(Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ)
1. Vũ Nương có phải là hình tượng người phụ nữ lí tưởng trong xã hội phong kiến?
Về truyện "Chuyện người con gái Nam Xương", có ý kiến cho rằng nhân vật Vũ Nương là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình (Sách giáo viên Ngữ văn 9- tập1- Nhà xuất bản Giáo dục do giáo sư Nguyễn Khắc Phi làm Tổng chủ biên); tác giả đã khắc họa được một cách hoàn thiện vẻ đẹp hình tượng nhân vật Vũ Nương bởi nàng hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam theo quan điểm nho giáo.(Sách Một số kiến thức- kĩ năng và bài tập nâng cao Ngữ văn 9, tác giả Nguyễn Thị Mai Hoa, Đinh Chí Sáng- Nhà xuất bản Giáo dục). Ở góc độ người tiếp nhận, ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp truyền thống trong tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương (Sách giáo viên Ngữ văn 9- tập1- Nhà xuất bản Giáo dục) theo quan điểm nho giáo hay không? Nếu có thì ở mức độ nào?
Trong quan điểm nho giáo, chuẩn mực vẻ đẹp người phụ nữ đó là công, dung, ngôn, hạnh. Với Vũ Nương, điều dễ nhận thấy nhất ở nàng là chữ công, biểu hiện tình thương yêu, trách nhiệm của nàng dâu hiếu thảo trong việc nuôi con nhỏ và chăm sóc mẹ chồng chu đáo lúc đau ốm khi chàng Trương đi xa. Mẹ chồng mất, nàng đã lo liệu ma chay trọn vẹn. Nhưng xem ra việc thể hiện chữ công như vậy cũng chẳng có gì là khó khi nàng có ý thức nương tựa nhà giàu, không phải đối mặt với sự thiếu thốn về vật chất. So sánh những người phụ nữ khác cùng hoàn cảnh như nàng, đạt được chữ công là cả vấn đề phức tạp và khó khăn, đòi hỏi một sự hy sinh rất lớn, thậm chí cả tính mạng của mình. Ca dao đã mượn hình ảnh con cò để nói lên nỗi gian khó kiếm miếng ăn nuôi con, nuôi mẹ:
"Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng".
Người phụ nữ gánh trên vai cả một nội nước lo toan để chồng yên tâm nơi chiến trận. Cuộc sống của họ lận đận lần bữa, một mình lẻ loi cô độc lên thác xuống ghềnh giữa không gian rộng lớn với bao nguy hiểm luôn rình rập. Ban đêm mò mẫm kiếm ăn, trong hoàn cảnh éo le lộn cổ xuống ao, nguy hiểm đến tính mạng. Cũng phận làm dâu, chữ công còn lớn gấp bội nàng khi những tấm gương như Xuân Đào (Sân khấu Nhà hát tuồng Việt Nam), Thoại Khanh (Truyện nôm Tống Trân Cúc Hoa) đã sẵn sàng cắt thịt nuôi mẹ chồng khi không tìm kiếm nổi miếng ăn. Xa hơn nữa, trong điển tích Trung Quốc, tận cùng túng đói, khốn cùng, Quách Cự bàn vợ và họ đã thuận tình chôn con dành miếng ăn cho mẹ. Đặt bên cạnh họ, chữ công của Vũ Nương quá đỗi bình thường.
Nói về chữ dung, chỉ bằng nét chấm phá ước lệ ta cũng thấy được tạo hóa đã ưu ái cho nàng. Với vẻ đẹp nổi trội trời cho và đấng sinh thành chăm chút nấng nuôi, đáng ra dung nhan ấy, nàng sẽ tô điểm cho sắc màu cuộc sống đẹp đẽ hơn trong niềm tự hào của cha mẹ, chồng con. Nhưng trái lại, nàng đã lựa chọn con đường giải thoát gieo mình xuống sông tự vẫn, đem lại nỗi đớn đau cho đấng sinh thành khi đeo đẳng tội nghiệp chướng tối kị theo quan niệm dân gian. Người đời đã tôn thờ, ngưỡng mộ vẻ đẹp của nàng; còn nàng, nàng không biết nâng niu, trân trọng, bảo tồn món quà tạo hóa ban tặng mà đã chối bỏ một cách nghiệt ngã khi vẫn có thể tìm lối thoát trong bế tắc, đó là vòng tay ôm ấp, chở che của hàng xóm, láng giềng. Vậy ra, chữ dung của nàng cũng thật nhạt nhẽo, chẳng đáng gì mà nói.
Trong chuẩn mực công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ phong kiến, chữ ngôn vừa thể hiện sự khéo léo, tài năng, cũng là một phần của vẻ đẹp tâm hồn. Nàng đã bộc lộ chữ ngôn của mình một cách mềm mại, khéo léo nhất nhưng chỉ trong yên ả cuộc sống. Còn trước biến cố cuộc đời, chữ ngôn đã vô hiệu hóa khi không đủ sức thuyết phục Trương Sinh. Giá như chàng Trương sâu sắc, ghen tuông ẩn náu theo kiểu đức ông chồng cao siêu có học, chì chiết, bóng gió lạnh lùng vô nguyên cớ thì việc gỡ tháo mới thật nan giải. Đằng này, Trương Sinh đã bộc trực nói thẳng ra nguyên nhân sự giận dữ do ghen tuông, thì việc đối phó hoàn cảnh không hoàn toàn là khó. Ban đầu chàng chỉ la um cho hả giận, nàng đã không im lặng, nhẫn nhục đợi cơn bốc lửa nguôi ngoai để dựa vào thời gian, dù chưa tìm ra ngọn nguồn cơn ghen thì sẽ chứng minh bằng cuộc sống của chính nàng, lẽ nào không lay chuyển tình thế? Trái lại, nàng vội vàng cởi mối nghi ngờ, thúc dồn Trương Sinh hỏi chuyện kia do ai nói , như thế khác nào tự phanh phui mâu thuẫn, tạo cơ hội cho cơn ghen bùng phát. Qua xử sự của nàng, chữ ngôn không những trở nên vô hiệu quả mà còn là yếu tố đưa đẩy cơn giận chàng Trương theo chiều hướng tăng tiến. Anh hùng không qua ải mĩ nhân, trong hai năm đằng đẵng khát khao tình vợ chồng chăn gối, với ưu thế dung nhan trời phú, nếu biết cách khôn ngoan khéo léo, lựa lời mà nói thì cớ chi chàng Trương không mềm lòng? Thế nhưng nàng đã bó tay, bất lực, không biết cách xoa dịu, ứng đối trong lúc cần thiết. Chữ ngôn đưa vào thử thách đầu tiên của cuộc đời, nàng không chứng tỏ được, sao có thể ngợi ca.
Ba yếu tố trên đã làm nên ưu thế người phụ nữ, nhưng cái nết đánh chết cái đẹp, chữ hạnh mới là vẻ đẹp ngầm ẩn trong chiều sâu tâm hồn. Ở hoàn cảnh bình thường, Vũ Nương cũng có đức hạnh trong chăm sóc mẹ chồng già cả, đau yếu; là người vợ chung thủy, khao khát hạnh phúc lứa đôi. Nhưng đối mặt với thử thách, nàng đã không thể hiện được nét đẹp của chữ hạnh mà chỉ thấy một chuỗi nghịch lí qua cách ứng xử của nàng. Người phụ nữ cần đức hi sinh thì nàng lại tỏ ra ích kỉ; đáng nhẫn nhục thì nàng lại hồ đồ nóng vội; nên nhân hậu,vị tha thì nàng lại trói buộc sự vô cảm, lạnh lùng, tàn nhẫn.
Cái chết nàng lựa chọn là một thái độ sống vô trách nhiệm với xóm làng và đặc biệt mẹ chồng nơi chín suối đau đáu một niềm tin vào nàng; với con thơ dại cút côi cần mẹ chăm bẵm và đấng sinh thành khổ đau vì cái chết phũ phàng nàng gieo nên. Trước khi chết, nàng ước nguyện “làm ngọc Mị Nương, cỏ Ngu mĩ” cũng chỉ mong điều tốt cho riêng bản thân mình. Một cái chết không ngoài mục đích minh chứng cho sự tròn trịa của nàng. Qua hành động đủ thấy Vũ Nương là người phụ nữ đầy ích kỉ, không có đức hi sinh
Ích kỉ và không biết nhẫn nhục đã làm con người nàng trở nên khô cứng. Chi tiết nghệ thuật đặc sắc chiếc bóng lúc này đã thể hiện tính hữu hiệu trong việc chứng minh nàng là người phụ nữ thiếu đi chữ nhẫn. Chiếc bóng đã vận vào nàng nỗi oan khiên thì nó cũng trả lại công bằng cho nàng rất nhanh, đó là khoảng thời gian được tính bằng sự nhỏ dại của con thơ chưa biết phân biệt giữa người và bóng. Giá như nàng kiên nhẫn và chờ đợi? Trong hoàn cảnh này, thời gian là thước đo phẩm hạnh, nhưng do vội vã và thiếu hiểu biết triết lí sống dân gian về luật nhân quả, kèm theo ý thức sống nương nhờ, sống ảo nên trước thực tế cuộc sống khi phải đối mặt với thử thách nàng đã không thể nhẫn nhịn để vượt qua. Giá lúc này nàng không vội vàng tìm nguyên nhân trong sự co kéo tay đôi theo cách đổ thêm dầu vào lửa để đẩy cơn giận dữ của Trương Sinh lên đỉnh điểm, nguyên cớ của hành động vũ phu đã đâu phải tìm ra? Mâu thuẫn lên đến tột độ, tại sao lúc này nàng không biết dùng chữ nhẫn chế ngự cơn nóng giận để chồng không có cơ hội gây tai họa? Khi cơn ghen đã đến cao trào của nó, chàng Trương không thể kiểm soát hành động của mình, sao nàng vội vàng đến mức lấy cớ đó, bình tĩnh, chủ động đến với cái chết? Lúc này chẳng phải chữ nhẫn hóa thân thành chữ đức để người đời soi xét? Như thế, rõ ràng cái bóng là nguyên nhân dẫn đến bi kịch; nhưng nếu biết nhẫn nhịn như bao người phụ nữ khác để cứu vãn tình thế thì bi kịch này không dẫn đến nghiêm trọng, không tan nát đến mức thánh thần, trời phật cũng có thể an ủi bù đắp chút ít chứ không cứu lại được. (Giáo sư Nguyễn Đình Chú - Nói thêm về Chuyện người con gái Nam Xương). Chính nàng không có ý thức tự cứu mình thì ai có thể cứu nàng?
Dân gian có bao cảnh đời phụ nữ bế tắc, nhưng họ đã đặt mình trong sự lựa chọn đầy hi sinh. Thị Kính đã tìm cách giải thoát bằng con đường đi tu và hóa thành Phật Bà được nhân dân tôn thờ, ngưỡng mộ; hay như con cò tận cùng bế tắc vẫn nhẫn nhục cầu xin, lựa chọn cái chết trong sạch: 
"Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con...".
Tất cả những điều trên nhằm để cái hậu mai sau con cháu có tiếng thơm, tiếng thảo. Oan khiên như Vũ Nương thế gian này không thiếu, nhưng nóng vội để xử sự theo cách của nàng thì quả thật hiếm có.
Sự ích kỉ, thiếu nhẫn nhịn là nguyên nhân của bi kịch; còn sự vô cảm, lạnh lùng dẫn đến độ tàn nhẫn đã bổ sung hoàn hảo phần khiếm khuyết trong đức hạnh của nàng. Chính nàng đã kiểm soát được hành vi của mình khi bình tĩnh đến mức còn tắm gội chay sạch, kèm theo những lời than phân trần, những ước nguyện tốt đẹp rồi mới gieo mình. Nàng chết để chứng minh sự vô tội của mình đồng thời cảnh báo hành động của Trương Sinh, khác với những cái chết do căng thẳng, ức chế, bức tử, dồn ép. Nàng quả thật táo bạo, vô cảm.
Nguyễn Dữ là cây bút tài ba trong sáng tạo nghệ thuật khi thêm phần li kỳ trong tác phẩm để nàng sống tiếp ở thủy cung với dụng ý bóc trần cái thực của con người Vũ Nương một cách hoàn chỉnh, thống nhất. Mặc dù đã bước sang cõi khác, nhưng trong những lời trò chuyện cùng Phan Lang, ta thấy nàng vẫn còn dai dẳng mối thù hận chàng Trương. Trước sự thuyết phục của Phan Lang, ngỡ nàng đã nguôi lòng khi gửi tín vật cho Trương Sinh để chàng lập đàn đưa Vũ Nương lại chốn nhân gian. Nhưng cuộc trở về nguy nga lộng lẫy, Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông đủ cho người đời nhận thấy trong tiếc nuối rồi nhanh chóng biến mất trước sự ngỡ ngàng, bất ngờ! Sao nàng lại gieo hi vọng cho Trương Sinh và cướp đi niềm hi vọng ấy trong một con người đã biết ân hận, sám hối, chờ đợi, khao khát đúng kiểu của con người? Sao nàng trở về và biến mất để thêm một lần khẳng định sự trong sạch của mình và thêm một lần trừng phạt Trương Sinh? Lạnh lùng đến độ tàn nhẫn! Kiểu đàn bà như nàng chỉ ôm một cái bóng ảo ảnh để khỏa lấp chỗ thiếu vắng tinh thần và sống bằng ý thức nương nhờ nên khi đối mặt với thử thách trong thực tế, không thõa mãn sự tôn thờ (trong quan niệm của nàng), cơn nư nẩy đã trỗi dậy trong lớp vỏ bọc dịu dàng, hiền thục đem lại sự nhầm lẫn cho bao người. Nàng quả là kiểu người phụ nữ với bề ngoài thùy mị nết na nhưng ẩn chứa trong đó một bản tính vô cảm, lạnh lùng đến tàn nhẫn mà đôi khi người đời đã coi đó như một chuẩn mực của đạo đức.
Theo phân tích, nhân vật Vũ Nương vẫn có đầy đủ yếu tố công, dung, ngôn, hạnh nhưng chỉ biểu hiện một cách mờ nhạt trong đời thường phẳng lặng, bình yên. Một cách sống cá biệt khác xa với những người phụ nữ cùng thời đại của nàng. Trong chế độ phong kiến nam quyền lộng hành, họ vẫn cam chịu trước những bi kịch cuộc đời bằng tất cả sự hi sinh, trách nhiệm và ý thức về phẩm giá như câu thơ quặn lòng, xa xót của Hồ Xuân Hương:
"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son."
Cõi nhân gian không có chỗ cho nàng vì đã con người, dù mềm yếu, mỏng manh cũng không thể sống nương nhờ như cây tầm gửi hay theo kiểu ôm ấp ảo ảnh để rồi tuyệt vọng khi cái thực hiển hiện. Là con người ắt có lúc phải đối diện với những thử thách, chông gai của cuộc đời. Điều quan trọng là ta phải chấp nhận nó, phải ứng đối với nó bằng hiện thực của cuộc sống trong sự bảo tồn theo quy luật xã hội, chứ không thể xử sự theo cách của Vũ Nương.
Tìm hiểu truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương, nhìn nhận từ bi kịch, ta thấy những hành động của Vũ Nương là biểu hiện của sự, ích kỉ, lạnh lùng, tàn nhẫn mang tính cá biệt khi đặt nàng trong sự so sánh với người phụ nữ đương thời. Như vậy, nhân vật Vũ Nương soi xét khách quan ở chiều thuận và chiều nghịch của nó trên mọi phương diện, ta có nên coi nàng là người phụ nữ lí tưởng trong xã hội phong kiến theo quan niệm xưa nay hay nên có cách nhìn nhận mới?
2. Một sự cảnh tỉnh trong bi kịch hôn nhân
Càng tìm hiểu câu chuyện, ta càng có cảm giác hứng thú bởi sự sâu sắc của Nguyễn Dữ khi từ cái chết của Vũ Nương đã đưa ra một bức thông điệp nhằm cảnh tỉnh trong bi kịch hôn nhân.
Câu chuyện cổ tích sinh hoạt Vợ chàng Trương phát triển thành  "Chuyện người con gái Nam Xương" là một sáng tạo của Nguyễn Dữ trên nhiều hình thức. Cả hai đều xoay quanh bi kịch Vũ Nương, nhưng ở "Người con gái Nam Xương", ta nhận thấy chiều sâu ở đối tượng phản ánh. Nếu "Vợ chàng Trương" chỉ nêu hiện tượng bi kịch thì "Người con gái Nam Xương" lại thêm những tình tiết, yếu tố bổ sung vừa giải thích, chứng minh và khẳng định bản chất hiện tượng để người đọc chiêm nghiệm.
Từ một câu chuyện cổ tích có nhan đề "Vợ chàng Trương", đối tượng phản ánh ở một phạm vi hẹp mang tính cá thể trong một gia đình, nhưng ở truyện ngắn của mình, qua nhan đề, phải chăng Nguyễn Dữ đã mở rộng phạm vi và đối tượng, đó là chuyện của người con gái Nam Xương? Phải chăng từ một vấn đề của một con người cụ thể đã trở thành chuyện để người đời soi chiếu? Phải chăng không còn là câu chuyện của người phụ nữ trong trong gia đình nữa mà là sự cảnh tỉnh với những người con gái cận kề hôn nhân cần có ý thức và thái độ sống phù hợp khi đang trói buộc trong chế độ phong kiến nam quyền?
Bi kịch Vũ Nương bao đời nay đã trở thành nỗi ám ảnh trong nhận thức của nhiều người. Nhưng nhìn nhận một cách hiện thực nhất, điều trước tiên cần nói là bản thân nàng không hiểu thân phận, không đặt mình trong bối cảnh xã hội đang sống, đó là mỗi cảnh đời phụ nữ gánh chịu một bi kịch của cuộc đời. Trong văn học dân gian cũng như văn học viết trung đại đều đề cập số phận đắng cay của người phụ nữ trên mọi khía cạnh. Từ cung vua phủ chúa đến người nông dân lam lũ, họ đều gánh chịu bi kịch của thân phận, bi kịch của hôn nhân, bi kịch về sự lộng hành gia trưởng nam quyền... Nhà thơ Nguyễn Du, trong kiệt tác "Truyện Kiều" đã viết nên những câu thơ đầy tính khái quát về số phận đớn đau của người phụ nữ phong kiến:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!".
Hầu như người phụ nữ phong kiến đã chấp nhận số phận nghiệt ngã bằng tất cả sự nhẫn nhục, cam chịu và hi sinh. Còn Vũ Nương, trong ý thức sống dựa dẫm, khi đối mặt trước thử thách, nàng đã chạy trốn, muốn thoát li khỏi bể khổ để bảo vệ cho cá nhân của nàng mà không hay nghĩ đến người khác.
Suy cho cùng, thái độ sống dựa dẫm cùng sự ích kỉ đã làm nên bi kịch của chính cuộc đời nàng. Nếu nàng không vịn vào cái bóng để bù lấp chỗ trống khi chồng đi xa thì liệu có sự hiểu lầm của Trương Sinh hay không? Rồi khi đã sinh ra mâu thuẫn, tại sao nàng không nhẫn nhịn để kiềm chế, trái lại còn giằng co tìm câu trả lời nhanh nhất trong căng thẳng của xung đột và kết cục tìm đến cái chết? Trong trường hợp của nàng, nếu một người phụ nữ khác biết sống cam chịu, hi sinh và nhẫn nhục thì vẫn có thể hạn chế được bi kịch. Hay có thể khi tận cùng của bế tắc vẫn không tìm lối thoát bằng tự vẫn mà tìm hình thức khác như Thị Kính chẳng hạn! Người phụ nữ trong xã hội phong kiến nam quyền, hơn ai hết phải ý thức về thân phận, đồng thời truyền dạy cho thế hệ sau những kinh nghiệm, vốn sống để hạn chế bi kịch chủ quan và khéo léo ứng xử trước bi kịch khách quan. Vậy chẳng phải bi kịch Vũ Nương chính là sự cảnh tỉnh trong bi kịch hôn nhân hay sao?
Xung quanh bi kịch Vũ Nương đã được người đời luận bàn rất nhiều. Yếu tố khách quan đầu tiên để người đời coi như cái cớ để vin vào là do chiến tranh đã tạo nên khoảng trống không gian và thời gian làm nên sự hiểu lầm, nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của nàng. Lịch sử xã hội phong kiến, chiến tranh liên miên chống ngoại xâm hay trong nội lòng của nó, đâu chỉ mình Trương Sinh đi trận, đâu chỉ mình Vũ Nương sống cảnh gối chiếc chăn đơn! Cái bóng xen vào trong li tán là ngọn nguồn sự hiểu lầm dẫn đến ghen tuông, nhưng nó không có tội khi Vũ Nương đã tự mượn nó để đánh lừa con, đánh lừa hạnh phúc chính bản thân mình. Mỗi người có một cái bóng của chính mình nhưng ngoài nàng ra thử hỏi có ai nương vào cái bóng để đánh lừa cảm giác theo cách ấy? Nếu ai cũng như nàng, khi chồng đi lính, vin vào cái bóng rồi xử sự kiểu nàng thì thất thoát về số lượng con người còn lớn hơn so với cuộc chiến! Nàng dùng chiếc bóng để khỏa lấp khoảng trống thời gian, không gian thực bằng ảo ảnh phi thực cũng có nghĩa nàng không dám đón nhận thực tế cuộc sống đời thường ở mặt thực tiễn của nó. Khi chuyện xảy ra, nàng xử lí theo cách của phận nương nhờ, của cuộc sống ảo, không bằng ý thức giải quyết mâu thuẫn trong thực tế nhằm duy trì cuộc sống. Vì thế, nàng đã sụp đổ, tuyệt vọng ngay khi cái thực cuộc sống chớm đến. Mà cái thực cuộc sống thì luôn luôn xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi chứ đâu chỉ trong xa cách chiến tranh. Cuộc sống đời thường, dù vợ chồng kề cạnh thì những hiểu lầm, những mâu thuẫn xung đột bất ngờ vẫn luôn xảy ra do yếu tố khách quan và cả chủ quan, chứ đâu phải xa nhau mới sinh ra, như Ô Ten Lô - một nhân vật trong vở kịch nổi tiếng của Sêchx- Pia chẳng hạn. Như vậy, với trường hợp Vũ Nương, ta có thể loại trừ cái chết của nàng là do chiến tranh.
Vậy có phải Trương Sinh đã đẩy nàng đến cảnh tuyệt tận hay không?
Trương Sinh đã có hành vi thô bạo đối với Vũ Nương khi không tìm hiểu, suy xét và thiếu niềm tin vào nàng. Điều đó thật đáng trách nhưng cũng có thể cảm thông bởi nó xuất phát từ căn nguyên rất thật của con người, đặc biệt với đàn ông, đó là ghen. Mà cơn ghen của chàng cũng thật có lí. Từ lời con trẻ: có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả. Xa nhà hai năm, nếu trong hoàn cảnh này, làm chồng không ghen mới là điều bất thường. Về nhân vật Trương Sinh, ta nên nhìn chàng với cái nhìn phóng khoáng hơn, bởi chàng đã sinh ra, tồn tại, hành xử trong cái thật nhất của con người đó là có sai, có đúng, có ân hận, có khao khát, có trước, có sau. Cơn ghen bắt đầu la um cho hả giận, sau đó đến mắng nhiếc rồi đuổi đi. Nếu nàng nhẫn nhịn, khéo léo xử sự để tháo gỡ trước những khúc mắc của cuộc đời thì chắc sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Mà Vũ Nương cũng thật cạn nghĩ, ngoài cơn ghen do hiểu lầm đem lại tổn thương cho nàng trong thời điểm hiện tại, nàng đã có những lợi thế khác mà trong xã hội của nàng mấy ai có được. Đó là Trương Sinh xuất thân con nhà hào phú, giàu sang và có thế lực. Mẫu thân chàng là người hiểu biết trong việc đánh giá mặt ưu điểm của Vũ Nương. Đặc biệt bà đã xóa nhòa quan niệm môn đăng hộ đối, biết tạo sự gần gũi mẹ chồng nàng dâu là điều hiếm thấy trong xã hội phong kiến bấy giờ. Còn bản thân Trương Sinh đã chọn lựa Vũ Nương bởi mến vì dung hạnh, chàng đã biết đặt cái đẹp hình thức bên cạnh cái đẹp đức hạnh, cũng đủ thấy chàng không hề dại dột. Như thế, dù không học thì chàng vẫn thuộc con nhà dòng giống ở mặt ưu thế nhất. Nếu Vũ Nương biết xử sự đúng mực, biết nhẫn nhục, hi sinh, chờ đợi cơn bão tố qua đi thì nàng quả là người may mắn. Những biến cố xung đột do ghen tuông như thế hẳn không thiếu trong mỗi gia đình. Dù không có lợi thế như nàng, nhưng để bảo tồn cuộc sống, ít ai xử sự theo kiểu của nàng.
Nói đến hành động vũ phu của Trương Sinh, vậy tại sao thường ngày nàng vẫn khéo léo, dịu dàng trong ăn nói, nhưng lúc xảy ra chuyện, nàng không vận dụng vào thực tế để kiềm tỏa chồng? Mà Trương Sinh, chàng cũng có nhiều ưu điểm như ân hận tìm vớt thây nàng dù đang trong giận dữ chưa hiểu trắng đen, ôm nỗi đau khi biết nàng oan trái, khao khát chờ đợi nàng...Như thế đâu phải Trương Sinh vô cảm đến mức không thể thuyết phục. Sự hiểu lầm dẫn đến bi kịch bắt đầu từ cái bóng, mà cái bóng chẳng phải là yếu tố chủ quan do nàng tạo nên hay sao? Rồi nàng vội vã đến với cái chết trong lúc vẫn có lối thoát khác. Nếu một phụ nữ khác đặt trong hoàn cảnh nàng sẽ không có kết thúc bi thảm. Như thế, cái chết này có liên quan đến Trương Sinh chứ không phải Trương Sinh tước đoạt cuộc sống của nàng. Loại trừ yếu tố khách quanh, cái chết của Vũ Nương hoàn toàn thuộc về chủ quan của chính bản thân nàng. Từ cái chết này giúp ta nhận thức hơn về cuộc sống. Cha ông đã nhìn nhận người phụ nữ ở góc độ đầy cảm thông, thấu hiểu:
"Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân".
Trong chế độ nam quyền, người phụ nữ vốn đã rất đau khổ khi phải sống lệ thuộc hoàn cảnh. Nhưng còn khổ đau hơn nữa trong sự hiểu lầm ghen tuông vì đối với ghen tuông, người khôn hay người phàm đôi khi không có ranh giới. Làm người phụ nữ, người vợ, trong căng thẳng xung đột biết biến chữ nhẫn thành chữ đức như một sự hi sinh.
Tất cả bi kịch của cuộc sống, bi kịch ghen tuông vẫn dễ cảm thông nhất. Dù ở hình thức này hay hình thức khác thì ghen tuông là mặt hạn chế của con người trong mọi thời đại, như một câu chuyện muôn thuở, mãi mãi không có đáp án, dù bạn là người thông minh nhất!
Tác giả: Phan Thị Thanh Thuỷ 
(Hà Tĩnh)
Cảm nhận nỗi oan khuất của Vũ Nương - Văn mẫu lớp 9