Với tôi, hiện tượng vô cảm trong xã hội là điều tất yếu xẩy ra! Nghe thì có vẻ không đúng với giá trị nhân văn cho lắm nhưng tôi nghĩ nếu xét về giá trị nhân bản thì có phần hợp lí. Trong bài viết này, tôi sẽ nói rõ hơn về nguyên nhân "tất yếu" khiến người ta vô cảm.
Đối tượng tôi hướng đến ở đây là những người có ý thức về lẽ sống còn những đối tượng tội phạm, giết người, máu lạnh, tôi không nói đến. Theo quan điểm của tôi, tất thảy mọi sự xẩy ra đều có lí do của nó cả. Có khi nào bạn tự hỏi bản thân, bạn có phải là người vô cảm hay không? Nếu tôi đặt ra câu hỏi đó cho chính mình và trả lời theo đúng lương tâm thì tôi là người vô cảm. Mọi người đều cho rằng, vô cảm giống như một căn bệnh nan y khó chữa, truyền từ người này sang người khác,... người ta vô cảm vì bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống hiện tại, và có lời kêu gọi mọi người hãy sống chậm đi và yêu thương nhiều hơn,.... Nhưng tôi lại có suy nghĩ hơi sâu sâu hơn về vấn đề này một chút. Đã là con người, thì cho dù phần Con nhiều hơn phần Người hay phần Người nhiều hơn phần Con, tất thảy đều có trái tim, đều có suy nghĩ và lòng thương người. Có thể vì người ta sống nhanh mà quên đi mọi sự đang diễn ra xung quanh, nhưng nếu thấy người khác gặp nạn, thì tôi nghĩ cũng chẳng ai "máu lạnh" đến nổi ngó lơ. Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nỗi sợ hãi và trách nhiệm. Không đâu xa, tôi sẽ lấy một ví dụ như trường hợp của anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, trú ở phố Chẹm, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), khi thấy có một cô gái bị tai nạn gần nhà, anh vội gọi taxi và đưa cô gái vào bệnh viện. Hành động đó là một nghĩa cử rất cao đẹp của anh Sơn. Nhưng rốt cục, anh nhận lại được gì từ người thân của nạn nhân? Không phải là lòng biết ơn, không phải là những lời cảm tạ ân cứu mạng mà đó là những nhát dao độc ác, khiến anh phải nhập viện trong sự hoang mang, khó hiểu, uất ức. Và điều quan trọng ở đây không phải là anh Sơn có tha thứ cho người nhà cô gái hay không mà là sau này, nếu anh chứng kiến một vụ tai nạn nào đó, liệu anh có còn cứu giúp nạn nhân hay không, những người chứng kiến vụ việc của anh Sơn đó có dám đánh cược sự an nguy của họ vào lòng tốt họ dành cho người khác hay không? Nếu câu trả lời là không, thì họ đã trở thành người vô cảm, còn câu trả lời là có, tôi nghĩ còn mơ hồ lắm. 
Gần đây, bộ phim "Hope" của Hàn Quốc lấy đi không biết bao nhiêu là nước mắt của độc giả, trong đó có tôi. Khi xem xong bộ phim này, tôi lại có suy nghĩ liên quan đến sự vô cảm. Sự vô cảm khách quan của Pháp luật! Pháp luật, chỉ cần có bằng chứng, thì mọi tội ác cũng sẽ trở thành sự vô can. Và sự vô cảm sâu thẳm nhất tôi nhận thấy trong bộ phim đó là câu nói và cũng là suy nghĩ của mẹ bé Hope. Vì cô ấy cảm thấy số phận quá nhẫn tâm với con gái mình, cô lo ngại một mai bé Hope lớn lên, sẽ tự ti, sợ sệt, sẽ bị xã hội dèm pha, nên cô ấy đã có suy nghĩ rất "con", cô muốn tất cả những đứa trẻ trên thế giới này đều bị hãm hại như con gái của cô vậy, để họ thấm thía nỗi đau bị dày vò. Thật nguy hiểm! Tôi lại tưởng tượng ra đoạn phim sẽ kéo dài thêm vài phút, và trong đoạn phim đó, mẹ bé Hope chứng kiến một vụ ấu dâm, cô sẽ đứng yên, mặc cho đứa bé kia có cầu cứu hay vang nài đến tuyệt vọng. Đó có phải là vô cảm không? Sự im lặng đó có phải là vô cảm không? Đó không những là vô cảm, mà còn là tội ác. 
Con người, khi sinh ra, trái tim của bất kì ai cũng ấm nóng. Vô cảm chưa bao giờ được y khoa chứng nhận là căn bệnh tự phát trong cơ thể con người cả. Nó xuất phát từ sự sơ hở, những mối sợ hãi mà lương tâm cho phép lí trí và trái tim vô cảm. Tất nhiên, trong thời đại công nghệ số hiện nay, sự vô cảm tỉ lệ thuận với tốc độ sống vội vã và nó tăng nhanh một cách chóng mặt. Nhưng tôi nghĩ, con người khác với robot ở cái nhận thức. Con người không đến nỗi vô cảm với nhau một cách tàn nhẫn đâu. Nhưng sự vô cảm như đã trở thành tư tưởng, đơn giản vì đám đông vô cảm thì họ cũng vô cảm, vậy thôi.