VÙNG AN TOÀN: " Nơi mà ta không an toàn."
Vùng an toàn: "Nơi mà ta không an toàn."
Gen Z – một thế hệ sinh ra giữa sự phát triển của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giữa bước chuyển mình của xã hội. Và khi những người trải nghiệm đời đầu của bước chuyển mình đó là những bậc phụ huynh, thì Gen Z lại có thêm nền tảng, kiến thức, cũng như thông tin, để chuẩn bị cho sự phát triển toàn diện của bản thân. Nhưng sự thật là chính những nền tảng đó đã tạo ra những “vùng an toàn” xung quanh thế hệ trẻ, khi được sống trong sự bảo bọc của gia đình, khi những sự bứt phá, sáng tạo hay thử một điều gì hoàn toàn mới là quá nguy hiểm, khi nỗi sợ cái mới được nuôi lớn rồi con người ta dần quen với cái thoải mái của cuộc sống êm dịu và mọi lo lắng, sợ hãi sẽ giảm đến mức tối thiểu. Đó chính là lúc hồi chuông cảnh tỉnh vang lên, báo hiệu cho một con người, một bộ não trí tuệ, một tài năng ở lĩnh vực nào đó đang dần héo mòn.
Mỗi khi nhắc đến vùng an toàn tôi lại nhớ đến hội chứng “ếch luộc”, cụm từ chỉ về việc một con ếch sẽ từ từ chết khi bị luộc trong nồi. Khi ta tăng nhiệt độ một cách từ từ mà không đột ngột để nó không phản ứng nhảy ra khỏi nồi nước sôi mặc dù không hề có nắp đậy hoặc trở ngại. Chính vì sự chủ quan và xem mình đang quá an toàn trong chính chiếc hộp của mình nên nó bị “luộc chín” lúc nào không hay. Hội chứng ếch luộc dùng để ám chỉ những người ngại phải thay đổi bản thân, ngại phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình để chinh phục và khám phá những điều mới mẻ. Đợi đến khi nhận ra được điều này thì đã không còn cơ hội được tự do khám phá chính bản thân mình nữa.
Thời đại của kỉ nguyên số, nhiều bạn trẻ lại chọn trở thành một con “ếch luộc”, xây dựng cho mình một kế hoạch cuộc đời cứng nhắc, khuôn khổ. Bằng chứng là những bạn sinh viên chọn cách chỉ đến lớp nghe giảng chăm chỉ rồi về kí túc xá và việc này cứ lặp đi lặp lại như một thời khoá biểu định sẵn và không thể thay đổi. Các bạn quên mất những trải nghiệm mà chỉ thời sinh viên mới có được, quên mất là khi rời khỏi vòng tay cha mẹ thì các bạn chính là người quyết định và cũng quên luôn tuổi trẻ là những lần thay đổi, thử, sai và sửa sai.
Chắc hẳn nhiều bạn cũng nghĩ rằng “Liệu có thật sự cần thiết khi nhảy ra khỏi vùng an toàn? hay Tại sao cứ phải xô bồ với cuộc đời trong khi mình có thể hài lòng với những gì đang có?” Nhưng cuộc sống luôn luôn thay đổi và không bao giờ màu hồng đồng nghĩa là vùng an toàn cũng sẽ đến lúc không còn an toàn nữa. Luôn trong tâm thế tiến lên và linh hoạt thay đổi sẽ là cách giúp cho bạn trụ vững và không bị loại khỏi cuộc chơi mỗi lần xã hội thanh lọc. Giới hạn bản than cũng sẽ gián tiếp đập chết ước mơ, khả năng cũng như cơ hội của chính bạn để trải nghiệm, phát triển và học tập.
Thật ra mỗi người đều tạo cho mình một vùng an toàn riêng, nơi mà chúng ta không phải đối mặt với quá nhiều chướng ngại vật, thoải mái và không quá nhiều mối lo toan. Thế nhưng, nó sẽ không phát huy hết khả năng của bạn, kìm hãm sự phát triển của bạn, khiến bạn trở thành một người chỉ biết an phận và luôn sợ thất bại. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bao giờ tiến lên và bị mắc kẹt trong chính vùng an toàn của mình. Nếu ở quá lâu ngày trong vùng an toàn của mình thì đến một lúc nào đó bạn sẽ trở thành những người thụt lùi với xã hội.
Vì vậy điều bạn cần làm tiếp theo là can đảm để chuyển hóa từ suy nghĩ sang hành động. Mạnh mẽ và can trường để chinh phục những thử thách phía trước, một cuộc sống mới và ý nghĩa hơn sẽ là của bạn nếu bạn dám bước khỏi vùng an toàn. Mặc dù chắc chắn sẽ có những khó khăn ở bước đầu, cảm giác rơi vào trạng thái sợ hãi và lo lắng sẽ làm bạn chùn bước nhưng trên tất cả hãy nhớ lại lý do bạn bắt đầu. Bạn muốn thành công, muốn tìm hiểu và phát triển bản than, muốn thay đổi hay chỉ đơn giản là muốn thoả mãn trí tò mò của bạn. Dù là gì thì cũng hay tìm cho mình một lý do đủ lớn để bắt đầu.
Tuy bước ra khỏi vùng an toàn là tốt nhưng bạn không thể nhảy ngay ra được nếu không muốn mắc hội chứng “rối loạn stress sau sang chấn”, nó xảy ra khi cơ thể của bạn không đáp ứng được với những thay đổi đột ngột của môi trường và đáp trả lại thay đổi là những tổn thương về tâm lý như là sự bảo vệ của não bộ. Điều này rất dễ khiến cho bạn thất bại và từ đó không muốn thử cái gì mới nữa. Như một cái cây muốn đơm hoa kết trái thì cần thời gian tưới nước bón phân, con người muốn thành công thì cần phải chuẩn bị và đi từng bước nhỏ kiên trì.
Chuẩn bị tinh thần thật tốt và thay đổi từ những thứ nhỏ nhất có lẽ sẽ tạo cho bạn một khởi đầu thuận lợi. Hãy chọn đi xe bus thay vì đi grab, hãy chọn bạc xỉu thay vì trà đào cam sả. Từng bước nhỏ cũng sẽ khiến tinh thần bạn tốt lên mỗi ngày. Tin tưởng vào bản thân, vạch rõ chiến lược và mục tiêu, và thoả sưc sáng tạo. Bạn sẽ làm được thôi!
“Muốn ngồi vào vị trí mà không ai ngồi được, phải chịu được cảm giác mà không ai chịu được”. Vì vậy hãy vượt qua giới hạn của bản thân, làm những thứ người khác không thể để rồi nhận ra những giá trị tuyệt vời của cuộc sống.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất