự, dự định xuyên suốt của Peterson là nhằm đưa ra một vài lời khuyên cho cuộc sống hiện đại. Và trong Quy tắc 6 này, ngay từ những nội dung ban đầu, tác giả đã đề cập đến đề tài Trách nhiệm, ông đặt vấn đề rằng chúng ta đã phạm sai lầm, một loạt các sai lầm, khi đã có quá nhiều sự tuyên dương về quyền lợi của con người nhưng lại không hề nói gì đến bổn phận của những người trẻ, đẩy họ vào những nơi chốn sai lầm. Từ việc tạo ra một sự mất cân bằng giữa quyền lợi và bổn phận, khi đã quá quen thuộc với việc đòi hỏi về quyền lợi nhưng lại lãng quên bổn phận thì khi ném người trẻ vào những tình huống bất công xã hội, họ sẽ dễ trở thành những chiến binh ý thức hệ, vì ở đó họ được trao cho những công thức đơn giản nhất về thực tại, vô tình đáp ứng được sự đòi hỏi đã thành quán tính của họ mà không muốn bản thân mình phải trải nghiệm những sự phức tạp, kinh qua những khó khăn và khổ đau để tìm lấy những ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc đời.
Cũng không phải ngẫu nhiên khi một cái tên đã được nhắc đến, Friedrich Nietzsche, một Triết gia người Đức sống vào Thế kỷ 19 có tầm ảnh hưởng lớn lao đến các trào lưu triết học phương Tây hiện đại về sau, đã được tác giả quyển sách xem như một nhân vật đề cao cho cho tính cá nhân. Peterson trong phần cuối của chương sách này, cho rằng trước những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài kia, chúng ta cứ vội vã trở thành và hành động như các chiến binh Ý thức hệ, đổ thừa những thất bại cá nhân cho những nguyên nhân hệ thống xã hội nhưng lại quên mất việc soi xét lại chính những vấn đề nội tại, động cơ cá nhân của chính bản thân mình.
Sau tất cả với Quy tắc 6, ta hãy hợp lại những ý tưởng về “trách nhiệm, bổn phận” và “cá nhân”, đây chính là lời khuyên của tác giả. Hãy quan tâm đến những vấn đề thuộc về cá nhân, gánh vác lấy trách nhiệm nhìn nhận và phát hiện ra những sai lầm ở nơi bản thân mình và tu sửa chúng, như cách nói của tác giả, trước khi bắt đầu cuộc hành trình giải cứu thế giới của mình. Tác giả tin rằng chúng ta nên suy ngẫm về cái xấu trong tâm hồn mình thay vì bới lông tìm vết nơi người khác, những giải pháp nội tại cần được cân nhắc và thực hiện thay vì là những giải pháp ngoại tại, nó thậm chí còn được xem là một giải pháp hợp lý và ít gây nguy hiểm cho xã hội. Việc trở lại với những cái sâu thẳm nơi bản thân để giải quyết các vấn nạn đã thuộc về lĩnh vực tâm lý – tâm linh hơn về chính trị - xã hội. Đây là một giải pháp hoàn toàn phù hợp với xuất thân học vấn của tác giả, vốn là một nhà tâm lý học lâm sàng, Giáo sư Tâm lý học của Đại học Toronto, Canada.
Hãy trở lại và gánh vác lấy trách nhiệm hoàn thiện bản thân mình, đảm đương lấy những vấn đề cụ thể, rõ ràng. Những thông điệp này của Jordan Peterson là lời khuyên của ông khi đối diện với Ý thức hệ với những đặc tính trừu tượng, chung chung, bỏ qua các quá trình phức tạp, muôn màu muôn vẻ của đời sống. Sự trở lại với bản thân hẳn không mang hàm ý nhằm thoái lui, xa lánh với cuộc đời, như một sự chạy trốn. Tôi xin được trích dẫn đoạn cuối cùng trong chương sách này :
“Hãy giữ sự khiêm tốn. Dọn dẹp phòng ngủ của bạn. Chăm sóc cho gia đình mình. Nghe theo tiếng nói lương tâm. Điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Tìm một điều gì đó hữu ích và thú vị để làm và hãy kiên trì với nó. Khi bạn đã thành công trong tất cả những việc này, hãy tìm một vấn đề lớn hơn để giải quyết nếu bạn cảm thấy sẵn sàng. Nếu bạn tiếp tục thành công với việc đó, hãy tiến tới những dự án lớn lao hơn nữa. Và điều kiện tiên quyết để bắt đầu quá trình đó là : Hãy buông bỏ định kiến.”
Beyond Order - Vượt lên trật tự
Beyond Order - Vượt lên trật tự
Thật vậy, nếu xem hành trạng, tiểu sử của Giáo sư Jordan Peterson, chẳng có gì trong đó cho thấy rằng ông là một nhân vật lánh đời, khước từ những câu chuyện lớn lao của xã hội. Ông chỉ đang hướng dẫn cách thức mà chúng ta phải làm về những điều gì là thiết thực nhất cho bản thân và chọn lấy cho mình một lối đi minh bạch, một chỗ đứng, một điểm tựa vững chắc nhất để bắt đầu thực hiện những dự định trong cuộc sống và đối mặt với thế giới ngoài kia.
Đó là tất cả những gì tôi đã chiêm nghiệm từ việc đọc Quy tắc 6 của Vượt lên Trật tự. Và đây chỉ mới là một Quy tắc của Peterson, còn đến 11 Quy tắc nữa, hẳn là sẽ còn nhiều những chiều kích suy tư sâu sắc khác từ ông. Đây là một quyển sách cần nên có mặt ngay trong tủ sách của các độc giả đam mê về những vấn đề xã hội, hay cần đến những ý tưởng giúp cho việc đả thông những uẩn khúc trong nội tâm hãy còn bị mắc kẹt. Hoặc, ta có thể tiếp thu lấy những điểm cụ thể hơn, và tôi nghĩ đây là điểm đáng học hỏi từ tác giả, đó là sự diễn đạt những thứ vốn rất khó có thể diễn đạt, bằng những ngôn từ giản dị.
Hoàn toàn không bất ngờ khi tôi biết rằng có một quyển sách của Jordan Peterson đã bán được đến 4 triệu bản và được dịch sang 50 thứ tiếng khác nhau!